Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm tới báo chí. Người coi báo chí là phương tiện vận động, tập hợp lực lượng cách mạng một cách hiệu quả nhất. Từ năm 1922 đến khi trở về nước (tháng 1 năm 1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập, tổ chức nội dung, trình bày và phát hành nhiều tờ báo cách mạng, trong số đó không thể không nhắc tới báo Thân Ái - một tờ báo ra đời tại Thái Lan trong những năm 1928-1930 và gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh.
Báo Thân Ái, số 4 ra ngày 15-11-1928, cơ quan ngôn luận của Hội Thân ái,
chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Việt kiều ở Thái Lan, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, năm 1928 (ảnh: BTLSQG)
Thái Lan nơi có nhiều Việt kiều sinh sống, phần đông là nông dân, thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ. Cho tới cuối những năm 20 của thế kỷ XX, Việt kiều ở Thái Lan có khoảng 5 vạn người. Họ sống quần tụ thành làng xóm ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã cử một số đồng chí như Võ Mai, Nguyễn Tài, Đặng Văn Cáp, Hồ Tùng Mậu… sang gây dựng cơ sở ở Thái Lan, thành lập chi bộ thanh niên đầu tiên ở Phì Chịt, sau đó phát triển ra ở Nakhôn, Uđon, Sakhôn,...
Báo Thân Ái số 35 phát hành vào tháng 3-1930 (ảnh: BTLSQG)
Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Việt kiều ở Thái Lan được tổ chức theo hai hình thức chủ yếu đó là Hội Hợp tác và Hội Thân ái.
Hội Thân ái, là một tổ chức quần chúng rộng rãi của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mục đích đoàn kết Việt kiều và đoàn kết giữa người Việt với người Thái; nhắc nhở kiều bào yêu Tổ quốc và giúp kiều bào học chữ quốc ngữ. Cuối năm 1926, tờ báo Đồng Thanh – Cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Thái Lan ra đời, báo chữ Quốc ngữ dành cho người Việt Nam đầu tiên tại đây. Tờ báo in thô trên khuôn thạch, phát hành bằng cách nhân bản sao chép tay rồi chuyển tới người có trách nhiệm đọc cho bà con Việt kiều nghe.
Tháng 7/1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Thái Lan, trong thời gian hoạt động ở đây Người đã tích cực tuyên truyền, vận động, xây dựng cơ sở cách mạng và gây ảnh hưởng về trong nước. Người đã mở các lớp huấn luyện ngắn hạn cho các hội viên chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên; chọn dịch một số sách sang tiếng Việt; chỉ đạo xuất bản báo để tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ tinh thần yêu nước của Việt kiều; chỉ đạo mở trường dạy học cho con em Việt kiều..v.v... Người góp ý phương châm, phương pháp nâng chất lượng tờ báo Đồng Thanh cho phù hợp với đối tượng tuyên truyền, tình thế cách mạng lúc bấy giờ. Người đề nghị đổi tên báo Đồng Thanh thành báo Thân Ái cho phù hợp với hình thức hoạt động công khai của Hội Thân ái. Bài viết cần ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, lời văn hợp với ngôn ngữ giao tiếp thường ngày của bà con người Việt, người Hoa, người Thái. Mục đích của báo Thân Ái là đoàn kết giúp nhau ổn định đời sống, xóa nạn mù chữ, sẵn sàng ủng hộ cách mạng, tham gia công tác đoàn thể giao, giữ bí mật tổ chức, bảo vệ cán bộ.
Về hình thức báo Thân Ái có 2 trang , kích thước 38,5 x 53,5cm. Trên mặt báo sử dụng chữ Việt rất linh hoạt, dùng chữ Z thay cho chữ D, chữ K thay cho chữ C, chữ F thay cho chữ Ph, chữ J hoặc chữ Z thay cho chữ Gi. Góc bên phải trên cùng của tờ báo là các câu thơ động viên tinh thần yêu nước, như: Nhiễu điều phủ lấy zá gương; Người chung một nước thì thương nhau kùng.
Báo Thân Ái số 38 phát hành năm 1930 (ảnh: BTLSQG)
Hầu như tất cả các số báo đều có các mục: Tin tức; Tự do diễn đàn; Giúp đỡ học vấn; Phụ nữ đàm; Văn uyển.... với nội dung cung cấp các thông tin quí báu và rất dễ hiểu về lịch sử đấu tranh của dân tộc, về phương pháp cách mạng, về kinh nghiệm hoạt động bí mật.... Với cách viết theo kiểu kể chuyện đơn giản, dễ hiểu, các bài đăng trên báo Thân Ái lời lẽ giản dị, nhưng xúc tích, hàm chứa nhiều ý nghĩa vừa gợi mở, vừa giáo dục tuyên truyền cho đồng bào ta đang sinh sống, làm ăn ở Thái Lan về tinh thần tương thân tương ái, tinh thần yêu nước thương nòi, lòng căm thù giặc ngoại xâm.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ và phát huy giá trị bốn số báo Thân Ái, đó là số 4 phát hành vào năm 1928 và các số 33-35-38 phát hành vào đầu năm 1930.
Thu Nhuần