Địch ở Bến Tre cũng không mạnh như ở Tây Ninh. Ở đây không có lực lượng chủ lực, chỉ có quân địa phương đóng ở thị xã, quận lỵ và lực lượng dân vệ xã. Xuất phát từ đặc điểm, tình hình địa phương, trên cơ sở phân tích đúng đắn những thuận lợi, khó khăn, đánh giá đúng tương quan lực lượng địch – ta, tỉnh ủy Bến Tre quyết định chọn phương thức đồng khởi bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu. Chọn phương thức này, Bến Tre đã tận dụng được lợi thế của chiến trường sông nước, địch khó huy động lực lượng lớn đối phó trên diện rộng. Mặt khác, bằng cách này, tỉnh huy động được sức mạnh tiềm tàng là lực lượng quần chúng đánh vào chỗ yếu nhất của địch. Cũng bằng cách này, tỉnh khắc phục được hạn chế là chưa có lực lượng vũ trang tập trung. Với chủ trương và cách thức đồng khởi phù hợp, Bến Tre đã thành công trở thành một trong những mẫu hình đồng khởi tiêu biểu ở đồng bằng sông Cửu Long.
“Đội quân tóc dài” biểu tình trong phong trào Đồng khởi năm 1960
Khác với Bến Tre, Tây Ninh có địa thế đồng bằng xen kẽ rừng núi, mặc dù núi không nhiều và cũng không cao lắm, ngoại trừ núi Bà Đen cao nhất Nam Bộ cũng chỉ 986m, nhưng rừng ở Tây Ninh lại chiếm tới 2/3 diện tích toàn tỉnh. Ngoài rừng già cây to rậm rạp dọc biên giới Campuchia, Tây Ninh còn có rừng chồi, và rừng cao su bao bọc xen giữa các vùng đông dân trong khắp tỉnh. Tây Ninh không phải xứ đất bồi như Bến Tre, sông ngòi, kênh rạch cũng không nhiều như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Với địa thế như vậy, Tây Ninh rất thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang tập trung. Trong kháng chiến chống Pháp, Tây Ninh đã từng là chiến khu. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tây Ninh vẫn được Trung ương Cục chọn làm căn cứ. Địch cũng thừa nhận đây là Thủ đô kháng chiến ở miền Nam. Nhờ có địa thế thuận lợi, Tây Ninh là một trong những nơi lực lượng vũ trang ra đời sớm nhất Nam Bộ. Trước đồng khởi, Tây Ninh có một đại đội vũ trang tập trung. Ngoài lực lượng của tỉnh, ở đây còn có các đơn vị vũ trang của Bộ Tư lệnh Miền (4 đại đội).
Súng gỗ, nhân dân ấp Định Hưng (Bến Tre) tự tạo và dùng trong Đồng Khởi, năm 1960
Lực lượng địch ở Tây Ninh khá mạnh. Ngoài quân địa phương, chúng bố trí ở Tây Ninh một trung đoàn chủ lực (Trung đoàn 32) và Chỉ huy sở Sư đoàn 21. Địa thế Tây Ninh không bị chia cắt như Bến Tre, vì vậy địch có thể đóng quân tập trung và khi cần chúng có thể cơ động lực lượng lớn, phát huy hiệu lực của các loại vũ khí và phượng tiện chiến tranh hiện đại để đè bẹp các cuộc nổi dậy của quần chúng. Với đặc điểm chiến trường và so sánh tương quan lực lượng ta- địch như đã nêu, nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, nơi có lực lượng vũ trang khá mạnh, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo Ban quân sự Liên tỉnh miền Đông Nam Bộ đẩy mạnh hoạt động vũ trang, đánh một trận lớn thôi động toàn Miền, thúc đẩy quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở nông thôn. Phương án lựa chọn là đánh căn cứ Tua Hai. Trận đánh thành công vang dội làm quân địch hoang mang. Nhân đà này, nhân dân vùng dậy diệt ác phá kim giải phóng xã ấp. Tây Ninh trở thành mẫu hình của loại hình đồng khởi bắt đầu từ tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng.
Không chỉ có các loại hình đồng khởi tiêu biểu như Bến tre, Tây Ninh, có thể nói mỗi địa phương, tùy điều kiện cụ thể của mình mà có cách thức đồng khởi khác nhau. Như Bình Thuận chẳng hạn, cũng bắt đầu từ tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng, song đồng khởi ở đây lại không hoàn toàn giống Tây Ninh.
Mõ, nhân dân xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, Bến Tre dùng trong Đồng Khởi,
năm 1960
Bình Thuận là một chiến trường đất rộng, người thưa, núi rừng hiểm trở, là cầu nối Nam Trung Bộ với miền Đông Nam Bộ. Với ta đây là địa bàn xây dựng căn cứ địa rất thuận lợi nên Liên Khu ủy Khu 5 và Ban cán sự Liên tỉnh 3 đã chủ trương xây dựng Bình Thuận thành căn cứ địa miền núi làm bàn đạp phát triển lên Nam Tây Nguyên và mở phong trào xuống đồng bằng. Với địch, đây là vành đai phòng thủ phía Bắc Sài Gòn. Vì thế chúng muốn xóa sạch cơ sở cách mạng ở đây. Bằng các chiến dịch lừa bịp mà chúng gọi là “Thượng du vận”, địch đã dồn hết dân vào các Khu dinh điền. Muốn xây dựng căn cứ phải phá Khu dinh điền đưa dân về bản làng cũ làm ăn sinh sống. Khu dinh điền Bắc Ruộng địch xây dựng ngay sát với quận lỵ Hoài Đức. Vì vậy để phá Khu dinh điền, ta phải đánh quận lỵ trước. Trận Hoài Đức - Bắc Ruộng diễn ra trong bối cảnh như vậy và nó trở thành điểm đột phá đầu tiên cho phong trào đồng khởi ở Bình Thuận và các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Mặc dù trận đánh gây tiếng vang lớn, song đây không phải là trận đánh nhằm thối động quân địch để trên cơ sở đó phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền cơ sở như Tây Ninh mà nó chỉ có tính chất như một trận đánh mở đường. Lực lượng chính trị của quần chúng làm nhiệm vụ nổi dậy ở đây cũng không như Bến Tre và Tây Ninh. Đó là quần chúng bị giam giữ trong các khu dinh điền. Họ nổi dậy phá khu tập trung để trở về quê cũ làm ăn sinh sống và xây dựng căn cứ địa cách mạng. Cách làm này của Bình Thuận tỏ ra có hiệu quả và phù hợp với điều kiện của tỉnh nhà cũng như các tỉnh cực Nam Trung Bộ.
Lực lượng du kích xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri anh dũng chiến đấu chống Mỹ- ngụy trong những ngày đầu Đồng khởi ở Bến Tre, năm 1960.
Như vậy mỗi dịa phương mỗi cách đồng khởi khác khác nhau, song dù tiến hành đồng khởi theo phương thức nào thì việc đầu tiên là phải diệt cho được lực lượng quân sự địch đóng tại địa bàn, bởi đây là công cụ chính để bảo vệ chính quyền cơ cở của chúng. Điểm khác cơ bản của các phương thức đồng khởi ở các địa phương là mức độ sử dụng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang,thậm chí cả binh địch vận như thế nào cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương mình. Chính điều này đã tạo nên bức tranh đồng khởi ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ phong phú, đa dạng và sinh động. Thắng lợi của đồng khởi vì thế ở mỗi địa phương đạt được cũng không hoàn toàn như nhau, có nơi giành được thắng lợi lớn, có nơi đạt kết quả vừa phải, thậm chí có nơi đồng khởi không thành công.
3.Đồng khởi ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ vừa mang đặc trưng của khởi nghĩa nói chung, đồng thời nó có đặc thù riêng.
Đồng khởi ở miền Nam nói chung, ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ nói riêng “thực chất là cao trào khởi nghĩa của quần chúng, bao gồm những cuộc khởi nghĩa từng phần để giành thế mạnh về chính trị, xây dựng một hình thức chính quyền ở thôn xã, hình thành bước đầu lực lượng vũ trang của nhân dân “(1). Nói đến khởi nghĩa là nói đến nổi dậy có tổ chức của đông đảo quần chúng bị áp bức lật đổ ách thống trị của giai cấp bóc lột, giành chính quyền về tay nhân dân. Lực lực lượng quyết định giành thắng lợi cuả khởi nghĩa là lực lượng chính trị của quần chúng, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang. Khởi nghĩa có khi là khởi nghĩa từng phần, cũng có thể nó phát triển thành Tổng khởi nghĩa. Khởi nghĩa từng phần là khởi nghĩa diễn ra ở từng địa phương, từng vùng, giành chính quyền ở cơ sở. Khi khởi nghĩa từng phần diễn ra cùng một lúc ở nhiều địa phương, đó chính là đồng khởi. Với tư cách là những cuộc khởi nghĩa từng phần, đồng khởi ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ mang đầy đủ đặc trưng của khởi nghĩa nói chung. Song nó cũng có những nét riêng rất độc đáo, không giống những cuộc khởi nghĩa từng phần diễn ra trước đó như thời kỳ tiền khởi nghĩa trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Thời kỳ đó,với những điều kiện và thời cơ thuận lợi cả trong nước và quốc tế, khởi nghĩa từng phần đã phát triển thành Tổng khởi nghĩa, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Khởi nghĩa xong là cách mạng thành công.
Cưa, nhân dân xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre dùng trong Đồng Khởi, năm 1960
Cuộc đồng khởi ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ cũng như trên toàn miền Nam nói chung lại không hoàn toàn như vậy. Nó diễn ra trong điều kiện “Chế độ thống trị miền Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy ở thành thị địch còn tương đối mạnh, nhưng trong nhiều vùng nông thôn rộng lớn, địch không thể cai trị nhân dân một cách bình thường được nữa; bộ máy ngụy quyền ở cơ sở từng phần đã suy yếu và bất lực. Còn quần chúng nhân dân, đặc biệt là đông đảo nông dân thì sục sôi cách mạng đã tỏ ra kiên quyết và sẵn sang chiến đấu sống chết với quân thù”(2). Trong điều kiện như vậy, khởi nghĩa không thể tiến hành ở thành thị và ta cũng chưa đủ sức đánh vào cơ quan đầu não của địch, chưa thể phát triển khởi nghĩa từng phần lên Tổng khởi nghĩa để đánh đổ hoàn toàn chính quỳền địch. Hình thức đồng khởi với những cuộc nổi dậy đồng loạt chỉ nổ ra ở nông thôn, trên một phạm vi rộng lớn bao gồm nhiều địa phương, đánh đổ chính quyền địch ở cơ sở xã ấp diễn ra lúc bấy giờ là một hình thức phù hợp và sáng tạo. Đặc biệt hơn, những cuộc khởi nghĩa từng phần ấy không phát triển thành Tổng khởi nghĩa như cách mạng tháng Tám năm 1945 mà phát triển thành chiến tranh cách mạng và ngay trong quá trình cuộc chiến tranh cách mạng vẫn có khởi nghĩa từng phần. Nổi dậy của quần chúng kết hợp với tiến công của lực lượng vũ trang là phương châm chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta.
Như vậy có thể nói, cuộc đồng khởi ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ cũng như phong trào đồng khởi trên toàn miền Nam từ cuối 1959 đến cuối 1960 là một hình thức, một phương pháp giành chính quyền từng bước, đánh đổ từng bộ phận địch, tiến lên đánh đổ hoàn toàn đế quốc Mỹ và tay sai của chúng. Bản chất của cuộc đồng khởi chính là phong trào khởi nghĩa của quần chúng nhân dân, là những cuộc khởi nghĩa từng phần diễn ra đồng loạt và liên tiếp trên những vùng nông thôn rộng lớn, nơi lực lượng địch yếu hơn lực lượng cách mạng của nhân dân nên ta đã giành được phần lớn chính quyền địch ở cơ sở về tay mình. Với việc làm này, ta đã thực hiện sách lược bóc dần lực lượng của địch và ta đã bóc được lớp đầu tiên. Đây chỉ là bước đầu trong quá trình đấu tranh lâu dài để đi đến thắng lợi cuối cùng, “Nhưng là một bước rất cơ bản, vì nó đã làm tan rã từng mảng lớn chính quyền cơ sở, một bộ phận quan trọng trong bộ máy cai trị của địch” (3).
Đó là những nét độc đáo của đồng khởi ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ năm 1960.
Thiếu tướng TS. Nguyễn Xuân Năng
Chú thích:
1.Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nhà xuất bản Sự thật, H.1985, trang 40.
2.Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì CNXH tiến lên giành những thắng lợi mới, Nhà xuất bản Sự thật, H.1970, trang 51.
3.Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sách đã dẫn, trang 41.