Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/10/2019 10:35 2121
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara (Laskmindra Lokesvara) được công nhận đợt đầu đều là những đại diện cho phong cách điêu khắc, phong cách nghệ thuật của văn hóa Champa cổ xưa.

 

Đài thời Trà Kiệu, một trong 4 bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trong lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ công nhận 30 bảo vật quốc gia thì có tới 3 bảo vật thuộc sở hữu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Áng tình ca trên đài thờ Trà Kiệu

Từ các bảo vật này, những câu chuyện nhuốm màu thời gian được kể lại, dẫu thời gian đã qua hàng thế kỷ trên mảnh đất này. Cả ba bảo vật đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara (Laskmindra Lokesvara) được công nhận trong đợt đầu đều là những đại diện cho phong cách điêu khắc, phong cách nghệ thuật của văn hóa Champa cổ xưa.

Cũng là đài thờ được xác định có chung niên đại thế kỷ 7-8, nhưng Mỹ Sơn E1 là khuôn hình phản ánh đời sống của các tu sĩ Bà-la-môn đang chơi nhạc, làm thuốc, giảng đạo. 

Trong khi đó, đài thờ Trà Kiệu đến nay vẫn mang trong mình nhiều cách lý giải khác nhau về ý nghĩa của những hình tượng chạm khắc. Đài thờ được đưa về bảo tàng năm 1901 sau đợt khai quật quy mô của người Pháp, có hai phần gồm phần khối vuông ở dưới và khối tròn ở trên.

Liên quan đến các nhân vật được chạm khắc ở bốn mặt đài thờ, năm 1930, trên tạp chí Nghệ Thuật Á Châu, Jean Przyluski, học giả tôn giáo người Pháp, đã có cách diễn giải theo một truyền thuyết về vương quốc Phù Nam, quốc gia cổ tồn tại thời đầu Công nguyên trên lãnh thổ Đông Nam Á.

Một năm sau đó, George Coedes, học giả khảo cổ am tường khu vực Đông Nam châu Á, trên bài tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã không tán thành với cách giải thích này, mà cho rằng các cảnh chạm khắc trên đài thờ là những mẩu chuyện về thần Krisna trong Hindu giáo.

Nhưng sau đó nửa thế kỷ, bằng những nghiên cứu cụ thể, nhà Chăm học Trần Kỳ Phương không tán đồng với cách giải thích trên. Ông đưa ra cách đọc mới theo một chuyện kể về Rama và Sita trong trường ca Ramayana nổi tiếng của Ấn Độ.

Bằng cách đối chiếu 51 nhân vật được chạm khắc trên đài thờ với nội dung trường ca Ramayana, ông Phương chỉ ra sự trùng khớp kỳ lạ trong các phân cảnh. 

Bối cảnh kể trên đài thờ rằng tại Vương quốc Videha, nhà vua Janak làm lễ kén chồng cho công chúa Sita. Điều kiện tuyển phò mã là người có sức mạnh có thể giương nổi cây cung nặng và cứng đến độ thần linh cũng bó tay. Thế rồi Rama, hoàng tử xứ Ayodhya, đã đến thử cung thần.

Sức mạnh của Rama đã làm cây cung gãy đôi khiến ai nấy kính phục. Sứ giả được cử về vương quốc của chàng báo tin chiến thắng. Vua cha Dasaratha lập tức hạ lệnh mang lễ vật tới làm lễ mừng cưới. Cũng dịp này, vua Janak còn gả các công nương khác cho ba người em của Rama...

 

Bối cảnh được cho là trong trường ca Ramayana khi hoàng tử xứ Ayodhya lên đường tìm vợ và kéo gãy cây cung trên đài thờ Trà Kiệu - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

"Ramayana là một trong hai trường ca vĩ đại nhất của nước Ấn, vốn có ảnh hưởng rất lớn đến các vương quốc cổ ở Đông Nam Á xưa. Ngày nay, áng tình ca của Rama và Sita là quan điểm được chúng tôi đưa ra thuyết trình khi nói về hình tượng khắc trên đài thờ Trà Kiệu" - chị Lâm Thị Linh Ngân, hướng dẫn viên của bảo tàng, cho biết.

Đài thờ Trà Kiệu quý ở nhiều khía cạnh bởi là một bố cục kể chuyện hoàn chỉnh và giàu tính nghệ thuật. Đặc biệt là lối điêu khắc tinh tế, sống động từ những chi tiết nhỏ nhất như y phục, búi tóc, khuôn mặt hay dáng điệu... đang là hiện vật được nhiều du khách đến tìm hiểu.

Chờ "châu về Hợp Phố"

Trong các bảo vật tại bảo tàng thì tượng Bồ tát Tara là "đứa con" được đón về nhà muộn qua phát hiện hết sức tình cờ vào năm 1978. Trong lúc đào đất làm gạch, người dân khu vực di tích Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã tìm thấy hiện vật bằng đồng nguyên chất cao hơn 1m, sau đó báo cho các ngành chức năng đến mang về.

Với việc xác định được niên đại ở thế kỷ thứ 9, tượng Bồ tát Tara được các nhà chuyên môn đánh giá là hiện vật bằng đồng có kích thước lớn nhất được biết đến của nghệ thuật điêu khắc Champa cổ, để từ đó trở thành bảo vật quốc gia.

Nhưng hiện nay bảo vật này bị thiếu hai hiện vật trên cánh tay hình con ốc và bông sen. Trong cuốn sách Phật viện Đồng Dương, PGS.TS Ngô Văn Doanh đã kể lại cuộc trao đổi với ông Trà Gặp - một trong ba người phát hiện pho tượng.

Ông Gặp cho biết lúc mới tìm thấy, nhóm ông cho rằng tượng công chúa bằng kim loại quý nên đập gãy hai vật nhỏ cầm trên tay để xem thực hư. Từ sự tò mò này mà cổ vật quý lại phát sinh một chuyện nữa. Khi tượng được đưa về bảo tàng thì con ốc và đóa sen hiện vẫn còn được "giam giữ" ở xã Bình Định Bắc mãi đến nay.

Ông Hồ Tấn Tuấn, giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết nhiều năm qua chính quyền thành phố có mong muốn "xin" hiện vật về. Nhưng quy trình rước bảo vật quốc gia, dù chỉ một phần, cũng phải tuân thủ quy định của luật. Ngoài ra, người dân trong vùng Đồng Dương cũng có mong muốn được hỗ trợ xây nhà sinh hoạt cộng đồng như lời "tri ân" sau bao năm gìn giữ cổ vật, nên còn có đôi chút chậm trễ.

"Mới đây, lãnh đạo thành phố đã đồng ý hỗ trợ kinh phí khi được tiếp nhận bảo vật quốc gia này. Chờ khi "châu về Hợp Phố", chắc chắn giá trị của cổ vật sẽ còn được nhắc đến nhiều hơn" - ông Tuấn nói.

 

“Sử nhà Phật” trên đài thờ Đồng Dương được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Điêu khắc "sử nhà Phật"

Ngoài những bảo vật được công nhận trong đợt đầu, tại đây còn có đài thờ Đồng Dương - bảo vật quốc gia thứ 4 được công nhận mới đây. 

Theo ông Võ Văn Thắng - nguyên giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, hầu hết đền tháp Chăm còn đứng vững tại miền Trung đều là những đền tháp chịu ảnh hưởng bởi Hindu giáo. 

Tuy nhiên, những cứ liệu văn khắc và khai quật khảo cổ cho thấy Phật giáo đã có thời kỳ phát triển ở vương quốc Champa bên cạnh Hindu giáo.

Đặc biệt là sau khi các nhà khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác Cổ, mà đứng đầu là Henri Parmentier mở cuộc khai quật tại Đồng Dương năm 1902 đã phát lộ dấu tích quần thể công trình Phật giáo quy mô lớn. Những tài liệu công bố sau đó đã cho các nhà khảo cổ gọi đích danh di tích Đồng Dương là "Phật viện Đồng Dương".

Ông Thắng cho biết sau đợt khai quật này, một bộ sưu tập đồ sộ được chuyển về Đà Nẵng, trong số đó có một đài thờ lớn chạm nổi các hình ảnh về đời Đức Phật Thích Ca. Đó là cảnh hoàng hậu Maya sinh thái tử Tất Đạt Đa trong vườn Lâm Tỳ Ni, cảnh thái tử cắt tóc và thay y phục, cảnh người hầu Xa-nặc và con ngựa Kiền-trắc quay về kinh thành sau khi Phật vào rừng tu hành...

Điều khiến người ta thích thú khi xem điêu khắc "sử nhà Phật" ở đây là lối chạm trổ tinh xảo. Một khuôn hình được những nghệ nhân Champa cổ xưa tạo ra có cả tiền cảnh, hậu cảnh khiến người xem nhìn ngay ra bối cảnh không gian câu chuyện, chứ không là những hình nhân rời rạc như những đài thờ khác.

 

Bức phù điêu mang tên “Những người chơi Mã Cầu” được tìm thấy ở Quảng Trị cho thấy người Chămpa xưa kia đã có trò tiêu khiển dùng gậy đánh bóng trên lưng ngựa (tương tự trò đánh bóng polo của phương Tây) - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

TRƯỜNG TRUNG

 

https://tuoitre.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6668

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Cổ viện Chàm - Những chuyện chưa biết - Kỳ 2: Phát lộ nền văn minh

Cổ viện Chàm - Những chuyện chưa biết - Kỳ 2: Phát lộ nền văn minh

  • 03/10/2019 11:21
  • 2238

Vương quốc Champa đã có lịch sử gần 17 thế kỷ tồn tại với nền văn minh đặc sắc. Làm sao để tái tạo lịch sử của vương quốc này?