Mở cửa vào năm 1919, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hay còn gọi Cổ viện Chàm đã 100 năm lưu giữ những tinh hoa của Vương quốc Champa xưa.
Các hiện vật điêu khắc Chăm ở công viên Tourane vào những năm đầu thế kỷ 20, trước khi xây dựng bảo tàng
Kết quả cuối cùng đã đạt tới, nhưng người ta đã phải tốn vào đó 17 năm cố gắng kiên trì" là lời thở phào nhẹ nhõm của Henri Parmentier, khi những gian trưng bày đầu tiên của bảo tàng hoàn thành vào năm 1919.
Dự án đầu thế kỷ
Henri Parmentier, nhà khảo cổ Pháp, đã viết một cuốn catalogue giới thiệu một trong những khái niệm từ phương Tây mới xuất hiện ở đất nước ta thời ấy: bảo tàng.
...Vừa trở về từ Thái Lan sau những giờ giảng lịch sử mỹ thuật cho sinh viên Đại học Bangkok, nhà nghiên cứu văn hóa Champa Trần Kỳ Phương lại vội vàng vào mạng.
Một người bạn làm việc tại kho lưu trữ ở Pháp đã báo cho ông tin vui tìm được một số hình ảnh "chưa từng công bố" tại nơi mà ngày nay gọi là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Sau vài phút mở máy tính, ông Phương nở nụ cười mừng rỡ.
"Đúng rồi! Ảnh này chắc chắn sớm hơn những tấm ảnh về công viên Tourane mà Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) đã công bố. Nhìn này! Thời điểm chụp khu vực này còn rất nhiều cây cối, hiện vật trưng bày cũng sơ sài so với những tấm ảnh đã biết. Có lẽ được chụp từ thập niên cuối của thế kỷ 19..." - người đàn ông tuổi thất thập reo lên thích thú đúng với kiểu cách của một đời người đam mê nghiên cứu.
Ngót nghét gần nửa thế kỷ đắm chìm với văn hóa Champa, ông già Phương mang dáng hình nhỏ thó thông thạo mấy ngôn ngữ vẫn nhớ như in ngày đầu gắn bó với những hiện vật xuất hiện trong ảnh.
Vốn tiếp xúc với những nhà khảo cổ tên tuổi từ trước, sau ngày thống nhất đất nước, ông Phương lại may mắn được làm việc với ông Nguyễn Xuân Đồng, cựu quản thủ bảo tàng giai đoạn năm 1937 - 1970.
Ông Đồng vốn là một trong rất ít người Việt cộng tác với các học giả Pháp để trùng tu các di tích Chăm từ những năm 1930. Thầy ưu tú "có duyên" gặp học trò nhiệt huyết nên đã "lái" nghiệp vẽ tranh, dịch thuật của ông Phương sang nghiên cứu lịch sử Chăm.
Làm việc tại bảo tàng, rồi "ăn nằm" với các di tích khiến ông rành rẽ sâu sắc cổ vật ở nơi đây hơn ai hết.
"Nếu nói đúng tính chất công trình được làm ra chỉ với mục đích tập hợp, bảo quản, trưng bày cổ vật để tất cả mọi tầng lớp đến thăm thú chứ không giới hạn "thư phòng" của vua chúa thì đây là một trong những bảo tàng sớm nhất nước ta. Bởi vào đầu thế kỷ 20, việc xây dựng một bảo tàng chung cho toàn xứ Đông Dương bị gạt bỏ vì khó vận chuyển hiện vật.
Người Pháp cùng lúc lập dự án thành lập 5 bảo tàng gồm bảo tàng nghệ thuật An Nam ở Hà Nội, bảo tàng Khmer ở Campuchia, bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, bảo tàng Lào ở Vientiane và kho lưu trữ ở Sài Gòn dành cho những hiện vật được tìm thấy ở Nam Kỳ mà không phân loại được rõ ràng thuộc nghệ thuật Khmer hay Chăm" - ông Phương chia sẻ.
Nếu như ở hai đầu đất nước thật khó để phân biệt thời điểm bảo tàng được ra mắt công chúng do các công trình này nhập nhằng vì vừa là kho lưu trữ, trụ sở làm việc của EFEO, thì tại Đà Nẵng thời điểm mở cửa được xác định rạch ròi.
Bảo tàng này chính thức ra mắt công chúng năm 1919 bằng một tòa nhà có lối kiến trúc được trang trí theo môtip Chăm để hài hòa với 268 hiện vật tác phẩm điêu khắc được trưng bày.
Ông Charles Lemire, người đặt nền móng cho việc thành lập Cổ viện Chàm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG chụp lại
Công viên cổ vật
Dù tòa nhà chính thức được "bỏ gạch" từ năm 1915, nhưng nền móng vững chắc cho công trình này được hình thành từ trước đó rất nhiều năm. Những thập niên cuối thế kỷ 19, hiện vật điêu khắc Chăm tìm thấy trong vùng đã được tập trung về địa điểm mà thời bấy giờ gọi là công viên Tourane.
Việc thu thập tác phẩm điêu khắc Chăm bắt đầu từ những người Pháp yêu ngành khảo cổ học, đặc biệt là những người làm việc cho EFEO.
Trong cuốn catalogue giới thiệu sự ra mắt của bảo tàng, Henri Parmentier cho biết nguồn gốc những tác phẩm điêu khắc này không phải lúc nào cũng được xác định chính xác như người ta mong muốn.
Có hiện vật được mang từ những cuộc khai quật chính thức do EFEO tổ chức, nhưng cũng có những hiện vật xuất xứ là đồ vật trưng bày trong vườn hoa của các dinh công sứ...
Henri Parmentier cũng đã biểu dương công lao nổi bật của Ch. Lemire, công sứ Pháp tại Quảng Nam năm 1892. Lemire khi còn là công sứ tại Bình Định năm 1885 đã bắt đầu tìm hiểu nghệ thuật Chăm, sau khi bộ trưởng Bộ Chiến tranh nước này yêu cầu tướng chỉ huy quân đội chiếm đóng thu thập cổ vật mang về các bảo tàng ở mẫu quốc.
Lemire ngạc nhiên rồi yêu quý những giá trị của văn hóa Chăm, đặc biệt là khi tiếp xúc với các tác phẩm ở Trà Kiệu và Khương Mỹ. Lo sợ cổ vật tản mác, ông đã cho mang về Tourane (Đà Nẵng) để tập trung bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật này.
Dù sau đó người Pháp cũng có nhiều dự định mang về nước, nhưng không rõ vì lý do gì lại quên đi. Qua năm tháng, số cổ vật tích tụ tại công viên Tourane tăng đáng kể nhờ các đợt hiến tặng hiện vật của các chủ đồn điền trong khu vực.
Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, nếu xét bối cảnh thời bấy giờ, dễ hiểu vì sao công viên Tourane lại nằm ngay vị trí gần sông. Bởi di chuyển bằng sức nước là vô cùng thích hợp với những hiện vật đá vốn rất nặng.
"Từ đây, cổ vật có thể được chuyển về Pháp trên những chuyến thuyền hoặc được chuyển tới trụ sở EFEO ở hai đầu đất nước. Công viên Tourane dựng trên một gò đá nhỏ, chỉ cách bờ sông Hàn chừng vài bước chân, có lẽ là nơi "tập kết" thú vị để trưng bày những hiện vật vì lý do này hoặc lý do khác chưa thể chuyển đi", chỉ vào những tấm ảnh, ông Phương giải thích.
Cổ viện Chàm khi mới mở cửa đón công chúng năm 1919
Được bảo vệ đặc biệt trong chiến tranh
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chính thức mở cửa vào năm 1919, đến năm 1936 thì người Pháp đổi tên thành Bảo tàng Henri Parmentier để vinh danh nhà khảo cổ có đóng góp to lớn với di sản văn hóa Chăm.
Thời kỳ đất nước bị chia cắt, bảo tàng được chuyển giao cho Viện Khảo cổ Sài Gòn và gọi tên là Viện Bảo tàng Đà Nẵng.
Theo ông Võ Văn Thắng - nguyên giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, 100 năm gắn với những biến cố của đất nước nhưng bảo tàng vẫn còn nguyên vẹn một cách thần kỳ là nhờ các bên tham chiến đều ý thức được giá trị to lớn của kho văn hóa này.
Ông Thắng cho biết theo tài liệu do Hoa Kỳ phát hành vào tháng 9-1972, trước cảnh báo của các học giả, năm 1970 tổng thống Richard Nixon đã gửi công lệnh đến quân đội nêu rõ: "Nhà Trắng mong muốn bằng tất cả các giải pháp cần đảm bảo cho di tích không bị tàn phá bởi hoạt động quân sự".
Cũng thời gian ấy, bí thư Khu ủy Quảng Đà Hồ Nghinh đã nhắc nhở cán bộ "khi tiếp quản Đà Nẵng phải có kế hoạch bảo vệ Musée Chàm".
Vương quốc Champa đã có chiều dài lịch sử tồn tại với nền văn minh đặc sắc. Làm sao để tái tạo lịch sử vương quốc xưa này?
TRƯỜNG TRUNG