Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, công tác xây dựng lực lượng vũ trang của Thủ đô Hà Nội được Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng hàng đầu. Ngoài lực lượng bộ đội chủ lực quốc gia được phiên chế thành các tiểu đoàn Vệ quốc đoàn đóng trên các vị trí trọng yếu như Trại Vệ quốc đoàn Trung ương (40 Hàng Bài), Bắc Bộ phủ, Bộ Quốc Phòng (26 Hàng Bài), Bộ Tổng Tham mưu (18 Nguyễn Du), Thành (Citadell), lực lượng vũ trang địa phương của thành phố có hai tổ chức và lực lượng chính: Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu và Tự vệ Thành do Thành ủy trực tiếp lãnh đạo.
Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu (TVCĐHD) ra đời ngày 26-8-1945, có trụ sở tại 107 Trần Hưng Đạo. Chỉ trong bốn tháng, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1945, lực lượng đã phát triển nhanh chóng với khoảng 700 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 5 phân đội: Tô Hiệu, Trần Quốc Toản, Hà Huy Tập, Ký Con và trung đội nữ Minh Khai. Đồng chí Lê Trung Toản, Thành ủy viên trực tiếp phụ trách TVCĐHD. Cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt và công tác, huấn luyện theo chế độ tập trung như các đơn vị của lực lượng bộ đội địa phương sau này. Huy hiệu của TVCĐHD là sao tròn với ngôi sao vàng năm cánh nổi trên nền đỏ, giữa sao tròn có in hàng chữ TVCĐ để phân biệt với sao tròn của Vệ Quốc đoàn.
Các nữ chiến sĩ trong Đội tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, năm 1946
Tự vệ Thành Hoàng Diệu (gọi tắt là Tự vệ Thành) do đồng chí Khuất Duy Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố trực tiếp phụ trách. Đây là lực lượng tự vệ rộng rãi ở các khu phố; vài phố giáp nhau, tự vệ tổ chức thành một trung đội hoặc một đại đội; vì vậy, quân số tự vệ toàn nội thành lên tới vài nghìn đội viên. Cán bộ chỉ huy do đội viên bầu lên. Theo hồi ký của đồng chí Lê Trung Toản, đã từng là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu I và là Chính ủy Trung đoàn Thủ đô: “Cán bộ đại đội thường là viên chức, học sinh, sinh viên. Cán bộ Trung đội, Tiểu đội thường là nhân dân lao động”(1). Vũ khí cũng do đội viên tự trang bị; chủ yếu là các loại súng lục, súng trường mua lại của bọn Tàu-Tưởng hoặc lấy được sau ngày Nhật đảo chính Pháp từ tháng 3-1945, vẫn còn rất tốt. Đặc biệt, huy hiệu của Tự vệ Thành là sao vuông (Sau này, đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tự vệ Hà Nội vẫn cài sao vuông trên mũ, thể hiện ý nghĩa sâu sắc: phát huy truyền thống quyết tử của tự vệ Thành năm 1946).
Một tổ súng trung liên của Tự vệ thành Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, 12-1946.
Tự vệ Thành có nhiệm vụ giữ an ninh trật tự khu phố, bảo vệ nhân dân và tuyên truyền các chủ trương của Thành bộ Việt Minh. Đồng chí Lê Trung Toản đã viết trong sách Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh: “Ban chấp hành của Tự vệ Thành do đồng chí Lưu Thọ chỉ huy. Thành ủy phân công đồng chí Khuất Duy Tiến phụ trách. Sau đó, để thống nhất lực lượng Tự vệ chiến đấu và Tự vệ Thành, tháng 9 năm 1945, tại Ủy ban Hành chính thành phố, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị để họp bàn việc thống nhất các lực lượng tự vệ, trước hết về mặt tổ chức chỉ huy. Sau hội nghị, Ban chỉ huy Tự vệ Hoàng Diệu được thành lập do đồng chí Lê Trung Toản làm Chủ tịch, đồng chí Lưu Thọ làm Phó Chủ tịch (2).
Để nâng cao trình độ chính trị, quân sự và năng lực chỉ huy của Tự vệ Thành, Trung ương Đảng chỉ đạo thành phố tổ chức Trường huấn luyện cán bộ tự vệ. Trường được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Giám đốc danh dự của trường.
75 cán bộ chiến sĩ xuất sắc nhất của tự vệ Thành đã được chọn đi học khóa đầu tiên, khai giảng ngày 7-1-1946 tại trường Kỹ nghệ thực hành (nay là số 2F phố Quang Trung). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự lễ khai giảng và nói chuyện với học viên, nêu rõ nhiệm vụ của tự vệ trong tình thế thù trong giặc ngoài đang câu kết với nhau hòng phá hoại, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân. Người nhấn mạnh: “Lúc này, chúng ta không cần nói nhiều mà phải làm cho thật nhiều… Các đồng chí đến đây theo lớp huấn luyện là học tập cách trị an về vật chất và tinh thần. Các đồng chí phải học tập thành cán bộ để đi trước sự bảo vệ: bảo vệ nền độc lập tự do của mình; không những thế, các đồng chí còn phải chỉ huy những anh em đi sau. Tóm lại, không những phải học cho biết kỹ thuật mà còn phải học lý luận, học về đạo đức, tinh thần nữa”(3). Bác đã đưa khái niệm đạo đức vận dụng vào thời đại mới: “ Đạo đức ngày trước chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải trung với nước, phải hiếu với đồng bào” (4). Người chỉ rõ nhiệm vụ của cán bộ tự vệ “Không chỉ là người lãnh đạo về mặt kỹ thuật mà còn phải là người biết tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu đường lối, chủ trương của chính phủ. Muốn làm tốt vai trò của mình, mỗi người phải thực hiện cần, kiệm, làm gương cho chiến sĩ và nhân dân trên cả ba mặt: tinh thần, vật chất, văn hóa. … Muốn làm được ta phải quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy thực hành làm gương, nêu ba chữ ấy lên, tất cả các đồng chí phải thành công” (5).
Chiến sĩ Thủ đô đào giao thông hào trong Bắc Bộ phủ chuẩn bị chiến đấu
chống Pháp, năm 1946
Mặc dù thực dân Pháp; bọn Tàu-Tưởng và tay sai thường tổ chức các vụ ám sát, bắt cóc, phá rối trật tự trị an thành phố, nhưng Bác và Trung ương Đảng vẫn giành sự quan tâm đặc biệt cho nhà trường. Sau khóa 1, trường còn mở được ba khóa huấn luyện nữa, trong tháng 4, tháng 6 và tháng 7; mỗi khóa có khoảng 40-50 học viên, học trong hơn một tháng. Môn học quân sự chủ yếu do các đồng chí Vương Thừa Vũ, Hoàng Văn Thái ở Bộ Tổng Tham mưu, Đỗ Đức Kiên ở Thành bộ Việt Minh và cán bộ chỉ huy của Vệ quốc đoàn giảng. Tài liệu giảng dạy dựa vào kiến thức mà các đồng chí nghiên cứu từ sách quân sự Pháp, Nhật, Trung Quốc và kinh nghiệm chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận, Khuất Duy Tiến giảng về chính trị và văn hóa. Bác sĩ Trần Duy Hưng giảng dạy về cứu thương. Sau buổi huấn thị tại buổi khai giảng, cán bộ tự vệ thường được Bác gọi đến Bắc Bộ Phủ để huấn thị về việc chuẩn bị lực lượng, tỉnh táo và có bản lĩnh nhận rõ tình thế, sẵn sàng kháng chiến.
Trường huấn luyện cán bộ tự vệ Thành là trường đầu tiên của lực lượng vũ trang Thủ đô được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị mọi mặt kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược.
Tuy các khóa huấn luyện trong năm 1946 mới chỉ đào tạo được khoảng 200 cán bộ cho tự vệ Thành, nhưng đó là lực lượng cốt cán để đến tháng 11-1946, các đại đội của ba liên khu phố có cán bộ vững vàng, chỉ huy tự vệ các phố giữ từng góc đường, từng dãy phố, khiến cho bọn Pháp kinh hoàng nhất khi đụng độ với các chiến sĩ tự vệ Thành với lối đánh táo bạo, ra đòn hiểm hóc, nên chúng gọi tự vệ Thành là “Viet Minh carré”.
Những lời dạy của Bác vẫn soi sáng cho lực lượng vũ trang Thủ đô hiện nay để quyết tâm và đồng tâm trong công cuộc bảo vệ đất nước, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
Ths. Phạm Kim Thanh
Chú thích:
(1), (2): Lê Trung Toản: Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh, NXBHN, H.2000, tr 71.
(3), (4), (5): Báo Cứu quốc, số 1136, ngày 8-1-1946.