Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/08/2019 08:23 3076
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Thịnh Liệt là tên chữ, tên Nôm là làng Sét, hồi thế kỷ XV còn gọi là Cổ Liệt.

Thời nhà Lý, sông Sét vẫn thông với sông Tô Lịch, thuyền bè qua lại trao đổi hàng hóa khá tấp nập; đến thời Lê, sông Sét còn thông thương với sông Lừ. Thuyền rồng của vua Lê, chúa Trịnh vẫn thường du ngoạn từ Hồ Tây về Thịnh Liệt, dạo trên đầm Sét mênh mông. Đầm Sét và hệ thống đường sông, đường bộ ở cửa ngõ phía nam thành phố đã cho làng Sét vị thế quan trọng đối với Thăng Long - Hà Nội và làng xóm trù phú. Vì thế, dân gian có câu ca: “Dưa La, cà Láng, tương Bần/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”.Thịnh Liệt từng có 9 giáp, từ giáp Nhất đến giáp Cửu. Trải qua sự thay đổi hành chính của các triều đại, 9 giáp tách-nhập, còn 5 giáp. Đến thời Nguyễn, 5 thôn này thành 5 xã, Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tứ, Giáp Lục, Giáp Bát, thuộc Tổng Thịnh Liệt, còn gọi là Tổng Sét của huyện Thanh Trì. Năm 1942, chính quyền của thực dân Pháp quy hoạch lại ngoại thành, do đó, tổng Thịnh Liệt thuộc ngoại thành, gọi là Đại lý Hoàn Long. Năm 1973, Giáp Bát và Giáp Lục tách ra, chuyển về các tiểu khu nội thành thuộc khu phố Hai Bà Trưng (năm 1981 gọi là quận Hai Bà Trưng). Thịnh Liệt còn lại 3 thôn là Giáp Nhất, Giáp Nhị và Giáp Tứ, vẫn thuộc huyện Thanh Trì. Năm 2004, đổi thành phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trong cách mạng Tháng Tám, Thịnh Liệt là một trong những địa phương ở ngoại thành (Đại lý Hoàn Long) khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất.  

Trở lại lịch sử, từ giữa tháng 3/1945, thực chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”(12/3/1945), Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển sâu rộng các tổ chức quần chúng, từ đó, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, tiến tới khởi nghĩa.

 

Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng 
“Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ngày 12/3/1945

Lúc này, đồng chí Vũ Oanh, Thành ủy viên, phụ trách công tác Thanh vận đã phổ biến chủ trương của Thành ủy cho Đội Tuyên truyền Xung phong (Đội TTXP) và Thanh niên Cứu quốc. Các đồng chí quyết định đổi tên Đội TTXP thành Đoàn TTXP thành Hoàng Diệu (Đoàn TTXPTHD) để phát triển sâu rộng tổ chức  hơn nữa ở các vùng ven nội và các làng xã ngoại thành.

Vùng Giáp Nhất, Giáp  Nhị, Giáp Tứ, Giáp Lục, Giáp Bát nằm ven đường quốc lộ 1, lại sát nội thành, được lãnh đạo Đoàn TNTTXP coi trọng để phát triển đoàn viên. Đồng chí Minh Đăng, nhà ở Hàng Sắt, vốn quê ở Giáp Tứ, được cử về xây dựng phong trào Việt Minh. Các tổ Thanh niên cứu quốc vùng Thịnh Liệt hoạt động dưới sự chỉ đạo của đồng chí Minh Đăng. Ở Giáp Tứ có ông Nguyễn Đức Anh, Trương Đình Chuyên, Nguyễn Quang Huệ; ở Giáp Nhị có các ông Bùi Hữu Quý, Bùi Hữu Nghị, Lê Đỗ Sơn; ở Giáp Nhất có các ông Bùi Ngọc Hồ, Bùi Thế Sở, Bùi Thế Vy được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Các tổ Thanh niên Cứu quốc đã tích cực hoạt động như: tuyên truyền cho một số thanh niên bảo an giác ngộ, trở thành cảm tình của Việt Minh; đi “khất thực”, sau đó nấu cơm, nấu cháo chia cho dân bị đói đến chùa Tam Pháp. Thanh niên Giáp Nhị diễn kịch ở chùa Sét, lấy tiền gây quỹ cứu đói. Thanh niên Cứu quốc Giáp Nhị còn vận động ông phó lý khi áp tải xe bò chở “thóc tạ”, nếu Việt Minh tổ chức lấy thóc chia cho dân thì không được chống cự.

Những hoạt động tuyên truyền khác như rải truyền đơn, dán áp phích, kêu gọi đồng bào ủng hộ và tham gia Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật được các đội viên thường xuyên tổ chức hoạt động bí mật cả ban ngày và ban đêm. Đặc biệt, những cuộc tuyên truyền xung phong do Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt đã gây được tiếng vang trong nhân dân. Ngày 10/5/1945, Thanh niên Cứu quốc tổ chức cuộc mít tinh tại sân trường học thôn Giáp Tứ. Trong khí thế dâng cao, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng quần chúng ủng hộ Việt Minh, đi trong các ngõ xóm, kéo ra chùa Sét. Cũng trong tháng 5, Thanh niên Cứu quốc còn tổ chức cuộc tuyên truyền xung phong ở chợ Trong, thôn Giáp Nhị. Cờ đỏ sao vàng tung bay làm cho tinh thần nhân dân càng phấn chấn, hướng theo ngọn cờ cứu nước của Việt Minh. Có thể nói, vai trò của đồng chí Minh Đăng đối với phong trào cách mạng vùng Sét rất quan trọng, phát huy sức mạnh, sự nhanh nhạy, dũng cảm của  Thanh niên Cứu quốc, làm nòng cốt trong mọi hoạt động tuyên truyền xung phong, hòa nhịp chung với phong trào cách mạng của ngoại thành trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Từ vùng Sét đến vùng Mọc, vùng Láng, vùng Bưởi, các đội Thanh niên Cứu quốc và Tuyên truyền Xung phong  đã thực sự là lực lượng xung kích của Đảng và Mặt trận Việt Minh.                                                                                                        Đi đôi với những hoạt động tuyên truyền, các hội viên cứu quốc rất hăng say luyện tập quân sự, tìm mọi cách trang bị vũ khí. Đền Bà Bụi là nơi Thanh niên Cứu quốc tổ chức hội họp, luyện tập quân sự cho những thanh niên hăng hái, nhiệt tình, có lòng yêu nước. Các thôn Giáp Nhất, Giáp Nhị. Giáp Tứ đã có đội Tự vệ chiến đấu.  Các đội đã mua  sắm được cả súng trường, súng ngắn và cử  người vào tận Đa Sĩ (Hà Đông), thuê thợ rèn vũ khí thô sơ. Đặc biệt, coi trọng vị trí quan trọng của vùng Sét trong cuộc khởi nghĩa, cấp trên trang bị cho Tự vệ chiến đấu 10 khẩu súng trường.

Những ngày tháng 6 và tháng 7, khí thế đấu tranh của quần chúng càng dâng cao khắp thành phố. Tin tức về việc thành lập khu giải phóng Việt Bắc, càng làm cho nhân dân vùng Sét nức lòng, ngả theo Việt Minh. Để kịp thời tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân, một cơ sở in ở Giáp Nhị đã được tổ chức hoạt động để in truyền đơn, áp phích, tranh cổ động, sơ đồ Khu giải phóng Việt Bắc. Đồng thời, các cuộc trấn áp lý trưởng của các làng Tương Mai, Hoàng Mai, Pháp Vân, Giáp Bát… và đột nhập nhà chánh tổng  ở Giáp Nhị, cảnh cáo răn đe họ, khuyên họ theo Việt Minh đã được các tổ tuyên truyền có vũ trang thực hiện mau lẹ, có hiệu quả tốt.

Đến tháng 7, Việt Minh hoạt động gần như công khai ở Thịnh Liệt. Đồng chí Minh Đăng đưa đồng chí Vũ Oanh, Trưởng Ban cán sự Thanh vận về họp một vài lần ở Thịnh Liệt, vẫn đảm bảo an toàn. Sau đó, Đoàn TTXP thành Hoàng Diệu cũng phân tán một số đội viên về Giáp Nhị, Giáp Tứ, chuẩn bị cho các hoạt động tuyên truyền có vũ trang táo bạo, tiến tới khởi nghĩa. Đầu tháng 8 năm 1945, Thịnh Liệt có hơn 30 người tham gia tổ chức Việt Minh, làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa ở vùng Sét.

Ngày 17/8/1945, Tự vệ chiến đấu vùng Sét tham gia cuộc mít tinh ở Nhà Hát Lớn và tuần hành ở các phố nội thành đến chiều tối. Trong khí thế cách mạng sôi sục, ủng hộ Việt Minh, tối 17/8, các lực lượng Thịnh Liệt bao gồm Tự vệ chiến đấu, Tuyên truyền xung phong, các đoàn thể cứu quốc đã họp ở đền Bà Bụi, quyết định ngày 18/8 sẽ khởi nghĩa trong vùng.

 

Mít tinh ở Nhà Hát Lớn, ngày 17/8/1945

Ngay sau cuộc họp này, quần chúng đã tuần hành  tối 17/8 qua các xóm để khuyếch trương thắng lợi của toàn thành phố, đã biến thành cuộc mít tinh. Quần chúng tập trung về sân trường học Giáp Tứ nghe cán bộ Việt Minh tuyên bố giải tán chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Hương lý đem sổ sách, triện đồng nộp cho ta. Đồng chí Nguyễn Đức Ánh được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Giáp Tứ. Sáng 18/8, đồng chí Minh Đăng dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa vùng Sét từ sân trường học Giáp Tứ tiến ra Giáp Lục, Giáp Nhị, giương cao cờ đỏ sao vàng ở tam quan đình làng. Các chiến sĩ Tự vệ cứu quốc; Tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu và nhân dân hát vang Tiến quân ca. Chính quyền cách mạng Giáp Nhị được thành lập do đồng chí Bùi Hữu Nghị làm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời. Tiếp đó, tại Giáp Nhất, chính quyền cách mạng do đồng chí Bùi Ngọc Hồ làm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời. Từ Giáp Nhất, đoàn quân khởi nghĩa kéo xuống Pháp Vân, Hoàng Mai giành chính quyền.

 

Chùa Sét, nơi nhân dân Thịnh Liệt tập trung ngày khởi nghĩa, 
ngày 19-8-1945

Cuộc khởi nghĩa ở vùng Sét từ tối 17/8 đến ngày 18/8 đã thắng lợi trọn vẹn mà ta không cần nổ súng, chính quyền địch đã tan rã. Cùng với làng Dịch Vọng giành chính quyền từ tối 17/8, đây là minh chứng sinh động về sức mạnh như nước vỡ bờ của nhân dân. Trong tình thế thuận lợi, chiều 18/8, Đoàn Tuyên truyền Xung phong thành Hoàng Diệu được lệnh từ nội thành gấp rút về Giáp Nhị để tiến vào thành phố mờ sáng 19/8. Nhân dân náo nức may thêm nhiều cờ, khẩu hiệu cho ngày trọng đại của dân tộc.

4 giờ sáng 19/8, Tự vệ chiến đấu có vũ khí, hiên ngang dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa từ chợ Giáp Nhị ra tập trung ở chùa Sét để hòa nhập với đoàn của các làng xã bắc Thanh Trì rầm rập tiến về Nhà Hát Lớn. Đoàn Tuyên truyền Xung phong thành Hoàng Diệu từ Giáp Nhị hành quân đến chợ Mơ, lên chuyến xe điện riêng, chở các đội viên lên Hồ Gươm, rồi rẽ sang Tràng Tiền - Nhà Hát Lớn, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Từ đây, nhân dân Thịnh Liệt cùng dân dân cả nước bước sang trang sử mới : xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân; giữ vững tự do- độc lập của dân tộc .

 Ths. Phạm Kim Thanh

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6646

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Xây dựng an toàn khu trên địa bàn Hà Nội, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (Phần 2 và hết)

Xây dựng an toàn khu trên địa bàn Hà Nội, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (Phần 2 và hết)

  • 13/08/2019 08:39
  • 2939

Ở Phúc Yên, đầu năm 1942, đồng chí Lê Quang Đạo là Bí thư Ban cán sự Đảng Phúc Yên đã chỉ đạo xây dựng ATK từ Đình Bảng, phố Đuống, phố Yên Viên (trong đó có nhà ga Yên Viên) thuộc huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) sang một số xã phía nam của huyện Kim Anh và Yên Lãng (thuộc tỉnh Phúc Yên cũ)(4). Đến đầu năm 1943, đồng chí Lê Liêm làm Bí thư Ban cán sự Phúc Yên thay đồng chí Lê Quang Đạo chuyển đi làm Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội theo sự phân công của Xứ uỷ. Ngay sau khi thành lập, Ban cán sự Phúc Yên đã nhanh chóng củng cố và mở rộng các cơ sở ở Lâm Hộ, Tráng Việt, Yên Bài... sau đó phát triển thêm nhiều cơ sở mới ở nam Yên Lãng như Hạ Lôi, Đông Cao, Nội Đồng, Phù Trì.