Ở Phúc Yên, đầu năm 1942, đồng chí Lê Quang Đạo là Bí thư Ban cán sự Đảng Phúc Yên đã chỉ đạo xây dựng ATK từ Đình Bảng, phố Đuống, phố Yên Viên (trong đó có nhà ga Yên Viên) thuộc huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) sang một số xã phía nam của huyện Kim Anh và Yên Lãng (thuộc tỉnh Phúc Yên cũ)(4). Đến đầu năm 1943, đồng chí Lê Liêm làm Bí thư Ban cán sự Phúc Yên thay đồng chí Lê Quang Đạo chuyển đi làm Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội theo sự phân công của Xứ uỷ. Ngay sau khi thành lập, Ban cán sự Phúc Yên đã nhanh chóng củng cố và mở rộng các cơ sở ở Lâm Hộ, Tráng Việt, Yên Bài... sau đó phát triển thêm nhiều cơ sở mới ở nam Yên Lãng như Hạ Lôi, Đông Cao, Nội Đồng, Phù Trì.
Từ những vùng ATK này, Trung ương Đảng và Xứ uỷ hàng ngày theo dõi sát sao tình hình, bắt trúng mạch thời cuộc để chỉ đạo Ban cán sự các tỉnh thành duy trì và giữ vững ngọn lửa đấu tranh chống phát xít Nhật-Pháp. Hầu hết ở làng xã có ATK, các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh - thanh niên, phụ nữ, nông dân cứu quốc đều được thành lập và củng cố vững mạnh; một số nơi còn xây dựng được lực lượng tự vệ, do đó phong trào cách mạng ở làng xã là ATK vững chắc hơn hẳn so với các vùng khác.
Nhà cụ Dư Thị Đài ở thôn Tảo Khê, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là cơ sở cách mạng của Đảng trước Cách mạng tháng Tám 1945
Ở Hà Đông (cũ), năm 1942, vùng Tào Khê - Trầm Lộng được xây dựng trở thành vùng ATK vững mạnh. Cơ quan lãnh đạo Xứ uỷ về đóng ở đây và tổ chức được các lớp huấn luyện cho cán bộ các địa phương. Cuối năm 1942, địch tổ chức hai đợt khủng bố lớn: đợt thứ nhất ở vùng phía bắc tỉnh của địch kéo dài từ 31/10 đến giữa tháng 12/1942; đợt thứ hai ngày 7/11/1942 về phía nam Ứng Hòa nhằm đánh vào ATK của Xứ ủy, vây bắt đồng chí Hoàng Quốc Việt và nhiều cán bộ đang dự lớp huấn luyện công tác phụ vận ở Trầm Lộng, nhưng không đạt được mục đích. Đầu năm 1943, đồng chí Hoàng Quốc Việt về ATK, ở nhà cụ Hoàng Văn Duyệt ở Yên Trường, sau chuyển sang nhà bà Nguyễn Thị Mọc ở Vạn Phúc. Bà Mọc có chồng, cha, chú, anh bị địch bắt, một nách 4 con nhỏ, nhưng vẫn đón nhận đồng chí Hoàng Quốc Việt về nhà, nuôi giấu tận tình. Đó là một trong những tấm gương tiêu biểu của nhân dân hết lòng vì cách mạng. Nhờ lòng dân yêu nước, một lòng một dạ bảo vệ cán bộ Đảng mà Xứ uỷ và Ban Tỉnh uỷ ATK của Trung ương vẫn được bảo vệ an toàn.
* Củng cố và mở rộng ATK, góp phần chuẩn bị khởi nghĩa
Sau hội nghị của Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh) ngày 25, 28/2/1943, phong trào cách mạng cả nước cũng như Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây lên cao trào đấu tranh mới.
Do vị trí quan trọng đó của ngoại thành mà Trung ương, Xứ uỷ, Thành uỷ lấy đây là bàn đạp trực tiếp, xây dựng an toàn khu, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, có thực lực vững chắc để tiến vào nội thành. Ở khu vực từ Bưởi lên Chèm, Vẽ, Thượng Cát là ATK của Trung ương, các chi bộ ở Bưởi, Cổ Nhuế, Bái Ân, Xuân Đỉnh, Phú Xá, Thượng Cát đã thành lập từ cuối năm 1942 - đầu năm 1943, vẫn tiếp tục củng cố và đến năm 1944, ngoại thành có thêm chi bộ Chèm, Dịch Vọng... Đặc biệt, ở Phú Xá, tại nhà bà Hai Vẽ, đồng chí Trường Chinh đã khởi thảo bản “Đề cương văn hóa Việt Nam”. Khi cơ sở in báo Cờ Giải Phóng ở Viên Nội (Đông Anh) bị địch theo dõi thì cán bộ in ấn lại chuyển sang nhà bà Công Thị Tý(5)
Vùng ATK ở Đông Anh có 3 chi bộ trực thuộc: chi bộ Hải Bối, Võng La, Xuân Trạch. Bốn chi bộ với 20 đảng viên là nòng cốt cho phong trào cách mạng Đông Anh. Ở Gia Lâm, chi bộ Trung Màu phát triển được gần 10 đảng viên.
Các làng xã của Đông Anh thuộc ATK của Trung ương và Xứ uỷ, có mối quan hệ chặt chẽ với các làng xã phía bắc và tây bắc của ngoại thành và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc. Tháng 7/1943, đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh chuyển công tác lên xây dựng ATK ở Thái Nguyên, sau đó, cuối năm 1943, đồng chí Trần Độ từ nhà tù Sơn La về đã được cử làm Đội trưởng kiêm Bí thư đội công tác, hoạt động từ Ba Đê lên Võng La, Viên Nội. Đồng chí Lê Đình Thiệp nhận bàn giao phụ trách phong trào từ Ba Đê sang Từ Sơn và một phần Gia Lâm. Đồng chí Trần Cư được tăng cường về phụ trách phong trào ở Viên Nội, Chiêm Trạch, Phương Trạch. Đồng chí Nguyễn Thị Hằng (Điệp) được tăng cường về phụ trách phong trào từ Ba Đê xuống Xuân Tinh, Xuân Trạch, Lại Đà, Hội Phụ, Du Lâm. Nhờ có cán bộ chuyên trách phụ trách từng vùng mà các đồng chí Trung ương, Xứ uỷ và các cơ quan được bảo vệ an toàn. Riêng Cổ Loa là nơi đặt cơ quan giao thông của Đảng, tài liệu, báo chí và tiếp nhận vũ khí, súng đạn do Ban công tác đội thu về đều qua Cổ Loa - Dục Nội để chuyển đi các địa phương và lên chiến khu. Ngoài ra, ATK ở Đông Anh có một số địa điểm rất quan trọng như chùa làng Ngọc Giang và làng Chài (Võng La) là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng, quyết định những vấn đề trọng đại chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Từ bến đò Xù (Gạ), nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, đường dây liên lạc thông suốt từ vùng Chèm Vẽ, Phú Thượng sang Đông Anh - nơi có quán cơm cụ Tấc ở bên cây gạo chợ Bỏi; rồi từ đó lên cây gạo Ba Đê - là những "hòm thư chết" được bảo vệ rất an toàn trong nhiều năm của các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng. Vùng Cổ Loa được xây dựng liên hoàn sang Đình Bảng, Trung Màu (lúc đó thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh); vùng Dục Tú, Viên Nội, Hải Bối, Võng La vòng lên Bắc Hồng và một số xã thuộc Phúc Yên (cũ). Tháng 6 năm 1944, một bộ phận của báo Cờ Giải Phóng có cơ sở in ở Viên Nội đã tách ra và chuyển đến Tráng Việt, lập cơ sở in ở nhà ông Ngô Văn Mạo với kỹ thuật vừa in chữ đúc, vừa in bảng đá. ATK của Trung ương và Xứ uỷ đã được mở rộng và củng cố vững chắc ở phía đông bắc - bắc - tây bắc thành phố, tạo thành bàn đạp vững chắc để Đảng chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân qua lại hội họp và làm việc trong vùng ATK bờ bắc và bờ nam sông Hồng được thuận tiện và an toàn.
Nhà bà Nguyễn Thị Thủy (tức bà đồ Hoan) ở thôn La Cả, xã Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội là nơi ở và hoạt động của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Đào Duy Kỳ
Như vậy, ở những làng xã là ATK của Trung ương và Xứ uỷ, lực lượng chính trị được xây dựng và củng cố sâu rộng, vững chắc là điều kiện rất thuận lợi cho Ban cán sự Đảng Hà Nội nắm bắt và phát động quần chúng khi thời cơ khởi nghĩa đang đến. Không những thế, từ mùa thu năm 1943, Trung ương đã giao hẳn vùng Bưởi - Nghĩa Đô cho Ban cán sự Đảng Hà Nội phụ trách. Từ làng Tân (Nghĩa Đô) cơ sở của Ban cán sự Hà Nội phát triển sang làng Nghè, xuống An Phú, rồi Quan Hoa, Dịch Vọng... Cho đến cuối năm 1944, đầu năm 1945, đa số các làng xã của Đại lý Hoàn Long đều đã có tổ chức của các hội cứu quốc, làm nòng cốt cho Mặt trận Việt Minh xây dựng các tổ tự vệ, từ đó đấu tranh bằng các hình thức hợp pháp, vừa giành quyền lợi cho nhân dân, vừa bảo vệ được vùng an toàn cho cán bộ Trung ương, Xứ uỷ, Thành uỷ hoạt động.
Từ tháng 10/1944, Xứ uỷ quyết định mở rộng vùng ATK ở Hà Đông - Sơn Tây để làm hậu thuẫn vững chắc, chuẩn bị lực lượng chính trị hết sức sâu rộng cho cuộc tổng khởi nghĩa ở Bắc bộ mà Hà Nội là tâm điểm. Lúc này, ATK của Trung ương được mở rộng bao gồm nam Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai. Tỉnh uỷ Hà Đông đã cử một Tỉnh uỷ viên tham gia Ban cán sự ATK. Các cơ sở đều được củng cố vững mạnh. Tây Mỗ, Đại Mỗ, La Khê, Kim Hoàng... (Hoài Đức), sau nhiều năm bị sóng gió lại phát triển nhanh, mạnh. Các cơ sở mới Đại Phùng, Thu Quế (Đan Phượng), La Phù, Hậu Ái, Di Trạch, Tây Tựu (Hoài Đức), Tân Hội, Hạ Hội (Đan Phượng) v.v... được hình thành và phát triển. Sơn Tây có một số làng xã của Quốc Oai là khu vực các cơ quan ấn loát, báo chí của Xứ uỷ: Thượng Hiệp là nơi Xứ uỷ thường qua lại, hội họp. Đa Phúc - Sài Sơn là nơi cơ quan báo Cứu Quốc do đồng chí Xuân Thuỷ phụ trách chuyển về cuối năm 1944.
Nhà ông Nguyễn Văn Lộc ở thôn Tảo Khê, huyện Ứng Hòa, Hà Nội
là nơi hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt trước Cách mạng tháng Tám 1945
Cán bộ, quần chúng ở ATK hăng hái hoạt động, nhưng đi vào chiều sâu, tránh bộc lộ lực lượng. Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng làng, Ban cán sự ATK bố trí các cơ quan, cán bộ ở và làm việc phù hợp với từng nơi: Đan Phượng là khu vực các cơ quan ấn loát, phát hành báo chí. Các làng Tây Mỗ, Đại Mỗ, La Giang, La Phù là nơi ở và làm việc của các đồng chí trong Thường vụ Xứ uỷ. Vùng Kim Hoàng, Hậu Ái là nơi đóng cơ quan giao thông. Làng dệt Vạn Phúc kề bên đường 71, lại có phong trào vững mạnh được chọn làm nơi gánh vác nhiệm vụ nặng nề làm đầu mối liên lạc, địa điểm nằm chờ, nơi tổ chức các hội nghị...
Đến ngày 15/8/1945, chớp thời cơ ngàn năm có một, mặc dù bản Quân lệnh số 1 chưa về tới nơi, từ ATK ở Vạn Phúc, Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa không chỉ ở Hà Nội mà còn ở 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ, giành thắng lợi trọn vẹn.
Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển ATK trên địa bàn Hà Nội và Hà Đông- Sơn Tây (cũ), thấy rõ vai trò và tác dụng to lớn của ATK đối với quá trình chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa của Đảng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương và Xứ ủy, ATK ở ngoại thành và các vùng nông thôn luôn luôn là cái nôi an toàn để xây dựng và phát triển lực lượng chính trị của quần chúng mà chi bộ đảng là hạt nhân; từ đó, phát triển lực lượng tự vệ tại chỗ. Ở ven nội, ATK là bàn đạp vững chắc để Đảng ta phát triển, củng cố lực lượng, tiến vào trung tâm đầu não của địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Đặc biệt, báo chí bí mật của Đảng (Giải Phóng, Cờ Giải Phóng) được viết và in ấn ở những xóm làng là ATK ở gần thành phố (Cổ Loa, Vạn Phúc, Tráng Việt, Viên Nội) nên rất nhạy bén, bắt nhịp kịp tình hình chuyển biến, sau đó phát hành theo đường dây giao thông đến các vùng, nên báo chí đã trở thành vũ khí tuyên truyền sắc bén của Đảng nhằm thống nhất tư tưởng và hành động để tiến tới khởi nghĩa.
Trong các vùng ATK, quần chúng nhân dân, một lòng một dạ với Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, hy sinh cả tinh mạng của mình để che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đó là nguyên nhân sâu xa nhất, để cho ATK của Đảng trên địa bàn Hà Nội và Hà Đông - Sơn Tây (cũ), trải bao lần địch càn quét, khủng bố, vẫn được duy trì, phát triển lực lượng cách mạng, khi thời cơ đến, đứng lên giành quyền sống trong tự do và độc lập. Đó là điều căn cốt nhất mà đến nay, vẫn giữ nguyên giá trị trong cuộc chiến đấu với mọi thế lực thù địch, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Ths. Phạm Thị Kim Thanh
Chú thích:
(4): Ban chấp hành Đảng bộ huyện Mê Linh: Lịch sử Đảng bộ huyện Mê Linh, tr 54
(5): Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đông Anh: Lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Anh (1930-2005), sđd.