Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, đế quốc Pháp tham gia chiến tranh và lập tức thi hành chính sách thống trị phát xít trong nước và ở các thuộc địa. Ngày 25/9/1939, Chính phủ pháp Đa-la-đi-ê ra lệnh giải tán Đảng Cộng sản Pháp.
Ở Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp xoá bỏ những quyền dân sinh dân chủ tối thiểu mà nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Ngày 29/9/1939, cuộc vây ráp lớn của địch nhằm vào trụ sở các hội Ái hữu và báo chí công khai của Đảng: báo Đời nay, Ngày mới, Thế giới, Tiếng nói của chúng ta (Notre Voix)... bị tịch thu và cấm xuất bản. Một số cán bộ hoạt động công khai chưa kịp rút vào bí mật đã bị bắt. Nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng bị địch bắt và giam cầm ở Hoả Lò hoặc bị đày lên Sơn La. Đi đôi với việc đàn áp, thực dân Pháp ra sức vơ vét, bóc lột sức người, sức của của nhân dân bằng chính sách “kinh tế chỉ huy” thời chiến; thi hành nhiều biện pháp mua chuộc và lừa phỉnh các tầng lớp nhân dân.
Ngày 23/9/1940, tại Hà Nội, viên Toàn quyền Đông Dương Decoux ký Hiệp định chấp nhận để phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương. Từ đây, nhân dân ta chịu cảnh một cổ hai tròng của bọn thực Pháp - phát xít Nhật.
Tình hình biến chuyển về nhiều mặt đòi hỏi Đảng ta phải chuyển hướng chỉ đạo chiến lược để bảo vệ, giữ gìn lực lượng cách mạng, từng bước tiến tới giải phóng dân tộc, góp phần cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình và lực lượng dân chủ chống chiến tranh đế quốc.
Dưới ánh sáng của chủ trương mới mà Trung ương Đảng soi rọi, cách mạng Hà Nội chuyển sang giai đoạn mới: Ngay từ ngày 29/9/1939, Trung ương Đảng ra bản thông cáo về “Con đường chính trị quốc tế và chiến thuật của Đảng” gửi cho các cấp bộ Đảng. Tiếp đó, tháng 11 năm 1939, Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng đã quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và xác định: mục tiêu trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.
Nhà bà Hai Vẽ ở huyện Từ Liêm (nay là xã Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) là cơ sở của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương những năm
1941 - 1945
Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 họp tại Từ Sơn. Hội nghị đã khẳng định chủ trương chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xác định kẻ thù nguy hiểm của nhân dân Đông Dương là phát xít Pháp-Nhật và xác định rõ nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng là chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược rất quan trọng của Trung ương thể hiện qua nghị quyết năm 1940 đã đặt ra phương hướng cơ bản cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
* Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Đông- Sơn Tây (cũ) thực hiện chủ trương của Đảng, xây dựng cơ sở bảo vệ cán bộ Xứ ủy và Ban Thường vụ Trung ương Đảng
Trong hoàn cảnh mới đầy khó khăn, Trung ương và Xứ ủy chủ trương sớm chuyển các cơ quan đầu não từ Hà Nội ra các vùng nông thôn để củng cố lại lực lượng và từ đó chỉ đạo cách mạng của Bắc kỳ và cả nước. Do đó, song song với việc duy trì Ban cán sự Đảng và phong trào cách mạng ở nội thành, ngay từ tháng 10 năm 1939, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ uỷ và một số cán bộ cơ quan của Xứ uỷ, Trung ương Đảng đã lui về các làng xã của Hà Đông như Vạn Phúc, La Cả, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Yên Lộ thuộc nam Hoài Đức. Làng dệt Vạn Phúc là nơi có phong trào vững mạnh, tiện lợi giao thông ra thị xã Hà Đông, vào nội thành... được chọn làm đầu mối liên lạc, địa điểm đón tiếp các cán bộ đến làm việc với Xứ uỷ. Từ giữa năm 1940, địch khủng bố ở Yên Lộ nhằm bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ. Nữ đảng viên Nguyễn Thị Tỳ và con trai Nguyễn Văn Lanh mới 12 tuổi là giao thông đã bảo vệ đồng chí trong trận càn và em Lanh đã hy sinh anh dũng. Sau trận khủng bố này, cơ sở của Xứ uỷ chuyển xuống Hữu Từ - Phú Diễn (Thanh Oai). Sau đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ giao cho đồng chí tỉnh ủy viên Hà Đông (cũ) là Dương Quảng Bàn đến gặp chánh tổng làng Vĩnh Ninh (Thanh Trì) thương lượng, mở cửa hiệu thuốc bắc. Một cửa hàng cơm đã mở ở phố Văn Điển để che mắt địch, làm trạm liên lạc của Xứ ủy. Tháng 10 năm 1940, địch bất ngờ khủng bố lớn ở Tây Mỗ. Tháng 11 năm 1940, trạm liên lạc của Xứ ủy ở Văn Điển bị lộ, Xứ ủy phải chuyển lên Hoài Đức, rồi lên Thượng Cát, Chèm, Vẽ (Đông Ngạc); sau đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã chỉ đạo việc gây dựng cơ sở chuyển qua sông Hồng. Từ làng Ngọc Giang (xã Vĩnh Ngọc), làng Chài (xã Võng La) sang Hải Bối - những cơ sở đầu tiên gây dựng bên Đông Anh.
Để nối liền với cơ sở của Trung ương và xứ ủy ở Đông Anh thành vùng liên hoàn, cơ sở và phong trào vùng Mê Linh cũng được Xứ ủy quan tâm, cử cán bộ chỉ đạo trực tiếp. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đào Duy Kỳ, Xứ ủy viên phụ trách khu Đ, đầu năm 1940, chi bộ Lâm Hộ - thị xã Phúc Yên được thành lập do đồng chí Lê Xoay làm bí thư. Từ đây, chi bộ là hạt nhân lãnh đạo quần chúng tiếp tục đấu tranh. Cơ sở của Xứ ủy được xây dựng ở Tráng Việt an toàn. Như vậy, cơ sở của Xứ ủy và Trung ương đã được xây dựng từ Vạn Phúc vòng qua Tây Mỗ - lên Xuân Đỉnh- Chèm- qua sông Hồng sang Võng La, quanh sang Tráng Việt.
Nhà bà Thái ở thôn Phúc Xá, xã Phú Thượng là cơ sở cách mạng cũ của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ những năm 1940 - 1945
Trong điều kiện ngặt nghèo, bị địch khủng bố liên tục để phá tan cơ quan đầu não của cách mạng, nhờ có chủ trương sáng suốt kịp thời của Trung ương Đảng và tinh thần chiến đấu dũng cảm hy sinh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Hà Nội mà tổ chức xứ ủy và Trung ương Đảng vẫn được gìn giữ an toàn. Đặc biệt, ở phía tây Hà Nội, các làng có cơ sở của Trung ương và Xứ ủy được huấn luyện cách bảo vệ, trạm liên lạc, quy định ám hiệu để đảm bảo an toàn, cô lập, hạn chế hoạt động của bọn lý dịch, phát hiện chỉ điểm do địch cài cắm... Nhiều cơ sở Đảng vẫn được duy trì và là hạt nhân trong phong trào cách mạng của địa phương: chi bộ La Cả, Vạn Phúc, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Bưởi, Cổ Nhuế…
* ATK của Đảng được xây dựng từng bước ở phía bắc - tây bắc thành phố
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Từ ngày 10 đến 19/5/1941, Người chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8, họp tại Pắc Bó (Cao Bằng). Hội nghị khẳng định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng lúc này là giải phóng dân tộc; xác định cuộc cách mạng phải tập trung mũi nhọn vào bọn phát xít xâm lược Nhật-Pháp.
Bất chấp sự kiểm soát ngặt nghèo của mạng lưới mật thám, đồn bốt địch, tháng 10/1941, thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bản "Tuyên ngôn, chương trình, điều lệ của Mặt trận Việt Minh" đã về đến thành phố nhanh chóng và được các tổ Việt Minh tuyên truyền phổ biến các tầng lớp nhân dân, có tác dụng vô cùng to lớn trong việc tập hợp lực lượng, xây dựng các đoàn thể cứu quốc dưới ngọn cờ cứu nước.
Tính chất khốc liệt của cuộc đấu tranh ở nơi sào huyệt của chế độ thuộc địa trong thời kỳ "phát xít" hoá thể hiện rất rõ ở sự khủng bố liên tục, tìm diệt cán bộ, ở cơ quan đầu não chỉ đạo phong trào cách mạng, địch quyết phá, ta quyết giữ. Vì vậy, song song với việc duy trì bằng được Ban cán sự Đảng Hà Nội, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng vùng nông thôn gần Hà Nội thành ATK của Trung ương gồm các làng xã có cơ sở vững chắc trên địa bàn các huyện Hoài Đức, Đại lý Hoàn Long, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Sơn, Yên Lãng (Phúc Yên) cũ.
Nhà bà Đỗ Thị Tấc ở thôn Hải Bố, Đông Anh, Hà Nội -
cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ Trung ương trước Cách mạng
tháng Tám 1945
Ở ven nội, sát thành phố, các làng Nghĩa Đô, Bái Ân, Xuân Tảo, Cổ Nhuế, Bưởi, Phú Gia, Phú Xá, Chèm, Vẽ, Thuỵ Phương, Liên Mạc vốn có cơ sở an toàn từ năm 1940, nay trở thành ATK vững chắc của Trung ương. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt thường xuyên về cơ sở ở các làng xã này ăn ở, làm việc, hội họp(1). Hiệu giầy Hoàn Mỹ ở 36 đường Bưởi (nay là đường Lạc Long Quân) là cơ sở liên lạc của đồng chí Hoàng văn Thụ. Cây đa Cáo Đỉnh (Xuân Đỉnh) và bè kéo vó trên sông Hồng của ông Mùi ở Liên Mạc là trạm liên lạc của Xứ uỷ. Quán cơm nhà ông Nguyễn Văn Thận ở bến Chèm là địa điểm liên lạc của Ban Thường vụ Trung ương với cán bộ lãnh đạo của Đảng. Nhân dân trung thành với Đảng, nuôi giấu cán bộ như gia đình các đồng chí Nguyễn Văn Thêm và bà Lê Thị Mão ở Yên Thái, nhà đồng chí Đỗ Ghi ở làng Tân, nhà bà cụ Mộc, mẹ đồng chí Nghĩa ở Bái Ân, bà Phạm Thị Ba (tức Hộ Sử) và bà Công Thị Lùn (tức Hai Vẽ) ở Phú Gia. Bến đò Xù (Gạ) có cây gạo ven sông là đầu mối giao thông và địa điểm liên lạc quan trọng của cán bộ Trung ương và Xứ ủy trên hai bờ sông Hồng, nhân dân Phú Gia giữ an toàn đến khi đón Bác về (ngày 23/8/1945).
Nối liền với vùng ven đô rộng lớn này thuộc tả ngạn sông Hồng, ATK của Trung ương đã được xây dựng cả bên hữu ngạn sông. Để xây dựng ATK vững chắc, Trung ương đã lập đội công tác (còn gọi là công tác Đội) gồm các đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Trần Thị Sáu, Bạch Thành Phong, cử đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh làm đội trưởng kiêm Bí thư chi bộ đội công tác và phân công như sau: đồng chí Đội trưởng phụ trách từ vùng Ba Đê (Đông Anh) sang Từ Sơn và một phần Gia Lâm. Đồng chí Bạch Thành Phong phụ trách huyện Hoài Đức và đại lý Hoàn Long. Đồng chí Trần Thị Sáu phụ trách từ khu vực Ba Đê lên Võng La, một phần huyện Yên Lãng, sang Liên Mạc, Phú Thượng.
Nhà cụ Đào Xuân Nhu ở thôn Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội -
nơi các đồng chí Phan Trọng Tuệ, Đặng Kim Giang, Trần Danh Tuyên
hoạt động những năm 1942 - 1943
Đội công tác về củng cố những cơ sở vốn đã được xây dựng thời gian trước ở xã Võng La, Ngọc Giang, Hải Bối, Viên Nội, Xuân Canh, Cổ Loa, Đông Hội (thuộc huyện Đông Anh); Trung Mầu (Gia Lâm)... Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Bạch Thành Phong thường qua lại các nơi này sống và làm việc một thời gian. Cơ sở in báo Cờ Giải Phóng(2) ban đầu đặt ở Thượng Cát, nhưng bị địch đánh phá đã chuyển sang Viên Nội, đặt ở nhà ông Trần Văn Tiệm. Tại đây, báo đã ra từ số 1 đến số 3, sau đó lại chuyển sang nhà bà Nguyễn Thị Sọt cũng ở Viên Nội, in đến số 13(3), ra ngày 16/4/1945.
Ths. Phạm Thị Kim Thanh
Chú thích:
(1): Theo ý kiến đồng chí Trường Chinh phát biểu với Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 11/4/1967 thì “Vùng Bưởi thuộc ATK, lại có cơ quan Binh vận Trung ương nên Trung ương quy định bảo vệ vùng này bí mật, không để trực thuộc Hà Nội hoặc Hà Đông mà có đội công tác phụ trách, do một đồng chí Xứ ủy chỉ đạo”.
(2): Báo Cờ giải phóng, số 1 ra ngày 10/10/1942, số 15 ra ngày 17/7/1945. Sau cách mạng tháng Tám, báo tiếp tục ra số 16.
(3): Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đông Anh: Lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Anh (1930-2005), tr 28.