Có một loại hình cổ vật tạo tác bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng còn tồn tại trong nhiều di tích đình, chùa, đền miếu ở nước ta . Tuy có kích thước nhỏ nhưng là một hiện vật độc lập, được dùng trong các nghi lễ của những dịp đại lễ như cúng Thành hoàng trong đình làng. Đó là những giá văn tế bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng. Gọi là giá văn tế vì đây là nơi đặt bản văn do người chủ tế đọc trong đại khánh tiết trước Thành hoàng của làng. Văn tế đọc xong được mang đi” hóa”. Bởi vậy, người ta mới truyền lại câu ngạn ngữ : Khôn văn tế, dại văn bia. Cũng vì thế mà người soạn văn bia càng phải suy nghĩ cân nhắc từng câu chữ để đời!
Giá văn tế đều có kích thước nhỏ nhưng lại được chế tác chạm khắc tinh xảo kết hợp kỹ thuật sơn son thếp vàng - là một tác phẩm gỗ chạm khá đẹp - nên có thể dễ bị thất thoát tại di tích. Vì vậy việc chú ý bảo vệ, bảo quản cần đặt ra yêu cầu cấp thiết. Bài viết này xin giới thiệu một số giá văn tế bằng gỗ chạm, sơn son thếp vàng thời Lê - Nguyễn.
1.Giá văn tế bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng thời Lê.
Giá văn tế ở miếu Cầu Vương, huyện Gia Lâm, tạo tác năm 1656
Đây là giá văn được chúng tôi phát hiện trong đợt khảo sát miếu Cầu Vương ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Nơi đây còn lưu giữ ngai thờ, án thư và bộ bát bảo bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng thuộc thời Lê - Nguyễn. Cũng nơi đây còn treo một biển gỗ thờ, hình chữ nhật, hai góc trên cắt vát. Trên mặt biển gỗ chạm nổi 3 chữ Trung nghĩa dân (Dân trung nghĩa). Bên phải phía trên có dòng chữ nổi : Gia Lâm huyện, Thượng Tốn xã do năng kiên tâm, hiệu lực công ngự tặc đồ phụng ban tứ tinh tường. Nghĩa là : Xã Thượng Tốn, huyện Gia Lâm vì biết bền tâm gắng sức chống giặc, được ban biển thưởng công. Bên dưới phía trái có dòng chữ nổi : Cảnh Hưng ngũ niên,thập nguyệt, nhị thập nhật. Nghĩa là : Ngày 20, tháng 10, năm Cảnh Hưng thứ 5 (1745).Trong hậu cung miếu còn giữ một hòm gỗ đựng 15 đạo sắc phong của các triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Sớm nhất là đạo sắc của triều Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 18(1767). Muộn nhất là đạo sắc năm Khải Định thứ 9 (1924). Đáng chú ý là đạo sắc phong của triều Tây Sơn , đề ngày 5 tháng 5, năm Quang Trung thứ 5 (1792).
Trong hậu cung miếu còn lưu giữ một giá văn tế bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng hình chữ nhật, đặt trên lưng 2 con Nghê. Mặt trước, giá văn hình chữ nhật, phía trên cắt góc, viền khung nổi sơn son. Trên mặt chạm khắc nổi “ ngũ long”, với bố cục một hình Rồng mây uốn khúc trong ô hình lá đề. Phía trên và dưới ô hình lá đề chạm khắc 2 cặp Rồng đối xứng, tay trước nắm râu, cùng chầu vào viên ngọc ở giữa. Xung quanh hình Rồng chạm các dải mây lửa nhọn dài. Mặt sau, giá văn chạm nổi một dòng minh văn chữ Hán ở chính giữa trong khung hình chữ nhật đứng: Thịnh Đức tứ niên, tuế thứ Bính Thân, ngũ nguyệt, cốc nhật. Nghĩa là: ngày lành, tháng 5, năm Bính Thân, là năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) đời vua Lê thần Tông. Hai bên khung chữ chạm nổi 2 hình Rồng mây đối xứng. Rồng có đầu ngẩng cao, bờm hình 4 ngọn lửa uốn, thân chạm vẩy cá. Các dải mây tản chạm nổi xung quanh hình Rồng. Giá văn đặt hơi nghiêng trên chân đế là 2 tượng Nghê trong tư thế 4 chân quỳ. Tượng Nghê có đầu ngẩng, mũi cao, miệng há, trên đỉnh có 2 dải văn xoắn. Đuôi Nghê áp sát mặt sau của giá văn. Trên thân Nghê chạm những lớp vòng cung nhỏ và dải mây lửa. Mỗi tượng Nghê đặt trên một phiến gỗ mỏng hình chữ nhật, bốn góc uốn tròn. Giá văn đã bị sứt chân đế, tróc lớp sơn son, phần thếp vàng chỉ còn dấu vết.
Giá văn tế ở miếu Cầu Vương, huyện Gia Lâm, tạo tác năm 1656
Giá văn tế này là một tác phẩm gỗ chạm sơn son thếp vàng thuộc loại độc bản, còn khá nguyên lành (Trần Quốc Vượng , Nguyễn Đình Chiến & Trần Kim Đỉnh, 1990 : tr. 51-52). Đây cũng là tác phẩm có minh văn cho biết niên đại tuyệt đối hiện biết trong di sản Hán Nôm ở nước ta.
Giá văn tế ở đình Thượng Đồng, quận Long Biên, tạo tác ở thế kỷ XVII
Giá văn tế này ở đình làng Thượng Đồng, quận Long Biên. Chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong sách Cổ vật Thăng Long – Hà Nội (Nguyễn Văn Hùng & Nguyễn Đình Chiến, 2010 : tr.252). Giá văn có hình chữ nhật, hai phía trên cắt vát, cao37 cm , dài 46,5 cm. Giá văn có diềm xung quanh 3 mặt chạm nổi dây lá hình sin , sơn son thếp vàng. Chính giữa giá văn chạm nổi một hình Rồng uốn trong ô hình lá đề có diềm mây lửa. Đối xứng hai bên là 2 hình Rồng nổi , tư thế đầu ngẩng cao, chân chống, thân uốn cong, đuôi chéo lên trên.Giá văn đặt trên 2 tượng Nghê quỳ, sơn đen. Căn cứ vào hình Rồng chạm nổi, chúng tôi xếp niên đại của giá văn này là thế kỷ XVII, thời Lê Trung Hưng.
Giá văn tế ở đình Thượng Đồng, quận Long Biên, tạo tác ở thế kỷ XVII
Giá văn tế trong sưu tập tư nhân, tạo tác ở thế kỷ XVIII.
Ngày 10/6/2019, trên mạng facebook có đăng giới thiệu một giá văn tế bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng thuộc sưu tập tư nhân. Giá văn này bị mất phần chân đế (có thể là 2 tượng Nghê quỳ như thông lệ). Giá văn cũng là phiến gỗ hình chữ nhật, cắt 2 góc phía trên. Cả 2 mặt giá văn đều thể hiện kỹ thuật chạm khắc nổi sơn son thếp vàng. Mặt trước, giá văn có khung viền nổi chạm băng hồi văn hình thoi. Khung diềm trong chạm hồi văn chữ S gấp khúc. Bên trong khung giá văn chạm nổi và thếp vàng bộ Tứ linh : bố trí ở 4 góc, theo trình tự Rồng - Phượng - Long mã - Rùa. Mặt sau, giá văn cũng có diềm khung ngoài và diềm trong giống như mặt trước.Trung tâm giá văn chạm nổi và thếp vàng một chữ Thọ kiểu Triện thư, trong ô chữ nhật cắt góc. Kiểu chữ Thọ này tương tự như trên các đạo săc phong thời Lê- Nguyễn. Hai bên chữ Thọ chạm 2 hình Rồng mây đối xứng, Đầu Rồng ngẩng cao, 2 chân trước chống, thân uốn hình chữ S, đuôi vươn lên trên đỉnh chữ Thọ. Phía dưới là sóng nước với các dải cong đối xứng. Dựa vào các hình trang trí, chúng tôi xếp niên đại của giá văn này vào thế kỷ XVIII, cuối thời Lê Trung Hưng .
Giá văn tế trong sưu tập tư nhân, tạo tác ở thế kỷ XVIII
2.Giá văn tế bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng thời Nguyễn.
Giá văn tế ở chùa Đại Từ Ân, huyện Đan Phượng, tạo tác ở thế kỷ XIX.
Chùa Đại Từ Ân nằm trong Khu Đô thị Sinh thái cao cấp thuộc huyện Đan Phượng , ngoại thành Hà Nội. Chùa này hiện do Thượng tọa Thích Tiến Đạt trụ trì. Chùa mới xây dựng lại trên một nền chùa cũ , hoàn thành năm 2005. Nhiều cổ vật hiện lưu giữ tại chùa do sưu tầm từ nơi khác chuyển đến. Trong số này có Giá văn tế bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng . Giá văn này cũng là phiến gỗ hình chữ nhật, 2 góc trên cắt vát. Mặt trước, giá văn có diềm ngòai hình lòng máng không hoa văn, diềm trong chạm nổi hồi văn bông hoa trong ô lục giác (còn gọi là kiểu mạng kim quy). Bên trong khung diềm chạm nổi 2 hình Rồng mây uốn cong đối xứng. Đầu Rồng ngẩng cao chầu vào mặt nguyệt ở chính giữa. Mặt sau, giá văn chỉ có diềm lòng máng không hoa văn, ở giữa chạm nổi một hình Long mã trong tư thế băng qua những lớp sóng. Giá văn đặt hơi nghiêng về phía sau ,trên 2 tượng Nghê quỳ. Đầu Nghê ở mặt trước giá văn quay mặt hướng vào nhau. Đuôi Nghê hình nấm áp sát mặt sau của giá văn. Tượng Nghê đặt trên miếng gỗ nhỏ hình chữ nhật, 4 góc tròn. Qua xem xét kiểu rồng có đuôi xoắn và băng diềm tương tự trên sắc phong thời Nguyễn, chúng tôi xác định giá văn tế này là một cổ vật thời Nguyễn, thế kỷ XIX.
Giá văn tế ở chùa Đại Từ Ân, huyện Đan Phượng, tạo tác ở thế kỷ XIX
Giá văn tế ở chùa Đức Sơn, huyện Nam Đàn, tạo tác ở thế kỷ XIX.
Ở chùa Đức Sơn, huyện Nam Đàn tỉnh, Nghệ An còn lưu giữ một giá văn tế bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng. Chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong sách Cổ vật Việt Nam (Hội đồng biên soạn, 2003: tr.157). Giá văn này cũng là phiến gỗ hình chữ nhật, 2 góc trên cắt vát, cao 43 cm , dài 46,5 cm. Mặt trước, giá văn có diềm ngòai hình lòng máng không hoa văn, diềm trong chạm nổi hồi văn hoa chanh 4 cánh nhọn. Bên trong khung diềm chạm nổi và thếp vàng bộ tứ linh , bố trí ở 4 góc, theo trình tự Rồng-Phượng-Long mã- Rùa. Phía dưới là văn sóng nước. Diềm dưới chạm 2 dải lá lật đối xứng. Nền giá văn sơn son mầu đỏ nâu. Giá văn đặt rên chân đế là 2 tượng Nghê quỳ.
Giá văn tế ở chùa Đức Sơn, huyện Nam Đàn, tạo tác ở thế kỷ XIX
3. Nhận xét
Giá văn tế là một hiện vật có vị trí quan trọng trong nghi thức tế lễ của văn hóa làng xã ở Việt Nam. Trải qua mấy trăm năm thời Lê- Nguyễn, hình thức giá văn tế không thay đổi, đều có cấu tạo là phiến gỗ hình chữ nhật, cắt vát 2 phía trên. Giá văn đều có khung diềm bao quanh. Chân đế của giá văn đều là tượng Nghê trong tư thế 4 chân quỳ. Mặt trước giá văn đều lấy hình Rồng làm đề tài chạm nổi. Chính hình Rồng là điểm đặc trưng niên đại của giá văn. Các giá văn của thời Lê- Nguyễn đều tạo tác với kỹ thuật chạm khắc, sơn son thếp vàng khá tinh xảo.
Trải qua thời gian, đến nay nhiều di tích đình chùa đền miếu , loại hình giá văn không còn nữa, bởi hiện vật này có kích thước nhỏ lại có trang trí sống động. Vì vậy , bài này là một cảnh báo về công tác bảo vệ an toàn cho những nơi còn lưu giữ được.
Giá văn tế bằng gỗ chạm sơn son thếp vàng ở di tích miếu Cầu Vương , xã Đa Tốn, là một cổ vật độc bản, có niên đại tuyệt đối, đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội có ý kiến chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ và sớm lập hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận Bảo vật Quốc gia ./.
TS. Nguyễn Đình Chiến
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hội đồng biên soạn (Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch hội đồng), 2003. Cổ vật Việt Nam – Vietnamese Antiquities. Bộ Văn hóa – Thông tin, Cục Bảo tồn – Bảo tàng & BTLSVN xb, Hà Nội. (in Vietnamese and English).
Nguyễn Văn Hùng & Nguyễn Đình Chiến, 2010. Cổ vật Thăng Long Hà Nội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịịch Hà Nội xb. (in Vietnamese and English).
Trần Quốc Vượng, Nguyễn Đình Chiến & Trần Kim Đỉnh, 1990. Đa Tốn truyền thống và cách mạng. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đa Tốn xb.