Long Biên-địa danh gắn bối cảnh lịch sử văn hóa từ đầu Công nguyên, hàm chứa giá trị của vùng đất có truyền thống lâu đời, vùng đất "địa linh, nhân kiệt". Ngày nay, Long Biên là đơn vị hành chính cấp quận, thành lập trên cơ sở tách một phần đất tự nhiên và dân số của huyện Gia Lâm, nằm bên tả ngạn sông Hồng, là đầu mối giao thông quan trọng trong giao lưu kinh tế - văn hoá của đất nước.
Theo thống kê, trên địa bàn quận Long Biên có 77 di tích lịch sử - văn hoá (36 ngôi đình, 34 ngôi chùa, 7 đền và nghè), bên cạnh các di tích cách mạng, kháng chiến. Kết quả khảo sát cho thấy, trong các di tích lưu giữ số lượng lớn các di vật cổ, mang ý nghĩa như là một "bảo tàng" tại chỗ, phản ánh quá trình tồn tại lâu dài của mỗi di tích nói riêng cũng như của cả vùng đất Long Biên nói chung. Các di vật thuộc nhiều thời đại, rất phong phú về loại hình và chất liệu với kiểu dáng, hoa văn trang trí cũng như minh văn lịch sử, là "cốt lõi căn bản", là "hồn" của các di tích.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng phòng Văn hoá Long Biên tiến hành chương trình nghiên cứu, giám định cổ vật trên địa bàn quận Long Biên, kết quả đã lập hồ sơ khoa học cho hàng ngàn cổ vật. Dưới đây là những đánh giá khái quát kết quả giám định khái quát theo các nhóm chất liệu chính sau:
Nhóm chất liệu gỗ là nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất, đều được sơn son thếp vàng với nhiều kiểu loại cực kỳ phong phú, tập trung ở các loại đồ thờ, hoành phi, câu đối, tượng..., niên đại kéo dài từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, trong đó đáng chú ý nhất là các pho tượng Tam thế chùa Lệ Mật, mang đậm phong cách thời Mạc, niên đại thế kỷ 17, đôi câu đối và hoành phi ở chùa Lệ Mật, các ngai thờ và bài vị ở đình Thổ Khối, tượng Tam thế và Di đà Tam tôn chùa Tư Đình thế kỷ 18 và hệ thống các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối niên đại thế kỷ 19, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Hoành phi, câu đối chùa Lệ Mật, thế kỷ 18
Tương Tam thế mang phong cách thời Mạc
Nhóm chất liệu đá có số lượng ít hơn, tập trung chủ yếu ở 3 loại hình chính: bia, tượng, bát hương, trong đó phải kể tới các tấm bia ở đình, chùa Lệ Mật (niên hiệu Cảnh Trị, Dương Đức và Chính Hoà) trang trí đặc biệt khác lạ; bia ở chùa Lệ Mật, đền Trấn Vũ, đình Xuân Đỗ Hạ, đình Thổ Khối và bát hương trang trí hình tứ linh đắp nổi ở đền Trấn Vũ thế kỷ 18.
Giám định Bia chùa Lệ Mật
Bia đá dựng năm 1670, đình Lệ Mật (bản dập)
Bia đá dựng năm 1674, chùa Lệ Mật (bản dập)
Nhóm giấy và vải tập trung ở nhóm loại hình sắc phong, thần phả và quần áo, hia, trong đó có 2 cuốn thần phả, 1 bản chính, niên hiệu Cảnh Hưng, 1 bản sao vào thời Nguyễn; bộ sưu tập các sắc phong có số lượng lớn (179), có gần như đầy đủ các niên hiệu các đời vua từ thời Lê đến thời Nguyễn, đáng kể nhất là các bộ sắc phong ở đình Thổ Khối, đình Mai Phúc, đình Xuân Đỗ Hạ... Các bộ quần áo, hia đều có niên đại cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20, song đó là các di vật quí trong bối cảnh tư liệu đối sánh nhằm khôi phục trang phục truyền thống thời Lê, Nguyễn ngày càng khan hiếm.
Nhóm chất liệu đồng, chủ yếu là các đồ thờ (bát hương, mâm, chân đèn nến, chũm choẹ...), tượng Phật Thích ca, niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nổi bật nhất là pho tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ cao tới hơn 3m rất độc đáo. Các loại chuông và khánh đều nằm trong khung niên đại thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ngoại trừ 1 chiếc chuông đúc niên hiệu Chính Hoà (1690) và 1 chuông thời Tây Sơn (1799).
Chuông đồng đúc năm 1690 chùa Bắc Biên
Nhóm đồ gốm, sành, sứ và đất nung (đất đắp), chủ yếu là các đồ thờ với các loại bát, đĩa, chân đèn và bình gốm sứ Việt Nam và Trung Quốc có niên đại kéo dài từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Đáng chú ý nhất là chân đèn thời Mạc ở đình Mai Phúc và chiếc bình gốm trang trí đặc sắc ở đền Trấn Vũ là sản phẩm lò gốm Đồng Nai, niên đại đầu thế kỷ 20.
Chân đèn gốm thời Mạc ở đình Mai Phúc
Nhóm các chất liệu khác (ngà và bạc), có số lượng ít, với những tiêu bản khá độc đáo đó là 2 chiếc quạt ở đình Xuân Đỗ Hạ có niên đại nửa sau thế kỷ 19 và 4 đôi đũa, 2 chiếc thìa bạc chạm rồng phượng ở đình Lệ Mật, niên đại đầu thế kỷ 20.
Qua nghiên cứu, giám định cổ vật cùng với việc khảo sát thực địa tại các di tích đã cho thấy phần nào diện mạo lịch sử - văn hoá lâu đời của vùng đất Long Biên. Đó là vùng đất hình thành sớm, vào khoảng đầu Công nguyên đã có mật độ dân cư đông đúc. Các truyền thuyết dân gian, các câu chuyện kể, đặc biệt là nội dung các bản sắc phong đã phản ánh rõ điều đó như sắc phong ở đình Xuân Đỗ Hạ, đình Thổ Khối... Bước vào thời kỳ lịch sử, các dấu ấn lịch sử - văn hoá còn in đậm qua các di tích và di vật gắn liền với những tôn giáo, tín ngưỡng (thờ Phật, thờ Thần), lễ hội dân gian nổi tiếng (Lệ Mật), những nhân vật, sự kiện lịch sử (Lý Thường Kiệt, đê Cơ Xá, chiến dịch vây thành Đông Quan của khởi nghĩa Lam Sơn)...
Long Biên là nơi có nhiều di tích, lưu trữ khá đậm đặc các cổ vật có giá trị. Trong số ấy, tập trung chủ yếu ở khung niên đại thế kỷ 19 và khung niên đại nửa sau thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đáng chú ý, mặc dầu trải qua thời gian tồn tại lâu dài, các di vật có niên đại thời Lê - Mạc - Lê trung hưng (thế kỷ 16, 17 và 18) vẫn có số lượng đáng kể được bảo tồn và lưu giữ trong các di tích. Thông qua đó, đã cung cấp nhiều tư liệu quí giá giúp ích cho công tác nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử vùng đất Long Biên nói riêng cũng như lịch sử dân tộc.
TS. Nguyễn Văn Đoàn