Nếu có thời gian đến Huế, quý vị đừng bỏ lỡ dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của cung điện có tuổi đời hơn 170 năm, nằm ẩn mình bên đường Lê Trực, đó là điện Long An có tên tuổi gắn liền với các công trình kiến trúc của cung Bảo Ðịnh - Một hành cung của Vua Thiệu Trị.
Điện Long An, nguồn: Sưu tầm
Long An là chính điện thuộc cung Bảo Định, xây dựng vào năm 1845. Theo sách Đại Nam thực lục, ghi chép vào tháng Giêng năm Thiệu Trị 5 (1845), “ngày Ất Hợi, làm cung Bảo Định ở phía nam vườn Thường Mậu; chính điện gọi là Long An” [1].
Hoàng đế Thiệu Trị rất quan tâm đến cung điện có nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế độc đáo này, đơn cử dẫn chứng về nhận định này là nét châu điểm cùng lời phê của ông trên bản tấu của quan Đổng lý đề ngày 16 tháng 3 năm Thiệu Trị 6 (1846) rằng: “Một gác sau điện Long An” xen vào dòng chữ “Nay kính đem bản vẽ mẫu điện Long An, gác Minh Trưng và bình bạt tránh nắng phía trước, phía sau, tất cả là 4 nơi, trình lên” [2] .
Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 37, tờ 134, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Sau khi hoàn thành, Cung Bảo Định để làm chỗ nghỉ chân hằng năm đi cày ruộng Tịch Điền - Lễ mở đầu cho vụ mùa mới, mỗi năm tổ chức một lần vào mùa xuân. Đồng thời, đây là nơi để nhà vua cùng hoàng gia thường hay lui tới, nghỉ ngơi, tiếp khách, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh,… Một ví dụ trên Châu bản triều Nguyễn đã minh chứng cho việc nhà Vua ngự ở ngôi điện này là bản phụng biên của Viện Đô sát đề ngày 27 tháng 5 năm Thiệu Trị 6 (1846) như sau: “Hoàng thượng thân đi cày ruộng Tịch điền. Khi lễ xong, ngự ở điện Long An thiết triều nhận chúc mừng và các quan văn võ từ hàm tứ phẩm trở lên chuẩn cho đều được ban yến một lần” [3].
Khi Vua Thiệu Trị qua đời, linh cữu Hoàng đế Thiệu Trị quàn tại điện Long An trước khi làm lễ đưa đi an táng tại Xương Lăng. Châu bản triều Nguyễn cung cấp thông tin về công việc này qua bản tấu của quan viên phủ Thừa Thiên đề ngày 15 tháng 10 năm Thiệu Trị 7 (1847) đã “tập hợp 170 bậc kỳ lão từ 70 tuổi đến 90 tuổi, tiến hành diễn tập trước theo đúng nghi thức để làm lễ chiêm bái linh cữu Hoàng đế Thiệu Trị quàn tại điện Long An, trước khi đưa đi an táng tại Xương Lăng” [4].
Ngoài nơi thờ chính thức trong Thế Miếu, bài vị của Vua Thiệu Trị còn được đưa vào thờ tại điện Long An. Dưới triều Vua Tự Đức, triều đình nhà Nguyễn đều tổ chức cúng giỗ Vua Thiệu Trị tại ngôi điện này. Bản tấu của Bộ Lễ đề ngày 22 tháng 9 năm Tự Đức 10 (1857) rằng vào “ngày 27 tháng này là ngày giỗ (Đức Hiến tổ Chương hoàng đế, Nguyễn Phúc Tuyền tức Hoàng đế Thiệu Trị) tại điện Long An, truyền cử Hoàng thân công đến dâng lễ hoàng hôn trước giỗ 1 ngày và làm chính lễ tại điện Biểu Đức ở Xương Lăng” [5].
Sau sự kiện Kinh đô thất thủ (5.7.1885), quân Pháp đánh chiếm hành cung, ngôi điện cũng không tránh khỏi bị chiếm đóng, làm mất đi sự tôn nghiêm của nơi phụng thờ. Những bàn thờ, bài vị của Vua Thiệu Trị được triều đình thỉnh vào thờ tại điện Phụng Tiên bên trong Đại Nội. Từ thời điểm này về sau điện Long An bị hư hỏng, xuống cấp và mất mát rất nhiều đồ thờ. Thí dụ một dẫn chứng khẳng định sự việc trên là bản tấu của Phủ Tôn nhân và Bộ Lễ đề ngày 19 tháng 3 năm Đồng Khánh 1 (1886) đã “liệt kê các đồ thờ ở điện Long An còn bao nhiêu, mất bao nhiêu” [6].
Tháng 6 năm 1908, điện Long An bị triệt giải và mang về dựng lại trong khuôn viên Trường Quốc Tử Giám với chức năng khác là Tân thư viện. Các thợ mộc của triều đình đã tháo dỡ tất cả các chi tiết kiến trúc của ngôi điện gồm cột, rường nhà, dàn mái, hệ thống đố bản, các chi tiết trang trí, hệ thống móng nhà bằng đá thanh và đá cẩm thạch, …, đưa về lắp ráp ở vị trí mới một ngôi điện giống y như trước. Chức năng của Tân thư viện này là nơi lưu giữ tư liệu bằng chữ Hán, chữ Pháp, chữ Anh nhằm phục vụ cho các học sinh của Trường Quốc Tử Giám. Một minh chứng về công việc này là bản tấu của Bộ Công đề ngày 24 tháng 6 năm Duy Tân 2 (1908) đã “chi 4.779 đồng 8 hào thuê thợ tháo dỡ gỗ ở điện Long An, dùng để xây dựng Thư viện tại khu đất trong cửa Đông Nam đối diện Viện Cơ mật (sau này chuyển Quốc Tử Giám về đây)” [7].
Năm 1923, Tân thư viện trở thành Bảo tàng Khải Định, gìn giữ và trưng bày những hiện vật do những hội viên của Hội Đô Thành Hiếu Cổ sưu tầm được. Ngày nay, bảo tàng này còn hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với tên gọi Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Trải qua nhiều năm với sự khắc nghiệt của khí hậu ở Huế, công trình kiến trúc này đã xuống cấp nghiêm trọng về tổng thể. Để trả lại giá trị cho ngôi điện có kiến trúc đẹp và độc đáo này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tu bổ, phục hồi điện Long An, một cung điện đặc sắc với lối kiến trúc mỹ thuật Á Đông góp phần làm phong phú thêm hệ thống trưng bày của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Phần lớn các sưu tập ở đây là các đồ dùng cho nhu cầu sinh hoạt, lễ nghi, tín ngưỡng và quốc phòng của vua, hoàng gia và triều đình cũng như những tặng phẩm, thương phẩm từ quan hệ ngoại giao, thương mại giữa Việt Nam với các nước... tạo nên những không gian đẹp và trang trọng để làm nổi bật thêm cho những giá trị của di sản ông cha để lại... Có lẽ, đây là bảo tàng duy nhất của Việt Nam hiện có một số lượng hiện vật lớn của thời Nguyễn - Triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam./.
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, NXB Giáo dục, H.2007, tr.724.
[2] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 37, tờ 134.
[3] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 37, tờ 221.
[4] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 46, tờ 186.
[5] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 77, tờ 54.
[6] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, Đồng Khánh tập 1, tờ 74.
[7] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn, Duy Tân tập 12, tờ 111.
Đoàn Thị Thu Thủy - Phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu