Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/06/2019 15:34 3270
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian của một số nước Á Đông, Tết Đoan Ngọ (Tết Đoan Dương) diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, cũng là một trong những Tết quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam.

Về nguồn gốc của Tết này, ngoài sự tích Khuất Nguyên của Trung Quốc thì ở mỗi quốc gia đều có cách giải thích khác nhau, nhưng điểm chung là gắn liền với sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. Vì Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa); còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu khí dương đang thịnh, như vậy, ngày Đoan Ngọ là cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết trong năm, là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, con người ở gần trời đất nhất. Ở Việt NamTết Đoan Ngọ còn gọi là Tết diệt sâu bọ để tưởng nhớ đến việc ông lão Đôi Truân giúp dân chúng trị sâu bọ phá hoại mùa màng.

Dưới triều Nguyễn, tiết Đoan Dương cùng với Nguyên Đán, Vạn Thọ là ba tiết lớn nhất trong năm. Vì vậy, các vua sẽ ấn định thời gian nghỉ Tết và những nghi lễ cần thực hiện.

Tùy theo tính chất công việc, thời gian nghỉ Tết Đoan Ngọ đối với các nha, sở sẽ được quy định khác nhau. Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 67, mặt khắc 5, cho biết vào thời vua Minh Mệnh thì trước tết Đoan Dương một ngày, sắc cho những công tác thổ mộc ở Kinh nghỉ việc 2 ngày (mùng 4 và  mồng 5); những công sở Nội tạo, Nội vụ, Vũ khố nghỉ việc 1 ngày (mùng 5). Còn dưới thời vua Tự Đức thì các sở thợ ở Kinh chỉ được nghỉ duy nhất một ngày là mùng 5.

 

Bản dập mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 67, mặt khắc 5.

Các nghi lễ thực hiện ở trong Kinh, ngoài thành, dinh, trấn cũng được quy định cụ thể với các mức kinh phí khác nhau. Năm 1805, vua Gia Long ban hành quy định về việc tổ chức các ngày lễ trong năm ở các thành, dinh, trấn như sau: Ở Miếu cũ Gia Định, 2 lễ Nguyên Đán và Đoan Dương mỗi năm chi tiền hơn 48 quan. Ở Gia Định và Bắc Thành, lễ duyệt binh đầu năm đều được chi tiền 100 quan; ở Hành cung 3 lễ là Nguyên Đán, Vạn Thọ, Đoan Dương, mỗi lễ, mỗi thành đều chi tiền hơn 125 quan, các dinh, trấn thì đều chi tiền hơn 26 quan; duy 6 ngoại trấn ở Bắc Thành thì đều chi tiền 20 quan; lễ Tạ trường thì đều chi tiền hơn 12 quan.

 

Bản dập mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ”, quyển 27, mặt khắc 3.

Các loại vật phẩm dùng để cúng cho ngày tết Đoan Ngọ là vật phẩm từ các địa phương dâng tiến.

Trong dịp Tết này, vua còn cho treo cờ ở kỳ đài. Vua Minh Mạng cho định lệ treo cờ ở kỳ đài. Ở Kinh thành, vào các tiết Thánh Thọ, Vạn Thọ, Nguyên Đán, Đoan Dương cùng ngày Mùng 1, ngày Rằm lúc đại giá ra vào, đều treo cờ lớn bằng trừu lông sắc vàng; ngày thường thì treo cờ nhỏ bằng vải vàng. Nếu gặp ngày mưa gió to cùng ngày kỵ thì miễn treo. Các thành, dinh, trấn, đạo, phủ, huyện, các đài Trấn Hải, Điện Hải, Định Hải, gặp các tiết lớn cùng khi xa giá đi tuần đến, đều treo cờ lớn bằng trừu nam sắc vàng. Và cho tấu các bản nhạc để tế ở các miếu, khi rước thần thì tấu bài Hàm hòa, tuần rượu đầu (sơ hiến) tấu bài Thọ hòa (sau đổi làm Tường hòa), tuần rượu thứ hai (á hiến) tấu bài Dự hòa, tuần rượu sau cùng (chung hiến) tấu bài Ninh hòa, từ tạ thần thì tấu bài An hòa, lễ xong thì tấu bài Ung hòa, được dùng trong tiết Nguyên đán, Đoan Dương (1).

Các nghi thức của Tết Đoan Ngọ trong hoàng cung được thực hiện nghiêm trang và chỉnh chu, các vua ngự mũ cửu long, áo hoàng bào, đai ngọc cúng ở Thái Miếu hoặc Thế Miếu, rồi sau đó thay thường phục đến chầu cung Từ Thọ làm lễ để tỏ lòng thành của một người con. Ngay trong ngày chính tiết, ở đại điện Thái Hòa, hoàng thân và trăm quan đứng ở sân điện dâng biểu chúc mừng; các quan địa phương ở ngoài đều theo ban đứng chầu ở hành cung. Tuy nhiên vào ngày tết Đoan Dương năm 1841, vì quốc tang nên vua Thiệu trị cho bãi miễn việc dâng biểu mừng, bắn súng và đứng chầu theo ban.

Tết Đoan Dương năm 1846, vua Thiệu Trị cùng các quan đến chầu ở cung Từ Thọ. Khi làm lễ xong, vua ngự điện Thái Hòa, nhận lễ mừng, ban cho hoàng tử, hoàng tôn, hoàng thân, văn từ chánh ngũ phẩm, võ từ chánh tứ phẩm trở lên, ăn yến ở điện Cần Chính và hành lang 2 bên tả hữu. Con các thân phiên công đã phong đình hầu cùng là văn tòng ngũ phẩm, võ tòng tứ phẩm, cùng các viên được điểm vào chầu và các viên giải nộp vật hạng; hoặc diễn tập ở Kinh đều được dự. Sứ thần nước ngoài, thổ ty các hạt cũng cho ăn yến ở viện Đãi lậu bên tả. Gia thưởng cho sứ thần 2 nước Thủy xá, Hỏa xá là Sơn Thí, Kiệu Mộc, và thổ ty Trấn Tây là bọn Mộc Tức: các thứ chè, hoa quả, quạt, khăn tay.

 

Bản dập mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ”, quyển 57, mặt khắc 2.

Từ công tác chuẩn bị, đến việc định lệ các nghi thức và cách thức tổ chức trong ngày lễ chính được ghi chép trong tài liệu Mộc bản, chúng ta thấy sự quan tâm đặc biệt của các vua triều Nguyễn dành cho ngày tết Đoan Ngọ. Thông qua đó, có thể hiểu được phần nào ý nghĩa của ngày tết này trong tâm thức của người Việt Nam.

Chú thích:

1.. Bản dịch sách “Đại Nam thực lục” của Viện Khoa học xã hội, Viện Sử học, NXB Giáo dục, 2007 và Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 14.

……………

Tài liệu tham khảo:

1.     Hồ sơ H21/28, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2.     Hồ sơ H22/68, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3.     Hồ sơ H23/58, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Hoàng Thị Ánh Phượng (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

 

luutru.gov.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6373

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ngày ấy trong tôi...

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ngày ấy trong tôi...

  • 05/06/2019 09:14
  • 5013

Cảm giác ngày đầu đến nhận công tác ở Kho Lưu trữ Trung ương Hà Nội (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Đó là tâm trạng bồn chồn, hồi hộp của một sinh viên lần đầu bước chân vào một công sở có cái tên khá ấn tượng: “Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng”.