Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/06/2019 13:57 4583
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tại phòng Tư liệu - Thư viện, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đang lưu giữ một bức thư đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây hơn 70 năm, được Người trực tiếp đánh máy, ký tên và đóng dấu triện đỏ sau tấm ảnh chân dung của mình. Đó là “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu Trại Nhi đồng Nghệ thuật I, tháng 8 năm 1947”.

Giữa rừng sâu Việt Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ kính yêu vẫn luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng những tình cảm đằm thắm nhất. Tháng 8 năm 1947, sau khi nhận được những lá thư, bài ca, bản nhạc của các cháu ở Trại Nhi đồng Nghệ thuật I gửi tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư trả lời các cháu. Sở dĩ chúng tôi gọi “Bức thư đặc biệt” vì thư được đánh máy trực tiếp đằng sau tấm ảnh (đen trắng, cỡ 9x12cm) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp ở Hà Nội trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám/1945; thứ hai, qua tra cứu các tài liệu, sách báo, đặc biệt là sách Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 4 (1946 - 1950), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2006 và sách Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 5 (1947 - 1948), Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội năm 2011, chúng tôi chưa thấy giới thiệu bức thư này, mà chỉ có thư của Bác gửi Trại Nhi đồng Nghệ thuật I tháng 8/1948.

 

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và mặt sau ảnh là thư của Người gửi các cháu Nhi đồng Nghệ thuật I, tháng 8/1947

Thư ngắn gọn, súc tích gồm 7 dòng, được đánh máy mực màu tím, trên nền giấy màu vàng ngà kích thước 9x12cm. Phía trên, bên trái thư có chữ “I/” viết tay bằng bút mực xanh đen. Chữ “I/”, có hàm ý là muốn bổ sung thêm đó là Trại Nhi đồng Nghệ thuật I.

Phía dưới của bức thư (7 dòng) là chữ ký tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh màu mực tím và dấu triện vuông chữ Hán màu đỏ (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Nội dung của thư, chúng tôi xin được trích nguyên văn:

“ Gửi các cháu nhi đồng Nghệ thuật,

Bác chúc các cháu mạnh khỏe,

và mong các cháu luôn luôn cố gắng cho tiến bộ mãi.

Bác hôn các cháu.

Tháng 8 năm 1947

Bác Hồ ”

Phía dưới của thư, bên lề trái dán một nhãn hình chữ nhật (giấy kẻ ngang, kích thước 2,2 x 3,7cm) với dòng chữ đánh máy mực tím “B.T.T.U.So.I856 Vu.N.thuat”.

Bên phải có dòng số và chữ “2618BTTW”

Qua những thông tin mô tả ở trên, chúng ta thấy bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho các cháu Trại Nhi đồng Nghệ thuật I (tháng 8/1947) đã được lưu giữ ở Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa với số ký hiệu B.T.T.U So.I856”, sau đó được chuyển giao cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) vào trước năm 1959 với ký hiệu 2618 BTTW (9x12).

Hơn 70 năm đã trôi qua, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút tích, chữ ký của Người viết sau tấm ảnh gửi cho các cháu ở Trại Nhi đồng Nghệ thuật I, được lưu giữ cẩn trọng ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Qua bài viết, chúng tôi mong muốn bức thư đặc biệt này sẽ được Ban Giám đốc và Hội đồng Khoa học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho phép làm hồ sơ, xét duyệt nhập Kho cơ sở và trở thành hiện vật gốc của Bảo tàng. Từ đó, Bức thư sẽ được Viện Hồ Chí Minh (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) giới thiệu trong các cuốn sách Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sửHồ Chí Minh - Toàn tập ở những lần tái bản sau cũng như giới thiệu, công bố rộng rãi trên các sách, báo.

Trong những ngày tháng lịch sử này, đọc lại bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu ở Trại Nhi đồng Nghệ thuật I, chúng ta càng thấy sự quan tâm, tình cảm thương yêu của Người dành cho các cháu Trại Nhi đồng Nghệ thuật thật ân cần, ấm áp và bao la. Tấm gương đạo đức của Người luôn được các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

 Chu Văn Lộc

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6373

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Bác Hồ trong trái tim nhân loại

Bác Hồ trong trái tim nhân loại

  • 31/05/2019 09:01
  • 4778

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất đọc tại lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình, có đoạn: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại. Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết! Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta ...Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta"..