Một trong những phẩm chất lớn về nhân cách của Bác Hồ là Người nói như thế nào thì Người làm như vậy. Từ những việc lớn với dân, với nước đến đến những sinh hoạt hàng ngày, ở Bác đã biểu hiện rõ điều đó.
Năm 1945, cách mạng mới thành công, nạn đói còn đang
đe dọa đồng bào miền Bắc, bên cạnh các biện pháp khuyến khích tăng gia sản xuất,
Bác gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước “Mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một
bơ”, gửi số gạo đó cứu giúp những người thiếu ăn. Chính Người cũng thực hiện
như vậy. Một lần, đúng bữa cơ quan Bác nhịn ăn để góp gạo cứu đói cho dân, vì
chuyện quốc gia, Bác phải đi dự tiệc của tướng Tiếu Văn. Khi về, mặc dù suất gạo
bữa đó đã được gửi sang quỹ cứu đói, Bác vẫn đề nghị “nhịn bù” vào bữa tới. Người
nói:
- Mình khuyên dân mười ngày nhịn ăn một bữa, mà chính đến ngày nhịn mình lại cứ chén tì tì thì nghe sao được!
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tại căn cứ địa Việt Bắc, Bác căn dặn các cán bộ cơ quan tận dụng đất hoang quanh nơi làm việc và thời gian nhàn rỗi để tăng gia. Chính Bác, tại nơi làm việc, dù ở dài ngày hay ngắn ngày, cứ cuối giờ chiều và sáng sớm, Bác lại cuốc đất trồng rau, nuôi gà để góp phần cùng cơ quan “tự túc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia tăng gia sản xuất ở Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
Bác kêu gọi đồng bào tham gia đóng góp quỹ “Mùa đông binh sĩ” và chính Người cũng góp quỹ một chiếc áo ấm của mình.
Bác khuyên mọi người sống giản dị, khiêm tốn. Và, chính Người đã nêu tấm gương mẫu mực về phẩm chất đó. Đôi dép cao su, tấm áo ka-ki vá vai cùng những đồ dùng hàng ngày ít ỏi, đơn sơ đã trở thành huyền thoại về đức tính giản dị của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm,
Hà Nội, năm 1955
Bác khuyên cán bộ Đảng và Nhà nước phải sống gần gũi với nhân dân, làm việc phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, phải gắn bó và tôn trọng dân. Và, chính Bác, tuy công việc bộn bề Người luôn tìm cách “thoát” khỏi bàn giấy để đến với nhân dân, hỏi dân những chuyện Người muốn biết, lắng nghe những chuyện dân muốn nói. Đi thăm các nơi, Bác không chỉ nghe báo cáo, mà Người đến từng gia đình, từng cỗ máy, từng mâm pháo, từng thửa ruộng. Vì vậy, Bác luôn biết đúng và kịp thời đời sống, nguyện vọng của nhân dân lao động, của cán bộ chiến sĩ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân đang gặt lúa tại xã Hàng Sơn, huyện Đại Từ,
tỉnh Thái Nguyên, ngày 20-9-1954
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước, Bác luôn căn dặn cán bộ các cấp: Làm cán bộ để phục vụ cho dân, cho nước chứ không phải để “làm quan”. Phải gương mẫu chấp hành luật lệ của Nhà nước, quy định của tổ chức để làm gương cho mọi người. Không được thu vén cá nhân, tự tạo ra những đặc quyền, đặc lợi cho riêng mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng, tháng 5-1957
Nói gắn liền với làm, đối với con người trong đời thường đó là chữ “tín”. Tư tưởng gắn liền với hành động: chính sách, chủ trương gắn liền với tổ chức thực hiện, đối với các nhà chính trị đó là điều cốt yếu để tạo lập được niềm tin trong nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tập thể dục rèn luyện thân thể hàng ngày
Sự nhất quán giữa nói và làm trong cuộc đời chính trị trong sinh hoạt hàng ngày của Bác Hồ là những bài học bổ ích cho mỗi người chúng ta./.
Thu Hà