Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

02/05/2019 14:41 3545
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đặt vấn đề Trong hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử hiện có tại quần thể di tích Ải Chi Lăng (huyện Chi Lăng - Lạng Sơn), số lượng di tích văn hóa - tâm linh khá “khiêm tốn”, dường như chỉ có 3/52 điểm là đền Quan Nàng, đền Mỏ Bạo và đền Hổ Lai (được lập để vỗ về vong linh viên tướng nhà Minh là Liễu Thăng chết trận). Sự hạn chế về số lượng và quan trọng hơn, hoạt động văn hóa - tâm linh tại ba địa điểm này chưa truyền tải đầy đủ thông điệp về một chiến thắng lịch sử, về sự trí dũng của cha ông, chưa đáp ứng được nhu cầu tâm linh của khách tham quan khi đến với Khu di tích.

Chúng tôi cho rằng việc xây dựng, phát triển di tích văn hóa - tâm linh ở Chi Lăng hiện tại là rất cần thiết, dựa trên những căn cứ sau đây:

- Tín ngưỡng thờ cúng danh nhân và anh hùng dân tộc của người Việt

Theo phân loại sơ bộ, số lượng thần linh được thờ phụng ở Việt Nam có thể chia thành hai nhóm đối tượng là “nhân thần” (nhân vật lịch sử hoặc thần thoại đã được “lịch sử hóa” như Lạc Long Quân, Âu Cơ) và “nhiên thần” (lực lượng tự nhiên). Hà Đình Hùng khi thống kê từ hai nguồn Thanh Hóa chư thần lụcĐịa chí Thanh Hóa đưa ra con số cụ thể hơn: “Nhân thần” chiếm 70%, “nhiên thần” chiếm 30%. Trong tổng số “nhân thần” là nam (nam thần) thì thần núi, thần sông, thần biển, hoàng đế, võ tướng, nhân vật lịch sử chiếm 80%, còn lại là nghệ nhân, người nước ngoài và nô bộc (Hà Đình Hùng, 2017, tr.46-55). Điều này cho thấy, trong hệ thống tín ngưỡng của người Việt, yếu tố “lịch sử” là một trong những định hướng chính để dẫn dắt tư duy thực hành tín ngưỡng của nhân dân.

Khó cóthể thống kê hết số lượng vĩ nhân được nhân dân tôn thờ bởi việc thờ cúng, bên cạnh yếu tố “định hướng” (triều đình, làng xã công nhận) còn mang tính “tự phát” (nhân dân tự lập đền thờ). Lý Tế Xuyên trong Việt điện u linh đã thống kê lai lịch, công nghiệp của “lục vương” “thập thần” được phụng thờ là: Sĩ Nhiếp, Phùng Hưng, Triệu Việt Vương, Thần Xã Tắc, Hai Bà Trưng, Mị Ê (sáu vị vương) và Lí Hoảng, Lí Ông Trọng, Lí Thường Kiệt, Tô Lịch, Phạm Cự Lượng, Lê Phụng Hiểu, Mục Thận, Trương Hống - Trương Hát, Lí Phục Man, Lí Đô Úy, Cao Lỗ (mười vị thần). Tác giả Lĩnh Nam chích quái cũng kể nhiều chuyện danh nhân, anh hùng, trong đó nhiều vị được sùng bái đặc biệt như: Phù Đổng Thiên Vương, Lí Ông Trọng


Đền thờ Lý Thường Kiệt ở huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa (ảnh: tác giả)

Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của các danh nhân “ngoại quốc” hoặc có nguồn gốc nước ngoài (số lượng không nhiều), có thể kể đến Tích Quang - thái thú quận Giao Chỉ và Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp (cai trị Giao Chỉ từ năm187 tới năm 226) được lập đền thờ ở làng Tam Á, huyện Gia Định, phủ Thuận An và ở làng Lũng Triều, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh; Mị Ê (vương phi của Xạ Đẩu - vua Chiêm Thành) được vua Đại Việt phong Trinh liệt Phu nhân (Trần Thế Pháp, 1961, tr.115).

- Văn thần, võ tướng Lam Sơn - từ lịch sử đến thần điện

Có nhiều yếu tố góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn “mười năm nếm mật nằm gai”. Trước hết phải là tài chỉ huy kiệt xuất của Bình định vương Lê Lợi. Có chính nghĩa, sự nghiệp “bình Ngô công đức tày trời” được cả hai yếu tố: “con người” và “thiên nhiên” ủng hộ. Nhưng đặc biệt quan trọng là sự phò tá của rất nhiều văn thần, võ tướng tài ba.

Việc định công, ban thưởng công thần, võ tướng được triều Lê Sơ hết sức chú ý. Đại Việt sử ký toàn thư đã đề cập đến sự kiện vua Lê Thái Tổ “truy tặng Lê Thạch làm Trung Vũ Đại Vương, đưa vào thờ ở tẩm miếu” (Đại Việt Sử ký toàn thư, tr.352). Để ghi nhớ công lao “liều mình cứu chúa” của Lê Lai, người đứng đầu nhà Lê Sơ đã truyền chỉ ngày kị của người anh hùng làng Tép (nay là xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) sẽ được tiến hành trước quốc kị một ngày (hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi)…

Chưa dừng lại ở đó, với những đóng góp lớn lao, văn thần, võ tướng Lam Sơn còn đi vào thần điện trong sự tôn vinh của đông đảo người dân. Trên đất Thanh Hóa, “cái nôi” của Khởi nghĩa Lam Sơn, các di tích thờ phụng, điểm thờ tự phân bố “dày đặc”, như một bằng chứng xác thực trên cả hai phương diện: lịch sử và tâm thức dân gian.

Đáng nói hơn, ảnh hưởng và đóng góp của văn thần, võ tướng Lam Sơn không chỉ “bó hẹp” trên vùng đất phát tích của cuộc khởi nghĩa mà còn lan tỏa đến nhiều địa phương khác. Với quãng thời gian trấn thủ Hóa Châu và để lại nhiều công trạng, Đình thượng hầu Lê Khôi đã được nhân dân vùng Nghệ - Tĩnh lập đền thờ dưới chân núi Long Ngâm, ngày mồng 3, tháng 5 âm lịch hàng năm, nhân dân 2 huyện Lộc Hà, Thạch Hà (nay thuộc Hà Tĩnh) đều tổ chức Lễ giỗ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi.

 

Đền Chiêu Trưng đại vương - thờ võ tướng Lam Sơn Lê Khôi trên đất Hà Tĩnh(ảnh: http://thu.vietnamdefence.com/)

Trong thời gian đóng quân ở làng Thiên Trì - Yên Mô - Ninh Bình, Lê Niệm đã chỉ đạo đắp đê Hồng Đức bao quanh tổng Thổ Mật và Yên Mô (nay thuộc các làng Yên Mô Thượng, Thiên trì, Yên Mô Càn, Côi Trì). Để tưởng nhớ công lao của Lê Niệm, người dân Yên Mô đã lập đền thờ ông tại xã Yên Mạc, Yên Mô (di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia). Với những đóng góp lớn lao về binh thư, chính trị, xã hội, văn học, Nguyễn Trãi được lập đền thờ tại quê hương Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương); đền thờ Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1964.

Có thể kể thêm một số điểm thờ phụng khác như đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn ở thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, Huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Để ghi nhớ công lao của Lưu Nhân Chú, nhân dân địa phương đã xây đền thờ ông dưới chân hai ngọn núi Văn, núi Võ (huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Năm 1981, Bộ Văn hóa thông tin (cũ) đã có quyết định công nhận khu di tích núi Văn, núi Võ và đền thờ Lưu Nhân Chú là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hệ thống di tích thờ phụng tướng lĩnh của khởi nghĩa Lam Sơn rất phong phú, đa dạng và hiện diện trên nhiều tỉnh, thành của tổ quốc. Điều này chứng tỏ mức độ lan tỏa và sự xác lập ổn định trong tâm thức văn hóa cộng đồng.

- Khởi nghĩa Lam Sơn và hệ thống di tích văn hóa - tâm linh trên đất Chi Lăng

Trong Khởi nghĩa Lam Sơn, vùng đất Chi Lăng (nay là huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) là một trong hai địa điểm được đặt tên trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang diễn ra từ ngày 18 tháng 9 đến cuối tháng 10 năm 1427 giữa nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi cùng nhiều tướng lĩnh khác chỉ huy, đánh bại hai đạo quân viện binh nhà Minh  của Liễu Thăng và Mộc Thạnh. Trận Chi Lăng (đặt theo tên vùng đất) là thắng lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo tiền đề cho thắng lợi chung của cả chiến dịch.

 

Một đoạn lũy ải, nơi diễn ra trận Chi Lăng năm 1427(ảnh: http://dulichlangson.com.vn/)

Quần thể di tích Chi Lăng hiện còn lưu giữ nhiều bằng chứng lịch sử như thành cổ Chi Lăng (nơi Lê Sát, Lê Thụ đặt phục binh, chiếm cửa ải), Mã Yên Sơn (nơi Lê Sát chém đầu Liễu Thăng), Liễu Thăng thạch (dưới chân núi Mã Yên, tương truyền Liễu Thăng sau khi chết đã hóa thành đá)... Quan trọng hơn, nơi đây hiện có không ít điểm văn hóa - tâm linh gắn với chiến thắng Chi Lăng xưa: Đền Quan Nàng, đền Mỏ Bạo…

Đền Hổ Lai thuộc địa phận làng Cóoc (xã Quang Lang) được lập nên để an ủi vong linh tướng giặc Liễu Thăng chết trận. Mô-tip điển hình cho tín ngưỡng thờ cúng “nhân vật phản diện” mà “minh chứng bổ sung” chính là “Hội Đống Đa” ngày 5 tháng Giêng (âm lịch). Hàng năm, người dân làng Đồng Quang (Hàm Long, Hà Nội) lại tổ chức hàng năm để mừng Xuân, đồng thời cử hành lễ giỗ tử sĩ trận Đống Đa trong đó có tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống thua trận phải tự tử (năm 1789)…

Song  dường như hệ thống di tích tâm linh này chưa phản ánh hết ý nghĩa của chiến thắng Chi Lăng. Đền Quan Nàng, đền Mỏ Bạo, đền Hổ Lai… thực chất chỉ là những điểm thờ tự “tự phát”, quy mô nhỏ bé, tầm ảnh hưởng hạn chế. Việc lựa chọn đối tượng tôn thờ còn thiếu sót, chưa thật sự hợp lý... Diễn biến lịch sử và thực tế địa - văn hóa vùng đất Chi Lăng cho thấy, nơi đây cần có di tích thờ tự những nhân vật lịch sử đã tham gia và làm nên chiến thắng Chi Lăng năm 1427. 

Kết thúc vấn đề

Đối tượng thờ phụng (?) Địa điểm (nếu được xây dựng), cá nhân/tổ chức lo việc thờ tự (?), lịch lễ (?), nghi lễ (?)… là những vấn đề lớn, quan trọng, cần có sự tham gia, bàn thảo của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia cùng các nhà quản lý văn hóa. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến những ý nghĩa chủ đạo nếu việc xây dựng di tích văn hóa - tâm linh trong Khu di tích Chi Lăng được phê duyệt và triển khai:

- Việc thờ phụng các nhân vật lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn là hoạt động văn hóa tâm linh đã được người dân cả nước thừa nhận và duy trì qua nhiều thế hệ. Điều đó cho thấy, đằng sau thần điện là sự tôn vinh của nhân dân đối với những cá nhân đã hy sinh cho cuộc khởi nghĩa.

- Đứng trên góc độ tâm thức, việc tôn thờ có ý nghĩa tạo sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Chất keo kết dính đó chính là lòng biết ơn tiền nhân, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân các danh nhân, nhân vật lịch sử có đóng góp lớn lao trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.

- Nhu cầu tâm linh của khách tham quan là điều đã được kiểm chứng tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa trên cả nước. 

Phạm Hoàng Mạnh Hà

Tài liệu tham khảo:

1.     Hà Đình Hùng (2017), Vấn đề bảo tồn hệ thống di tích phụng thờ các nhân vật lịch sử của Khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa trong xã hội đương đại, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, số 01, tháng 8/2017.

2.     Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (1272 - 1697), Đại Việt Sử ký toàn thư, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch (1985 - 1992), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993 (bản điện tử của tác giả)

3.     Hà Đình Hùng (2017), Di tích phụng thờ các nhân vật lịch sử của Khởi nghĩa Lam Sơn, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 398, tháng 8 - 2017, Hà Nội.

4.     Trần Thế Pháp (1961), Lĩnh Nam Chích Quái. Bản dịch của Lê Hữu Mục, Nxb Khai Trí, Sài Gòn.

5.     Lí Tế Xuyên (1961), Việt điện u linh, bản dịch, phần Dẫn nhập của Lê Hữu Mục, Nxb Khai Trí, Sài Gòn

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6373

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Nâng tầm giá trị Di tích lịch sử ải Chi Lăng

Nâng tầm giá trị Di tích lịch sử ải Chi Lăng

  • 24/04/2019 15:19
  • 3119

Phần 2 và hết: