Trong bối cảnh việc bảo tồn các di tích (của cả nước, chứ không riêng gì của Lạng Sơn, của Chi Lăng) đang phải đối mặt với các mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển, quá trình đô thị hóa nông thôn dồn dập, với yêu cầu bảo vệ hiện trạng của di tích lịch sử, văn hóa; mâu thuẫn giữa nhu cầu thực tiễn bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa với khả năng đầu tư kinh phí hạn hẹp của nhà nước; mâu thuẫn giữa nhu cầu khoa học ngày càng cao của sự nghiệp bảo tồn di tích với khả năng, năng lực còn rất hạn chế của cán bộ thực thi trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo di tích thì liệu các thế hệ đương thời có vượt qua được các mâu thuẫn trên hay không. Chúng tôi nghĩ là có thể.
Chúng tôi ủng hộ việc lập “Đề án Xây dựng và phát triển Khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, cũng như để nâng cao giá trị khu di tích lịch sử Chi Lăng và xin góp thêm một số ý kiến sau:
- Xây dựng Hồ sơ khoa học và pháp lý để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng quần thể di tích Ải Chi Lăng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là việc cần làm ngay để đảm bảo yếu tố pháp lý/cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa trên đất Chi Lăng.
Thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các di tích trong quần thể Chi Lăng phải trên cơ sở đảm bảo tính nguyên vẹn, tôn trọng yếu tố gốc, sự bền vững, sự hài hoà của di tích với cảnh quan lịch sử - văn hóa của khu vực. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để góp phần củng cố bản sắc văn hóa địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân.
- Bảo vệ, phát huy và khai thác giá trị di tích một cách hợp lý, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là kinh tế du lịch. Tạo lập sự hài hòa giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới với bảo vệ di sản văn hóa và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Toàn cảnh thung lũng ải Chi Lăng
- Phải coi việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích là sự nghiệp của toàn dân, nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích.
- Bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, học tập, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức về lịch sử, giá trị di sản văn hóa, góp phần định hướng thẩm mỹ, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, chống lại sự du nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai có ảnh hưởng xấu đến các giá trị chuẩn mực trong xã hội.
- Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di tích; về ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Tranh thủ các kênh thông tin, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử của huyện và các địa phương; chú trọng sử dụng các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình, sân khấu hóa… Phối hợp đầu tư xây dựng các phim tài liệu ngắn, các tài liệu truyền thanh, các cuốn sách, tập gấp giới thiệu di sản văn hóa Chi Lăng để tuyên truyền, quảng bá trong các lễ hội hoặc bày bán tại các địa điểm di tích, nhà sách trong và ngoài huyện
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa. Kiện toàn, nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý tại di tích. Phối kết hợp tốt giữa chủ sở hữu với tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích; tăng cường công tác quản lý các lễ hội, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa; tổ chức chỉ đạo việc khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích; phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa;
- Huy động nguồn lực toàn xã hội cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích. Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách thành phố cho công tác tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích, cụm di tích xếp hạng; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hệ thống dịch vụ cho khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa; triển khai việc cắm mốc chỉ giới, lắp đặt biển chỉ dẫn đối với các di tích, cụm di tích xếp hạng.
- Tập trung đầu tư nâng cấp cho Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng, lựa chọn giải pháp phù hợp với xu thế thời đại: cập nhật, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ; sử dụng các tác phẩm nghệ thuật, tài liệu khoa học phụ một các hợp lý để trưng bày hiệu quả, hấp dẫn khách tham quan. Đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm thu thập tài liệu, hiện vật, xây dựng hồ sơ khoa học di tích trong đó đặc biệt lưu ý việc xác minh để tư liệu hóa các địa điểm lịch sử tại di tích; chú trọng việc sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể và những di vật, tài liệu có giá trị hiện đang do các cá nhân lưu giữ. Triển khai, phối hợp nhiều phương thức tuyên truyền, giáo dục như:
+ Quan tâm, nâng cao chất lượng thuyết minh, giới thiệu .
+ Chủ động tổ chức các cuộc nói chuyện về di tích, về các anh hùng, nhân vật lịch sử tham gia các trận đánh nổi tiếng tại Chi Lăng cho các trường học cũng như tổ chức dạy học lịch sử địa phương tại di tích.
+ Tổ chức trưng bày lưu động phục vụ nhân dân ở những nơi khó có điều kiện tới thăm quan di tích.
+ Xây dựng các phóng sự, chuyên đề ngắn về di tích để tuyên truyền, thông tin trên các phương tiện truyền thông.
+Tổ chức các Lễ kết nạp đoàn, đội; Lễ tuyên thệ cho các chiến sĩ chuẩn bị nhập ngũ; Lễ báo công của các tổ chức đoàn thể trong huyện…
+ Tăng cường liên kết với Sở, ngành liên quan, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trong và ngoài huyện; đẩy mạnh liên kết vùng (đặc biệt là các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa là nơi có các di tích gắn với triều Lê sơ …) trong việc thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Tập trung nâng cao chất lượng các tuyến du lịch Chi Lăng với các điểm tham quan tiêu biểu như: hang Lạng Nắc đã phát hiện được hàng nghìn hiện vật là những công cụ điển hình như: công cụ chặt thô sơ, gốm thô cùng một mảnh sọ. Điều này chứng tỏ đất Chi Lăng đã có người tiền sử tới cư trú; Thành cổ Chi Lăng; Cửa ải Quỷ môn; Núi Mã Yên; Lê Tổ kiếm thạch - Liễu Thăng thạch. Lựa chọn, khai thác các điểm di tích có tiềm năng khác như núi Ma Sẳn, Bãi Hào, lũy Cửa Dinh (Ngõ Thề), Nà Nông… từng là nơi mai phục, chặn đánh quân Minh; làng Đồn, Thành Kho, Đấu Đong quân (nơi kiểm duyệt binh sĩ), Ba Đàn, làng Chung… mà dấu vết hiện còn khơi gợi cho chúng ta về nơi đóng quân, kho tàng chứa vũ khí, lương thực, là làng bản đã cấp dưỡng nuôi quân đánh giặc. Một số điểm trong khu di tích: vực Bơi, vực ải Gốc Lý, hòn đá Mổ Lợn (nơi mổ lợn khao quân)… được truyền tụng là nơi sinh hoạt của nghĩa quân; địa điểm Thành Kho với đồi Ba Đăng là điểm nghĩa quân túc trực, quan sát địch; thống di tích - tâm linh: đền Quan Nàng, đền Mỏ Bạo… tôn thờ những “anh hùng vô danh” có công trong cuộc kháng chiến; đền Hổ Lai (làng Cóoc, xã Quang Lang) được lập nên để an ủi vong linh tướng giặc Liễu Thăng chết trận…
Di tích lịch sử ải Chi Lăng
- Phục dựng, nâng cấp một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của huyện thành lễ hội cấp vùng bao gồm: Lễ hội Na, chợ tình Bắc Thủy, Lễ hội Hang Vĩ, Lễ hội “Xuống đồng” “Đập đất”...Bảo tồn và phát huy loại hình dân ca hát Lượn dân tộc Tày xã Bằng Mạc huyện Chi Lăng. Nghiên cứu, xây dựng kịch bản lễ hội đảm bảo phù hợp với đặc điểm sự kiện, đối tượng tưởng nhớ và không gian các lễ hội; từng bước khẳng định tính riêng biệt, đặc thù của lễ hội của địa phương. Khôi phục và duy trì các hoạt động biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian trong lễ hội; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ truyền thống, các cuộc thi đấu thể dục thể thao và trò chơi dân gian; tổ chức hội chợ, hội thi, triển lãm nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm các làng nghề truyền thống, hỗ trợ công tác nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ.
- Thực hiện tốt công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu làm cơ sở cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều tra, sưu tầm, tư liệu hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về di sản văn hóa của huyện. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tổng kiểm kê di sản và lập hồ sơ di sản văn hóa, nghiên cứu, biên soạn, phát hành các tài liệu, ấn phẩm về các di sản văn hóa; tăng cường công tác sưu tầm các hiện vật, di vật bổ sung cho phòng trưng bày của di tích. Thực hiện công tác sưu tầm di sản phi vật thể bằng phương pháp quay phim, ghi âm, chụp ảnh, in đĩa, quản lý bằng công nghệ thông tin; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử văn hóa, về giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội của huyện.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khai thác kinh nghiệm, các tập tục cổ truyền tốt đẹp, kiến thức về tổ chức lễ hội, làng nghề, nghệ thuật trình diễn dân gian từ cộng đồng góp phần làm phong phú thêm giá trị di sản văn hóa của huyện.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn. Đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thông tin; đội ngũ quản lý, bảo vệ và tổ chức hoạt động tại các di tích; có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể; tuyển chọn, xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên điểm tại các di tích được xếp hạng; trước hết là tại các địa điểm di tích có khả năng khai thác phục vụ du lịch./.
Nguyễn Thị Thúy Hà
Hoàng Ngọc Chính