Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

24/04/2019 15:15 4282
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Phần 1:

I. Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam, có hai địa danh nổi tiếng gắn với những chiến công hiển hách của dưới các triều đại quân chủ Lý, tiền Lê, Trần và hậu Lê. Đó là sông Bạch Đằng (chảy giữa Quảng Yên, Quảng Ninh và Thủy Nguyên, Hải Phòng) với những trận thủy chiến tiêu diệt quân Nam Hán của Ngô Quyền năm 938; Hoàng đế Lê Đại Hành (Lê Hoàn) chiến thắng quân xâm lược Tống năm 981; Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại phá quân Nguyên - Mông trong lần xâm lược thứ 3 năm 1288 và ải Chi Lăng (Lạng Sơn) với các chiến công: Phò mã Thân Cảnh Phúc đánh thiệt hại nặng quân xâm lược Tống vào năm 1077; Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh chặn quân Nguyên Mông năm 1285; Lê Lợi tiêu diệt đạo quân viện binh nhà Minh vào năm 1427. Trận đánh chặn viện binh nhà Minh tại ải Chi Lăng năm 1427 là một trong những trận đánh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng nổ ra, sau đó phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống lại ách đô hộ nhà Minh. Đến năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã làm tan rã chính quyền đô hộ nhà Minh ở nhiều nơi, trực tiếp uy hiếp quân Minh ở Đông Quan (Thăng Long - Hà Nội). Trước tình hình đó, tháng 01/1427, nhà Minh quyết định tăng cường viện binh sang cứu nguy. Lần này chúng sử dụng tới 15 vạn quân chia làm hai mũi. Mũi thứ nhất với 10 vạn quân do Liễu Thăng chỉ huy từ Quảng Tây sang theo đường Lạng Sơn tiến xuống. Mũi thứ hai với 5 vạn quân do Mộc Thạnh cầm đầu từ Vân Nam sang qua Hà Giang, Tuyên Quang tiến vào.

Cuối năm 1427, Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn chọn ải Chi Lăng làm trận địa mai phục đánh trận phủ đầu đạo viện binh nhà Minh do Thái phó thái tử An viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy. Thực hiện đúng kế hoạch tác chiến do Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn vạch ra, xác định hướng tiến công chính là đánh đạo quân do Liễu Thăng chỉ huy từ Lạng Sơn vào, Lê Lợi đã bố trí lực lượng và chuẩn bị sẵn thế trận đánh địch từ Pha Lũy đến Xương Giang, trong đó, ải Chi Lăng - cửa ải xung yếu nhất trên con đường từ Pha Lũy (Mục Nam Quan) đến Đông Quan (Thăng Long) là mấu chốt. Tại đây, ta bố trí trận địa phục kích. Để thực hiện trận phục kích này, Lê Lợi chỉ đạo tổ chức những trận đánh nhử địch từ cửa ải Pha Lũy. Tướng Trần Lựu theo kế hoạch đã xác định, vừa đánh vừa giả thua rút về Khâu Ôn. Liễu Thăng đuổi theo chiếm lấy Khâu Ôn. Trần Lựu lại lui về giữ ải Lưu. Địch lại tiến đánh ải Lưu. Trần Lựu rút tiếp về ải Chi Lăng. Ải Chi Lăng với vị địa thế hiểm yếu của nó đã nhiều lần là mồ chôn quân giặc ngoại xâm từ phương Bắc xuống. Chính quân Minh sau khi chiếm được nước ta cũng đã coi Chi Lăng là “cổ họng Giao Chỉ”, là “nơi hiểm yếu đại quân ra vào”. Vì vậy, chúng đã xây dựng nhiều thành lũy để trấn giữ ải này và khống chế con đường huyết mạch nối Quảng Tây với Đông Quan.

Với những bài học nhãn tiền trước đó nên sau khi chiếm được ải Lưu, Liễu Thăng muốn thừa thắng đánh chiếm ải Chi Lăng đã có tướng nhà Minh tỏ ra lo ngại khuyên Liễu Thăng thận trọng. Tham tán quân vụ Lý Khánh cũng can giám Liễu Thăng không nên khinh địch. Nhưng với bản tính kiêu ngạo lại bị kích động bởi những lá thư Nguyễn Trãi gửi cho. Hơn nữa, từ Pha Lũy đến ải Lưu, trên đường tiến quân, Liễu Thăng chưa gặp trở ngại nào nên hắn rất chủ quan hạ lệnh tiếp tục tiến quân.


Toàn cảnh thung lũng ải Chi Lăng, Lạng Sơn

Ngày 10/10/1427 (tức ngày 20/9 năm Đinh Mùi), Liễu Thăng đích thân chỉ huy hơn 100 binh mã xông lên trước đội quân tiên phong mở đường tiến vào Chi Lăng. Tướng Trần Lựu lại đem quân ra đánh rồi lại “giả thua rút chạy”. Liễu Thăng lập tức đuổi theo. Đến núi Mã Yên - một ngọn núi đá vôi nằm ở phía Nam ải Chi Lăng, dưới chân núi là cánh đồng lầy lội có cầu bắc qua đường quốc lộ, Liễu Thăng và hơn 100 kỵ binh vừa qua cầu thì cầu bị sập. Đội hình địch bị chia cắt. Đúng lúc đó lực lượng phục kích của ta bất ngờ xông lên tiêu diệt quân địch. Đội kỵ binh bị diệt gọn. Liễu Thăng bị trúng lao chết trên sườn núi. Tin chủ soái bị diệt làm quân địch càng thêm hoảng loạn. Quân ta dưới sự chỉ huy của các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt, Trần Lựu thừa thắng chia cắt đội hình địch ra tiêu diệt một bộ phận sinh lực tinh nhuệ nhất của chúng, tạo tiền đề cho trận Xương Giang giành thắng lợi quyết định.

Chiến thắng Chi Lăng là chiến công lớn của quân dân Đại Việt trong kháng chiến chống quân Minh. Nó là “một đòn sấm sét gây chấn động mãnh liệt đối với toàn quân địch. Hệ thống chỉ huy đảo lộn, kế hoạch tác chiến bị xáo trộn, quân địch tuy còn đông về số lượng nhưng hàng ngũ nổi loạn, tinh thần hoang mang”.

Với quân dân Đại Việt, chiến thắng Chi Lăng là chiến công đầu đánh quân tiếp viện nhà Minh trên hướng Lạng Sơn. Nó cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân dân ta, làm tăng quyết tâm và niềm tin để quân ta giành những thắng lợi liên tiếp sau đó ở Cần Trạm, Phố Cát, Xương Giang, đập tan nỗ lực cao nhất của quân Minh, buộc Vương Thông ở thành Đông Quan phải đầu hàng, cuộc kháng chiến giành độc lập của quân và dân Đại Việt thắng lợi hoàn toàn.

II. Với những giá trị lịch sử như vậy năm 1962, khu di tích Chiến thắng Chi Lăng được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia đợt đầu, cùng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh khác trên cả nước, thể hiện tầm nhìn và vị thế quan trọng của Chi Lăng đối với lịch sử dân tộc.

Khu di tích Chi Lăng kéo dài khoảng gần 20 km, dọc theo thung lũng sông Thương, chủ yếu thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Trong hồ sơ, các điểm di tích trong quần thể Chi Lăng có 52, nhưng cho tới nay, 6 trên 52 điểm đã không còn xác định được, hoặc đã mất dấu vết. 46 điểm được phân bố thành 5 cụm, trải dài từ khu Mỏ Đá, xã Quang Lang đến xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, bao gồm: xã Chi Lăng có 3 cụm di tích, thị trấn Chi Lăng có 1 cụm, xã Quang Lang 1 cụm. Ngoài ra Chi Lăng là vùng đất có nhiều di tích khảo cổ về nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn và có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có địa chất, địa mạo phong phú, hấp dẫn., cảnh quan môi trường hùng vĩ tươi đẹp…


Di tích lịch sử núi Mã Yên

Với qui mô như vậy nhưng nhưng từ đó đến nay, việc quan tâm và đầu tư chưa tương xứng với vị thế của Khu di tích, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhà trưng bày cũ kỹ, chưa có thương hiệu là điểm đến hấp dẫn để thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, cơ chế quản lý đối với Khu di tích có nhiều bất cập…Do vậy việc lập ra “Đề án Xây dựng và phát triển Khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” của tỉnh Lạng Sơn là rất đúng thời  điểm và mang tính cấp thiết, đáp ứng được sự mong muốn của nhân dân huyện Chi Lăng nói riêng và nhân dân Lạng Sơn nói chung nhằm “Xây dựng Khu Di tích thành không gian giáo dục truyền thống - lịch sử - văn hóa - tâm linh tiêu biểu của tỉnh, có quy mô, ý nghĩa chiến thắng của dân tộc Việt Nam, kết hợp xây dựng thành điểm du lịch có tính chất trung tâm, động lực của tỉnh Lạng Sơn kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh và khu vực. Phát huy giá trị Khu di tích, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm, góp phần cải thiện đời sống nhân dân” và mục tiêu cụ thể “Bảo vệ, gìn giữ, làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của toàn bộ Khu di tích; tôn vinh giá trị lịch sử và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Mở rộng phạm vi ranh giới, không gian Khu di tích đáp ứng việc tiếp tục phát triển Khu di tích trong tình hình mới. Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu di tích đảm bảo đồng bộ và thuận tiện. Phát triển hệ thống dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng cao nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách quanh năm”.

Nguyễn Thị Thúy Hà

Hoàng Ngọc Chính

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6387

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Nguyễn Hoàng và bước đầu tiến vào vùng Nam Trung Bộ

Nguyễn Hoàng và bước đầu tiến vào vùng Nam Trung Bộ

  • 17/04/2019 20:35
  • 4403

(Phần 1) 1. Tóm lược cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông vào khoảng thời gian 1470 – 1471 qua một số nguồn sử liệu.