Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/03/2019 13:09 4192
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Katu (hay Cơ Tu) là một tộc người thiểu số trong 54 tộc người ở Việt Nam, có ngôn ngữ thuộc ngành Katuic, nhóm Môn - Khmer, hệ Nam Á. Người Katu sống chủ yếu ở phía bắc dãy Trường Sơn, trên địa bàn các huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam); Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng); Nam Đông, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) và một bộ phận sống ở hai tỉnh Sekong và Savanakhet của nước Cộng hòa DCND Lào.

Người Katu từng là chủ nhân của một vùng đất rộng lớn ở Trung bộ Việt Nam, trải dài từ dãy Trường Sơn ở phía tây cho đến vùng đầm phá tiếp giáp biển Đông. Văn hóa Katu chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn (700 trước CN - 100 sau CN) đến từ phía bắc và văn hóa Sa Huỳnh (1000 trước CN - 200 sau CN) bản địa. Văn hóa Katu đã đóng góp vào kho tàng văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên những di sản kiến trúc, điêu khắc độc đáo; những tập tục, lễ hội đặc sắc, những bộ trang phục tinh xảo, đầy màu sắc…

 

Phơi bông để dệt trang phục

 

Phụ nữ Katu dệt thổ cẩm

 

Chiếc khố hoa của trai làng Katu

 

Chiếc mũ của phụ nữ Katu

Là một trong số ít tộc người thiểu số ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên biết trồng bông, xe sợi, nhuộm màu và dệt vải, người Katu đã sáng tạo nên những bộ trang phục với lối dệt tinh xảo, màu sắc tinh tế và những kiểu thức hoa văn sinh động và bí ẩn như chính nền văn hóa của họ.

Trang phục Katu sử dụng năm sắc màu cơ bản là: đen, xanh thẫm, trắng, đỏ và vàng, chế biến thuốc nhuộm từ các loài thảo mộc tự nhiên. Trong đó, màu đỏ và màu đen là hai màu được ưa chuộng nhất, đặc biệt là trên các bộ trang phục họ mặc khi tham gia lễ hội. Lễ hội là lúc người Katu gặp gỡ, giao hòa, cộng cảm với thần linh và tổ tiên, những người đang cư ngụ trên các tầng trời. Màu đỏ và màu đen là những sắc màu dễ nhận thấy từ trời cao nên được thể hiện trên trang phục để thần linh và tổ tiên dễ nhận biết. Mặc khác, người Katu cho rằng đỏ là màu của máu, của linh hồn nên được thần linh và tổ tiên ưa thích. Vì thế, ngoài việc mặc trang phục có màu đỏ và màu đen là chủ sắc, “người Katu còn có tục dùng các tấm vải thiêng màu đỏ để làm mái các ‘ngôi nhà thần’, nơi các già làng dùng máu của gà và trâu hiến sinh để mời gọi thần linh và tổ tiên về thụ lễ”. (Tạ Đức, Tìm hiểu văn hóa Katu, Huế: Thuận Hóa, 2002).

 

Thiếu nữ Katu trong bộ trang phục đi lễ hội

 

Thiếu nữ Katu mặc trang phục dệt hoa văn ya ýa

 

Trang phục phụ nữ Katu trong vũ điệu ya ýa
 

Phụ nữ Katu gói bánhcuốc

Tùy theo chức năng và loại hình, trang phục Katu có sự khác biệt về màu sắc. Đối với các loại trang phục hàng ngày, màu đen và màu trắng là những sắc màu chính, còn trang phục lễ hội thì luôn hội đủ năm màu cơ bản, cùng những sắc màu pha trộn giữa các màu cơ bản để tạo nên sự phong phú, hài hòa cho trang phục. Trang phục dành cho người già hoặc của nam giới thì các sắc màu chính vẫn là đen, đỏ và trắng, trong khi, trang phục của phụ nữ và trẻ em thì thường có thêm màu xanh thẫm, màu vàng và màu hồng.

Sự độc đáo, cũng là điều làm nên giá trị của trang phục Katu thể hiện ở cách dệt tinh xảo và kỹ thuật tạo hoa văn điêu luyện. Mỗi bộ trang phục Katu là một tác phẩm dệt hoàn chỉnh và hoàn toàn không có dấu vết của việc cắt may. Khi đặt sợi vải vào khung dệt cũng là lúc người thợ dệt đã hình dung mục đích sử dụng và hình dáng sau cùng của tác phẩm mà họ đang tạo tác. Người Katu không dệt sợi thành vải để cắt may thành khố, áo, sau đó mới trang trí hoa văn cho những khố, áo ấy. Mỗi sợi vải màu đưa vào khung sẽ được đặt đúng vị trí cần thiết để tạo thành những kiểu thức hoa văn đã định hình trong đầu người thợ dệt. Khi tấm vải hoàn tất, cũng là lúc bộ trang phục Katu đã thành hình theo ý đồ người dệt. Chỉ cần thêm vài động tác khâu nối là hoàn tất một bộ trang phục.

 

Trang phục của trẻ em Katu

 

Lễ hội, nơi người Katu “khoe” trang phục truyền thống của dân tộc mình

 

Cồng chiêng Katu

 

Hoa văn ya ýa trên trang phục của thiếu nữ Katu

Hoa văn trên trang phục Katu được tạo thành từ nhiều kỹ thuật dệt khác nhau, như dệt trơn, dệt hoa văn gợn sóng, dệt hoa văn cài hạt cườm… Hạt cườm Katu nguyên thủy được làm bằng hạt cây, hạt cỏ hoặc bằng chì, còn hiện nay thì bằng nhựa màu nhập từ Trung Quốc. Chủ đề hoa văn trang trí cũng rất đa dạng: hoa văn vũ trụ (mặt trời, mặt trăng, tinh tú); hoa văn thực vật (các loài hoa cỏ, thảo mộc hiện hữu trong trong môi trường sống của họ như: măng tre, cây mây, cây tarâm, hoa pơlơm, lá atút…); hoa văn động vật (rồng, voi, rắn, rùa, nhện nước, rết, cá trê, chim grooc, chim tring…); hoa văn đồ vật (lưỡi kiếm, cung tên, mũi tên, ngọn chông, chày cối, nhà cửa…); hoa văn hình học (hình tam giác, hình thoi, hình chữ nhật, các dải hồi văn kỷ hà…); hoa văn con người (vũ điệu ya ýa, vũ điệu tung tung, hình người chăn trâu, người uống rượu cần…).

Ya ýatung tung là hai kiểu hoa văn đặc thù trên trang phục của người Katu. Hoa văn ya ýa là hình những phụ nữ đang nhảy múa, tiếng Katu là padil ya ýa, còn hoa văn tung tung là hình những người đàn ông đang nhảy hội trong lễ đâm trâu hoặc trong nghi lễ “săn đầu người”, một tập tục cổ xưa của người Katu. Đây cũng là những hình xăm phổ biến trên cơ thể của người Katu thuở trước. Nếu hoa văn tung tung chỉ có trên trang phục nam giới, thì hoa văn ya ýa xuất hiện ở cả trang phục của nam giới và nữ giới, nhưng nhiều nhất vẫn là trên trang phục lễ hội của các thiếu nữ Katu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng motif ya ýa của người Katu rất gần gũi với motif etua (hồn ma) hay motif kea (rùa) trong văn hóa Marquesas ở Polynesia (châu Đại Dương) và những motif hình ếch (frog shaped figures) trong nghệ thuật của nhiều tộc người ở Đông Á, Đông Nam Á và một số tộc người da đỏ ở Bắc Mỹ. (Tạ Đức, Tìm hiểu văn hóa Katu, Huế: Thuận Hóa, 2002).

 

Lục lạc đồng treo trên gấu áo của người Katu

 

Hoa văn trên khố của đàn ông Katu

Trang phục Katu là sự thể hiện chân thực đời sống kinh tế - xã hội, phản ánh văn hóa và cảm quan nghệ thuật của họ. Ở đó, ta có thể bắt gặp những nét kỳ ảo, những huyền thoại đầy bí ẩn với cái nhìn ngộ nghĩnh và hồn nhiên về thế giới quan nguyên thủy, lẫn sự điêu luyện trong kỹ thuật đan dệt và sự sắc sảo, tinh tế trong cách thức phối màu và tạo hoa văn. Chính điều này đã làm nên nét hấp dẫn, sự lôi cuốn đối với những ai lạc bước vào vương quốc của sắc màu trang phục Katu.

TS.Trần Đức Anh Sơn

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6406

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Đặc quyền pháp luật của quý tộc thời Lê Sơ qua Quốc triều hình luật

Đặc quyền pháp luật của quý tộc thời Lê Sơ qua Quốc triều hình luật

  • 18/03/2019 15:11
  • 6948

Trong giai cấp thống trị thời Lê Thánh Tông, có một tầng lớp đặc biệt quan trọng là quý tộc phong tước. Ngoài việc dựa vào thông lệ “tước dĩ thù công” được định hình từ thời “quốc sơ” (phong tước cho những anh hùng có đóng góp lớn trong các hoạt động quân sự và chính trị), tước phong còn được sử dụng để ban phong cho hoàng thân quốc thích. Có những điều khoản cụ thể trong hai cuốn sách nổi tiếng của nhà Lê là Quốc triều hình luật và Thiên Nam dư hạ tập, đây là những văn bản luật ​​điển hình của nhà Lê Sơ. Trong đó, nêu ra những quy định cụ thể: Hoàng tộc nhà Lê Sơ không chỉ có địa vị cao trong nền chính trị, mà thê tử cũng được phong ruộng đất, hưởng bổng lộc và một loạt đặc quyền pháp lý riêng biệt.