Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/03/2019 15:02 4851
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo gắn bó với Thủ đô Hà Nội từ những ngày Hà Nội bị thực dân Pháp khủng bố khốc liệt, đưa ánh sáng của Đề cương Văn hóa Việt Nam đến với trí thức - văn nghệ sĩ Hà Nội vào mùa thu năm 1943, sau đó, Ông đứng ra thành lập tổ Văn hoá Cứu quốc đầu tiên.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Ông đã nhiều lần giữ cương vị chủ chốt trong Thành ủy: Trước cách mạng, Ông là Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội (từ giữa năm 1943 đến tháng 10/1944). Cách mạng tháng Tám thành công, Ông lại từ Hải Phòng về Hà Nội thân thuộc, làm Bí thư Thành ủy từ tháng 6 đến tháng 11/1946. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (tháng 11/1946-9/1947), Ông là Phó Bí thư Khu ủy khu XI (Ông Nguyễn Văn Trân là Bí thư Khu ủy). Khi Thành ủy được tái lập vào tháng 9/1947, Ông được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay ông Nguyễn Văn Đào (tháng 11/1947). Khi Liên tỉnh Lưỡng Hà (Hà Nội-Hà Đông) ra đời tháng 5/1948, Ông được chỉ định làm Bí thư Liên tỉnh ủy cho tới năm 1949. Sau ngày Tổ quốc thống nhất, Ông là Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội (1978-1982). Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Thủ đô Hà Nội và đất nước.

 Ông đã về cõi vĩnh hằng 20 năm (1999-2019), nhưng hôm nay, nghe những câu chuyện cảm động của những người đã cùng Ông vào sinh ra tử, chịu đựng khốn khó gieo neo của thời “bao cấp”, và đọc hồi ký của mọi người viết về Ông, tôi vẫn như thấy Ông đang thao thức, trăn trở  trước những trang bản thảo với câu hỏi nung nấu: “Làm sao thực hiện được quyền dân chủ cao nhất của dân”

·        Người bạn lớn của giới văn nghệ sĩ

Năm 1921, Ông Lê Quang Đạo (tên thật là Nguyễn Đức Nguyện) cất tiếng khóc chào đời ở thôn Tỉnh Cầu, làng Đình Bảng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là khu phố Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn). Đình Bảng với những làn dân ca quan họ ngọt ngào và  truyền thống yêu nước là cái nôi nuôi dưỡng và đưa anh thanh niên Nguyễn Đức Nguyện đến với cách mạng, sớm trở thành Đảng viên của Đảng ngay trên quê hương Bắc Ninh (tháng 6 năm 1940). Cái tên Lê Quang Đạo gắn với ông từ khi thoát ly đi hoạt động bí mật. Năm 1943, Ông  Lê  Quang Đạo mới 22 tuổi đã là Uỷ viên  Xứ uỷ kiêm Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội. Giới trí thức, văn nghệ sĩ Hà Nội như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Vũ Quốc Uy, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng... nhớ mãi hình ảnh Ông khi tổ chức truyền bá Đề cương Văn hoá Việt Nam. Nhà văn Tô Hoài đã từng kể: “Anh Bé (bí danh hoạt động của ông lúc đó) thường đến giảng giải cho chúng tôi về chương trình và điều lệ của Mặt trận Việt Minh, về nội dung dân tộc, khoa học, đại chúng của Đề cương văn hoá Việt Nam, thật khúc triết với những ví dụ liên hệ rất sáng tỏ.”

 

Đồng chí Lê Quang Đạo (1921-1999) 

Không chỉ tổ Văn hoá Cứu quốc mà nhiều cán bộ phụ trách các  tiểu tổ học sinh bí mật các trường trung học Bưởi, Gia Long, Kỹ nghệ thực hành…và cán bộ Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu đều yêu mến Ông bởi đức tính giản dị, biết cách nói chuyện đi vào lòng người. Lăn lộn với giới trí thức, học sinh, sinh viên và được dân che chở nuôi giấu, thoắt ẩn, thoắt hiện trong các ngõ phố với dáng vẻ của một học trò nghèo. Ông làm cho bọn địch điên đầu bởi bao phen chúng đã bắt hụt Ông, nên chúng gọi Ông là “Đốc lý đỏ”.

 

Đề cương Văn hoá Việt Nam năm 1943

Cách mạng tháng Tám thành công nhưng thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trung ương Đảng giao trọng trách cho Thủ Đô mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Tháng 11/1946, Hà Nội là chiến khu XI, và Khu ủy Khu XI do Ông Nguyễn Văn Trân là Bí thư, Ông là Phó Bí thư Khu ủy khu XI, trực tiếp phụ trách công tác Tuyên  huấn. Tờ báo Cứu Quốc Thủ đô do chính ông đặt tên đã phát huy tác dụng to lớn trong công tác tuyên truyền, đưa tin và ảnh chiến sự nóng hổi, động viên quân dân Hà Nội kháng chiến. Ông Nguyễn Văn Trân nhớ lại: “Khi bàn việc ra tờ báo động viên mọi người, có nhiều ý kiến là cần đặt tên thật kêu mới nói được tinh thần anh dũng của quân dân và tự vệ Thủ đô. Anh Đạo thảo luận với tôi nên chọn tên cho thích hợp. Anh nói: “Có lẽ dùng ngay chữ Thủ đô là tốt. Ai suy nghĩ một chút sẽ thấy Thủ đô anh dũng tuyệt vời vì có truyền thống từ xưa, đã bao lần thắng giặc ngoại xâm”.

Nhạc sĩ Văn Cao, trong di cảo của mình, lại nhớ ông cán bộ tuyên huấn Liên khu III với kỷ niệm không bao giờ quên khi sáng tác bài “Tiến về Hà Nội” năm 1949: “Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo, anh Đạo nắm chặt tay tôi và nói: Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động, nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca sông Lô… Nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé”. Đêm ấy tôi ra về đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài Tiến về Hà Nội đã đến với tôi “Trùng trùng quân đi như sóng”. Chỉ hai tuần lễ sau đó, tôi đã viết xong ca khúc Tiến về Hà Nội, khi ấy là mùa xuân 1949. Bài hát Tiến về Hà Nội của tôi đã được anh Khuất Duy Tiến cho in vào tờ báo Thủ đô hồi ấy”.

Tôi tự hỏi, điều gì ở Ông đã thu phục cả nhà văn Tô Hoài, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Đình Thi ngay từ thời Ông tuyên truyền văn hoá cứu quốc. Nhà thơ Chính Hữu khi còn sống gọi Ông là người bạn lớn của giới văn hoá, văn nghệ sĩ. Nhà thơ trân trọng viết về cẩm nang từ trí tuệ và tính cách của ông Lê Quang Đạo: “Đối với lĩnh vực văn hoá văn nghệ, anh là người hiểu biết nhiều, hiểu biết vấn đề, hiểu biết con người, có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo giới văn nghệ sĩ là giới có nhiều đặc điểm. Anh vừa chặt chẽ về nguyên tắc nhưng vừa mềm dẻo nên anh tiếp cận rất dễ dàng với anh chị em”. Thiết nghĩ, điều đó, đến thời nay hội nhập văn hoá, thế giới như một cái làng lớn, vẫn rất trúng và rất cần đối với anh em văn nghệ sĩ.

*Yêu dân và vì dân

Năm 1944, viết bài cho báo Cứu Quốc, Ông lấy bút danh Ái Dân với ý nghĩa sâu sắc - yêu dân, vì dân.Và trong những tháng năm kháng chiến gian khổ, dân làng nơi ông đến ba cùng rất nhớ người cán bộ nho nhã nhưng lại biết quan tâm đến hạt thóc của dân, chịu khó tắm cho trẻ, dạy chúng học bài… Từ chiến dịch Biên giới (1950), Điện Biên Phủ đến chiến dịch Khe Sanh (1968), Đường 9-Nam Lào (1971), giải phóng Quảng Trị ác liệt (1972), Ông đều xuống tận trận địa, đi sâu đi sát cán bộ chiến sĩ, chân tình động viên anh em. Trung tướng Hồng Cư xúc động kể lại những kỷ niệm một thời trận mạc: “Chiến dịch Thành cổ Quảng Trị, anh Đạo cũng ở trong đó, ta mất nhiều quân đến nỗi anh Đạo không thể chịu nổi nữa. Thương anh em quá, cầm máy nghe mà tay anh ấy cứ run bần bật ! Anh ra Hà Nội, lại nhận trọng trách trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không và ta đã chiến thắng vang dội”.

Đất nước hoà bình thống nhất, nhưng ngay sau đó là chiến tranh Biên giới phía Bắc, phía Tây Nam. Hà Nội và cả nước gồng vai chịu đựng mọi thiếu thốn, hy sinh của thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội. Là Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội, Ông đã cùng tập thể Thường vụ lo chạy gạo, mỳ, chất đốt… cho nhu cầu tối thiểu của người dân. Hàng ngày, dòng người xếp hàng dài dằng dặc, chen lấn xô đẩy nhau trước cửa hàng lương thực, thực phẩm ở khu phố, mong mua được tiêu chuẩn định lượng 13 kg gạo, 5 lạng thịt, 1kg cá, nửa lít mắm…Và chính Ông, để tiết kiệm cho công quỹ thành phố, cũng đi bộ từ nhà đến cơ quan mang theo một cà mèn cơm như cán bộ nhân viên thời đó. Trong khó khăn gian nan, Ông đã dành nhiều công sức đi xuống các trường đại học, các viện nghiên cứu, nhà máy, xí nghiệp, gặp gỡ lắng nghe ý kiến ở cơ sở để có cái nhìn toàn diện, cụ thể về sự phát triển Thủ đô và  từng bước tháo gỡ những khó khăn. Thực tế sinh động là căn cứ quan trọng để Ông sớm nhìn nhận ra và đồng tình với quan điểm đổi mới của đồng chí Trường Chinh trong dự thảo nghị quyết Đại hội VI của Đảng và thấy đó là khởi đầu một bước ngoặt mới trong sự phát triển của đất nước.

 

Xếp hàng mua lương thực, thực phẩm thời kỳ bao cấp ở Hà Nội

Được dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của thời kỳ đổi mới-Quốc hội khóa VIII-1987, Ông thực sự trăn trở trong việc tìm hướng đi và phương pháp hoạt động mới khi Quốc hội phải là cơ quan quyền lực của dân thông qua các điều luật. Ông luôn băn khoăn: “Làm sao thực hiện được quyền dân chủ cao nhất của dân”. Ông tham gia giải quyết những vấn đề rất hóc búa lúc đó như: xoá bỏ tem phiếu, thay đổi hệ thống lương mới, từng bước thực hiện chế độ một giá… Những phiên họp Quốc hội với tinh thần nhìn thẳng sự thật, trực tiếp nghe các đại biểu quốc hội chất vấn đã thổi vào kỳ họp Quốc hội luồng sinh khí mới mà trước đó chưa có. Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã khẳng định một lần nữa, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nguyện vọng và ý chí của toàn Đảng, toàn dân, và là con đường duy nhất đúng của cả dân tộc ta.

Đau đáu với sự nghiệp đổi mới, ngày 7-2-1992, Ông  thẳng thắn nêu “Mấy ý kiến đề nghị về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng” (1), trong đó nêu rõ:

“Trước hết, cần đổi mới tư duy về Đảng lãnh đạo”;

“Đảng không phải là một tổ chức quyền lực nhà nước, càng không phải là một tổ chức ở trên nhà nước, “siêu nhà nước”, quyết định tất cả mọi việc. Tất cả quyền lực phải thuộc về nhân dân”;

“Mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng với mọi công dân về nghĩa vụ và quyền lợi, không ai được có đặc quyền đặc lợi”;

“Đổi mới cơ chế: Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể, lãnh đạo các tổ chức kinh tế”;

“Phải đặt vấn đề tăng cường sự đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng nhà nước chứ không thể đặt vấn đề đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước”;

“Phải luật pháp hóa chế độ bổ nhiệm, tuyển dụng, bầu cử, miễn nhiệm cán bộ, kiểm tra, thanh tra cán bộ làm nhiệm vụ, khắc phục tình trạng cấp ủy, tổ chức Đảng vừa buông lỏng thả nổi công tác cán bộ trên nhiều lĩnh vực, lại vừa bao biện làm thay cơ quan chính quyền, các tổ chức kinh tế và các đoàn thể”.

Những dòng tâm huyết, hết lòng hết sức vì dân, vì Đảng của một cán bộ suốt đời tận tụy thanh liêm, ham học hỏi trong dân, thực hiện được quyền làm chủ của nhân dân, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đã được ghi nhận. Cho tới hôm nay, trong cuộc đấu tranh chống quốc nạn tham nhũng, xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền do dân, vì dân, những luận điểm trên của ông vẫn phả hơi nóng vào cuộc đấu tranh quyết liệt, cam go, phức tạp.

Những chuyến đi đến với các tầng lớp nhân dân, với các vị chức sắc Phật giáo, Thiên chúa giáo, đọng lại trong lòng mọi người là phong thái giản dị, hòa hợp, đi sâu vào tâm tư nguyện vọng của dân. Hoà thượng Kim Cương Tử viết những dòng trân trọng: “Tôi đã tiếp kiến nhiều vị Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ cụ Hoàng Quốc Việt, cụ Huỳnh Tấn Phát, cụ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ai cũng tốt và mỗi người một tính cách; nhưng phong cách gần gũi, hoà hợp và đoàn kết như cụ Lê Quang Đạo thì thật hiếm có”. Ông chính là linh hồn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp Trung ương xây dựng nghị quyết 07 ngày 7/11/1993 của Bộ Chính trị: “Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới”- một nghị quyết quan trọng, tạo bước ngoặt cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước. Tận tâm, tận lực cống hiến vì lợi ích của nhân dân, Ông đã góp phần quan trọng vào việc  hoàn chỉnh và thông qua Luật Quốc tịch, tạo điều kiện rộng mở cho bà con định cư ở nước ngoài gắn bó hơn nữa với quê hương đất nước và xây dựng đất nước. Tư duy nhạy bén và tấm lòng cao đẹp, nhân ái, vị tha của vị Chủ tịch Quốc hội đã nối vòng tay lớn đến muôn dân.

Năm 1999, ba tháng trước khi mất, trong lá thư cuối cùng ngày 3 tháng 4 gửi Bộ Chính trị, Ông đã nói rõ quan điểm về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận: “Mặt trận phải góp phần cùng nhân dân và nhà nước làm nhiệm vụ giám sát sao cho có hiệu lực và hiệu quả nhất”. Ở trong bệnh viện, dù bệnh tình không thuyên giảm, Ông vẫn cố gắng tận lực, bổ sung báo cáo chuẩn bị cho Đại hội V (tháng 8-1999) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đọc những dòng tâm huyết của Ông, tôi chợt nhớ câu thơ Nguyễn Trãi: “Bui một tấm lòng trung với nước/Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”. Lòng yêu nước thương dân của những nhân cách lớn, đời nào, thời nào cũng sáng trong vằng vặc như thế.

Ths. Phạm Kim Thanh

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6448

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Yến tiệc cung đình thời Nguyễn

Yến tiệc cung đình thời Nguyễn

  • 05/03/2019 15:48
  • 10936

Yến tiệc là phương thức người xưa đặt ra có tính chất lễ nghi, vừa để mừng một dịp tiết lễ hay một sự kiện trong thời đại nào đó, vừa để ban thưởng cho những hoàng thân quốc thích hay những bề tôi có công giúp lập vương triều phong kiến trong việc “bình hồ, trị quốc”. Với ý nghĩa đó, triều Nguyễn (1802 - 1945) ở Huế đã đặt ra nhiều yến tiệc với những lễ nghi, quy chuẩn rất phong phú và cụ thể. Sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn đã dành hẳn hai quyển 97 và 98 để quy định về thể thức tổ chức yến tiệc trong triều đình thời Nguyễn.