Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/02/2019 09:32 3304
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đình làng là một sản phẩm của lịch sử, đình làng không phải ra đời từ thời nguyên thủy, mà như nhiều nhà nghiên cứu cho biết, nó chỉ xuất hiện ở nước ta từ khoảng thế kỷ XV. Một số nhà dân tộc học nghệ thuật thường nói rằng: đình làng đã manh nha từ thế kỷ XV, định hình vào thế kỷ XVI, phát triển vào nửa cuối thế kỷ XVII và lụi tàn dần từ thế kỷ XVIII, sang thế kỷ XIX thì bắt đầu có sự thay đổi cơ bản về nhận thức đối với bản chất.

Nói tới đình, người ta thường quan tâm đến nhiều dạng khác nhau như: phương đình, thủy đình và rất nhiều loại đình khác nữa. Song, ngôi đình mà chúng tôi quan tâm đó là đình thờ Thành hoàng làng. Đình làng là nơi thờ Thành hoàng làng, nhưng thành có nghĩa là cái thành, hoàng là cái hào khô vây quanh cái thành, vì vậy mà Thành hoàng chủ yếu là ở trên vùng đất cao, là vị thần bảo vệ thành thị. Khi Thành hoàng đến với người Việt và được “cấy” vào trong các đình làng thực chất chỉ để sử dụng cái tên gọi, nên chúng ta gọi là Thành hoàng làng (trừ Tô Lịch còn chúng ta không có Thành hoàng mà chỉ có Thành hoàng làng). Thành hoàng làng cũng như cái đình làng đã trở thành một thực thể văn hóa của làng xã từ thế kỷ XVI, như ở vùng Bắc Ninh cũ có thể thấy được là đình Lỗ Hạnh và đình Thổ Hà; những đình của thế kỷ XVII thì phổ biến gần như trên khắp miền của văn hóa người Kinh ở châu thổ Bắc Bộ cho đến tận Hà Tĩnh.

Chúng tôi xin đề cập đến một số ngôi đình nổi tiếng của đất Bắc Ninh. Người ta thường nói:

“Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”

Nhưng, thực sự ngôi đình ở Bắc Ninh cũng đã có nhiều dấu tích mang ý thức dân gian mà thông qua đó chúng ta vẫn tìm thấy được sự “thổn thức” của quá khứ, những lời dạy bảo của tổ tiên, những ước vọng truyền đời của cư dân nông nghiệp Việt. Theo triền của sông Cầu, có thể bắt gặp ngôi đình nổi tiếng đầu tiên trên đất Bắc Ninh là đình Ngô Nội, đình Ngô Nội được làm vào nửa cuối thế kỷ XVII, ở đây còn giữ được nhiều mảng chạm, mà thông qua đó, chúng ta như thấy sự náo nức của quá khứ, sự đồng nhất giữa con người với thiên nhiên vũ trụ, đó là những vân xoắn mà qua giá trị biểu tượng và xuất thần, chúng ta như nghe thấy tiếng gầm của sấm chớp, để thoáng như hiểu rằng người xưa muốn thông qua những vân xoắn ấy để muốn nhắc nhở với thần linh: Hỡi các đấng cao viễn hãy theo gợi ý của chúng tôi đây, nổi sấm lên, gọi mây về cho mưa xuống để chúng tôi có được vụ mùa bội thu. Trong tạo hình của đình Ngô Nội còn thấy được có nhiều mảng chạm đặc biệt (cũng tương tự như thế đã thấy được ở đình Cổ Mễ, đình Đáp Cầu, đình Viêm/Diềm Xá) đó là những con rồng với nét đao rất mạnh và có những con người cũng như các thú vật đang leo trèo trên râu rồng. Một số nhà dân tộc học nghệ thuật cho chúng ta biết rằng rồng gắn với mây, mưa – rồng là biểu tượng của mưa và rõ ràng thông qua mưa thì mọi vật, mọi loài đều sinh sôi phát triển và bằng tư duy mênh mông ngang tầm trời đất của người nông dân ở châu thổ Bắc Bộ đã dẫn đến một hiện tượng rồng là loài vật linh thiêng nhưng rất tự do trong mối quan hệ với muôn loài. Rồng tượng trưng cho bầu trời mây, đao của nó tượng trưng cho sấm chớp, đôi mắt của nó là nơi sáng nhất bao giờ cũng bay ra bộ đao lớn, trên thân là những đao nhỏ, vì vậy khi rồng thống nhất với bầu trời, với sấm chớp thì hình tượng này cũng là tiếng gọi mưa, gọi mùa sinh sôi. Trong các mảng chạm đã có rất nhiều con vật nhỏ leo trèo trên râu của nó có thể nghĩ đó là con của rồng sản phẩm của sự giao phối thiêng liêng sản phẩm của dòng tư duy tràn vũ trụ cổ truyền. (1) Xem Trần Lâm Biền. Trang trí trong tạo hình châu thổ sông Hồng. H – 2001.

 

Toàn cảnh không gian đình Ngô Nội - Bắc Ninh (ảnh Internet)

Ở đình Ngô Nội còn có một hình chạm rất đặc biệt ở cốn ngoài gian giữa của đại đình, ngang tầm mắt, dễ thấy đó là hình đôi trai gái đang giao phối. Đã một thời, người ta nghĩ rằng đây là những hình tượng liên quan đến việc chống phong kiến, nhưng thực sự ở nước ta phong kiến là vấn đề hiện đang bàn cãi, nhiều người còn cho rằng nước ta không có chế độ chống phong kiến nên lấy đâu ra phong kiến để mà chống.

Ở đây, hình tượng như ở đình Ngô Nội không có nghĩa đã gắn với sự dâm bôn, mà người ta thường nghĩ đấy là một gợi ý cho thần linh để cầu sự no đủ, được mùa…Ở đình cổ Mễ gần sát với chùa Cổ Mễ (chùa Cổ Mễ có rất nhiều tượng đẹp, giá trị nghệ thuật rất cao) - là một kiến trúc bề thế, gồm 3 gian, 2 chái, ở đây vẫn còn tiếng “thì thầm của vũ trụ” để con người “hòa” vào không gian bao la, đó cũng là những vân xoắn, những con rồng với những đao mác lớn, rồi những đề tài gắn với lễ hội, phần nào có cả những hình tượng sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của địa phương, của vùng sông Cầu này, mà người ta ngờ hình như có bóng dáng của hát quan họ nữa.

 

Đình Cổ Mễ - Bắc Ninh (ảnh Internet)

Mặt khác ở đình này còn rất nhiều bia ký nói về những sự kiện lịch sử riêng như: lịch sử lập làng, lịch sử lập đình, sự đóng góp công đức của quần chúng…Nhìn chung đình và chùa Cổ Mễ là một cụm di tích là một cụm di tích rực sáng trong toàn bộ khu vực này, đó là một địa điểm du lịch văn hóa nghệ thuật mà chúng ta cần phải quan tâm.

 

Đình Đáp Cầu – Bắc Ninh (ảnh Internet)

Vượt qua chân cầu Như Nguyệt đến đình Đáp Cầu, đình có 3 gian 2 chái theo cách dựng cổ truyền, nhưng nét đặc biệt đáng quan tâm của đình này là có 6 hàng chân. Thông thường phổ biến ở các đình khác thì ngoài bộ vì nóc tiếp đến là mối liên kết giữa cột cái và cột quân bằng một cốn tam giác chồng rường còn cột hiên nối ra cột quan thường là một kẻ cong gồng lưng chịu lực của mái hiên, nhưng ở đây có lẽ qua đình này đã cho thấy hình thức mở đầu cho một kiểu kiến trúc đặc biệt, với kết cấu giữa cột quân và cột hiên cũng được thực hiện theo kiểu cốn tam giác chồng rường. Trong đó cả cốn trên và cốn dưới đều thống nhất một niên đại cùng phong cách nghệ thuật, bởi những con rồng đó đều có đao mác nhọn đầu một sản phẩm cuối thế kỷ 17. Đặc biệt ở trong đình còn chạm rất nhiều con vật nhỏ đang leo trèo trên đầu và đao rồng. Nhìn chung trong cả bố cục như vẫn thấy sự vần vũ của bầu trời để tạo nên một sinh khí thiêng liêng tràn vào cõi thế, đồng thời với những con người điểm suốt không gian đó truy được gọi là thiên thần, song rõ ràng lại rất trần gian, bởi trong cách thức ăn mặc, các động tác qua đó mà ta vẫn như cảm thấy có một ý nghĩa nào đó liên quan đến những vấn đề của cuộc sống đời thường, họ góp phần nói lên những ước vọng mà người nông dân Việt đang mong mỏi và muốn vươn tới.

 

Đình Diềm (đình Viêm Xá – Bắc Ninh) (ảnh Internet)

Cũng theo mạch chảy của dòng sông chúng ta còn gặp một ngôi đình đặc biệt đó là đình Diềm ( đình Viêm Xá – Hòa Long, Yên Phong) qua thời chống Pháp thì đình bị phá hủy một phần nên hiện nay chỉ còn 1 gian 2 chái lớn. Tuy nhiên đáng quan tâm nhất của đình Diềm là bộ cửa võng được xếp vào loại lớn nhất trong tất cả đình làng của người Việt từ trước đến nay. Toàn bộ cửa võng được sơn thếp vàng rực rỡ, từng diện nhỏ đều được chạm rất kỹ, thu hút sự chú ý của mọi người ngay từ phút đầu.

 

Cửa võng đình Diềm (đình Viêm Xá – Bắc Ninh) (ảnh Internet)

Bức cửa võng này chạy dài suốt từ thượng lương (xà nóc) ở độ cao xấp xỉ 7m, đi dần xuống tận nền đình với nhiều cấp bám theo bộ cột cái trong. Tầng trên cùng là một tấm ván chạy suốt chiều rộng cả gian giữa đình (3,90m) chạm thủng 4 con rồng bò vào giữa cùng chầu một mặt trời ở trung tâm, trên lưng mỗi rồng đều chạm một vũ nữ thiên thần. Tiếp dưới chạm một dải cánh sen, chia thành 3 khoảng nhô ra 3 chiếc đầu chim mỏ ngậm/ treo 1 đèn lồng có 5 dải kim tòng.

Tầng thứ 2 (cao từ 6,5m đến 5,7m phần giữa có 6 cột khoang chạm lộng hình rồng kẹp lấy 3 cửa thờ, tạc thành tầng tầng lớp lớp theo kiểu cửa võng, sâu dần hạ cấp so le, để lộ những hình rồng và mây chạm thủng…hút dần vào phía trong. Chính giữa mỗi hệ cửa này nhô ra ở chính tâm tượng một đầu nữ thần có cổ cao 3 ngấn, mặt trái xoan, mắt phượng, mày ngài, mũi dọc dừa, miệng nhỏ xinh, tóc lộ trước trán, tai dài. Ý nghĩa của đề tài này đến nay vẫn chưa được xác định.

Tầng thứ 4 (cao từ 5,7 đến 5m) gồm 3 phần: phần trên chia ra 3 lớp diềm giật cấp thụt vào dần, chạm thủng mây lá cách điệu và hình cánh sen. Phần giữa cũng tạo thành các cửa khám, 4 lớp xếp so le, có các diềm chạm rồng và mây. Trong tầng này nhô ra 3 tượng đầu chim phượng, mỗi con phượng ngậm một đèn lồng.

Tầng thứ 4 là tầng chính của bức cửa võng gồm nhiều phần (cao 5m đến 2,8m), lồng trong các đường diềm với các hình chạm mây lá cách điệu, hoặc chạm hồi văn mắt võng là một dải trang trí chia đoạn ngăn bởi 4 đầu rồng võng cổ, miệng ngậm ngọc, tóc và bờm hình mây mác dựng đứng. Phần này chạm nổi bong kênh khá kỹ cũng tạo thành 3 “khám” với các trụ cửa chạm cây cối cách điệu. Như trụ ở hai đầu sát liền với hai cột cái được chạm lộng các khoám trúc có lẫn chim, thú và người (ở trụ bên phải có chim, thú kèm theo bên dưới là một cô gái đang ngồi mân mê vuốt tóm tóc dài vắt rủ xuống ngực; trên ngọn tre một cụ già râu dài, tay phải tỳ lên gối, tay trái đặt lên bàn cờ. Trụ bên trái cũng chạm khóm trúc, dưới cùng có người cưỡi voi đang vươn vòi lên hái tre, còn hình tượng người có tay trái đặt lên đầu voi, tay phải ôm lấy cây măng mọc thẳng, lẩn vào trong khoám trúc còn có chim và thú). Các trụ cửa thờ ở trong chạm rồng cuốn cột, đầu quay lên chầu vào nhau qua cửa khám, ở tầng này cũng có ba khoang lớn làm thành các “khám” với 9 lớp cửa võng nhỏ lồng nối nhau hun hút như không dừng. Tuy rồng được tạo thành một thế, song người xem không vì thế mà thấy đơn điệu. Bố cục và cách sắp xếp đã lôi kéo tâm tư kẻ hành hương trôi về miền văn hóa tâm linh, đó là một vùng “văn hóa mờ” tới nay vẫn đang còn chờ giải mã.

Ở hai bên sát với mặt nền đó là hình tượng voi, ngựa cùng quản tượng/mã. Rõ ràng hình tượng này liên quan đến việc đề cao thần, song ít nhiều nó còn như mang một vài hình ảnh liên quan đến thế giới bên dưới để cho chúng ta nhìn nhận bộ cửa võng này như một hiện tượng thông tam giới.

Nhìn chung, hầu như tất cả những ngôi đình kể trên đều gắn với Trương Hống, Trương Hát, đó là vị thánh Tam Giang - Có thể thấy được Thánh Tam Giang thờ từ “thượng Đu Đuổm, hạ lục Đầu Giang” thượng Đu Đuổm là nơi con sông giao nhau. Trong quan niệm của người xưa mà sông gắn với dòng chảy, trong đó có dòng đực và dòng cái, nơi giao nhau đó được coi là hiện tượng giao phối của các thần nước để tạo nên nguồn của cải. Nhân cách hóa hiện tượng này đã nảy sinh ra đức Thánh Tam Giang, để ngài là hiện thân của hạnh phúc nông nghiệp, rồi các ngài đi vào lịch sử để thành Trương Hống, Trương Hát giúp Lý Thường Kiệt trong việc chống Tống.

Nguyễn Hải Vân

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6544

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Đi tìm sự tích cành đào Xuân Đinh Hợi (1947)

Đi tìm sự tích cành đào Xuân Đinh Hợi (1947)

  • 12/02/2019 08:41
  • 3040

Xuân Đinh Hợi (1947), lần đầu tiên, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đón xuân ở Mặt trận Liên khu I. Xuân Kỷ Hợi này (2019), người còn người mất. Trong cái nao nức, hy vọng năm mới với bao điều tốt lành, an vui, những cựu chiến binh của Liên khu I Anh hùng ôn lại kỷ niệm và họ không thể quên hình ảnh cành đào tươi thắm giữa phòng khách trong ngôi biệt thự Anh Hoa ở đầu Ngõ Gạch*. Tối 30 Tết năm ấy, các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Kháng chiến Liên khu I chúc Tết lãnh sự quán Anh, Mỹ, Pháp, Trung Hoa đang có mặt tại Hà Nội. Giữa khói lửa chiến tranh, cành đào Nhật Tân càng thêm tươi thắm. Đó chính là thông điệp của niền tin chiến thắng và khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam.