Thứ Ba, 05/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/01/2019 12:33 3633
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Công viên địa chất Dã Liễu (Yehliu) nằm ở gần điểm cực Bắc của đảo Đài Loan tại thị trấn Vạn Lịch (Wanli Town). Những khối đá được tạo hình nhờ sóng biển, phong hóa đá, do hoạt động địa chất vỏ trái đất tạo nên một khung cảnh ngoạn mục mà bất cứ du khách nào cũng muốn được chiêm ngưỡng.

 

Giống như một bảo tàng ngoài trời tọa lạc trên một dải đất tiếp giáp biển, từ lối vào đến cuối mũi công viên địa chất Yehliu dài khoảng 1,7km. Từ điểm dừng trên đường cao tốc Jijin tới cuối mũi là 2,4km. Diện tích bề ngang phần rộng nhất là 300m. Mũi đất hướng về phía Nhật Bản. Cảnh quan địa chất quý hiếm tuyệt đẹp ven biển Thái Bình Dương với những khối đá có tuổi đời lên tới hàng nghìn năm của công viên địa chất Dã Liễu sẽ làm say lòng du khách.
 
 
Cái tên Dã Liễu tức Yehliu có nhiều nguồn gốc. Trong đó có một cách hiểu là theo từ viết tắt của “Punto Diablos” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Mũi Quỷ. Theo một truyền thuyết khác, người ta kể rằng ngày trước người dân địa phương kiếm sống trên biển. Họ phụ thuộc vào những người cung cấp gạo trong đất liền. Trong quá trình vận chuyển, người địa phương trộm gạo bằng cách chọc một ống tre nhỏ vào các bao gạo cho gạo chảy ra ngoài. Các thương nhân thường nói “gạo bị đánh cắp bởi những kẻ man rợ” [trong đó Yeh (nghĩa là man rợ) và Liu (nghĩa là ăn cắp) theo tiếng Đài Loan].
Tên các mỏm đá ở công viên địa chất Dã Liễu được đặt dựa vào trí tưởng tượng đối với hình thù của nó, ví dụ như: Hài Tiên (Fairy’s Shoe), Đá Nấm (Mushroom Rock), Geisha Nhật Bản (Japanese Geisha), Đá Nến (Candle Rock),… và bất kỳ cái tên nào khác bạn có thể nghĩ ra khi nhìn thấy.

Công viên địa chất Yehliu chia thành ba khu vực và mỗi khu vực có 1 loạt các khối đá với hình thù đặc trưng riêng.

 
 

Khu vực 1 là khu vực của các hòn đá hình nấm và đá củ gừng. Bạn cũng sẽ được biết về quá trình hình thành của chúng, những phiến đá bị cắt xẻ, xói mòn. Ngoài ra, đây cũng là khu vực trưng bày hòn đá có dạng hình nến và ly kem nổi tiếng.

 
 

Khu vực 2 là khu vực vẫn có những phiến đá nấm, đá củ gừng song điểm nổi bật nhất là hòn Đầu Nữ Hoàng (Queen’s Head) và đá Đầu Rồng (Head Dragon). Nằm cạnh biển nên khu vực này đá chia làm 4 loại hình thù chính là đá Hài Tiên, đá Voi, đá Củ Lạc hình thành do sóng biển ăn mòn. Mỏm đá Đầu Nữ Hoàng (The Queen’s Head) - được đánh giá là khoảng 4.000 năm tuổi - là một trong những cảnh nổi tiếng nhất công viên địa chất Yehliu và được xem như biểu tượng của trấn Vạn Lịch. Đây là là một loại nấm đá được hình thành do sự xói mòn khác biệt gây ra bởi nước biển. Theo thời gian, mỏm đá Đầu Nữ Hoàng không chỉ bị tàn phá bởi thiên nhiên mà còn bị hư hỏng do các tác động trong quá trình thăm viếng của con người. Hiện nay phần hẹp xung quanh cổ của mỏm đá chỉ còn khoảng 138cm.

 
 

Khu vực 3 hẹp hơn nhiều so với khu vực thứ 2. Một mặt thì khu vực này nằm kề với những vách đá dựng đứng, mặt kia sát cạnh những con sóng hung dữ. Đây là nơi các vách đá bị sóng biển bào mòn thành từng lớp nằm ở bờ bên kia bán đảo Yehliu. Bãi đá ở khu vực này có các hình dạng khá kỳ lạ như hòn Ngọc Trai (Pearl Rock), hòn Hải Âu (Marine Bird Rock), đồi Hiếu Thảo. Ngoài cảnh quan địa chất đá quý hiếm thì khu vực thứ 3 này còn là khu vực dữ trự sinh thái chính của công viên địa chất Dã Liễu.

 
 

Những mỏm đá phiến (shale), cát trầm tích (sedimentary sandstone) và dạng địa chất kỳ lạ với hình thù khác thường được hình thành khi lớp vỏ trái đất vận động mạnh cùng sự sói mòn của biển do quá trình biến đổi của khí hậu từ 10 đến 25 triệu năm trước.

TS.Bùi Thị Thu Phương

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6551

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Độc đáo Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân

Độc đáo Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu Quốc Quân

  • 10/01/2019 10:17
  • 3105

Tôi có may mắn được công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã gần 10 năm. Nơi đây đang lưu giữ và trưng bày nhiều bộ sưu tập hiện vật vô cùng quý giá trong đó có sưu tập thư, nhật ký thời chiến. Cũng bởi vậy, tôi được biết số phận rất đặc biệt của nhiều cuốn nhật ký mà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ. Nhật ký Đệ nhị Trung đội Cứu quốc quân của Đại tá Đào Văn Trường là một hiện tượng độc đáo hiếm có mà tôi bắt gặp.