Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/11/2018 16:32 1982
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Phần 1: Lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ. Chính vì vậy, di sản văn hóa quân sự Việt Nam chiếm một tỷ lệ quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Phần 1:

Lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ. Chính vì vậy, di sản văn hóa quân sự Việt Nam chiếm một tỷ lệ quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Theo thống kê sơ bộ, trên cả nước đã có hơn 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, chưa kể hàng ngàn di sản văn hóa trong cả nước đã và đang được phát hiện.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đó có di sản văn hóa quân sự được các Bộ, ngành, cơ quan chức năng quan tâm. Hàng trăm di tích lịch sử quân sự được đầu tư tu bổ, tôn tạo, thu hút đông đảo khách tham quan học tập. Có được kết quả đó là nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự đóng góp to lớn của cộng động trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa quân sự nói riêng.

Điều này được thể hiện trên một số nét chính:

1. Cộng đồng là chủ thể sáng tạo ra các di sản văn hóa quân sự

Văn hóa nói chung, văn hóa quân sự nói riêng đều do nhân dân sáng tạo nên. Chính sự sáng tạo này đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa rất phong phú và đa dạng. Với di sản văn hóa quân sự cũng vậy.

Sự sáng tạo của cộng đồng đôi khi chỉ từ một người dân rất bình thường. Sự tích miếu Vua Bà tại phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là một minh chứng. Tương truyền trong chuyến đi thị sát địa hình chuẩn bị cho trận Bạch Đằng quyết chiến với quân Mông - Nguyên vào năm 1288, Trần Hưng Đạo qua bến đò gặp một cụ bà bán nước đã hỏi thăm vùng đất này. Bà cụ đã cung cấp cho Trần Hưng Đạo lịch triều con nước, địa thế dòng sông và còn bày cho chiến thuật để đánh giặc. Sau khi thắng trận, Trần Hưng Đạo đã quay lại bến đò tìm bà cụ bán hàng nước thì không thấy nữa. Ông đã xin vua Trần phong cho bà là “Vua Bà” và lập đền thờ tại đây. Miếu được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia cùng với đền Trần Hưng Đạo. Di tích gắn với những dấu ấn của chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng làng xã chiến đấu. Tiêu biểu như: Nam Hồng (Hà Nội), Củ Chi (Gia Định), Long Phước (Bà Rịa), Vịnh Mốc (Quảng Trị), Cự Nẫm, Cảnh Dương (Quảng Bình). Nhiều nơi đào địa đạo như làng kháng chiến dưới lòng đất. Khách tham quan khi đến Củ Chi đều kinh ngạc trước tài trí của nhân dân nơi đây. Một hệ thống hầm, hào, công sự, trận địa chằng chịt dưới lòng đất cùng công tác bảo đảm với những điều kiện phục vụ chỉ huy, chiến đấu và sinh hoạt thiết yếu nhất như hầm làm việc của lãnh đạo chỉ huy, nơi hội họp sinh hoạt, nơi dự trữ vũ khí lương thực, nơi trú ẩn cho người già, trẻ em, hầm giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh. Chính vì vậy, Củ Chi trở thành "đất thép thành đồng" một thời là nỗi kinh hoàng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Địa đạo Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

Để chống lại kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn ta gấp bội, nhân dân ta đã tạo ra những loại vũ khí độc đáo, trong đó có bộ sưu tập vũ khí thô sơ, tự tạo trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975). Các loại vũ khí thô sơ tự tạo là sản phẩm của ý chí tự lực, tự cường, trí thông minh, sáng tạo của nhân dân gắn liền các trận đánh, các cách đánh tiêu biểu. Điển hình như: anh hùng Đoàn Văn Chia, bộ đội địa phương Cần Thơ với 33 loại hầm chông tự chế, huấn luyện 100 đàn ong vò vẽ để đánh địch làm chúng khiếp sợ.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự kiện Tết Mậu Thân 1968 là một trong những mốc quan trọng. Để có thắng lợi của Tết Mậu Thân, quân và dân ta ở miền Nam sáng tạo ra nhiều cách đánh, tích trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm để có thể đánh địch ngay tại sào huyệt của chúng. Hầm chứa vũ khí nằm ngay trong nhà dân ở Sài Gòn là một trong những điển hình. Năm 1967, lấy cớ sửa nhà cần đào hố gas làm nhà vệ sinh, ông Năm đã sử dụng những người thợ tin cậy nhất để đào hầm cất giấu vũ khí tại nhà mình. Đây là căn nhà có hai mặt tiền nằm trên 2 con hẻm đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Sau 7 tháng thi công, căn hầm được hoàn thành. Trong hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát hiểm và có các lỗ thông khí. Miệng hầm được đặt gần cầu thang. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), căn hầm cung cấp cho các đơn vị tham gia chiến đấu tới 350kg thuốc nổ, 15 súng AK và 3.000 viên đạn các loại. Số vũ khí này góp phần vào thắng lợi của ta trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ngày 16/11/1988, Hầm chứa vũ khí được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Rất nhiều di sản văn hóa quân sự tương tự để lại cho đến ngày nay đều bắt nguồn từ sự sáng tạo của cộng đồng. Trên đây chỉ là một vài điển hình.

2. Cộng đồng là người phát hiện di sản văn hóa quân sự

Không chỉ sáng tạo ra di sản văn hóa quân sự. Cộng đồng còn phát hiện nhiều di sản văn hóa quân sự. Nhiều năm qua, người dân phát hiện không ít di chỉ khảo cổ nằm sâu trong lòng đất trong quá trình lao động sản xuất, xây dựng công trình dân sinh. Các phát hiện nhanh chóng được thông báo cho cơ quan chuyên môn đến nghiên cứu, khai quật, ghi dấu tích. Di tích thành cổ Luy Lâu, được xếp hạng cấp quốc gia năm 1964, khu di tích thành Cổ Loa được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1962, được Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 đều được phát hiện từ cộng đồng.

Nhiều vũ khí cổ có giá trị được người dân phát hiện trở thành báu vật như: thanh kiếm có chuôi hình người phụ nữ được tìm thấy dưới chân Núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá năm 1961) thuộc sở hữu của Bảo tàng Thanh Hóa. Hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia 12/2013.

Gần đây, vũ khí được phát hiện nhiều loại ngẫu nhiên từ những người dân khai thác cát, đào móng nhà, xây dựng công trình như cuốc, rìu đá, giáo, mác, qua, tấm che ngực bằng đồng. Tại bãi biển Hà Tĩnh, người dân đã phát hiện những khẩu thần công, có khẩu sau được công nhận bảo vật quốc gia. Ở khu vực thành Huế, thành Điện Hải (Đà Nẵng), sông Sài Gòn cũng phát hiện những hiện vật tương tự. Năm 2001, Bảo tàng Quân đội tiếp nhận một khẩu thần công được gia đình Đại tướng Chu Huy Mân phát hiện khi đào móng nhà tại phố Lý Nam Đế, ba khẩu được Công ty 36 (doanh nghiệp quân đội) khi thi công công trình tại khu vực đường Hoàng Văn Thụ, Hà Nội. Năm 2003, gia đình bà Nề ở phường Ngọc Hà (Hà Nội) phát hiện một động cơ máy bay B52 của không quân Mỹ bị quân dân Hà Nội bắn rơi năm 1972. Động cơ được chuyển cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm hiện vật trưng bày.

Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội

Nhiều di tích lịch sử quân sự thời hiện đại do tác động của các điều kiện tự nhiên, xã hội qua thời gian không thể nhận dạng được, người dân địa phương đã hỗ trợ khoanh vùng, phục hồi để phát huy giá trị của nó. Tại chiến trường Điện Biên Phủ, chỉ trong 3 năm từ 2003 đến 2005, cộng đồng nhân dân địa phương cùng các nhân chứng lịch sử phát hiện ghi dấu 28 di tích thành phần. Trong đó, có di tích có giá trị đặc biệt như: Sở Chỉ huy tại Huổi He Ộ (nơi quyết định thay đổi phương châm chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đưa đến sự toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ), vị trí anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh cứu pháo ở sườn núi Pu Cọ...

Hệ thống di tích lịch sử nổi tiếng đường Trường Sơn trải dài hàng nghìn kilômét từ Bắc vào Nam, không cán bộ chiến sỹ nào đã đi qua có thể nhớ hết được những điểm di tích của con đường huyền thoại này. Việc xác định vị trí các điểm di tích, ghi dấu nó phần lớn dựa vào cộng đồng, các đoàn thể, người dân địa phương. Họ là những cựu chiến binh, du kích, thanh niên xung phong, người dân bản địa đã nuôi dấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, dẫn đường phục vụ bộ đội trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ cũng phát hiện, hiến tặng những kỷ vật do phát hiện hoặc lưu giữ được như: vỏ bom, vỏ đạn, con dao găm, quả lựu đạn… đưa về các khu trưng bày, các bảo tàng giới thiệu phục vụ khách tham quan.

Nhận thấy tiềm năng vô tận của cộng đồng trong việc phát hiện, tập hợp, lưu giữ và bảo quản di sản văn hóa quân sự, Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc vận động ‘‘Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến’’. Sau 3 năm (2008-2010), Ban Tổ chức đã tiếp nhận trên 10.000 kỷ vật. Tiếng vang của cuộc vận động đến cả bên kia chiến tuyến. Nhiều kỷ vật được các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam thu nhặt, lưu giữ hàng chục năm được trả lại cho chủ nhân của nó hoặc hiến tặng cho Bảo tàng. Tiêu biểu là những hiện vật của nhóm Con Nai, cuốn nhật ký bằng tranh của họa sỹ Lê Đức Tuấn, những kỷ vật của liệt sỹ Vũ Đình Đoàn (xã Long Xuyên, Bình Giang, Hải Dương), Nguyễn Văn Tế (xã sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Nam (xã Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa)...

Nhiều cựu chiến binh bằng tình cảm và trách nhiệm của mình đã đi sưu tầm kỷ vật kháng chiến, tập hợp lại lập ra những bảo tàng tư nhân. Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu hay bảo tàng cựu tù Phú Quốc của Lâm Văn Bảng là một ví dụ. Số đồng chí khác từ những cuộc đi tìm mộ, thăm lại chiến trường, phát hiện ra những di vật của đồng đội mình, giữ lại những kỷ vật coi như những báu vật của bản thân rồi sau này hiến tặng cho Bảo tàng.

Thiếu tướng. TS Nguyễn Xuân Năng

(Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6545

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Gốm sứ Việt xưa ở Nhật Bản

Gốm sứ Việt xưa ở Nhật Bản

  • 07/11/2018 13:32
  • 4412

Gốm sứ cổ Việt Nam có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là do các nhà sưu tầm cổ vật hoặc các bảo tàng nước ngoài sưu tầm thông qua các hình thức mua bán, cả hợp pháp và bất hợp pháp, trong khoảng 50 năm trở lại đây. Tuy nhiên, gốm sứ cổ Việt Nam hiện diện ở Nhật Bản có sự khác biệt. Đó là gốm sứ khai quật được trong các di chỉ khảo cổ học ở Nhật Bản và gốm sứ được giới quý tộc và thương nhân Nhật Bản mua về để sử dụng trong nghi thức trà đạo trong từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII.