Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) tọa lạc trên ngọn núi Hồng Lĩnh - một trong 7 ngọn núi hùng vĩ và đẹp nhất của 99 đỉnh non Hồng, từng được mệnh danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam” không chỉ vì nơi đây là thắng cảnh có một không hai mà còn vì những dấu tích cổ kính được lưu truyền hàng ngàn năm cùng nhiều truyền thuyết, sự tích đi liền. Cũng chính vì thế mà năm 1936, vua Bảo Đại cho người chạm khắc Hồng Sơn nơi có chùa Hương Tích vào Anh Đỉnh - một trong 9 đỉnh đồng lớn (Cửu đỉnh) đặt ở Đại Nội Huế.
Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) tọa lạc trên ngọn núi Hồng Lĩnh - một trong 7 ngọn núi hùng vĩ và đẹp nhất của 99 đỉnh non Hồng, từng được mệnh danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam” không chỉ vì nơi đây là thắng cảnh có một không hai mà còn vì những dấu tích cổ kính được lưu truyền hàng ngàn năm cùng nhiều truyền thuyết, sự tích đi liền. Cũng chính vì thế mà năm 1936, vua Bảo Đại cho người chạm khắc Hồng Sơn nơi có chùa Hương Tích vào Anh Đỉnh - một trong 9 đỉnh đồng lớn (Cửu đỉnh) đặt ở Đại Nội Huế.
Cửu đỉnh ở Huế |
Hồng Sơn trên Cửu đỉnh |
Đáng chú ý, trên đỉnh núi Hương Tích có một di tích kiến trúc được dân gian gọi là nền Trang Vương. Đáng tiếc là những thông tin về chùa Hương Tích nói chung và khu vực nền Trang Vương trong các sử liểu thành văn là rất hạn chế. Do đó, việc khảo sát, thám sát khảo cổ học di tích nền Trang Vương là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn trong việc nghiên cứu, bổ sung tư liệu tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa cũng như phục vụ cho công tác tôn tạo, phát huy giá trị di tích.
1.Kết quả nghiên cứu
Tương truyền, chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ 13 thời nhà Trần trên động Hương Tích. Năm 1885 trong một trận hỏa hoạn, chùa bị thiêu rụi. Phải đến năm 1901, dưới thời Tổng đốc An - Tĩnh là Đào Tấn đứng ra phát động nhân dân xây dựng lại. Các công trình kiến trúc như đền, am, chùa hầu hết đều được khởi tạo lại trả về dáng vẻ nguyên xưa. Nhưng tiếc thay Phật Phả và Bia ký của chùa Hương Tích không còn. Bởi vậy mà sử liệu về chùa Hương Tích được khởi công xây dựng vào ngày tháng năm nào không có tư liệu nào ghi lại chính xác.
Hiện tại, chùa Hương Tích là một quần thể gồm nhiều di tích được chia làm ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Ngoài ra còn có miếu cửa rừng, trạm nghỉ Phật Bà, am Giác Phổ, khe Quỷ Khốc, thác Giải Oan, Bãi chợ, chùa Thượng, Nhà thờ tổ, điện Thánh Mẫu, am Diệu Thiện, am Dược Sư, nền Trang Vương, am Bát Cảnh… Phía sau chùa là vô số tảng đá lớn, xung quanh nhiều cây cổ thụ vươn ra tỏa bóng rêu phong xuống các mái chùa, tạo cho cảnh thêm u tịch, trầm tư, linh thiêng, huyền ảo… Chùa còn có những cảnh sắc tuyệt đẹp liên kết, như: động Tiên Nữ 36 cửa vào ra, am Phun Mây, suối Tiên Tắm... Mỗi một di tích, cái tên, một địa điểm đều gắn liền với một truyền thuyết hay sự tích bí ẩn mà nhân dân vẫn truyền cho nhau từ bao đời nay.
Toàn cảnh di tích nền Trang Vương trên đỉnh Hồng Lĩnh |
Khu vực nền Trang Vương nằm cao hơn khoảng trên 100m so với khu vực chùa chính (khoảng 600m so với mực nước biển) phân bố trên diện tích khoảng 3.000m2. Khu vực Trang Vương được chia làm 3 cấp nền chính, các cấp phần lớn đều được tạo dựng dựa vào địa hình tự nhiên của sườn núi. Toàn bộ mặt trước các cấp nền hướng ra phía đông nam, nơi có hai hồ nước lớn là đập Cù Lây và Nhà Đường, xa xa phía trước là biển Đông, phía sau tựa lưng vào núi, hai dãy núi hai bên tạo thế tay ngai uy nghi và vững chãi.
Phía đông có 5 cấp nền dốc dần từ bắc xuống nam, độ chênh cao giữa các cấp là 0,8 - 2m, các cấp này to nhỏ khác nhau, đều được kè bằng đá núi, ở cấp cuối cùng nối với một đường lên cũng được xếp bằng đá núi khá qui chuẩn.
Phía tây có 3 cấp nền, cũng nằm dốc dần từ bắc xuống nam và cũng được kè bằng đá núi. Các cấp nền này có độ chênh cao với nhau từ 1,2 - 1,4m. Đặc biệt, ở cấp nền thứ 3, xuất lộ một nền kè đá hình chữ nhật, kích thước 4,5m x 4,5m, bề mặt xuất hiện nhiều vật liệu, gạch xây, gạch trang trí có dấu các ký tự đánh dấu vị trí cũng như các vết kỹ thuật cắt vát, cắt góc… Những hiện vật này cho phép giả thiết đó là vật liệu xây tháp mộ.
Trong đợt nghiên cứu năm 2009, các nhà khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã mở 4 hố thám sát ở các vị trí trên nền chính của cấp nền thứ nhất.
Về cơ bản, địa tầng diễn biến gồm 3 lớp như sau:
- Lớp thứ nhất: ở độ sâu 10 - 15cm đất màu đen xám, ken dày mảnh gạch, ngói thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và thời Trần (thế kỷ XIII - XIV). Lớp này tương ứng với mặt bằng thời Lê trung hưng tôn tạo, dựng lại chùa.
- Lớp thứ hai: ở độ sâu từ 15 - 60cm đất đồi màu vàng chứa mảnh gạch, ngói, sành thời Trần (thế kỷ XIII - XIV). Lớp này tương ứng với mặt bằng san nền và các tàn tích vật liệu kiến trúc cùng mộ táng thời Trần.
- Sinh thổ đất màu vàng sẫm lẫn nhiều đá nhỏ và đá núi gốc, độ sâu từ 60cm.
Kết quả thám sát đã mang lại nhiều thông tin lý thú về một công trình kiến trúc bị vùi chôn rất nhiều năm trong lòng đất và những bí ẩn của các vết tích kiến trúc ấy đang dần được hé lộ.
Về vết tích bó nền
- Bó nền kiến trúc phía bắc:là một đoạn xếp bằng đá chạy theo hướng đông tây, được xếp bằng các viên đá núi hình chữ nhật tạo bề mặt rộng từ 30 - 45cm, xen kẽ với các mảnh gạch vỡ thời Trần, vết tích này đã ít nhiều bị bóc dỡ.
- Bó nền kiến trúc phía nam: xếp bằng đá núi khá đơn giản, xuất lộ ngay trên bề mặt, chạy trục đông tây và có xu hướng bắt góc với bó nền phía tây.
- Bó nền kiến trúc phía tây: xuất lộ ở độ sâu 5cm là 2 đường bó chạy theo hướng bắc nam bắt góc với bó nền phía bắc, đường bó phía trong nền xếp khá cẩn thận và giật làm hai cấp, rộng khoảng 45cm. Đường bó phía ngoài cũng xếp bằng đá nhưng chỉ có một lớp. Độ rộng của hai đường bó này là 1,2m. ở giữa hai đường bó được lát bằng gạch chữ nhật có kích thước rộng từ 16 - 17cm, dài từ 27 - 30cm màu đỏ tươi. Các viên gạch lát quay ngang và gần như trùng mạch.
Vết tích bó nền kiến trúc trong hố thám sát |
Quan sát có thể thấy, đây là bó móng phía tây của kiến trúc trên cấp nền chính, bó nền bên trong và ngoài cùng nền lát tạo một thành rãnh, có thể là chỗ “giọt gianh” đón nước mưa trên mái, đồng thời là đường thoát nước cho cả công trình kiến trúc.
Kè cấp nền chính
Cấp nền chính (cấp thứ nhất) được kè bằng 3 lớp tạo taluy chống trôi trượt. Độ rộng của bờ này khoảng 2m, dưới chân được kè đơn giản bằng các viên đá núi khá lớn, ở giữa được lát thêm một hàng đá, cấp trên cùng sát với nền chính cũng được kè cẩn thận bằng đá, khi xử lí, làm rõ phát hiện nhiều mảnh ngói, vật liệu xây dựng thời Trần, Lê trung hưng.
Mộ táng thời Trần
Mộ xuất lộ ở độ sâu 25cm so với mặt bằng. Chum sành, miệng thẳng, vai nở tròn, thân thuôn dần về đáy, đáy bằng. Trên vai chum đắp 4 con cá giữa 2 đường gờ nổi, đây là loại hình đặc trưng thời Trần. Chum được chôn đứng, đã bị dập vỡ thành nhiều mảnh, quan sát địa tầng cho thấy đã bị đào phá, xử lí bên trong thấy rõ đất bề mặt cùng mùn thực vật lọt vào.
Qua các hố thám sát, trên cơ sở các vết tích cũng như vật liệu kiến trúc xuất lộ cho thấy vết tích một đơn nguyên kiến trúc tồn tại trên cấp nền chính thứ nhất. Đó là các bó móng phía bắc (móng hậu), bó móng phía tây và nam của kiến trúc.
| |
Mộ táng thời Trần xuất lộ trong hố thám sát |
Sau khi phát quang, mặt bằng khu vực nền Trang Vương lộ rõ rất đa dạng với cấp nền trung tâm và các cấp nền phụ phân bố hai bên đông và tây. Các cấp nền nằm thoải dần từ bắc về nam theo địa hình sườn núi. Ngoài các vết tích ở cấp nền thứ nhất thì cấp nền thứ hai và thứ ba được phân bố dọc theo một trục bắc - nam men theo các sườn núi. Trong điều kiện cho phép, chúng tôi chỉ làm xuất lộ được phế tích kiến trúc ở cấp nền chính, có thể với quy mô như vậy thì ở các cấp nền phụ ở phía đông và tây có khả năng đều tồn tại các kiến trúc mà chưa được làm phát lộ.
Bản vẽ mặt bằng kiến trúc di tích nền Trang Vương |
2. Di vật
Di vật thu được tập trung chủ yếu là nhóm vật liệu và trang trí kiến trúc, ngoài ra là một số ít của nhóm đồ sành, sứ.
- Nhóm vật liệu kiến trúc: Chủ yếu tìm thấy các loại hình gạch ngói và mảnh ốp trang trí kiến trúc.
Loại hình gạch, chủ yếu với các loại gạch hình chữ nhật, gạch ốp hoặc xây tháp có dấu vết kỹ thuật, gạch lát nền…
+ Gạch hình chữ nhật: với các sắc độ xám, nâu xám, nâu đỏ, xương khá mịn nổi vân trắng, kích thước khác nhau, với độ rộng tương ứng: loại nhỏ 11,8cm - 12,5cm, loại trung bình 15,5cm và loại lớn 17 - 18,5cm. Độ dài dao động trong khoảng 25 - 35,5cm, dày từ 3 - 3,7cm.
+ Gạch có dấu vết kỹ thuật: chủ yếu sử dụng loại gạch hình chữ nhật, khá phong phú về kiểu dáng và kỹ thuật như gạch cắt vát nhọn một cạnh chiều dài hoặc rộng, cắt một góc, hay dấu khắc định vị… màu sắc của loại này phổ biến là màu nâu xám, xương mịn.
Trong số vật liệu thu được đáng chú ý là hàng chục viên gạch có khắc chữ Hán (ví dụ: Thổ, Tri, Đại Trung, Đông Bắc, Sơn Tây Bắc…) mang những thông tin về nơi sản xuất hoặc vị trí của nó trong kiến trúc.
Gạch hình chữ nhật có khắc chữ "Đông" |
+ Gạch lát nền trang trí: hình vuông, màu xám hoặc nâu đỏ, rộng từ 31 - 33cm, dày 3 - 4cm. Hoạ tiết trang trí trên một mặt là các đường bo nổi bên rìa, trong có bông hoa 8 cánh lớn tạo bằng 2 gờ nổi, trong các cánh hoa tạo hoa dây xuắn ốc liên tục, các góc tạo hình các hoa văn tay mướp. Loại gạch này có niên đại thời Trần. Trong số gạch lát thu được, chúng tôi nhận thấy nhiều tiêu bản bị cháy đen do lửa đốt. Điều này minh chứng cho việc chùa bị cháy trong trận hỏa hoạn năm 1885.
Loại hình ngói chủ yếu là các mảnh của ngói ống, ngói nóc, ngói mũi hài và ngói bản với hai thời kì: thời Trần và Lê trung hưng.
+ Ngói thời Trần: màu đỏ tươi, xương mịn có các loại ngói ống, ngói nóc và ngói mũi hài, đặc biệt là đã thu được một mảnh ngói nóc có gắn tượng uyên ương.
+ Ngói thời Lê trung hưng: chủ yếu là ngói bản, mũi nhọn, đuôi ngói được ấn móc nổi bằng tay, màu nâu đỏ xương pha nhiều cát, độ dày từ 0,6 - 0,8cm.
- Nhóm trang trí kiến trúc
So với nhóm vật liệu thì nhóm trang trí kiến trúc có số lượng ít hơn đó là các mảnh trang trí khối tượng tròn màu đỏ tươi, trang trí phù điêu rồng, hoặc cánh sen xếp lớp, mảnh tượng uyên ương gắn trên ngói nóc.
- Nhóm vật liệu sành, gốm men
Đồ sành: Tìm thấy một vài mảnh vỡ nhỏ của bình, vò, đặc biệt là phát hiện một chiếc chum sành thời Trần vỡ đã phục nguyên được dáng sử dụng làm mộ táng. Chum màu xám, xương màu tím, miệng thẳng, vai nở tạo nổi 2 băng chỉ, giữa chúng đắp nổi 4 hình cá chép nằm cùng chiều và từng cặp đối xứng nhau. Bụng thuôn xuống đáy, đáy bằng, với kích thước khá lớn: cao 45cm, đ ường kính miệng 24, đường kính thân 47cm. Ngoài ra, trong các hố thám sát còn tìm thấy mảnh lư hương bằng gốm men nâu màu nước dưa có niên đại thế kỷ XVII - XVIII.
Bên cạnh các di vật thu được tại các hố đào, trong quá trình khảo sát chúng tôi còn được tiếp cận với một số hiện vật như vò, liễn, gốm tráng men, bát sứ men ngọc thuộc niên đại thời Trần và vò gốm thời Đường. Số di vật này được phát hiện trong quá trình khai thác đất núi ở phía đông chùa để xây dựng toà Thượng Điện năm 2003. Những người trực tiếp phát hiện cho hay trong các đồ này đều đựng tro than, một số vò đã được chôn lại trong vườn chùa. Đây đều là các ngôi mộ hoả táng phản ánh táng tục đặc trưng thời Trần, tuy nhiên, chủ nhân của những ngôi mộ là ai là điều chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu.
3.Nhận xét
Kết quả khảo sát,thám sát khảo cổ học đã mang lại nhiều thông tin lý thú và bổ ích trong việc nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và giá trị đối với di tích.
- Về mặt bằng tổng thể, trong khu vực khảo sát cho thấy di tích phân bố trên diện khá rộng (trên 3.000m2) với nhiều cấp nền phân bố theo sườn núi. So với các di tích cùng loại thì đây là một di tích có qui mô khá lớn với nhiều đơn nguyên kiến trúc tồn tại. Mặt khác, di tích được người xưa lựa chọn trên một vị trí khá cao, có địa thế và phong thuỷ rất đẹp: phía sau dựa lưng vào núi, tả hữu tạo thế tay ngai hình cánh cung, phía trước mặt là hai hồ nước lớn, có thể phóng tầm mắt ra xa, nhìn về hướng đông trông ra biển.
- Về di tích, từ những vết tích phát lộ cho thấy tổng thể di tích có 3 cấp nền chính. Riêng trên cấp nền thứ nhất có tới 9 nền được kè đá làm khá quy chuẩn chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên của sườn núi. Cách tạo này cho chúng ta mường tượng giống như ruộng bậc thang với các cấp nền nối tiếp nhau thoải dần xuống thấp. Điều này cho thấy người xưa đã khéo léo dựa vào địa hình, thế núi kết hợp với việc cải tạo mặt bằng cho phù hợp mục đích sử dụng của mình.
- Về di vật, ngoài các vật liệu kiến trúc phổ thông thường thấy như gạch lát, gạch chữ nhật và các loại ngói, chúng ta còn thấy ở đây khá nhiều các vật liệu có dấu vết kỹ thuật như cắt, tạo tròn có định vị kiến trúc chữ Hán cho thấy nhiều khả năng nơi đây sự tồn tại của các ngôi tháp đất nung có chức năng thờ Phật hay tháp mộ mà chúng ta chưa có điều kiện kiểm chứng.
Từ những di tích, di vật xuất lộ trong các hố thám sát và trên bề mặt cho thấy trên nền chính của cấp nền thứ nhất tồn tại một công trình kiến trúc khá qui mô có thể được xây dựng vào thời Trần và sau đó được trùng tu, sửa chữa vào thời Lê trung hưng. Năm 1885 chùa bị hỏa hoạn thiêu rụi gần như hoàn toàn đã bị bỏ hoang phế đến năm 1901 thì được từ thời Nguyễn và đến nay chúng ta chỉ được tiếp cận qua một số vết tích còn sót lại. Năm 1901, khi trùng tu, sửa chữa khả năng chọn vị trí chùa như hiện nay và thấp hơn vị trí nền Trang Vương khoảng 100m. Chùa sau này tái sử dụng lại một số cấu kiện và nguyên vật liệu từ chùa cũ (chủ yếu gạch Trần và ngói Lê Trung hưng)
Như vậy, kết quả khảo sát, thám sát và nghiên cứu trên, chúng ta đã có những lí giải, kiểm chứng, những khám phá lí thú về công trình kiến trúc trên nền Trang Vương, chùa Hương Tích. Tuy vậy, kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu, cần phải tiến hành khảo sát tổng thể, tiến tới khai quật quy mô lớn hơn để làm rõ hơn diện mạo rất phong phú song cũng khá phức tạp của hệ thống di tích, di vật nhằm bổ sung tư liệu, dữ liệu cần thiết của quần thể di tích này.
Lê Hùng - Lê Chiến