Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/03/2018 12:57 1993
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Báo Ân là ngôi chùa khá nổi tiếng thời Trần, bởi đây là chốn danh lam có quan hệ mật thiết với cuộc đời tu hành của các vị Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm (Pháp Loa và Huyền Quang), đặc biệt là với Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) - vị vua có nhiều công tích trong sự nghiệp chấn hưng quốc gia Đại Việt và các cuộc kháng chiến thắng lợi chống quân Nguyên Mông.

Báo Ân là ngôi chùa khá nổi tiếng thời Trần, bởi đây là chốn danh lam có quan hệ mật thiết với cuộc đời tu hành của các vị Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm (Pháp Loa và Huyền Quang), đặc biệt là với Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) - vị vua có nhiều công tích trong sự nghiệp chấn hưng quốc gia Đại Việt và các cuộc kháng chiến thắng lợi chống quân Nguyên Mông.

Hiện nay, di tích chùa Báo Ân nằm ở tả ngạn dòng sông cổ Thiên Đức nổi tiếng, ở tọa độ 105°58’48,93” kinh Đông, 21°00’10,04” vĩ Bắc, thuộc địa phận thôn Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Thủ đô khoảng gần 20km theo đường bộ. Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương, dọc theo đường Nguyễn Văn Cừ, rẽ vào đường Quốc lộ 5, đến Phú Thị tiếp tục rẽ trái sẽ đến Dương Quang, một xã nằm giáp ranh giữa Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Không ảnh khu vực chùa Báo Ân  (Nguồn Google Earth).

Toàn bộ kiến trúc nhỏ bé của chùa hiện tại nằm ở rìa làng, sát với khu dân cư. Nhưng ký ức dân gian trong vùng, đặc biệt là những người già còn khắc ghi sâu đậm về một ngôi ‘Chùa Cả’ xưa kia nằm ở khu gò đất phía Tây chùa, có quy mô to lớn và hoành tráng hơn nhiều. Khảo sát tại thực địa gò đất này vẫn nhận thấy bề mặt gò cao hơn khu vực xung quanh từ 0,5-1 m, với tổng diện tích khoảng hơn 15.000m2. Đáng tiếc, từ cách đây khoảng 40 năm gò đất đã bị khai thác đất, xây lò gạch. Toàn bộ bề mặt gò đã bị san bạt, có chỗ bị đào sâu từ 1,5-2m. Nơi còn khá nguyên vẹn tập trung ở phía Bắc của gò. Qua khảo sát đã thấy xuất lộ ngay trên bề mặt dấu tích của móng kiến trúc và ống thoát nước đặc trưng thời Trần. Trong quá trình canh tác và đào đất làm gạch, nhân dân trong vùng đã thu lượm được nhiều vật liệu và trang trí kiến trúc thời Trần, Lê. Sưu tập hiện vật này hiện đang được lưu giữ tại chùa Báo Ân và chùa Sủi, do sư trụ trì Thích Thanh Phương quản lý (Vũ Quốc Hiền và nnk 2003).

Toàn cảnh chùa Báo Ân.

Trải qua quá trình tồn tại lâu dài, chùa Báo Ân hiện nay có quy mô nhỏ bé là một ngôi chùa làng, khiêm nhường với bố cục mặt bằng hình chữ Đinh (J) và mới được xây cất gần đây. Trong chùa còn lưu lại hệ thống tượng pháp và đồ thờ tự đều có niên đại thời Lê và Nguyễn. Điện thờ có các bộ tượng Tam Thế, Di đà Tam tôn, Quan âm Chuẩn đề, Bồ đề Đạt ma, các tượng liên quan đến Phật giáo và pho tượng vua Trần Nhân Tông. Đáng chú ý hơn là 6 tấm bia đá và 1 cây hương đá (Thiên đài) dựng năm Vĩnh Thịnh thứ tư (1709). Tấm bia có niên đại sớm nhất được dựng năm Đức Long thứ hai (1629) và muộn nhất là tấm bia dựng năm Thành Thái thứ 11 (1899) (Ngô Thế Phong / Nguyễn Văn Đoàn 2004). Nội dung văn bia đều ca ngợi ngôi chùa là một danh lam của xứ Kinh Bắc và ghi chép lại những lần trùng tu sửa chữa liên tục suốt từ thời Lê đến thời Nguyễn. Bia dựng năm Đức Long thứ hai (1629) còn ghi rõ dòng họ chúa Trịnh gồm các Quận công, Đô đốc tướng quân, Đô đốc phủ đã bỏ tiền ra tu sửa với qui mô khá lớn: tam quan, bái đường, thiêu hương, lầu chuông, gác trống, tô tượng, lập bia lưu truyền cho hậu thế. Tấm bia dựng năm Dương Hòa thứ hai (1636) cho biết việc các quận chúa Ngọc Xuân, Ngọc Niệm, Khuê quận công Trịnh Lựu đã cúng cho chùa 26 mẫu ruộng (1 mẫu ruộng = 3600m2) và tiền bạc đề đèn hương. Nhiều năm sau đó, chùa Báo Ân liên tục được sửa chữa: năm Cành Hưng thứ 10 (1750), năm Minh Mạng thứ 4 (1824) đúc lại chuông, năm Thành Thái thứ 4 (1892) sửa chữa tiền đường, Phật điện.

Bia đá lưu giữ tại di tích.

Chùa Báo Ân qua truyền thuyết dân gian và thư tịch cổ

Theo truyền thuyết dân gian trong vùng, chùa có từ thời Lý, gắn với sự tích về người con gái ở hương Thổ Lỗi, được vua Lý Thánh Tông tuyền vào cung, sau trở thành Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Bà đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc Phật giáo có qui mô to lớn và nổi tiếng trong lịch sử, trong đó có ngôi chùa Báo Ân ở quê mình. Năm 1068, hương Thổ Lỗi đổi thành hương Siêu Loại, do đó chùa còn có tên là chùa Siêu Loại. Buổi đầu khởi dựng chùa có qui mô nhỏ bé, sau này được mở mang ngày càng to lớn.

Chùa được xây dựng quy mô to lớn nhất vào thời Trần với 36 nóc nhà, 99 gian, 2 lớp tam quan nội, ngoại. Chùa là nơi thờ Phật kiêm hành cung của nhà vua, nên được gọi là Chùa Cả. Truyền thuyết còn cho biết, đoạn sông trước chùa chính là nơi công chúa nhà Trần bị gặp nạn khi du thuyền trên dòng sông Thiên Đức.

Theo thư tịch và các công trình nghiên cứu về Phật giáo, buổi sơ khởi chùa Báo Ân có tên gọi là chùa Siêu Loại theo đơn vị hành chính là hương Siêu Loại. Chùa do sư Trí Thông trụ trì. Cuối thời Lý sang thời Trần, chùa đã khá nổi tiếng bởi vua Trần Nhân Tông đã từng đến thăm và đàm đạo tại chùa. Tháng 8 năm 1299, khi vua chính thức xuất gia tại chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử với Pháp hiệu là Hương Vân Đầu Đà và cho xây dựng Thiền phái Trúc Lâm, chùa Siêu Loại đã được sư Trí Thông hiến cho Thiền phái Trúc Lâm và bắt đầu được mở rộng về quy mô, trở thành một trong những cơ sở chính của Thiền phái.

Nhưng phải tới Pháp Loa, đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm, thì chùa Báo Ân mới thực sự có vị trí đặc biệt quan trọng. Năm Hưng Long thứ 16 (1306), nhà sư Pháp Loa được lập làm Giảng chủ chùa Báo Ân; sư Huyền Quang Trúc Lâm đệ tam tổ làm Thị giả. Ngày mồng một tết năm 1308, Trúc Lâm chính thức ủy sư Pháp Loa trụ trì chùa Báo Ân dưới sự chứng kiến của vua Trần Anh Tông.

“Điều Ngự đem sơn môn Yên Tử và chùa Siêu Loại ủy cho Pháp Loa kế thế trụ trì, làm vị tổ thứ hai phái Trúc Lâm” (Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều Ngự giác hoàng Tần Nhân Tông và nnk 1962).Năm đó, chùa được cấp 100 mẫu ruộng và cấp người cày cấy đề lấy hoa lợi cho chùa. Pháp Loa là người đầu tiên được vua Trần Anh Tông cấp độ điệp sau khi nhận chức trụ trì chùa Báo Ân khi tổ đệ nhất Trúc Lâm còn sống. Thời kỳ Pháp Loa đứng đầu giáo hội, Thiền phái Trúc Lâm phát triền mạnh mẽ. Trong 19 năm Pháp Loa dựng hơn 800 ngôi chùa (Ngô Thì Nhậm 1982), đặc biệt với chùa Báo Ân được xây dựng thành trung tâm Phật giáo lớn và được sự ủng hộ của Hoàng gia nhà Trần cùng tăng ni phật tử: năm 1312, vua Trần cúng 5 vạn quan tiền, 500 mẫu ruộng. Năm 1313, theo di chiếu của vua Trần Nhân Tông, vua Anh Tông lấy đồ vật thờ tự tam bảo của mẹ cúng vào chùa Báo Ân, lại cúng dường vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phu đề làm thêm chùa tháp. Cùng năm đó Bảo từ Hoàng thái hậu cúng vào chùa 300 mẫu gia điền. Năm 1315, Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân cũ họ Phạm cúng vào chùa. Những sự ủng hộ đó đã dần tạo điều kiện cho Pháp Loa phát triền Thiền phái Trúc Lâm, trong đó có ngôi chùa Báo Ân. Năm 1314, tại chùa Báo Ân, Pháp Loa đã cho xây dựng 3 cơ sở trong đó có Phật điện tàng kinh và Tăng đường, mời hai vị sư huynh là Tông Canh và Bảo Phác về chùa Siêu Loại mở các lớp về Tứ phần luật’ cho tăng sĩ và in 5.000 bản Tứ phần luật’ cho các tăng sinh.

Tháp mộ.

Chùa Báo Ân trở thành trung tâm Phật giáo lớn ở vùng ngoại vi Thăng Long với việc đào tạo tăng sĩ, phật tử, góp phần khẳng định vai trò quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống xã hội đương thời. Khóa khai giảng năm 1322 ở chùa có hơn nghìn người đi nghe, bình thường cũng có tới năm sáu trăm người tham dự. Bản thân Pháp Loa là người trực tiếp giảng kinh, luật cho các đệ tử tại chùa mình trụ trì. Đây đã trở thành nơi xuất gia của nhiều người trong Hoàng tộc “Hoàng Thái Hậu đã quy y tại chùa...; năm 1323 Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương đến chùa báo Ân xin thụ ‘Bò đề tam giới’ và ‘Phát quán đinh’; được sư trụ trì làm phép tưới đàu...” (Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều Ngự giác hoàng Tần Nhân Tông và nnk 1962).

Chùa Báo Ân còn là cơ sở in ấn kinh sách lớn nhất thời bấy giờ. Nhờ có bản gỗ tàng trữ tại chùa Báo Ân nên kinh sách được ấn hành rộng rãi, cung cấp đầy đủ nhu yếu học Phật trong khắp xứ. Qua ghi chép có thề thấy, thời kỳ Pháp Loa trụ trì là thời kỳ phát triền thịnh đạt nhất của chùa Báo Ân. Sau khi Pháp Loa mất, Huyền Quang là người kế tục, cùng với sự trống vắng của Thiền phái Trúc Lâm và sự quan tâm hạn chế của triều đình, ngôi chùa dần xuống cấp. Chùa Báo Ân cũng mất dần vị trí.

Vào thế kỷ 17, cùng với sự phục hưng của Phật giáo và được sự quan tâm của Hoàng tộc nhà Lê-Trịnh, hệ thống chùa chiền được quan tâm trùng tu, tôn tạo, trong đó có Thiền phái Trúc Lâm. Chùa Báo Ân cũng được các Quận chúa, Quận công của Hoàng gia và Phủ chúa cúng ruộng, tiền của cho xây dựng, sửa chữa chùa thêm to đẹp. Ngôi chùa được các Phật tử dựng xây và gìn giữ đến nửa đầu thế kỷ 20 vẫn được coi là một đại danh lam Phật giáo, trung tâm văn hóa tín ngưỡng lớn trên vùng đất cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long xưa.

Với lịch sử ra đời, quá trình phát triền và tồn tại đã cho thấy vị trí và vai trò của chùa Báo Ân là rất to lớn với hai giai đoạn hưng thịnh vào thời Trần và thời Lê Trung Hưng, là trung tâm tôn giáo lớn của thiền phái Trúc Lâm vùng ngoại vi Thăng Long. Với những giá trị lịch sử - văn hóa to lớn ấy, di tích chùa Báo Ân rất cần được nghiên cứu và khám phá nhằm góp phần cho việc khôi phục lại diện mạo và phát huy giá trị di tích trong tương lai. Chính vì vậy, trong khi thực hiện đề án nghiên cứu Khảo cổ học trên địa bàn thành phố Hà Nội, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích đã được coi là một trọng tâm nghiên cứu và khai quật khảo cổ học. Tới nay di tích này đã được khai quật ba đợt (từ năm 2002 đến năm 2004).

(Còn tiếp)

TS.Nguyễn Văn Đoàn

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Lê Đình Phụng. Chùa Báo Ân (Gia Lâm - Hà Nội) trong hệ thống chùa thiền phái Trúc. KCH 2012 (1): 75-80.

Ngô Thế Phong, Nguyễn Văn Đoàn Tìm lại ngôi chùa Báo Ân thời Trần. Xưa & Nay 203-204: 57-61.

Ngô Thì Nhậm. Trúc Lâm tông chi nguyên thanh. Hà Nội, 1982.

Nguyễn Văn Đoàn. Ghi chú về một nhóm vật liệu kiến trúc ở di tích Lam Kinh. Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật 2002 (3): 39-42.

Nguyễn Văn Đoàn. Hệ thống vật liệu kiến trúc ở di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), KCH 2004 (6): 80-112.

Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Tuấn Lâm, Nguyễn Quốc Hữu. Báo cáo thám sát và khai quật khảo cổ học di tích Kiếp Bạc năm 2000. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

Trúc Lâm Tam Tổ. Tam tổ thực lục (Tài liệu dịch). Tư liệu Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1962.

Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Văn Đoàn, Lê Văn Chiến. Báo cáo khai quật di tích chùa Báo Ân lần thứ nhất năm 2002. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

 

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6373

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Những “dòng chảy gốm sứ” ở vùng Nam Trung bộ

Những “dòng chảy gốm sứ” ở vùng Nam Trung bộ

  • 19/03/2018 23:38
  • 2715

Trong những năm qua, tôi có dịp tham quan, khảo sát một số di tích, địa điểm khảo cổ ở vùng Nam Trung Bộ và có cơ hội tiếp cận, thưởng lãm khá nhiều sưu tập gốm sứ trong các bảo tàng và các sưu tập tư nhân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ đó, tôi thấy rằng đây là vùng đất kết nối nhiều “dòng chảy gốm sứ” trong hành trình gốm sứ Việt cổ, kết nối cả thời gian và không gian, với những dòng chuyển lưu trong nội địa và giao lưu với bên ngoài, rất đáng để tâm nghiên cứu.