Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/01/2018 01:11 1475
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh năm 1910, tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Cha là ông Nguyễn Huy Bình, người làng Mọc, Nhân Chính, Hà Nội, làm công chức hỏa xa ở Vinh, thường gọi là Hàn Bình. Mẹ là Đậu Thị Thư, quê Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh làm nghề buôn bán nhỏ.

 

Ảnh: Nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai

Năm 1919, Nguyễn Thị Minh Khai bắt đầu học chữ Quốc ngữ rồi vào trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Năm 1927, tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ. Năm 1930, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy. Sau đó, sang Hương Cảng làm thư ký cho Nguyễn Ái Quốc ở văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Năm 1931, bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam ở đây. Năm 1934, ra tù và được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva cùng với Lê Hồng Phong. Sau đó chị thành hôn với Lê Hồng Phong và học tại trường Đại học Phương Đông. Năm 1936, được cử về nước truyền đạt chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và được cử vào Xứ ủy Nam kỳ, giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1936-1939Sài Gòn. Thời gian này, chị lấy bí danh là Năm Bắc. Năm 1940, chị bị bắt ngay sau phiên họp của xứ ủy Nam kỳ về phổ biến chủ trương khởi nghĩa và bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Tuy nhiên, trong thời gian bị giam cầm chị vẫn liên lạc với bên ngoài và vẫn tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh. Những ngày bị tra tấn dã man, Nguyễn Thị Minh Khai đã lấy máu của mình viết lên cánh cửa buồng giam với những lời thơ đầy khí khái:

Dù đánh, dù treo càng cương quyết

Dù kềm, dù kẹp, chẳng sai lời

Hy sinh phấn đầu vì nhiệm vụ

Triệt để thực hành chết mới thôi.

Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn cùng đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn ngày 28 tháng 8 năm 1941. Trước khi bị xử tử, chị đã khẳng khái lên án tội ác thực dân Pháp và hô to: "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!", thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của mình.

Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng sự nghiệp dở dang và ước nguyện cao đẹp của chị cùng với đồng đội, đồng chí đã được các thế hệ thanh niên tiếp tục hoàn thành. Tên tuổi cùng  sự nghiệp cách mạng cao quý của những người tiền bối như chị được muôn đời ghi khắc và noi gương. Những trường học, đường phố, học bổng mang tên Nguyễn Thị Minh Khai là sự tri ân sâu sắc của Đảng, của dân tộc, của nhân dân đối với sự cống hiến, hy sinh anh dũng và to lớn của chị cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tên tuổi của chị vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam hòa bình, độc lập, thịnh vượng.

 

Ảnh: Bằng “Tổ quốc ghi công” của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, ngày 23/4/1957.

Trong số báo Cờ giải phóng – Cơ quan tuyên truyền cổ động của Trung ương, số 4, ra ngày 18/4/1944 có bài của tác giả Quốc Thiên đã ca ngợi về tấm gương hy sinh anh dũng của chị Nguyễn Thị Minh Khai: “Chị Nguyễn Thị Minh Khai, một nữ đảng viên cộng sản Đông Dương đầu tiên đã sang học bên Nga, đã dự hội nghị quốc tế, đã bị xử bắn bởi lũ giặc nước, nay không còn nữa! Chị đã vĩnh biệt chúng ta trong giờ phút đau đớn nhất của dân tộc. Nhưng đời chiến đấu của chị, gương hy sinh của chị luôn réo gọi lên đường chiến đấu những trang phụ nữ Việt Nam - con cháu Triệu Ấu, Triệu Vương

Hiện nay trong kho cơ sở của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn lưu giữ một nhóm hiện vật của chị Nguyễn Thị Minh Khai. Đó là chiếc áo chị đã mặc, là áo gối chị đã gối đầu, là chiếc khăn chị đã quàng, là chiếc chao đèn chị đã dùng….Đây chính là những kỷ vật thiêng liêng mà chị đã để lại cho thế hệ tương lai của chúng ta trong những năm hoạt động cách mạng của mình. Tất cả đều đã cũ, đều đã nhuốm màu thời gian nhưng các kỷ vật này đã gợi lại sự cảm phục trong mỗi chúng ta về cuộc đời oanh liệt của một nữ chiến sĩ cộng sản tiền bối của Đảng ta, một người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam.

Ảnh: Áo gối của chị Nguyễn Thị Minh Khai xé quần áo tù làm tặng cho mẹ trong những ngày bị giam tại Khám Lớn, Sài Gòn, năm 1940.

Ths. Trịnh Hồng Thanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia 

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6474

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Cuộc tản cư ở Bắc bộnhững năm đầu toàn quốc kháng chiến

Cuộc tản cư ở Bắc bộnhững năm đầu toàn quốc kháng chiến

  • 28/01/2018 01:11
  • 4506

Tháng 8 mùa Thu năm 1945, cùng với cả nước Hà Nội sục sôi khí thế cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt gần 80 năm chịu sự gông xiềng của ngoại bang phương Tây, người dân Việt Nam trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc mình.