Tháng 8 mùa Thu năm 1945, cùng với cả nước Hà Nội sục sôi khí thế cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt gần 80 năm chịu sự gông xiềng của ngoại bang phương Tây, người dân Việt Nam trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc mình.
Nhưng ngay sau Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam non trẻ đã gặp muôn vàn khó khăn: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, đã nổ súng tấn công Sài Gòn. Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt kêu gọi nhân dân Nam bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình. Người đã kí với đại diện chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và tạm ước 14/9/1946. Nhưng những Hiệp định kí kết giữa hai bên không được quân Pháp thực hiện. Tại Hà Nội, quân Pháp liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi, đốt nhà thông tin ở phố Tràng Tiền, chiếm cơ quan Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Ngày 18-12-1946, thực dân Pháp gửi hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô Hà Nội. Pháp tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được chấp nhận thì chậm nhất vào sáng 20-12-1946, quân Pháp sẽ hành động. Trước tình hình đó, vào ngày 18 và 19/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước.
Quân Pháp trên cầu Long Biên năm 1946 (Nguồn: Internet).
Nhận thức sâu sắc vai trò của nhân dân đối với cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng, quan tâm đến công tác tản cư, di cư dân nhân. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, công việc tản cư, di cư nhân dân được Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, hướng dẫn, đẩy lên thành nhiệm vụ chính trong những công việc để chuyển đất nước vào thời chiến. Để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ động đưa nhân dân đi sơ tán. Theo đó, các cụ già, trẻ em, người ốm đau, tàn tật đã sớm được tổ chức rời khỏi thành phố, thị xã về vùng nông thôn và lên căn cứ địa. Ngày 31-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh số 05/SL về việc thành lập Ủy ban Trung ương tản cư và di cư (điều 1). Sắc lệnh quy định ngoài nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch tản cư, di cư, Ủy ban tản cư, di cư Trung ương sẽ nghiên cứu và đề nghị với các bộ kế hoạch tăng gia sản xuất và động viên nhân dân. Người nói: “ở tiền tuyến, chiến sĩ hy sinh xương máu để bảo vệ non sông, ở hậu phương, toàn thể quốc dân hy sinh mồ hôi nước mắt để giúp việc kháng chiến. Các đồng bào tản cư cam chịu cực khổ, chứ không chịu đội trời chung với quân thù. Tôi biết đồng bào trước lúc tản cư, giao hết lương thực cho bội đội ta, cho khỏi lọt vào tay địch. Nhiều người tự đốt nhà mình, cho khỏi để quân địch dùng. Thế là đồng bào đã oanh liệt tham gia kháng chiến”.
Thực hiện chủ trương tản cư, di cư của Đảng, công tác tản cư nhân dân diễn ra tại hầu hết các tỉnh ở Bắc bộ, nhất là những thành phố, thị xã lớn, nơi chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mỗi tỉnh, huyện đều đã thành lập ủy ban tản cư, di cư để hướng dẫn và giúp đỡ đồng bào. Những công việc chuẩn bị cho công tác tản cư được tiến hành, các trạm dừng chân được xây dựng trên dọc đường di chuyển, một số quán ăn giá rẻ được lập ra để phục vụ đồng bào, một số nơi đã chuẩn bị thành lập những trại di cư sản xuất để đón đồng bào tản cư. Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực đó, hàng chục vạn dân được ủy ban tản cư, di cư và chính quyền các địa phương hướng dẫn ra khỏi vùng chiến sự.
Bút tích Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 (Ảnh chụp bản gốc lưu tại BTLSQG).
Thủ đô Hà Nội là địa bàn quan trọng, nơi tập trung các cơ quan đầu não kháng chiến, lãnh đạo thành phố đã sớm hình thành kế hoạch tản cư. Trước khi chiến sự nổ ra nhân dân Hà Nội đã di chuyển đến những nơi an toàn như: Canh, Phùng, Hà Đông, Chương Mỹ... Tính chung trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Ủy ban tản cư, di cư Hà Nội đã tổ chức cho khoảng 6.000 đồng bào tản cư.
Tỉnh Hà Đông, giáp ranh Thủ đô Hà Nội, khi cả nước bước vào kháng chiến, tỉnh là vùng tự do nên nhân dân các địa phương xung quanh đã tản cư đến rất đông, khoảng 15 vạn người. Không chỉ đồng bào nội và ngoại thành Hà Nội, mà còn đồng bào các tỉnh từ Nam Định, Phủ Lý... tản cư lên.
Tỉnh Thái Nguyên được coi là hậu phương an toàn với an toàn khu Định Hóa - thủ đô của kháng chiến, nên đồng bào miền xuôi tản cư lên rất đông, tính đến tháng 2- 1947, tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận 12.000 đồng bào tản cư từ các tỉnh khác.
Hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Yên, trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã đón tiếp trên 20 cơ quan, đoàn thể của Trung ương và trên 60.000 đồng bào từ Hà Nội, Hải Phòng và các nơi khác tản cư đến. Phúc Yên là địa bàn quân đội hai bên (Việt Nam - Pháp) đóng xen kẽ, vùng quân đội Pháp kiểm soát chỉ cách vùng an toàn của tỉnh Phúc Yên bằng những con sông nhỏ, hẹp. Vì vậy, mỗi khi quân Pháp đi càn quét thì nhân dân tản cư qua sông sang vùng an toàn, khi quân Pháp rút nhân dân lại trở về làm ăn bình thường.
Ở Thành phố Nam Định, trong khi các cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt trong nội thành, Ban chỉ huy Mặt trận Nam Định và chính quyền các địa phương đã kịp tổ chức đưa khoảng 50.000 dân từ thành phố về các vùng nông thôn.
Thành phố Hải Phòng là một trong những nơi thực dân Pháp nổ súng gây hấn, đánh phá đầu tiên ở Bắc bộ, khi nguy cơ chiến tranh lan rộng ngày 20-11- 1946 đồng bào Hải Phòng đả tản cư sang Kiến An. Sau chiến sự lan sang Kiến An, đồng bào từ Hải Phòng, Kiến An đã tản cư sang An Dương, An Lão, Kiến Thụy sau lại phải tản cư đi Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và Thái Bình.
Tỉnh Ninh Bình từ khi chiến sự nổ ra là vùng tương đối an toàn chưa xảy ra chiến tranh, nên rất đông đồng bào ở Nam Định, Hải Dương, Hà Nội tản cư đến. Tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 5.000 đồng bào ở Hải Phòng, Kiến An.
Trong quá trình tản cư những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn được ủng hộ thóc, gạo, củi và được giúp đỡ trong việc làm ăn, buôn bán tại những nơi mới đến. Tổ chức những bữa ăn tập thể, hoặc tiệc trà thân thiện trong những ngày lễ lớn (Tết Nguyên Đán, Tết Độc lập). Ngoài những trạm nghỉ, hầu hết các thôn đều có một vài ngôi nhà để đón tiếp đồng bào khi đi qua. Di cư nhằm mục đích đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, vừa giúp nhân dân tự sản xuất lương thực, thực phẩm nuôi sống gia đình và đóng góp cho kháng chiến. Sắc lệnh số 05/SL năm 1946, tại điều 6 nêu rõ: “Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch tản cư và di cư, Ủy ban Trung ương sẽ nghiên cứu và đề nghị với các Bộ sở quan những kế hoạch tăng gia sản xuất và động viên nhân dân”. Để đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho quân đội và nhân dân, trong khi nền kinh tế của cách mạng đang cạn kiệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chủ trương "không để một tấc đất hoang”, đồng thời đưa ra khẩu hiệu “Tiền phương ra sức chiến đấu, hậu phương tăng gia sản xuất". Hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất, ở hầu hết các tỉnh Bắc bộ đã thành lập các trại di cư sản xuất, trại tiểu công nghệ, một số địa phương đã thành lập được các trại cứu tế, trại thiếu nhi để giúp đỡ đồng bào tản cư.
Tỉnh Hà Đông đã thành lập các trại di cư sản xuất để giúp đỡ đồng bào tản cư. Huyện Thường Tín thành lập được 4 trại sản xuất gồm: Kiên Giang, Hưng Hiển, Minh Đức, Yên Gốc.
Tỉnh Nam Định, việc tiến hành tản cư và triển khai công tác di cư sản xuất được tiến hành sớm, tỉnh đã tổ chức, thành lập được 4 trại sản xuất gồm: xưởng kéo sợi Phường Đệ (Trực Ninh), xưởng đan rổ Thượng Nông (Nam Trực), trại Hải An (Thịnh Long), trại nuôi Xuân Thủy (Hải Hậu).
Tại Ninh Bình, công tác thành lập trại sản xuất cũng được chú ý, ngay sau khi toàn quốc kháng chiến tỉnh đã thành lập được hai trại tản cư lớn và các trại tản cư nhỏ. Huyện Yên Khánh, đã tổ chức được 4 trại sản xuất là: Duyên Nâu, Quyết Chung, Phúc Lương và Sinh Dược.
Tỉnh Hải Dương đã tổ chức được 6 trại gồm các trại di cư nông nghiệp, trại tiểu công nghệ và trại cứu tế. Do chiến sự lan rộng ba trại phải phân tán vào các vùng an toàn của huyện nên chỉ còn ba trại, trại tiểu công nghệ ở Đỗ Nghĩa (Ninh Giang), trại nông nghiệp ở Bình Cách (Cẩm Giàng) và trại thiếu nhi cứu tế ở huyện Vĩnh Bảo.
Tỉnh Thái Bình, từ khi việc di cư đi Đông Triều và Thái Nguyên ngưng trệ, các phủ, huyện tự động lập các trại di cư sản xuất. Trong thời gian này, tỉnh thành lập được trại Duyên Hà, trại Cao Mỗ (Tiên Hưng), trại Tân Bôi (Tiền Hải) và trại Duyên Trang (Đông Hưng), số trại viên trong các trại này từ 50 đến 70 người.
Nhân dân Hà Nội chặt cây làm chướng ngại vật, 12-1946.
Về hoạt động sản xuất, bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, một số trại viên đã tự túc mở rộng chăn nuôi vịt, lợn và làm thêm các nghề thủ công như đan rổ, rá, dệt chiếu. Đối với những người tàn tật, đi ăn xin, ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh tập trung vào các trại tế bần, trại cứu tế để giúp đỡ họ. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban tản cư, di cư các cấp đã tổ chức giúp đỡ hàng chục vạn người rời khỏi vùng chiến sự để đến những vùng an toàn. Với sự giúp đỡ của Ủy ban tản cư, di cư, chính quyền và nhân dân các địa phương, đồng bào tản cư đến nơi mới đã nhanh chóng ổn định cuộc sống, tích cực tham gia sản xuất và kháng chiến. Công tác tản cư đã diễn ra thuận lợi, đồng bào tản cư tham gia tích cực vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Báo Cứu Quốc số ra ngày 4-12-1946 đã phản ánh tình hình này như sau: "... các nhà tản cư khác cũng mỗi người một việc, chẳng ai ăn không ngồi rồi. Mấy hôm trước mới tản cư về, làng nước có vẻ xôn xao, chủ còn ra lối lạ lở, khách thì áy náy bữa nay lo bữa sau. Nhưng bây giờ đã khác, ai cũng có việc làm, ai cũng lo tăng gia sản xuất, không băn khoăn nỗi phải để bận tâm đến bà con trong làng vì ai cũng an cư lạc nghiệp...”
Tiến hành tản cư, di cư nhân dân Bắc bộ về vùng an toàn là một thắng lợi, một bài học kinh nghiệm lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài. Nhờ chủ động tản cư, di cư nhân dân đã góp phần to lớn vào thắng lợi trong năm đầu toàn quốc kháng chiến. Thành quả của công tác tản cư, di cư nhân dân góp phần bảo toàn được nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Cuộc tản cư, di cư nhân dân được tiến hành một cách chủ động, kịp thời góp phần phá tan kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp.
Nguyễn Phương
Tài liệu tham khảo:
1.Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Tập 2, Toàn quốc kháng chiến, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
2.Việt Bắc 30 năm chiến tranh cách mạng 1945-1954, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1990.