Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/01/2018 01:11 1778
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 18/5/1946, trên số 243 của báo Cứu Quốc, trong bài “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, Tổng bộ Việt Minh thông báo cho toàn dân biết ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành những lời vô cùng xúc động đánh giá công lao trời biển của Người đối với dân tộc ta: “Ngày 19 tháng 5 này, 56 năm trước đây đã ra đời một người: Hồ Chí Minh. Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính Ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động cả hầu hết các chiến sĩ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của Ông nhào nặn. Ông là người Cha của cách mạng Việt Nam và là linh hồn của cuộc cách mạng ấy. Ngày 19/5/1890, ngày Ông trông thấy bầu trời Việt Nam là ngày rất quan hệ đến vận mệnh dân tộc Việt Nam. Chúng ta, dân tộc Việt Nam, chúng ta đi từ giai đoạn một nước nô lệ đến giai đoạn một nước tự do là nhờ có Hồ Chí Minh”.

Sau ngày độc lập, thay mặt cả nước, lần đầu tiên Thủ đô Hà Nội tổ chức mừng ngày sinh của vị Cha già dân tộc với tất cả tấm lòng thành kính, biết ơn. Ngay chiều 18/5, Thành bộ Việt Minh tổ chức trang hoàng cờ hoa rực rỡ khắp các đường phố. Nhà nhà treo ảnh Bác ở nơi tôn nghiêm nhất.

Cũng chiều 18-5, các tướng tá Pháp gồm Đác-giăng-li-ơ, Va-luy, Crê-panh đến Bắc Bộ Phủ để chào Hồ Chủ tịch theo nghi thức ngoại giao. Mặc dù giữ lập trường thực dân, hiếu chiến, muốn thương lượng trên thế mạnh, chia cắt Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, phái đoàn Pháp vẫn phải bày tỏ giao hảo hữu nghị Việt - Pháp. Sau này, trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại rất sống động cuộc gặp gỡ này: “Cụ Huỳnh, Cụ Tố và một vài anh em chúng tôi cùng dự buổi tiếp khách với Bác. Khi nâng cốc chúc mừng ông Cao ủy, Bác nói: Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới lấy làm sung sướng được đón tiếp người thay mặt nước Pháp. Sau cuộc hội thương tại vịnh Hạ Long, hội nghị trù bị Đà Lạt và cuộc giao hảo của phái đoàn quốc hội Việt Nam với quốc hội Pháp tại Pa-ri, hôm nay, với việc ngài đến thăm Hà Nội, cuộc bang giao Việt - Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới.

 

Các cháu Thiếu sinh quân mừng thọ Bác Hồ tròn 60 tuổi tại chiến khu Việt Bắc, ngày 19-5-1950.

Đác-giăng-li-ơ đáp lại với thái độ rất nhã nhặn: Ngày mai là lễ sinh nhật của Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch trường thọ, và tôi tin rằng từ đây, tình thân thiện của nước Pháp và nước Việt Nam sẽ càng ngày càng chặt chẽ thêm và càng thân mật hơn nữa”(1)

Sáng 19/5, Thường vụ Trung ương Đảng và Chính phủ tới mừng thọ Bác. Các đồng chí trong Thường vụ và trong Chính phủ: Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Cụ Nguyễn Văn Tố… quây quần bên Người trong tình cảm ấm áp.  

Nhân dân Hà Nội vui mừng, xúc động đến chúc thọ Bác kính yêu. Các em thiếu nhi theo nhịp trống ếch từ Ấu trĩ viên (nay là Nhà văn hoá thiếu niên) tiến vào Bắc Bộ Phủ. Bác hiền từ, giản dị trong bộ quần áo ka ki thường ngày tươi cười chào đón các em. Thay mặt các bạn, em Nga 8 tuổi lên chúc thọ Bác trong khi các em khác thi nhau gắn huy hiệu “Măng non mọc thẳng” lên ngực áo Bác, kính tặng Bác tập bài hát và Điều lệ Hội Nhi đồng cứu quốc. Đồng chí Khuất Duy Tiến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Bí thư Thành Bộ Việt Minh mang cây bách tán tới, Bác tặng các em và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau cái cây sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”. Lời Người nói thật giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc biết bao. Các em sung sướng đồng thanh hát tặng Bác bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã và được chụp ảnh chung với Bác.

Tiếp đó, đại biểu các ngành, các giới, các đoàn thể, tôn giáo, đại biểu Nam Bộ, Vệ quốc quân, Ủy ban bảo vệ Thành Hoàng Diệu…đến chúc thọ Bác.  Khi đoàn đại biểu Nam bộ đến chúc thọ, Người cảm động nói: “Thật ra, các báo ở đây đã làm to cái ngày sinh của tôi, chứ tôi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả; mà trước các anh, các chị, trước cảnh yên vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình. Hai giọt lệ chảy trên gò má Bác. Các anh các chị Nam Bộ đều rưng rưng nước mắt”(2). Đoàn đại biểu của Ủy ban Đời sống mới đến chúc thọ đã được Bác “bồi dưỡng” luôn tác phong gần dân, thiết thực và tự mình làm gương trước dân. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, có mặt ở Bắc Bộ Phủ đã ghi lại những chi tiết hết sức thú vị của Bác khi Người đối thoại cởi mở:

- Chú cho tôi biết cuộc vận động đời sống mới đến đâu rồi?

- Thưa cụ - tôi đáp - chúng tôi đã bắt đầu bằng sự chia ra các ban nghiên cứu, tổ chức… nhưng công việc chính là định rõ cái hướng cho đời sống mới. Mấy khẩu hiệu Cần Kiêm Liêm Chính, chúng tôi xét ra vừa không đủ, vừa cổ.

- Cổ! Lạ quá, Thế cơm các cụ ăn ngày xưa, bây giờ mình ăn cũng cổ à?

- Thưa C - sau mấy buổi họp, Ủy ban vận động đời sống mới đã định rõ ba nguyên tắc cho đời sống mới là: dân tộc, dân chủ, khoa học.

- Cụ nói: Hay lắm, nhưng mình phải xem đồng bào bây giờ cần gì? … Cụ lắc đầu nhìn tôi, nhìn mọi người, tay gân guốc vỗ vào bụng và nói:

- Trước hết là cái này. Dân chúng cần cái này trước hết, phải ăn đã… Phải làm việc, nhưng điều cốt yếu là phải thiết thực, mà đừng nên tung ra nhiều khẩu hiệu quá. Ít mà thực hiện được đến nơi đến chốn thì hơn…Sau nữa, muốn cho cuộc vận động có kết quả thì mình phải làm gì? Cụ chậm rãi nói môt cách nghiêm trang: Mình phải làm gương. Và sợ chúng tôi hoài nghi, Cụ nhắc lại: Mình phải làm gương. Cụ đưa mắt nhìn mọi người như để căn dặn điều đó”(3)

Trong niềm hân hoan, xúc động, cả Hà Nội như sống trong ngày hội lớn. Đại biểu Ủy ban Nhân dân Thành phố kính biếu Bác một Tháp Rùa khổng lồ bằng bánh ngọt, biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội. Các cơ quan, xí nghiệp, khu phố, làng xã đều tổ chức mít tinh mừng thọ Bác. Đặc biệt, đại biểu Phật giáo dâng Bác quyển Kinh Dược sư. 19 giờ, tại chùa Quán Sứ, Hội Phật Tử đã tổ chức lễ cầu trường thọ cho Hồ Chủ Tịch.

 

Các chiến sĩ Điện Biên mừng sinh nhật Bác, ngày 19-5-1954.

Có mặt tại Thủ đô, đại biểu các nước thuộc phe đồng minh Mỹ - Pháp - Anh đều đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xanh-tơ-ni, đại diện cho Chính phủ Pháp, giữ mãi ấn tượng vị Chủ tịch nước gương mặt vẫn còn xanh xao nhưng đôi mắt tinh anh và sự lịch lãm của Người khi nói chuyện bằng tiếng Pháp rất tinh tế và cũng rất khí phách đã thu phục ông hoàn toàn.

Lễ kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được tổ chức trọng thể tại Thủ đô của đất nước, trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài câu kết với nhau hòng tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ, không chỉ biểu thị sự  tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với vị lãnh tụ của dân tộc mà còn thể hiện tinh thần, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, quyết tâm giữ vững độc lập tự do.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội, đúng ngày sinh nhật của Người, ngày 19-5-1955.

 

Các cháu thiếu nhi mừng sinh nhật Bác Hồ 70 tuổi (ảnh chụp năm 1960 tại sân Phủ Chủ tịch)

70 năm đã qua, sự kiện trọng đại đó đã đi vào trang sách, vào cõi nhớ - hồi ức của những người có may mắn chứng kiến ngày 19-5-1946 kỳ diệu - chúc thọ vị Cha già đã đưa dân tộc phá xích xiềng nô lệ, bước sang kỷ nguyên  mới - kỷ nguyên độc lập - tự do - hạnh phúc. Nhân cách Hồ Chí Minh - như người đã nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được t do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” đã và vẫn là gương sáng cho mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc chiến đấu chống tiêu cực, tham nhũng để góp phần đem lại hạnh phúc thật sự cho nhân dân, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.                                                            

 Ths. Phạm Kim Thanh

(1), (2) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, NXB Văn học, H. 1977, tr 448, 449.

(3) Nhiều tác giả: Ngày 19-5-1946, NXB Kim Đồng, H. 2009, tr 18-19. 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6474

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Ca dao đón thương bệnh binh về xãHưởng ứng đợt đón thương bệnh binh vụ mùa 1953.

Ca dao đón thương bệnh binh về xãHưởng ứng đợt đón thương bệnh binh vụ mùa 1953.

  • 28/01/2018 01:11
  • 2281

Ở Việt Nam, chiến tranh đã chiếm gần trọn thế kỷ XX (đất nước hòa bình, thống nhất năm 1975, song trên thực tế phải đến những năm 1990, tiến súng mới ngừng nơi biên giới, hải đảo). Chiến tranh là mất mát, đau thương, là tổn hại về cả vật chất, tinh thần và hậu quả thì còn dai dẳng mãi, đặc biệt là với những người hy sinh, mất mát vì sự sống còn của quốc gia, dân tộc.