Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/01/2018 01:11 2281
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ở Việt Nam, chiến tranh đã chiếm gần trọn thế kỷ XX (đất nước hòa bình, thống nhất năm 1975, song trên thực tế phải đến những năm 1990, tiến súng mới ngừng nơi biên giới, hải đảo). Chiến tranh là mất mát, đau thương, là tổn hại về cả vật chất, tinh thần và hậu quả thì còn dai dẳng mãi, đặc biệt là với những người hy sinh, mất mát vì sự sống còn của quốc gia, dân tộc.

Ngày nay, chính sách về thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã được Chính phủ ban hành và thực thi toàn diện cùng với sự tham gia, đóng góp thiết thực của đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân, người dân trong nước, ngoài nước đã giúp phần lớn người được hưởng chính sách có cuộc sống tương đối ổn định. Cho đến hôm nay và mai sau, dịp kỷ niệm ngày 27/7 sẽ mãi là những ngày Đảng, chính quyền các cấp, quân đội, các tổ chức đoàn thể và toàn dân hướng về những người có công với nước, với dân.

Nhớ về những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới thành lập (ngày 2/9/1945) đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh mới. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, chính phủ đã kêu gọi sự giúp sức của toàn dân để  giải quyết một vấn đề rất lớn của chiến tranh đó là chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Phong trào “Đón thương binh về xã” đã được phát động ở tất cả các vùng do chính quyền của ta kiểm soát. Nhờ chính sách nhất quán chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan cùng với sự tuyên truyền rộng rãi và sự hưởng ứng trong toàn dân, cuộc sống của thương binh, bệnh binh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã được chăm lo chu đáo.

Để các chủ trương, chính sách, phong trào thi đua được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, các cán bộ thực hiện đã sáng tác theo thể thơ, ca dao. Đó là hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ truyền miệng và rất hiệu quả được Đảng ta vận dụng từ trước Cách mạng tháng Tám đã phát huy tác dụng tích cực trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7/2015, chúng tôi trân trọng giới thiệu một số bài ca dao “Đón thương binh về xã”, hưởng ứng đợt đón thương bệnh binh vụ mùa 1953. Tài liệu gốc lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III, phông Bộ Nội vụ, hồ sơ số 4519, tr 23 – 25.

Em là phụ nữ thôn Tây

Sáng xuôi chợ huyện, chiều cày đồng sâu

Tối về hội họp cùng nhau

Nghe Hồ Chủ tịch nêu đầu bức thư

“Thương binh về xã bây giờ

Chăm nom giúp đỡ cậy nhờ nhân dân”

Xóm thôn nhắn nhủ xa gần

Giúp người con quý: Nhà, sân, ruộng, vườn.

Việc đón thương binh về làng

Là chung nhiệm vụ của toàn nhân dân

Giầu, nghèo già trẻ xa gần

Thi đua góp sức, đủ phần chăm nom.

Mẹ già tóc bạc phơ phơ

Thương binh về xã mẹ chờ chăm nom

Thương binh gian khổ vì dân

Thương binh no ấm, mẹ an tâm lòng.

Tính tình tang, tang tính tình

Thương binh nay sắp về gần chúng ta

Cùng thôn, cùng xóm tăng gia

Thêm người, thêm sức, thêm nhà càng vui.

 

 

Làng em mát lá tre xanh

Lúa chiêm giáp hạt, khoai lành ra hoa

Nhanh tay vun xới ruộng xa, ruộng gần

Bụi lầm hoen áo tứ thân

Mong cho mùa được, vạn phần tốt tươi

Mẹ già vui có miệng cười

Chiều hôm nhắc nhở đời người thương binh

- “Đón anh về ở xã mình

Đón anh dân được tỏ tình đền ơn…”

Xưa anh giết giặc không sờn

Nay về sản xuất hậu phương bền lòng

Dân em giúp của, giúp cômg

Mẹ già chăm bón ruộng đồng cùng anh

Làng em mát lá tre xanh

Lúa chiêm giáp hạt, khoai lành ra hoa

Anh về vui cửa, vui nhà

Xóm thôn chờ đợi, sẵn quà đón anh.

Thôn Đông nhận với thôn Đoài

Sẵn sàng mọi thứ đón người thương binh

Thương binh vì nước quên mình

Nhân dân ta nguyện tỏ tình đền ơn

Giúp anh nhà cửa, ruộng vườn

Giúp công cầy cấy, giúp đường làm ăn

Đồng Đông lúa trổ nương xanh

Thôn Đoài đã sẵn đón anh về làng.

Làng em ruộng cả ao liền

Ơn nhờ cách mạng, khắp miền ấm no

Thương binh về xã chẳng lo

Làng thì cho ruộng, dân cho công cày

Được mùa lúa chín vàng cây

Anh gặt, em hái, đủ đầy tháng năm.

Toàn dân già trẻ chân tình

Yêu người chiến sĩ cùng mình về đây

Giúp người thì giúp hăng say

Giúp người thì giúp lâu dài ấm no

Giúp sao đúng với câu hò

“Thương binh về xã, dân lo đủ đầy”

 

Những vần thơ mộc mạc, chân tình, chứa chan tình yêu quê hương đất nước, con người gắn với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nặng nề song với sự lo liệu của người dân thì nhiệm vụ ấy trở nên nhẹ nhàng như những công việc thường ngày vốn có. Dân ta có câu ca dao: “Khó trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng qua”.

Trong thực tế lịch sử, đến thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chúng ta mới có hệ thống trại chăm sóc thương, bệnh binh nặng hoạt động bằng ngân sách nhà nước. Còn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chế độ đãi ngộ thương, bệnh binh đã có, song việc chăm sóc thương bệnh binh nặng chủ yếu nhờ vào dân. Dân thay nhà nước chăm sóc thương binh nặng, giúp đỡ thương, bệnh binh nhẹ, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương, thi đua với tiền tuyến, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.

Nguyễn Thị Cẩm Phương (Phòng GDCC)

                                                               

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6474

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Xuất xứ tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minhtrưng bày trong sự kiện thành lập Đảng

Xuất xứ tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minhtrưng bày trong sự kiện thành lập Đảng

  • 28/01/2018 01:11
  • 1698

Trong nhóm hiện vật, hình ảnh và tài liệu trưng bày về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tấm ảnh chân dung lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) trong thời gian Người chủ trì Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930.