Vạn Phúc là một làng dệt lụa cổ truyền nổi tiếng của tỉnh Hà Đông cũ (nay là Hà Nội). Làng nằm ở vị trí trọng yếu chiến lược - cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội, giáp tỉnh lỵ Hà Đông, tiếp giáp với các đường giao thông quan trọng nên có thể giao lưu rộng rãi với các tỉnh lân cận như Hà Nội, Sơn Tây, Hoà Bình.... và các vùng miền khác.
Người dân Vạn Phúc có truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường. Trong thời kỳ vận động dân chủ nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh sôi nổi, đòi các quyền tự do dân chủ, giảm sưu thuế... Vạn Phúc còn là nơi là nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của các tổ chức Đảng. Đó là cuối năm 1938, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Đông, cử ra Ban Chấp hành Lâm thời tỉnh do đồng chí Hoàng Lương Hữu-Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ trực tiếp chủ trì, được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Văn Khánh ở xóm Trong, Vạn Phúc. Một thời gian sau, tháng 5/1939, Vạn Phúc lại được chọn làm nơi tiến hành hội nghị chuyển Ban Chấp hành Lâm thời thành Ban Chấp hành chính thức của Đảng bộ tỉnh Hà Đông.
Vạn Phúc không chỉ là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh, vững chắc mà còn là một cơ sở tin cậy của Đảng, vì thế, Vạn Phúc được chọn là một An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ thời kỳ 1939-1945.
Làng Vạn Phúc, Hà Tây (nay là Hà Nội) - An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ thời kỳ 1939-1945. (Ảnh tư liệu BTLSQG).
* Đường lối, chủ trương và điều kiện thành lập An toàn khu Vạn Phúc
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ II nổ ra. Thực dân Pháp ở Đông Dương nhân cơ hội này thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng đang lên. Chúng áp dụng mọi thủ đoạn thâm độc, phối hợp với lực lượng mật thám điều tra tin tức, khủng bố, bắt bớ cán bộ và quần chúng cách mạng của ta. Trước tình hình đó, mọi hoạt động cách mạng của Đảng rút vào hoạt động bí mật và chuyển trọng tâm công tác về nông thôn.
Vạn Phúc là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh ở vùng Hà Đông. Mặc dù ở gần cơ quan đầu não của địch nhưng nhờ công tác giữ gìn bí mật tốt, hơn nữa đặc điểm thợ dệt đi lại đông nên địch khó có thể phát hiện. Mặt khác, lực lượng cách mạng Vạn Phúc còn khéo lợi dụng mẫu thuẫn ở địa phương, lợi dụng sự “đỡ đầu” của Hoàng Trọng Phu (Tổng đốc Hà Đông) để che mắt địch, tạo được một phần an toàn cho cơ sở cách mạng.
Trên cơ sở đó, tháng 10/1939, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ Hoàng Văn Thụ chuyển về Vạn Phúc hoạt động. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được bố trí ở nhà ông Phúc Khánh ở xóm Trong. Vạn Phúc là nơi đặt trạm liên lạc của Xứ ủy. Nhà ông Phúc Khánh là nơi làm việc và tiếp khách của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ngoài ra Vạn Phúc còn được giao nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở tốt để làm nơi hội họp của Xứ ủy và phục vụ cấp trên. Thời gian ở đây, đồng chí Hoàng Văn Thụ rất quan tâm xây dựng cơ sở Vạn Phúc. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng đồng chí vẫn dành nhiều thời gian sinh hoạt, gặp gỡ và bồi dưỡng các gia đình cơ sở.
Một vinh dự lớn đối với quê hương Vạn Phúc, mùa thu 1939 đồng chí Nguyễn Văn Cừ-Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng đã về làm việc ở Vạn Phúc một thời gian trước khi vào Nam chủ trì Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 6. Đồng chí ở tại gác II nhà ông Nguyễn Quang Oánh - xóm Ngoài. Cũng tại nhà ông Oánh, Xứ uỷ Bắc kỳ mở Hội nghị cán bộ cho đồng chí Hoàng Văn Thụ chủ trì. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Hoàng Quốc Việt dự hội nghị. Trước gần hai mươi đại biểu, đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích tình hình thế giới và trong nước, chỉ ra những nhiệm vụ cấp bách của Đảng và chỉ dẫn cho cán bộ lãnh đạo trong xứ những biện pháp cần thiết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Qua một thời gian ở Vạn Phúc, đồng chí Bí thư Xứ ủy đã đánh giá đầy đủ tình hình, khă năng và triển vọng của Vạn Phúc. Căn cứ vào chủ trương của Trung ương đồng chí quyết định xây dựng An toàn khu (ATK) ở Vạn Phúc và một số làng ở vùng nam Hoài Đức (Hà Đông cũ, nay thuộc Hà Nội).
Vạn Phúc được Xứ ủy đánh giá rất tốt, song vì địa lý quá gần địch nên chưa thật an toàn. Vì vậy, cơ quan Xứ ủy đặt ở Vạn Phúc nhưng Xứ ủy quyết định mở rộng An toàn khu ra các làng xung quanh (La Cả, Yên Lộ, Đồng Nhân, La Dương, Tây Mỗ, Đại Mỗ). Từ đây Vạn Phúc chính thức trở thành một An toàn khu của Đảng, nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử nước nhà. Cũng nhờ có Xứ ủy đặt ở đây mà mọi chủ trương của Đảng được thực hiện sớm hơn các nơi khác.
* Những hoạt động chính của An toàn khu Vạn Phúc từ 1939 đến 1945
Tháng 10/1939, Cơ quan của Xứ ủy chuyển về Vạn Phúc và sau đó Vạn Phúc trở thành một an toàn khu của xứ uỷ Bắc kỳ. Đến cuối năm 1940 cơ quan Xứ ủy chuyển đi nơi khác và giữa năm 1944 thì trở lại. Mặc dù vậy, trong thời gian đó Vạn Phúc vẫn là nơi có nhiều cán bộ của Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy thường xuyên qua lại, ở và làm việc. Từ đầu năm 1940, cơ sở Vạn Phúc là nơi chứng kiến nhiều sự kiện chính trị lớn của Đảng.
Nhiều hội nghị quan trọng của Đảng đã diễn ra ở Vạn Phúc, tháng 3/1940, Xứ ủy mở hội nghị cán bộ tại nhà ông Hà Xuân Tý, dưới sự chủ tọa của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Hội nghị tiếp tục quán triệt Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu và kiểm điểm tình hình tổ chức hoạt động trong toàn xứ. Để phù hợp với hoạt động bí mật, Xứ ủy quyết định chia địa bàn Xứ ủy ra nhiều tỉnh.
Sau đồng chí Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Cừ, tháng 7/1940, Vạn Phúc vinh dự được đón tiếp đồng chí Trường Chinh về công tác tại địa phương. Cùng về có đồng chí Hoàng Quốc Việt; giúp việc có cán bộ Hoàng Ngân và Lê Thu Trà. Thời gian ở Vạn Phúc, đồng chí Trường Chinh rất coi trọng nguyên tắc hoạt động bí mật. Đồng chí thường giành thời gian vào buổi chiều và buổi tối để gặp gỡ đảng viên quần chúng cơ sở, thăm hỏi tình hình địa phương. Vạn Phúc thường xuyên bố trí cán bộ và quần chúng bảo vệ, đưa các đồng chí vượt qua trạm kiểm soát của địch.
Đầu năm 1941, Xứ ủy lại chọn Vạn Phúc làm nơi tổ chức Hội nghị Phụ vận toàn xứ. Gần 20 đại biểu trong đó có nhiều cán bộ nữ của Đảng vốn đã quen thuộc với cơ sở Vạn Phúc như các đồng chí: Hoàng Ngân, Lê Thu Trà, Trương Thị Mỹ, Lê Thị Ban, Trần Minh Châu.... đã về dự. Trong hoàn cảnh địch vây lùng, khủng bố vùng nam Hoài Đức rất ngặt nghèo nhưng Vạn Phúc vẫn đảm bảo bí mật và bảo vệ hội nghị an toàn.
Cuối năm 1943, an toàn khu Vạn Phúc đã tổ chức thành công cuộc đón tiếp một số cán bộ của Đảng vượt ngục nhà tù Sơn La, từ thị xã Hoà Bình về. Đoàn cán bộ vượt ngục có 4 người trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh. Do sự đối xử tàn tệ của địch, các đồng chí rất gầy yếu. Với nhiệt tình cách mạng, một lòng theo Đảng, quần chúng hết sức chăm lo, may sắm quần áo, bồi dưỡng sức khoẻ để các đồng chí sớm bình phục trở lại vị trí công tác.
Ths. Nguyễn Thị Tường Khanh (BXDND&HTTB)