Tháng Tám năm 1945 là tháng có những ngày trọng đại và vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong những ngày lịch sử quan trọng đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng Mặt trận Việt Minh, toàn dân ta đã nổi dậy khởi nghĩa, giành lấy chính quyền, xoá bỏ chế độ quân chủ, đánh bại bọn đế quốc xâm lược, giành lại độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc cho nước nhà…Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào(Tuyên Quang) đã quyết định: Phát động Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Ngay trong đêm 13-8, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Bài viết này tổng hợp lại khí thế Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vô cùng sôi nổi và quyết liệt tại các tỉnh Việt Bắc.
Từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 8: Rất nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Ngãi, Khánh Hà, Mỹ Thơ, Sa Đéc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, kịp thời nổi dậy giành chính quyền. Ngày 16 tháng 8: Một đơn vị Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất phát từ Tân Trào, đánh chiếm thị xã Thái Nguyên để mở đường về Hà Nội.
Ngày 17 tháng 8: Giải phóng quân đánh tỉnh lỵ Tuyên Quang. Phát xít Nhật chống trả dữ dội, nhưng trước khí thế vũ bão của quân cách mạng, chúng phải xin điều đình và đến ngày 21 tháng 8 chính quyền tỉnh đã về tay Việt Minh.
Tại tỉnh Lạng Sơn: Khi được lệnh Tổng Khởi nghĩa, quân và dân Lạng Sơn đã tiến đánh quân Nhật khắp nơi. Điển hình là các trận đánh ở Pác Nàng (Bình Gia) 15-8, buộc địch phải rút chạy về Thất Khê. Hơn 800 tự vệ và nhân dân có vũ trang kéo vào Ôn Châu(Chi Lăng) buộc quân Nhật phải giao vũ khí; chia 100 tấn thóc và 5 tấn muối cho dân, rồi mít tinh thành lập chính quyền cách mạng vào ngày 19-8. Tại huyện Tràng Đinh, quân ta đã thuyết phục được viên Tri phủ và Bang tá Tràng Định giúp quân khởi nghĩa tiếp quản thị trấn Thất Khê ngày 21-8. Trước khí thế cách mạng dồn dập, quân Nhật vỗi vã đốt kho vũ khí và đồ dung rồi tháo chạy khỏi huyện lỵ Na Sầm (châu Thoát Lãng). Ngày 22- 8, quân ta tiếp quản Thoát Lãng và mít tinh thành lập chính quyền. Tại Thị xã Lạng Sơn, bọn Đại Việt (tay sai cho Nhật) định thành lập chính quyền phản động nhưng không thành. Việt Minh yêu cầu quân Nhật nộp vũ khí và phải cử đại diện vào trong chiến khu của quân Việt Minh (tại Ba Xã) để quân giải phóng vào tiếp quản tỉnh lỵ. Ngày 25-8, ta cử 2 đại đội Giải phóng quân và đông đảo nhân dân xuất phát từ Ba Xã, Bằng Mạc, Điềm He vào giải phóng Thị xã Lạng Sơn, đồng thời để cho quân Nhật rút về Đồng Mỏ. Nhân dân Cao Lộc, Đồng Đăng vui mừng đem cờ, hoa, khẩu hiệu ra đón quân khởi nghĩa. Trong cuộc mít tinh mừng thắng lợi của cách mạng, tên Tỉnh trưởng phải trao lại chính quyền cho Việt Minh trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân ở Kỳ Lừa. Sau đó, quân khởi nghĩa tiến vào chiếm các công sở, các vị trí quan trọng trong thị xã Lạng Sơn và thu phục toàn bộ lực lượng bảo an binh. Ngày 28, giải phóng quân tiến vào huyện Lộc Bình là huyện cuối cùng trong tỉnh Lạng Sơn được giải phóng.
Tại tỉnh Cao Bằng: Trong những ngày 17,18 19 tháng 8 năm 1945; các lực lượng vũ trang Cao Bằng và quần chúng đã vây chặt các đồn Sóc Giang, Nước Hai, thị trấn Trùng Khánh và huyện lỵ Quảng Uyên. Quân khởi nghĩa cắm cờ đỏ xung quanh các đồn địch và liên tục kêu gọi quân Nhật đầu hàng. Lực lượng khởi nghĩa đồng thời tổ chức các cuộc mít tinh quần chúng, vừa tiến hành truy quét bọn phản động tay sai thân Nhật. Đêm 18, quân Nhật ở Trùng Khánh và ngày 19, quân Nhật ở Quảng Uyên rút chạy. Quân cách mạng vây bắt được tên Tri châu và một số lính bảo an co cụm trong đồn; quân ta tịch thu súng đạn. Quân lính bảo an ở Nước Hai ra thăm dò tình hình, bị quân ta bắn chết một số tên nên vội vàng co cụm lại. Ngày 20-8, UB hành chính lâm thời châu Quảng Uyên tổ chức mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thân Nhật. Đại đội lính Nhật ở Hòa An kéo ra đến Bản Sảy bị quân khởi nghĩa chặn đánh. Tên Tri Châu Hòa An và 60 lính đã mang hết vũ khi ra nộp đầu hàng Việt Minh khiến cho quân Nhật hoang mang, phải rút chạy ngay trong đêm. Ngay tối 20-4, quân Nhật ở trong Sóc Giang bí mật xuyên rừng chạy về Đôn Chương thì bị ta truy kích; đến Nậm Thong, Nà Lóa lại bị ta phục kích diệt 20 tên. Quân Nhật ở Nguyên Bình, Tĩnh Túc trên đường rút qua đèo Cô Li a về Bắc Cạn đã bị du kích chặn đánh nhiều lần phải bỏ lại nhiều xác. Chiều 21-8 UBND lâm thời Tĩnh Túc ra mắt quần chúng. Đêm đó, lính bảo an Nguyên Bình ra hàng với 100 súng các loại. Sáng 22-8, trong cuộc mít tinh của châu Nguyên Bình, chính quyền lâm thời châu Nguyên Bình được thành lập. Cũng trong đêm hôm đó, 21-8, quân khởi nghĩa tiến vào thị xã Cao Bằng, buộc chính quyền thân Nhật phải chuyển giao chính quyền cho lực lượng khởi nghĩa. Quân Nhật ngoan cố chưa chịu đầu hàng, nhưng vẫn phải điều đình và nộp vũ khí mà chúng chiếm được của Pháp cho quân Việt Minh. Sáng 22-8, quân và dân Cao Bằng tổ chức tuần hành thị uy lớn ở thị xã, đoàn người như dòng thác cuốn, mang theo vũ khí vừa đi vừa hô lớn, rầm rộ tràn về các ngả đường. Các khu phố rợp bong cở đỏ và băng khẩu hiệu. Mít tinh lớn được tổ chức tại chùa Phố Cũ, thành lập UBND lâm thời tỉnh và thị xã. Trước khí thế hừng hực của cách mạng, quân Nhật dao động mạnh. Ngay đêm đó, chúng đã bí mật rút chạy về Bắc Cạn.
Tại Bắc Cạn: quân Nhật rút về cố thủ trong đồn Phủ Thông, Nà Củ và các thị trấn, thị xã. Lập tức quân cách mạng và nhân dân Bắc Cạn tiến hành bao vây các cứ điểm địch. Quân Nhật lúng túng hoang mang, vừa lo bị tiêu diệt, vừa lo thiếu lương thực, thực phẩm. Cuối cùng chúng phải cử người ra Phục Tràng (xã Dương Quang huyện Bạch Thông) liên hệ điều đình với Việt Minh. Sáng 19-8 đại diện quân Nhật gặp quân giải phóng tại sân bay thị xã để giao nộp hồ sơ bộ máy tay sai cấp tỉnh và toàn bộ kho tàng với 21 vạn đồng Đông Dương, cùng nhiều súng đạn rồi rút về Hà Nội. Những ngày 20,21,22 tháng 8 năm 1945, quân khởi nghĩa và nhân dân Bắc Cạn kéo về thị xã chiếm đóng các công sở, tập trung nhân viên ngụy quân, lính bảo an giải thích chính sách của mặt trận Việt Minh và tuyên bố giải tán các công cụ đàn áp, xóa bỏ chính quyền tay sai của Nhật. Ngày 23-8, Bắc Cạn hoàn toàn giải phóng.
Tại tỉnh Thái Nguyên: Sau khi nhận lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, có thêm đơn vị quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy tiến vào thị xã. Liên tục trong những ngày 16,17,18 tháng 8 năm 1945, nhiều đội dân quân từ các huyện lân cận mang dao kiếm, giáo mác, câu liêm, gậy gộc…tấp nập kéo về phối hợp với quân giải phóng bao vây các vị trí địch. Sáng 19-8, Đội Tuyên truyền xung phong Võ Nhai cùng với đông đảo nhân dân Đồng Bẩm và lực lượng tự vệ tiếp tục vào tỉnh lỵ. Đồng bào thị xã mang băng, cờ đến tập trung ở đầu cầu Gia Bảy đón đoàn tuần hành từ Đồng Bẩm tới. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền về tay nhân dân ở tỉnh Thái Nguyên vô cùng sôi động. Dòng người rầm rập diễu qua các đường phố chính, tiến về sân vận động. Trước khí thế áp đảo của lực lượng khởi nghĩa và quần chúng cách mạng, quân Nhật và bọn tay sai bù nhìn phải rút vào các trại lính cố thủ. Nhân dân tỏa ra truy quét bọn tay sai Nhật còn lén lút ở các phố, chiếm các công sở, phá nhà lao, thu trên 2000 súng các loại. Đồng bào Thái Nguyên còn phấn khởi quyên góp lương thực, thực phẩm ủng hộ lực lượng vũ trang, đào hào, dựng chiến lũy để đánh địch. 13 h ngày 19-8, quân giải phóng về tới xã Thịnh Đán, lực lượng vũ trang Phú Bình cũng đã vượt qua mưa lũ, tiến nhanh vào chiếm đồn điền Gia Sàng, trừng trị tên tay sai Nhật và chốt chặt cửa ngõ đông nam thị xã.
Trụ sở Việt Nam Giải phóng quân sau khi giành chính quyền tại Thái Nguyên tháng 8- 1945, sau khi quân Nhất đầu hàng quân ta (ảnh tư liệu BTLSQG).
Đến 24 h ngày 19-8, các đội dân quân Phổ yên, Đồng Hỷ đã chiếm xong nhà đèn và chặn các ngả phố. Lực lượng tự vệ thị xã và huyện Đồng Hỷ vừa khẩn trương củng cố lực lư4ợng sẵn sàng chiến đấu vừa đảm nhiệm tiếp tế cho quân giải phóng. Rạng sáng 20-8, chi đội giải phóng quân 450 người đã tiếp cận các vị trí địch trong thị xã, hai đại đội có trang bị mạnh đảm nhiệm tiến công hai vị trí trọng yếu là trại khố xanh và trại lính Tây cũ. Cùng đó, 1 đại đội tăng cường, có tự vệ phối hợp, tiêu diệt các vị trí lẻ ở ngoại vi. Thị xã Thái Nguyên là vị trí chiến lược, án ngữ phía nam Việt Bắc, một bàn đạp quan trọng tiến về trung tâm Bắc bộ, là cửa ngõ phía Bắc Hà Nội, quân giải phóng phải tập trung lực lượng để tiến công chiếm Thái Nguyên.
Một số đồng chí Giải phóng quân sau khi cướp chính quyền ở Thái Nguyên (8-1945)
(ảnh tư liệu BTLSQG)
Phía quân Nhật ra sức củng cố Thái Nguyên trở thành điểm cố thủ mạnh để ngăn cản quân khởi nghĩa. Lúc này tương quan giữa ta và địch vẫn bất lợi. Chúng có 400 lính bảo an, 200 lính cảnh sát, 120 lính Nhật, với đầy đủ vũ khí trang bị. Ta vẫn quyết tâm sẽ phải tiêu diệt địch.
Từ 4 h sáng ngày 20-8 , các đội dân quân đã kéo vào thị xã sẵn sàng tiếp sức cho quân khởi nghĩa. Khi trời sáng, ta trao tối hậu thư chô viên Tỉnh trưởng Thái Nguyên và tên Đồn trưởng Đồng Hỷ, rồi tiếp nhận sự đầu hàng của chúng. Ta thu 600 súng trang bị cho chi đội tân binh vừa mới thành lập ở các châu, huyện. Đến 7 h30 ta giải quyết xong trại cảnh sát, quân giải phóng bắt đầu nổ súng tiến công quân Nhật tại trại khố xanh. Đến 8 h quân ta ngững bắn, trao thư của Ủy ban Khởi nghĩa đòi chúng nộp vũ khí. Quân Nhật cố ý kéo dài thời gian để chờ viện binh. Đến 15h cùng ngày, quá thời gian quy định, mà quân Nhật vẫn không chịu đầu hàng, quân ta buộc phải nổ súng tiêu diệt. Bất chấp đạn địch bắn trả, các hội viên cứu quốc và nhân dân thị xã Thái Nguyên vẫn hăng hái dựng thêm chiến lũy, mang cơm nước, đạn dược tiếp tế cho bộ đội, tự vệ chiến đấu. Tiếng súng hiệp đồng nhất loạt đánh vào các cứ điểm địch ở kho gạo, ty liêm phóng, nhà Gô chi ê và các đồn bốt địch trong thị xã. Chiến sự diễn ra quyết liệt trong ngày.
Đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc tiến về duyệt binh tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội
28-8-1945 (ảnh tư liệu).
Theo kế hoạch và Chỉ thị của Trung ương, ngày 23-8, quân giải phóng sẽ tiến về Hà Nội.
Ngày 24-8, đại diện quân Nhật ở Thái Nguyên xin gặp quân khởi nghĩa ở Dinh Công sứ. Chúng chịu nhận giao nộp vũ khí cho ta ở tất cả các đồn lẻ như Đại Từ, Phấn Mễ, Giang Tiên, Gia Sàng…Riêng ở thị xã, chúng khất chờ lệnh cấp trên và chịu án binh bất động. Ngày 26- 8, phái viên của Tổng Bộ Việt Minh và đại diện quân Nhật đã gặp nhau giải quyết trọn vẹn quân Nhật ở Thái Nguyên.
Như vậy, chỉ trong 8 ngày từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 8 năm 1945, Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã hoàn toàn thắng lợi trong 6 tỉnh Việt Bắc (cũ). Chính quyền cách mạng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc được thành lập từ tỉnh đến các thôn, bản, xã. Lần đầu tiên chính quyền địa phương đã thực sự thuộc về nhân dân. Quyền thống trị của thực dân Pháp xây dựng gần trăm năm và chế độ phong kiến, quân chủ tồn tại hàng ngàn năm ở nước ta đã bị lật đổ.
Quang cảnh duyệt đội du kích các chiến khu về Hà Nội chuẩn bị cho Lễ mít tinh độc lập ngày 30-8-1945 (ảnh tư liệu).
Minh Vượng (tổng hợp)
Nguồn:
- Việt Bắc 30 năm chiến tranh Cách mạng (1945-1975)- NXB QĐND, 1990.
- Lịch sử Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn.