Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất, tháng 1-1954, ngoại trưởng 4 nước Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp đã họp tại Bec-lin và quyết định sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) để giải quyết hai vấn đề: chiến tranh tại Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ngày 26-4-1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Giơnevơ bắt đầu được khai mạc. Tham dự hội nghị có đại diện của: Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, chính quyền Bảo Đại, Cam-pu-chia và Lào. Ban đầu Hội nghị không bàn ngay về vấn đề Đông Dương mà về vấn đề chiến tranh Triều Tiên trước. 17h30 ngày 7-5-1954, tin thất bại của thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ gửi về Hội nghị từ Đông Dương. Do đó, sáng ngày 8-5-1954, vấn đề Đông Dương sớm được đưa lên bàn nghị sự. Với tư thế của một dân tộc chiến thắng, phái đoàn Chính phủ Việt Nam DCCH do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn cùng với 2 phái đoàn của Campuchia và Lào chính thức tham gia. Sau 75 ngày thương lượng, qua tám phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia được ký kết. Ngày 21-7-1954, Hội nghị Giơnevơ kết thúc, thông qua Tuyên bố chung 13 điều, bao gồm những nội dung quan trọng như: đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình; tổng tuyển cử thống nhất đất nước; và các vấn đề thi hành hiệp định cho toàn bộ Đông Dương.
Việc ký kết các Hiệp nghị đình chiến ở Đông Dương là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, nhân dân các nước Đông Dương, nhân dân châu Á và nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình. Sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới. Từ thắng lợi ở Hội nghị Giơnevơ, dân tộc ta đã đi qua nhiều chặng đường lịch sử: 21 năm kháng chiến trường kỳ để đất nước sạch bóng quân xâm lược, giang sơn thu về một mối; 10 năm đấu tranh phá bao vây cấm vận; và gần 30 năm đổi mới, đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Liên quan đến thắng lợi ngoại giao quan trọng này, qua khảo sát bước đầu, xin được giới thiệu một số tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản tại BTLSQG gồm có:
1.Nhật lệnh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích toàn quốc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, ngày 22-7-1954.
2.Thông cáo của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp về mệnh lệnh ngừng bắn, Ty tuyên truyền và văn nghệ Phú Thọ ấn hành, năm 1954.
3.Tuyên bố chung (hai bên ký tay) của Hội nghị quân sự Trung Giã họp từ 4-7 đến 27-7-1954. Bản tiếng Việt và Pháp.
4.Tờ tin, “Hội nghị Giơnevơ đã thu được thắng lợi vĩ đại”, Ty tuyên truyền văn nghệ Kiến An phát hành, ngày 26-7-1954.
5.Tài liệu tuyên truyền “Nhân dân Phú Thọ tưng bừng hoan nghênh Hiệp định đình chiến”, Ty tuyên truyền và văn nghệ Phú Thọ phát hành, tháng 7-1954.
6.Bản tin tuyên truyền, tin thời sự của Ty tuyên truyền và văn nghệ khu Tả Ngạn đưa tin về Hội nghị Giơnevơ, năm 1954.
7.Tài liệu tuyên truyền thắng lợi về ngoại giao của ta tại Hội nghị Giơnevơ, Ty tuyên truyền và văn nghệ Phú Thọ xuất bản, ngày 27-7-1954.
8.Tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Giơnevơ phiên toàn thể ngày 8-6. Việt Nam Thông tấn xã Liên khu 5 xuất bản, năm 1954.
9.Tài liệu tham khảo “Hội nghị Giơnevơ từ 26-4 đến 19-6”, Việt Nam Thông tấn xã Liên khu 5 hệ thống và xuất bản, ngày 29-6-1954.
10.Bài tham luận của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc tại Hội nghị Giơnevơ ngày 10-6-1954, Việt Nam Thông tấn xã Liên khu 5 hệ thống và xuất bản.
11.Tài liệu thông tin “Vấn đề Đông Dương ở Hội nghị Giơnevơ”, Ban Tuyên huấn Phòng Chính trị Liên khu 5 xuất bản.
12.Bản tuyên bố chung (gồm 2 bản) của Hội nghị Giơnevơ về vấn đề Đông Dương, Khu Tuyên truyền và văn nghệ Liên khu 5 phát hành năm 1954.
13.Tờ tin về nội dung, kết quả, ý nghĩa của Hội nghị Giơnevơ, phản đối Pháp không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ do các Ty tuyên truyền văn nghệ Thái Nguyên, Hải Ninh, Hà Giang,Hưng Yên phát hành năm 1954.
14.Tài liệu “Hiệp định đình chiến ở Việt Nam” bản số 63/100.
15.Tài liệu giải thích lập trường của đoàn đại biểu ta ở Hội nghị Giơnevơ, gồm 8 điều – tài liệu có đóng dấu của Văn phòng BCH Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam.
16.Cờ, Huy hiệu, Khăn, Chăn, nhân dân và phụ nữ Pháp tặng phái đoàn chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ, năm 1954.
Sáu mươi năm sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, bối cảnh thế giới cũng như vị thế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế và khát vọng to lớn. Tuy nhiên, những tác động phức tạp của tình hình thế giới luôn biến động, xoay vần vẫn đặt ra những thách thức không nhỏ với an ninh và phát triển của đất nước nói chung và mặt trận đối ngoại nói riêng.
Với số lượng khiêm tốn nhưng chắc chắn những tư liệu, hiện vật đang có tại BTLSQG sẽ là nguồn tư liệu có giá trị trong nghiên cứu, khai thác, góp phần làm rõ thêm tầm vóc, ý nghĩa và những bài học quý giá của Hội nghị Giơnevơ đối với công tác đối ngoại hôm nay.
Ths. Nguyễn Thị Tường Khanh(Ban XDND&HTTB)
Nguồn TLTK:
1.Học viện Quan hệ quốc tế. Đấu tranh ngoại giao trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân 1945-1954, Hà Nội, 2002.
2.Lưu Văn Lợi. Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
3.http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/23806502-hoi-nghi-gio-ne-vo-nam-1954-nhung-bai-hoc-lon-cho-cong-tac-doi-ngoai-viet-nam.html.