Nhìn tổng quát, giai đoạn phát triển mạnh nhất của trường Pháp – Việt là từ năm 1918 đến 1930, khi số trường tăng gấp 30 lần và số học sinh tăng gấp 10 lần so với giai đoạn trước (từ đầu thế kỷ XX đến năm 1917). Giai đoạn sau đó, trường học vẫn phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại (năm 1944 – 1945, số lượng học sinh các trường Pháp – Việt tăng gần gấp đôi so với năm 1930). Về mặt chất lượng, trường học ngày càng đi vào quy củ, theo mô hình quản lý tập trung và thống nhất trên toàn Bắc kỳ. Đặc biệt, chất lượng bậc Cao đẳng đã được công nhận. Cho đến năm 1945, trường Pháp – Việt là một thiết chế giáo dục quan trọng nhất trong việc đào tạo trí thức ở Bắc kỳ, đặc biệt kể từ sau năm 1918. Năm học 1943-1945, số lượng trường Pháp – Việt ở Bắc kỳ là 6880 (trong đó trường công là 6367), trong khi số trường Pháp chỉ là 35. Những người tốt nghiệp trường Pháp – Việt và nắm trong tay ít nhất là bằng Sơ đẳng yếu lược đã góp phần tạo nên một lực lượng xã hội mới được gọi là tầng lớp tiểu tư sản và trung lưu. Cho đến năm 1945, trường Pháp – Việt đã đào tạo được 19 khóa Tú tài, từ khóa sớm nhất năm 1925 được 15 người, đến khóa cuối cùng năm 1944 được 470, tổng số Tú tài đã tốt nghiệp trong vòng 20 năm khoảng 4000 người; 34 khóa Thành chung (từ khóa năm 1910 đến 1944), năm 1910 chỉ 10 người nhận bằng Thành chung (Cao đẳng Tiểu học), năm 1944 số này đã là 616, tổng số người đã có bằng Thành chung ở Bắc kỳ cho đến năm 1945 khoảng hơn 10.000; số người có bằng Tiểu học năm 1910 là 160, đến năm 1944 là 1660, tức là có khoảng 31.000 người nhận bằng Tiểu học trong thời gian từ năm 1910 đến 1944; số người có bằng Sơ đẳng yếu lược năm 1925 là 13.597, năm 1944 là 26.723, tức là có khoảng hơn 380.000 người nhận bằng này trong khoảng từ 1925 đến 1944. Như vậy, các trường Pháp – Việt đã đào tạo khoảng hơn 400.000 người có bằng cấp (thấp nhất là bằng Sơ đẳng yếu lược).

Sự phát triển của các trường Pháp – Việt ở Bắc Kỳ 1910 - 1944 (Nguồn: Trần Thị Phương Hoa, Giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Kỳ (1884-1945).
Những người được đào tạo ở các trường Pháp – Việt đã trở thành một lực lượng mới – giai tầng trí thức trong cơ cấu xã hội Bắc kỳ. Chính họ đã tạo nên một diện mạo văn hóa – xã hội mới cho Bắc kỳ, với sự bùng nổ của báo chí, văn học nghệ thuật theo trào lưu hiện đại. Họ là những người đóng vai trò xúc tác trong quá trình tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam với châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Họ làm nhiều nghề nghiệp khác nhau, từ giáo viên bậc thấp như Sơ học, Tiểu học đến Trung học và một số ít đã tham gia dạy Đại học. Ngoài ra, họ còn đảm nhiệm nhiều ngành nghề khác như luật sư, bác sĩ (kể từ năm 1939 các cử nhân tốt nghiệp trường Luật và trường Y của Đại học Đông Dương đã được công nhận trình độ ngang với những người tốt nghiệp chính quốc), hay kĩ sư, công nhân kĩ thuật...
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đặt niềm tin và khẳng định vào sự trung thành của họ với đất nước, với dân tộc. Nhiều người trong số họ đã trở thành những lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà Nước Việt Nam như: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, nhiều người nắm giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước như: Tạ Quang Bửu, Vũ Đình Hòe, hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Họ đã tạo thành một giới trí thức được liên kết bởi một mục tiêu chung: đấu tranh giải phóng và giữ gìn, phát triển văn hóa dân tộc. Cuộc đấu tranh này đã cố kết tầng lớp trí thức Việt Nam với một sức mạnh dẻo dai, biến đổi họ từ những người được đào tạo trong nhà trường thực dân thành một lực lượng chiến đấu bền bỉ để dành độc lập và bảo tồn bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nhà nghiên cứu người Mỹ Peter Zinoman cho rằng có hai yếu tố quan trọng tạo nên bước chuyển mới trong cách mạng Việt Nam, đó là Đảng Mác xít và trường học kiểu mới. Zinoman đã nhận định xác đáng khi khảo sát sự thay đổi trong định hướng lãnh đạo và lực lượng tham gia phong trào yêu nước ở Việt Nam từ giữa thập kỷ 20, đó là những trí thức kiểu mới được trang bị tri thức hiện đại, linh hoạt hơn với những biến động của tình hình thế giới và thâm nhập sâu hơn vào phong trào giải phóng dân tộc mang tính quốc tế: “Mặc dù các nhà Nho mang tư tưởng cải cách như Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh cố gắng phát triển một chiến lược chính trị và quân sự tổng quát và thập kỷ đầu của thế kỷ XX, nhưng phải tới khi có sự phát triển của phong trào dân tộc và cộng sản vào giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh, việc liên kết các lực lượng chống thực dân mới thành công và tạo ra một hình thức lãnh đạo mới linh hoạt hơn. Năng lực của phong trào chống thực dân hiện đại này là nhờ vào sự nổi lên của hai thể chế trong xã hội thuộc địa: hệ thống trường học hiện đại và đảng chính trị Lêninit”.
Zinoman nhấn mạnh đến vai trò của trường Pháp – Việt trong việc cung cấp lực lượng cho phong trào cách mạng ở Việt Nam. Trên thực tế, hai yếu tố nhà trường kiểu mới và Đảng mácxít có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khác với tính chất khép kín của xã hội Việt Nam truyền thống, các nhà trường Pháp – Việt là một thiết chế có thành phần đa dạng. Những trường học bậc cao như Cao đẳng Tiểu học hay Trung học là nơi tập hợp học sinh từ rất nhiều vùng miền khác nhau. Đặc biệt các trường này có số học sinh đông (mỗi lớp từ 50 – 60 học sinh), nhiều trong số đó sinh hoạt nội trú tại trường. Là những người có tri thức hiện đại, trải qua một nền giáo dục tương đồng, họ dễ dàng tìm đến nhau, hiểu nhau, tạo nên một mạng lưới hoạt động cách mạng. Đồng thời, họ có điều kiện tiếp cận với thông tin, không chỉ giới hạn trong nước mà cả tình hình thế giới qua sách báo tiếng Việt và tiếng Pháp. Sự kiện hàng trăm học sinh Bắc kỳ đòi ân xá Phan Bội Châu hay việc hàng loạt học sinh trường Bảo hộ bãi khóa năm 1926 và sau đó bị đuổi học là một trong những bước đi đầu tiên của giới học sinh trí thức đi theo con đường cách mạng. Trong số những người bãi khóa có đến gần 40 người đang học lớp Tú tài, 20 người là ở lớp Tú tài năm hai, tức là chỉ còn 2 tháng nữa là sẽ tốt nghiệp và nắm trong tay tấm bằng Tý tài danh giá. Đây là khóa Tú tài thứ hai của trường Bảo hộ, khóa Tú tài đầu tiên đã có 15 người tốt nghiệp năm 1925.
Trong khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức được thành lập bên ngoài Việt Nam thì trong nước cũng lần lượt xuất hiện các hội cách mạng, trong đó có Hội Phục Việt được thành lập vào giữa năm 1925, địa bàn hoạt động chủ yếu ở Trung kỳ. Thành phần xã hội của các tổ chức này chủ yếu là trí thức trẻ, nhà Nho, giáo viên, sinh viên, học sinh và những người làm nghề tự do. Lực lượng tham gia nhiệt tình nhất trong các hoạt động yêu nước này là học sinh và sinh viên. Đặng Thai Mai, một hội viên của Hội Phục Việt đã kể lại: “Trong cuộc vận động quần chúng hồi này, sinh viên Hà Nội đã đóng một vai trò khá tích cực. Anh em đã chia nhau viết truyền đơn, viết báo, tổ chức các buổi họp quần chúng, nói chuyện với đồng bào”. Trần Huy Liệu cũng đã bàn đến vai trò của thanh niên trí thức trong việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản. Trong Hồi ký của mình, ông viết: “Đáng chú ý là lực lượng thanh niên. Như trên đã thấy, qua các cuộc đấu tranh, động lực chính vẫn là thanh niên. Họ là những học sinh ở các nhà trường, công nhân ở xí nghiệp, công chức ở công sở, trí thức làm các nghề tự do… qua những sách báo… người thanh niên đã biết được những trào lưu cách mạng ở nước ngoài gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng ở nước nhà. Vấn đề là làm thế nào để có thể đoàn kết thanh niên lại thành một khối để giương cao ngọn vờ tiền phong trong cuộc đấu tranh yêu nước và giành tự do dân chủ. Cho tới khi phong trào lên cao, họ dần dần có dịp gặp gỡ nhau, tập hợp nhau lại”.
Gail Kelly đã tiến hành một khảo sát dựa vào hồ sơ thẩm vấn các đảng viên Đảng Cộng sản bị bắt sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được lưu lại trong tập hồ sơ gồm 7 tập do Phủ Toàn quyền Đông Dương và Mật thám Đông Dương ấn hành. Tác giả đã nghiên cứu 181 hồ sơ của đảng viên cộng sản, thông qua độ tuổi, học vấn, nghề nghiệp, vào đảng trong hoàn cảnh nào, ai đã giới thiệu họ, vai trò trong đảng của họ là gì. Tác giả này cũng khảo sát hồ sơ của 229 người bị tình nghi là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) bị bắt sau vụ ám sát Bazin năm 1929. Việc bắt 229 người này dựa trên tài liệu của VNQDĐ lọt vào tay Pháp. Đảng viên Quốc dân Đảng chủ yếu hoạt động trên địa bàn Bắc kỳ. Khảo sát của Kelly cho thấy, số người đã được đến trường trong số đảng viên Đảng Cộng sản là 30%, trong số đảng viên VNQDĐ là 45%, một con số cao hơn so với dân số được đến trường ở Bắc kỳ là 10%. Nhưng trên thực tế, số học sinh được đến trường học so với tổng dân số chỉ khoảng 1,4%, so với số người trong độ tuổi đến trường (5-24) là khoảng 10%. Như vậy, tỉ lệ các đảng viên được đi học cao hơn hẳn mức trung bình.
Đảng Cộng sản chú trọng đến phát triển học vấn trong đảng viên “đảng khuyến khích việc học tại các trường Pháp-Việt, dịch và phổ biến sách vở, báo chí”. Chủ trương mở rộng lực lượng trong học sinh, sinh viên của Đảng có điều kiện, được thực hiện khi số lượng học sinh trường Pháp-Việt ngày càng trở nên đông đảo, với độ tập trung cao và trình độ được khẳng định. Vào thời điểm chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám, đa phần học sinh và giáo viên các trường Pháp-Việt đều hướng tới cách mạng. Khát vọng độc lập dân tộc đã biến những trí thức cảm thấy lạc lõng trong môi trường “Pháp hóa” đầu những năm 20 thế kỷ XX trở nên gắn bó với nhau bởi mục đích chung. Họ đã tìm thấy mục tiêu của những năm tháng học tập và mục tiêu cho cuộc sống của mình.
Bầu không khí cách mạng vào những năm 40 tại các trường Pháp-Việt được mô tả qua hồi ký của nhiều trí thức. Sau đây là mô tả của một người nước ngoài trong tiểu thuyết – tự truyện Hanoi-adieu (Vĩnh biệt Hà Nội) về bối cảnh một trường Trung học, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia giảng dạy như giáo sư sử học: “Phần lớn học sinh Đông Dương tại nhà trường đều là những người dân tộc chủ nghĩa, một số theo khuynh hướng cộng sản và trong số các bạn học cũng như thầy giáo của tôi là những nhà lãnh đạo phong trào cách mạng. Người ta đồn rằng thầy giáo sử của tôi, người cũng tham gia giảng dạy ở trường tư thục Thăng Long, là một người cộng sản có hồ sơ lưu trong Sở Mật thám vì các ý đồ phản loạn. Nhưng tôi không tin thầy Giáp là kẻ phản loạn. Tôi cảm thấy có mối đồng cảm với ông; tôi nghĩ tất cả học sinh khác cũng đều nghĩ giống tôi. Ông là một người Việt Nam nhiệt thành. Ông có khuôn mặt tròn sáng sủa, thường vận bộ vét màu trắng và thắt cà vạt. Ông say mê Napoléon và tường tận từng chi tiết tất cả các trận đánh của vị tướng này. Ông dạy lịch sử với một phong cách bình thản và biết xoáy vào những tình tiết thú vị. Tuy nhiên, ông không bao giờ ám chỉ đến chính trị trong lớp học. Mặc dù nếu ông có đề cập đến chính trị thì chúng tôi cũng không lấy thế làm lo sợ. Rất nhiều học sinh, trong đó có cả tôi, theo cánh tả và đồng cảm với chủ nghĩa xã hội, vì hệ thống thực dân ở Đông Dương không làm gì để khuyến khích chủ nghĩa tư bản dân tộc… Tôi vô cùng yêu quý và trân trọng chủ nghĩa tư bản dân tộc… Tôi vô cùng yếu quý và trân trọng thầy Giáp. Thầy dạy chúng tối về lịch sử Cách mạng Pháp với niềm say mê, nhưng lại rất ít nói về lịch sử Đông Dương, dù tôi biết rằng lịch sử của xứ này lúc nào cũng hiển hiện trong tâm trí của thầy”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dạy môn lịch sử tại Trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (1932 - 1939). (Nguồn: Internet)
Qua quá trình nghiên cứu phỏng vấn hơn 100 người đã tham gia học tập tại trường Pháp – Việt; trong số đó gần một nửa là các cụ bà đã học trường nữ sinh Đồng Khánh (khóa 1941-1945) và một số cụ ông đã học ở trường Bưởi, theo hồi ức của các cụ, vào những năm 1944-1945, có những hôm truyền đơn Việt Minh rải khắp trường, mọi người âm thầm và háo hức chuyền tay nhau đọc các tài liệu Việt Minh kêu gọi đánh đuổi Nhật, Pháp. Gần đến ngày khởi nghĩa (khi đó trường Đồng Khánh sơ tán về Hưng Yên), một số học trò nữ được giao việc chép tài liệu huấn luyện, khâu cờ, liên lạc trao tài liệu cho cơ sở. Trong khi đó, các nam sinh trường Bảo hộ đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho khởi nghĩa. Năm 1946, khi Bác Hồ kêu gọi toàn dân chống Pháp và Chính phủ rút về chiến khu Việt Bắc, đa phần học sinh trường Bưởi đã giã từ Hà Nội phồn hoa để lên chiến khu theo cách mạng.

(Collège du Protectorat) tức trường Bưởi Hà Nội. (Nguồn: Internet)
Có một điều tưởng chừng như nghịch lý là tại sao trong bối cảnh nhà trường thực dân, nơi tiếng Pháp là phương tiện truyền tải chủ yếu, nơi tiếng Việt và khái niệm Tổ quốc cố tình bị đẩy ra ngoài rìa thì lại chính là nơi hun đúc lòng yêu nước của người Việt Nam. Nhiều nhà cách mạng, nhà văn hóa đã xuất phát từ những nhà trường này. Để trả lời cho câu hỏi này, năm 1945, ngay trước khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, báo Trung Bắc Tân văn chủ nhật ngày 17/6/1945 đã đăng bài viết ký tên Thành Thế Vỹ, khái quát lại các loại hình giáo dục mà dân Việt Nam đã trải qua: 1) Giáo dục do Chính phủ cầm đầu (chính là giáo dục công lập mà trường Pháp – Việt là một trong số đó); 2) Gia đình giáo dục; 3) Giáo dục do xã hội ảnh hưởng; 4) Giáo dục do cá tính tự đào luyện; 5) Giáo dục của nòi giống di truyền. Tác giả đã tỏ ra thất vọng với cách giáo dục do Chính phủ cầm đầu “không cần phải nhiều lời, ai cũng đã rõ cái trường học ở xứ này chỉ để đào tạo ra một thế hệ nô lệ đầy dục vọng”. Trong khi đó, giáo dục gia đình cũng bị tác giả phê phán “… hầu hết người Nam không để ý đến gia đình giáo dục. Người Nam chỉ biết than thở vì con, đánh, mắng, chửi, dọa, nuông chiều, bênh con. Và cũng còn một loại người dạy con cháu hẳn hoi nhưng lại là một thứ giáo dục để rèn luyện sẵn cho người ta làm nô lệ. Gia đình giáo dục trong xứ ta kể như là không vậy”. Về giáo dục do những ảnh hưởng từ xã hội, bài báo viết: “Chúng ta còn có những nhà chí sĩ và các nhà cách mệnh. Những hành vi tiết tháo, những công cuộc oai hùng của các vị đó như một luồng gió lành xua đuổi cái không khí u mê đồi bại nó bao trùm đầu óc ta. Thêm vào đó, một số nhà văn đã dám viết những điều để cảnh tỉnh dân chúng, để cải cách phong hóa, để khêu gợi lòng yêu nước”. Và hơn hết, việc duy trì hồn dân tộc trong bối cảnh nước nhà bị thực dân đô hộ chính là nhờ “giáo dục của nòi giống di truyền” như bài báo phân tích: “Thứ giáo dục này không có hiển hiện thực sự. Nó ẩn nấp trong tâm não ta, nó lưu thông trong mạch máu ta. Nó còn hơn cả văn hóa, vì nó gìn giữ, che chở, bênh vực cho văn hóa. Văn hóa còn dễ bị xê dịch đàn áp nhưng nó, nó là di truyền, không có một thế lực nào có thể rút nó rời khỏi óc, tủy ta”.
Nhà sử học Đào Duy Anh, người đã từng học qua cả nhà trường Nho giáo lẫn trường Pháp - Việt, đã đi theo cách mạng và kinh qua những năm tháng trong nhà từ thực dân, sau khi khẳng định tính chất cách mạng tiến bộ của tầng lớp trí thức Việt Nam cũng đã đặt ra câu hỏi “Tại sao trí thức Việt Nam lại phần lớn là đi theo cách mạng?”. Dựa vào những trải nghiệm riêng và soi vào tấm gương những trí thức yêu nước mà bản thân được gặp gỡ tiếp xúc, học giả Đào Duy Anh đã đưa ra những luận điểm chủ yếu để trả lời cho câu hỏi này. Theo ông, trước hết các trí thức mới không chỉ thừa hưởng tinh thần hiếu học mà còn kế thừa truyền thống yêu nước của thế hệ sĩ phu đi trước “người trước người sau, sớm muộn thế nào họ cũng theo dấu cha anh, đứng lên đỡ lấy cái gánh nặng non sông mà cha anh còn để giữa đường để mang đến đích. Người tiên trí tiên giác trong lớp kế thừa này chắc chắn là cậu học sinh hai mươi tuổi Nguyễn Sinh Cung, con ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một trong những người yêu nước thuộc phiên lớp 1904.” Ngoài ra, bản thân người trí thức Việt Nam cũng thấm thía thân phận nô lệ như cụ Đào Duy Anh phân tích: “Lại thấy sự đối xử phân biệt và khinh bỉ của bọn thực dân đối với phần tử trí thức cao cấp, sự đối xử tàn tệ xem họ như tôi tớ mạt hạng đối với phần tử trí thức thông thường, cũng là sự áp chế bóc lột tàn ác quá chừng đối với nhân dân lao động công nông, tất cả những điều ấy luôn luôn khiến họ cảm thấy tủi nhục về thân phận mất nước của mình, cho nên đến khi thấy Đảng cộng sản giành lại được độc lập và kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập cho Tổ quốc, thì cái lửa dân tộc mấy lâu vẫn âm ỷ ở trong lương tâm họ không còn cái gì để nén bỗng vụt cháy lên, khiến họ hăng hái đi theo cách mạng và kháng chiến”. Những tâm sự của cụ Đào Duy Anh cũng là những lời tâm huyết của một thế hệ các trí thức Việt Nam mang trong mình những tinh hoa của giáo dục truyền thống kết hợp với tri thức hiện đại. Tất cả vốn tri thức giàu có đó được tích hợp với lý luận cách mạng mác-xít đã giúp các trí thức Việt Nam trở thành một trong những lực lượng cách mạng quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Qua những nhận định nói trên, có thể thấy giáo dục tại trường học chỉ là một trong những hợp phần trong quá trình rèn giũa con người. Các yếu tố khác như ảnh hưởng của xã hội, của truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình giáo dục. Điều này cũng giải thích tại sao được giáo dục trong nhà trường thực dân nhưng đa phần học sinh Việt Nam lại đồng lòng chống lại chủ nghĩa thực dân và cương quyết đấu tranh thoát khỏi kiếp nô lệ. Cũng chính vì trực tiếp học tập và giảng dạy trong trường học thực dân, các trí thức cách mạng đã sớm nhận ra những bất cập của nhà trường này và mong mỏi có ngày xây dựng một nền giáo dục tốt đẹp hơn cho nhân dân Việt Nam.
Mặc dù trường Pháp - Việt được xây dựng theo kế hoạch của thực dân nhưng nhiều học sinh, giáo viên của trường đã có những đóng góp lớn cho Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Đây là điều nằm ngoài ý đồ của thực dân, sự phát triển của nguồn trí thức yêu nước từ các trường học Pháp – Việt đã gắn liền với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, hòa cùng với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Chính nhờ những nhận thức tiến bộ và lòng trung thành đối với Tổ quốc, đối với dân tộc, trí thức luôn được coi là lực lượng quan trọng như Phạm Tất Dong khẳng định:
“Hơn nửa thế kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ đúng quan điểm coi trí thức là một lực lượng cách mạng. Một trong những điều thể hiện nổi bật quan điểm này là những tư tưởng của Hồ Chí minh về vai trò và vị trí của tầng lớp trí thức trong cách mạng Việt Nam. Người luôn nhấn mạnh rằng trí thức là tài sản quý báu của quốc gia, của dân tộc. Cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc không thể thiếu lực lượng trí thức. Tư tưởng đó thể hiện ở chính sách của Đảng đối với trí thức được công bố ngày 29 tháng 8 năm 1957. Trí thức là vốn quý của dân tộc. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công…”
Lan Phương (Giới thiệu)
Tài liệu tham khảo
Trần Thị Phương Hoa, Giáo dục Pháp – Việt ở Bắc Kỳ (1884-1945), Nxb Khoa học Xã hội, 2012, tr.224 – tr.248.