Hình ảnh được khắc trên Cửu Đỉnh trong Thế Miếu - Đại Nội Huế.
Thời kỳ đầu của triều Nguyễn, từ năm 1802, dưới triều vua Gia Long trị vì, đến năm 1858 (triều Tự Đức), Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, do đó việc phòng ngừa ý đồ “can thiệp” của các thế lực bên ngoài rất được đề cao. Quá trình đấu tranh để khôi phục và thống nhất đất nước của vua Gia Long cũng gắn liền với các hoạt động trên biển đảo. Vì vậy, các vua triều Nguyễn đều nhận thức được tầm quan trọng của biển đảo đối với việc bảo vệ đất nước, mở mang giao thông đường biển, phát triển kinh tế và khai thác các nguồn lợi từ biển Đông. Khi vua Minh Mạng lên cầm quyền, kế thừa tư tưởng của vua Gia Long và ý thức được vị thế quan trọng của biển đảo trong việc phòng thủ, bảo vệ chủ quyền, ông đã thực thi nhiều chính sách bài bản và nhất quán về biển đảo. Do đó, vị thế về chính trị, quân sự của biển đảo Việt Nam càng được vua Minh Mạng xác định là một vấn đề chiến lược của triều đại. Những đóng góp quan trọng của triều Nguyễn về biển đảo được đề cập rõ trong tài liệu Châu bản và các bộ chính sử của triều Nguyễn như: Đại Nam nhất thống chí; Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên… Đặc biệt có một nguồn tư liệu khác vô cùng sống động và bền vững đã thể hiện tư tưởng của vua Minh Mạng về biển đảo hiện còn lưu giữ tại Cố đô Huế, đó là các hình ảnh trên Cửu Đỉnh – Bảo vật Quốc gia của Việt Nam (được công nhận vào năm 2012). Cứu Đỉnh là 9 đỉnh đồng lớn được vua Minh Mạng cho đúc vào tháng 12 năm 1835, hoàn thành vào tháng 3 năm 1837, là văn bản chủ quyền bằng hình ảnh sống động nhất của Vua Minh Mạng gửi các thế hệ mai sau như là lời khẳng định về sự trường tồn của đất nước. Các hình ảnh được thể hiện trên Cửu Đỉnh như: Đông Hải (chỉ vùng biển phía đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong Biển Đông có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) được khắc vào Cao Đỉnh là đỉnh lớn nhất trong Cửu Đỉnh; Nam Hải (vùng phía nam thuộc chủ quyền nước ta) được khắc vào Nhân Đỉnh và Tây Hải (vùng biển nằm về phía tây thuộc chủ quyền nước ta) được khắc vào Chương Đỉnh, đây cũng là 3 đỉnh lớn nhất tương trưng cho ba vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Bên cạnh đó, ở Cửu Đỉnh còn khắc nổi các thuyền đi biển, thuyền tuần tiễu, thuyền chiến… Tất cả được lưu lại cụ thể bằng cả hình ảnh lẫn ký tự trên bộ Cửu Đỉnh. Điều đó cho thấy nhà vua rất quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Hình ảnh vùng biển Đông Hải được khắc trên Cao Đỉnh (Cửu Đỉnh)
Vua Minh Mạng luôn coi trọng tăng cường quân bị, xây dựng lực lượng hải quân với tư tưởng “lấy thủy làm trọng” và ông nhấn mạnh “Việt Nam, dựng nước trong vùng khí hậu nóng, phần lớn đất đai ven biển, thủy quân là trọng nhất, nên luyện tập để thuộc về hàng hải, khi có việc mới tiện sử dụng” .

Hình ảnh vùng biển Tây Hải được khắc trên Chương Đỉnh.
Lực lượng mà vua Minh Mạng đưa ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm là các đội thủy quân, vệ giám thành, biền binh, binh đinh và dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa và Trường Sa đều phải có quyết định của triều đình dưới hình thức “tờ sai để thi hành công vụ” và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp chỉ dạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng vì gió bão. Vua Minh Mạng đã ban hành nhiều chính sách về quản lý thuyền bè, tuần tra, cứu hộ, cứu nạn, chống hải tặc trên biển. Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830) do Nội Các tấu trình về việc cứu hộ tàu buôn của Pháp bị chìm tại Hoàng Sa là một minh chứng.

Hình ảnh vùng biển Nam Hải được khắc trên Nhân Đỉnh.
Tài liệu Châu bản triều Nguyễn ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), cho biết có nhiều chuyến tuần tra, khảo sát ở Hoàng Sa của quân đội triều Nguyễn: “Các thuyền được phái đi Hoàng sa, mỗi thuyền mang 10 cọc gỗ (mỗi cọc dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc), khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội tuân mệnh đi Hoàng Sa, khảo sát, đến đó cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh. Lần này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật, giờ Mão hôm trước đã đi thuyền từ của Thuận An đến Quảng Ngãi, chuyển ngay (số cọc ấy) cho viên này".
Vua Minh Mạng đã cho triển khai hàng loạt các hình thức và biện pháp thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa như khảo sát, tuần tra, kiểm soát, được thể hiện rõ trong Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) do Bộ Công trình tấu về kết quả khảo sát Hoàng Sa. Theo tài liệu thì hàng năm các đoàn đi khảo sát sứ ở Hoàng Sa, mỗi năm đoàn khảo sát được 12 hòn đảo. Theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ sứ Hoàng Sa có bốn vùng, lần này khảo sát được ba vùng, còn một vùng ở phía nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm cử thuyền đến đó.

Hình ảnh cửa biển Thuận An (Thuận An Hải khẩu) trên Nghị Đỉnh
Vua Minh Mạng luôn có những chính sách ưu đãi cho các tàu thuyền hoạt động ở các vị trí xung yếu của biển. Ngoài việc tăng cường xây dựng thủy quân, xây dựng phép thủy chiến, nhà vua còn đặt lệ tuần biển để bảo vệ lãnh hải, đánh đuổi cướp biển và kịp thời phát hiện, đối phó với các hành vi xâm lấn có thể xảy ra từ hướng biển. Có thể nói, chính sách quản lý vùng biển hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa của vua Minh Mạng khá toàn diện, tương đối chặt chẽ, từ xây dựng hệ thống bản đồ, lập bia cắm mốc đến thường xuyên cử đội thuyền ra các đảo hay thực hiện việc cứu hộ các tàu buôn nước ngoài…
Ngoài các tuyến phòng thủ từ xa, triều Nguyễn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống đồn lũy, cửa trấn ven biển như cửa biển Thuận An, Cần Giờ, Đà Nẵng… đều được khắc trên Cửu Đỉnh, thể hiện trong chính sách biển đảo của vua Minh Mạng.

Đa sách thuyền được khắc trên Cao Đỉnh
Với tầm nhìn chiến lược về biển đảo, vua Minh Mạng đã xác định biển có một vị thế quan trọng, thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế và chính sách an ninh quốc phòng. Với mối lo ngại về việc có thể bị tấn công từ phía biển nên nhà vua đã ý thức được việc phòng bố cẩn mật tại bờ biển và việc thực thi chủ quyền trên biển- cũng thường xuyên được tiến hành bằng nhiều chính sách. Tất cả những điều đó đã minh chứng triều Nguyễn là chủ nhân thực sự của một vùng rộng lớn trên biển Đông bao gồm các đảo gần bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được khắc trên Bảo vật Quốc gia Cửu Đỉnh, đặt ở vị trí quan trọng trong Thế Miếu – Đại Nội Huế, Di sản Văn hóa Thế giới của Việt Nam.
Quỳnh Anh (tổng hợp)
Nguồn tham khảo:
1.Phan Thanh Hải, Lê Thị An Hòa 2014. Vua Minh Mạng với tầm nhìn chiến lược về biển đảo được thể hiện bằng hình ảnh trên Cửu Đỉnh. Tạp chí Huế xưa và nay, số 126, ngày 11/12/2014.
2.Quốc sử quán triều Nguyễn 2002, Đại Nam thực lục, tập 1.
3.Ủy ban Biên giới Quốc gia 2013. Tuyển tập Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. NXB Tri thức, Hà Nội.