Thứ Hai, 04/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/01/2018 23:24 4093
Điểm: 4.75/5 (4 đánh giá)

Lý Thường Kiệt (1019 -1105) là một trong những vị anh hùng dân tộc tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Ông vốn họ Ngô, tên là Tuấn, tự Thường Kiệt, vì những thành tích lớn được ban họ vua nên mới có tên họ Lý Thường Kiệt. Theo một số nguồn tư liệu, Ngô Tuấn vốn quê ở làng An Xá, huyện Quảng Đức, tức là thuộc vùng Gia Lâm, Hà Nội. Ông là con của Sùng Tiết Tướng Ngô An Ngữ. Khi lớn lên, ông cùng cha mẹ về sinh sống ở phường Thái Hòa trong kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay).

Khi nói về Lý Thường Kiệt, trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú (thế kỷ 19) có viết: “Ông là người giàu mưu lược, có biệt tài làm tướng súy, làm quan trải qua ba đời vua, phá Tống, bình Chiêm, công lao đức vọng ngày một lớn, được vua sùng ái, là người đứng đầu các bậc công hầu vậy”. Tài năng, công lao của Lý Thường Kiệt như một vị anh hùng dân tộc đã được ghi lại qua sử sách. Nhưng về đức độ, công đức của ông đối với người dân thì chưa được nhiều người biết đến. Điều này được thể hiện chân thực qua hai tấm bia triều Lý được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia như: tấm bia chùa Linh Xứng và tấm bia chùa Báo Ân.

Tấm bia Linh Xứng được dựng năm Thiên Phù Duệ Võ 7 (1126) ở chùa Linh Xứng, Hà Trung, Thanh Hóa. Bia cao 134cm, rộng 70cm. Văn bia được khắc ở cả hai mặt, gồm 47 dòng, 2090 chữ hán. Bia do Hải Chiếu soạn, Thông phán Thanh Hóa Lý Doãn Từ viết chữ, Tăng Huệ Thống khắc.

Trán bia hình bán nguyệt khắc chữ Hán: “Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi ký” (Bia chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng).

Nội dung bia trước hết nói làm tượng Phật để truyền đạo thống, dựng tháp miếu để có chỗ quy tâm cho nên những nơi danh lam thắng cảnh người ta đều dựng chùa lập miếu. Trong tấm bia Linh Xứng có đoạn viết: “từ khi đạo Phật truyền sang nước ta đến nay đã hơn 2000 năm mà sự thờ phụng ngày càng thêm mới. Hễ chỗ nào có núi cao cảnh đẹp đều mở mang để lập chùa chiền. Như thế, nếu không phải là các bậc vương công đại nhân giúp đỡ xây dựng thì làm sao nên được.” Điều đó cho thấy, những ngôi chùa xây dựng dưới triều Lý thường gắn với tầng lớp quý tộc, cung đình.

Phần tiếp theo, văn bia nói về Lý Thường Kiệt và việc xây dựng chùa. Chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn là của Thái úy Lý Thường Kiệt lập ra. Năm 20 tuổi, ông được tuyển vào trong cung hầu vua Lý Thái Tông và lo liệu việc nước. Lý Thường Kiệt làm quan trải qua ba đời vua là Lý Thái Tông (1028 - 1054), Lý Thánh Tông (1054 -1072), Lý Nhân Tông (1072 -1127). Từ một chức hoạn quan nhỏ, Lý Thường Kiệt được thăng dần đến chức Phụ Quốc Thái Phó, Khai Quốc Công, Thái Úy và được nhận làm “Thiên tử nghĩa đệ” (em kết nghĩa của vua). Năm 1069, ông đã đem quân đi đánh Chiêm Thành (Champa) và quân Tống (1075 - 1077) thắng lợi, bảo vệ nền độc lập nước nhà. Hơn 40 năm ở triều đình nhà Lý giúp vua phá Tống bình Chiêm và điều hành chính sự quốc gia được yên ổn. Năm 1082, Lý Thường Kiệt được giao trọng trách vào cai quản trấn Thanh Hóa. Trong 19 năm làm tổng trấn Thanh Hóa (1082 - 1101), với quyền lực tối cao, Lý Thường Kiệt hoàn toàn quyết định mọi việc trong trấn. Là một trung quân sáng suốt, khoan hòa và đức độ cho nên ông là người luôn mang lại lợi ích cho dân xứ mình cai quản.

Vị đại sư Hải chiếu Pháp bảo – một người làm việc dưới quyền ông trong những năm làm tổng trấn Thanh Hóa đã từng chứng kiến tận mắt những việc ông làm cho nên mới có những lời ngợi ca cụ thể hết lời được thể hiện trong bia Linh Xứng như sau: “Thái úy trong thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy.

Khoan hòa giúp đỡ quân chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ.

Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự đẹp tốt đều ở đây cả. Giúp chính sự cho ba triều, dẹp yên loạn biên tái, chỉ khoảng vài năm mà tám phương yên lặng, công thật to lớn”.

Trong thời gian làm tổng trấn Thanh Hóa, Lý Thường Kiệt còn có công rất lớn trong việc xây dựng chùa chiền và làm cho đạo Phật ở đây phát triển hơn bao giờ hết. Đặc biệt, sự giao thoa văn hóa giữa Thăng Long kinh kỳ với xứ Thanh càng có điều kiện để phát triển một cách thuận lợi.

Như lời Hải Chiếu đại sư nói trong bia Linh Xứng thì ông: “Tuy thân vướng việc đời, mà lòng vẫn hướng về đạo Phật”. Và chính vì có tấm lòng và tư tưởng hướng Phật ấy mà đã thôi thúc ông chuyên làm những điều thiện đối với dân, với nước. Lý Thường Kiệt là người trực tiếp chọn được mảnh đất thiêng chân núi Ngưỡng Sơn để dựng tháp xây chùa, tô tượng các vị Bồ tát, vẽ tranh các bộ kinh, trở thành nơi tịnh độ thờ phụng Phật, nổi tiếng gần xa. Trong bia Linh xứng miêu tả khá tường tận về việc chọn đất xây dựng chùa Linh Xứng như:

“Nhân lúc rảnh việc triều chính, ông thầy của Thái hậu (tức phu nhân Ỷ Lan) là Trưởng lão Sùng Tín bỗng từ kinh sư đến quận này, mở mang giáo hóa, khơi thông mọi tập tục khác lạ, răn điều ác, chỉ điều thiện, khác nào một trận mưa ráo thấm nhuần cây cỏ, không ai là không hớn hở vui tươi…

Thế là phát cỏ rậm, bạt đá to, thày bói nhằm phương, thợ hay dáng kiểu; quan thuộc góp tiền, sĩ dân đổ tới. Kém sức thì bào, thì gọt; sành nghề thì dựng thì xây. Chùa Phật thênh thang ở giữa; phòng chay rộng rãi hai bên.

Trang nghiêm chính giữa thì Ngũ tri Như Lai sắc vàng rực rỡ, ngồi trên tòa sen trồi lên mặt nước. Quanh tường thì thêu vẽ dung nghi đẹp đẽ của cực quả mười phương cùng với mọi hình tướng biến hóa, muôn hình vạn tượng, không thể kể xiết.

Phía sau xây ngôi tháp báu gọi là tháp Chiêu Ân, chín tầng chót vót, giăng mắc rèm the, cửa mở bốn bên, bao quanh con tiện. Gió rung chuông bạc; hòa nhịp chim rừng. Tháp báu nắng soi; long lanh vàng diệp. Quanh thềm lan can; đầy sân hoa cỏ.

Trước cửa chính, trong treo chuông vàng, một tiếng chày kinh, ngân vang khắp chốn. Thức tỉnh u mê; phá tan niềm hôn tục. Khuyên bảo việc lành, răn điều ác. Thẳng ngay phía trước một đường hai ngả, khởi mương và dẫn nước chảy xuôi.

Bên dòng nước dựng xây đình nhỏ, san sát thuyền bè qua lại, dừng chèo tạm nghỉ. Hoặc Hoàn Bang, Chân Lạp xa tới mà quỳ gối ngắm xem; hoặc nước lạ phương xa qui phục mà cúi đầu dập trán. Cái nhà nát của kẻ trưởng giả quê mùa mà hóa thành vương xá lớn”.

 Bia Linh Xứng.

Qua đoạn văn bia, chúng ta có thể hình dung được quy mô bề thế của chùa Linh Xứng - một trung tâm Phật giáo lớn của xứ Thanh thời Lý được xây dựng ở ngọn núi sát kề sông Đại Lại (tức sông Lèn, nhánh sông Mã). Đây cũng là một con đường thủy quan trọng từ phía nam tới, thuyền ghe qua sông Mã, sông Lèn, qua chùa Linh Xứng rồi vào sông Hoạt, sông Tống và kênh nhà Tiền Lê để đến cửa Thần Phù và ra Thăng Long. Vì vậy, mà từ triều Tiền Lê và Lý trở đi, mỗi lần ra Bắc để cống nạp cho Đại Việt, các nước nhỏ khác ở phương Nam đều phải đi qua đây, như văn bia nói là đều phải “quỳ gối ngắm xem” hoặc “cúi đầu dập trán” trước ngôi chùa Linh Xứng nổi tiếng, kính phục trước một công trình kiến trúc Phật giáo nguy nga, bề thế ở vùng đất phên giậu phía nam của Đại Việt.

Công lao to lớn của Lý Thường Kiệt còn được ghi lại qua tấm bia chùa Báo Ân núi An Hoạch (nay thuộc làng Nhồi, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) dựng năm thứ 10, niên hiệu Hội Phong, đời vua Lý Nhân Tông (1102). Bia cao 1,70m, rộng 1.05m. Toàn văn bia gồm 28 cột, khoảng 850 chữ hán. Tác giả văn bia là Chu Văn Thường, làm quan đến chức thư lang quản câu Ngự Phủ, Đồng trung thư viện biên tu, kiêm chức Thái thú huyện Cửu Chân trại Thanh Hóa. Trán bia hình bán nguyệt, khắc chữ: “An hoạch sơn báo ân tự bi minh” (Bài minh bia chùa Báo Ân ở núi An Hoạch).

Cũng như bia Linh Xứng, phần đầu nội dung bia nói về lẽ huyền diệu của đạo Phật, ca ngợi tên tuổi các vị vua chúa, thầy tu đã có công đón nhận và truyền bá đạo Phật. Trong văn bia nói đến công lao của Lý Thường Kiệt trong việc phá Tống, bình Chiêm cũng như ghi việc ông chủ trì cùng với sự ủng hộ của tín đồ vùng Thanh Hóa xây dựng chùa Báo Ân.   

Bia chùa Báo Ân.

Qua ghi chép của bia chùa Báo Ân chúng ta được biết Lý Thường Kiệt có thể là người đầu tiên mang lại nghề đục đá cho dân làng Nhồi. Tấm bia ghi rõ rằng: “Ở phía Tây Nam huyện, có một quả núi lớn và cao gọi là núi An Hoạch, sản xuất nhiều đá đẹp, đó là sản vật quý giá của mọi người. Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm; dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi nghìn đời. Thế là Thái úy Lý Công sai một thị giả là Giáp thủ Vũ Thừa Thao xuất lĩnh người hương Cửu Chân, dò núi tìm đá trong mười chín năm”.

Việc Thái úy Lý Thường Kiệt sai Giáp thủ Vũ Thừa Thao xuất lĩnh người hương Cửu Chân, dò núi tìm đá trong 19 năm và tìm những thợ đục đá lành nghề, mà rất có thể đó là những người Việt gốc Chăm. Sở dĩ có nhận định như vậy vì ở làng Nhồi hiện nay vẫn có một nhóm cư dân khá đông mang tên họ Lôi, tức họ Lồi gốc Champa.

Qua ghi chép của bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, chúng ta biết tất cả những nghĩa cử cho dân của Lý Thường Kiệt trong suốt 19 năm làm tổng trấn Thanh Hóa đã làm cho các “châu mục đều ngưỡng mộ”“muôn dân đều mến đức chính” như trong văn bia đã nói:

“Ông coi quận trong 19 năm (1082-1101) nay. Dân kính mến. Giặc sợ hãi. Dân tự nghĩ rằng, đó là nhờ Phật tế độ cho dân qua bể khổ, mà dân chưa lấy gì báo đáp. Bèn chọn chỗ này; xảy cỏ dựng chùa, đặt tên là chùa Báo Ân. Đắp tượng vẽ đồ. Chùa bắt đầu làm năm Kỷ Mão, (1099) đến năm sau Canh Thìn (1100) thì xong” Điều đó cho thấy, nhân dân xứ Thanh đã tự chọn đất và góp công, góp của để xây dựng ở khu vực núi An Hoạch (tức núi Nhồi) một ngôi chùa với một cái tên đầy ý nghĩa - đó là chùa Báo Ân để tỏ lòng biết ơn trời, phật, vua và công đức của Lý Thường Kiệt.

Qua nội dung 2 tấm bia triều Lý trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì ta biết đến Lý Thường Kiệt không chỉ là anh hùng dân tộc mà ông còn là người đức độ, gần gũi với dân, hết lòng vì dân đáng để người đời sau ngưỡng mộ, noi theo. Cho đến nay, những hiện vật triều Lý còn lại không nhiều nhưng 2 tấm bia này với nội dung xác thực trên bia thực sự là những tư liệu lịch sử quý hiếm trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam./.

Th.s Nguyễn Thị Thu Hoan

CN. Phạm Thị Huyền 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6545

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Địa danh Bãicát vàng trong sử sách

Địa danh Bãicát vàng trong sử sách

  • 27/01/2018 23:20
  • 1524

Ngày nay nói đến hai chữ Hoàng Sa thì ai cũng hiểu đó là một trong hai quần đảo ở Biển Đông và là lãnh thổ Việt Nam từ nhiều thế kỷ nay. Nhưng nói đến địa danh Bãi Cát Vàng hẳn không khỏi có người còn bỡ ngỡ.