Di tích Đồn Thứ nằm dưới chân núi Hòn Bồ thuộc thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, H.Hoài Nhơn, Bình Định. Đồn Thứ ở độ cao 500 m so với mực nước biển.
Các nhà khảo cổ cho biết đến nay đã khảo sát, phát hiện được khoảng 100 đồn trong hệ thống Trường Lũy, nhưng duy nhất Đồn Thứ có quy mô đáng kinh ngạc: diện tích 16.000 m2, chia làm 2 khu bắc và nam bởi bờ tường được đắp kiên cố như bờ thành xung quanh đồn và có một cửa thông nhau ở giữa bờ tường.
Bờ thành Đồn Thứ cao từ 2 - 3 m, đắp 2 cấp, cấp trên có bề mặt rộng từ 1 - 2 m, cấp dưới rộng từ 2 - 4 m, chân rộng 4 - 6 m, sâu khoảng 50 cm. Cửa chính ở phía nam và 2 cửa phụ: đông, tây. Riêng bờ thành bắc không có cửa. Có 5 tháp canh bố trí ở 4 góc đồn và giữa bờ thành tây.
Một góc Đồn Thứ - Ảnh: N.T.Quang
Trong khu nam của đồn, các nhà khảo cổ phát hiện 3 chân lư lớn, 2 chân lư nhỏ và một số mảnh thân lư bằng đất nung có in hoa 7 cánh cùng hoa văn khắc vạch. Theo TS Nguyễn Tiến Đông, người chủ trì cuộc khai quật, lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện dấu vết tín ngưỡng sau 7 năm khảo sát, khai quật di tích Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện một số hiện vật gia dụng của người Việt bằng đất nung và gốm men Trung Quốc thế kỷ 18. Loại gạch vồ kích thước lớn cũng được tìm thấy trong Đồn Thứ. Không giống các đồn khác đã phát hiện, chủ yếu là quản lý qua lại đông - tây, Đồn Thứ có chức năng chủ yếu sơn phòng, bảo vệ khu vực rộng lớn không đắp bờ lũy, giữ an ninh cho đoạn đường kinh lý bắc - nam xung yếu.
Nguyễn Thanh Quang