Thứ Năm, 05/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/01/2018 22:41 1438
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chuyện một anh chàng “hai lúa” bỏ miệt vườn ra Bắc đã hiếm, ra Bắc để theo nghiệp “đào đá” lại hiếm hơn. Trong câu chuyện của mình, Phan Thanh Toàn lý giải quá trình “Bắc hành” một cách hồn nhiên: “Chất phiêu bạt của miền sông nước đã có sẵn trong máu mình từ lúc sinh ra, khi gặp phải nghiệp khảo cổ như cá gặp nước, cứ thế mà tung tăng mãi rồi phiêu bạt ra Bắc như một định mệnh”.

Chuyện một anh chàng “hai lúa” bỏ miệt vườn ra Bắc đã hiếm, ra Bắc để theo nghiệp “đào đá” lại hiếm hơn. Trong câu chuyện của mình, Phan Thanh Toàn lý giải quá trình “Bắc hành” một cách hồn nhiên: “Chất phiêu bạt của miền sông nước đã có sẵn trong máu mình từ lúc sinh ra, khi gặp phải nghiệp khảo cổ như cá gặp nước, cứ thế mà tung tăng mãi rồi phiêu bạt ra Bắc như một định mệnh”.

Phan Thanh Toàn ghi nhật ký khai quật bên di chỉ đào dở - Ảnh tư liệu

>> Kỳ 1: Hành trình ngược thời gian
>> Kỳ 2: Mỗi phiến đá như có linh hồn
>> Kỳ 3: Thổi hồn vào cổ vật
>> Kỳ 4: Chuyên gia đào mộ cổ
>> Kỳ 5: Niềm đam mê khám phá

Quê hương không chỉ là nơi mình sinh ra

Sinh ra ở miền quê trù phú bên dòng sông Tiền, Toàn lên TP.HCM học với ước mơ trở thành một nhà dân tộc học để về lại quê hương làm công tác nghiên cứu. Nhưng sau những năm học đại cương, Toàn mới hiểu nguồn cội của mình là từ những gì chưa biết dưới lòng đất. Trong những chuyến đi điền dã, tình cờ gặp nhà khảo cổ PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Toàn lần mò tìm hiểu rồi mê nghề đi tìm quá khứ từ lòng đất từ lúc nào không hay.

Sau đợt đó, Toàn chuyển qua học chuyên ngành khảo cổ học với một đam mê: “Tôi như bị hút hồn trước những kiến thức của các nhà khảo cổ đi trước. Khi đứng trước một di chỉ, trong tôi lại trỗi lên sự thèm khát được khám phá. Càng đi, càng đào bới tôi lại càng muốn hiểu biết thêm về nguồn cội của mình. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu mê những viên đá, cổ vật đến từ ngàn xưa”. Năm đó Toàn vừa tròn 24 tuổi.

Nhắc đến những ngày chân ướt chân ráo ra Hà Nội, Toàn nhớ lại: “Khi tôi nói sẽ ra Bắc theo nghề khảo cổ, cả gia đình tôi đều sửng sốt. Còn bạn bè nhiều người nói thần kinh tôi có vấn đề mới bỏ xứ ra Bắc đào đá. Những ngày đầu buồn lắm, mỗi lúc đi ra ngoài nghe ai nói giọng Nam là tôi đều lân la đến hỏi chuyện cho đỡ nhớ nhà. Hằng năm tôi chỉ được về quê vài ngày vào dịp tết, thời gian còn lại chúi đầu vào viện nghiên cứu hoặc lặn lội vùng xa đi khai quật. Dần dần nghề khảo cổ đã giúp tôi hiểu được quê hương không chỉ là nơi mình sinh ra mà quê hương chính là nguồn cội, là nơi tổ tiên ta từng sinh sống”.

Từ đó, mỗi chuyến đi khai quật, mỗi nhát cuốc đối với Toàn như một dịp để được chạm đến cái hồn của quê hương.

Đêm sông Đà sóng vỗ miên man, Toàn say sưa đắm mình trong điệu hát của người dân Thái. Anh em trong đoàn khảo cổ đều hiểu đó là lúc Toàn đang nhớ da diết dòng sông quê mẹ ở tận Tiền Giang.

Tiến sĩ Sử - trưởng đoàn khai quật - tâm sự: “Đã gắn bó với cái nghiệp này gần hết đời người, tôi thấy cậu ấy quả là người đam mê nghề nghiệp hiếm có. Dám bỏ quê để lập nghiệp với nghề khảo cổ vất vả là điều đáng quý. Dù anh em trong đoàn đã cố gắng sẻ chia với Toàn nhưng cũng khó khỏa lấp được nỗi nhớ nhà nơi đất khách của cậu ấy. Nhưng cậu ấy vẫn vượt qua mọi khó khăn để giữ ngọn lửa nghề nghiệp”.

Phan Thanh Toàn trong một lần khai quật ở hang sâu dọc sông Đà - Ảnh tư liệu

Bán vé số để đi làm khảo cổ

Để chuẩn bị hành trình ra Bắc theo nghiệp khảo cổ, ít ai biết Toàn đã phải vật lộn chuẩn bị từ thời sinh viên. Bởi chàng trai Tiền Giang này hiểu rằng để có thể tồn tại mà đeo đuổi niềm đam mê nơi xa xôi thì không thể trông chờ vào đồng lương thực tập còm cõi. Vì thế, từ lúc sinh viên Toàn đã làm thêm đủ thứ nghề để chuẩn bị cho một chuyến phiêu lưu với đá cổ. Sau thời gian đi học, Toàn đi xếp vé số thuê cho người quen. Tích cóp được chút vốn, Toàn mở một bàn vé số ven đường ở Q.6

(TP.HCM). Những ngày nghỉ hè Toàn phóng xe ra ngoại ô, tay cầm vợt rình mò bắt từng con bướm về ép để bán. Ngày đó thấy Toàn kiếm tiền giỏi, nhiều người bạn đã nghĩ khi ra trường Toàn sẽ mê kiếm tiền mà bỏ luôn nghề khảo cổ.

Tốt nghiệp năm 2002, Toàn khoác balô ra Bắc xin về tập sự ở Viện Khảo cổ Việt Nam trước sự ngỡ ngàng của người thân và bè bạn. Nhưng có điều Toàn không lường được hết: số tiền ít ỏi dành dụm được từ việc bán vé số thời sinh viên chẳng mấy chốc đã cạn ở đất Hà thành đắt đỏ. Để có thể tiếp tục bám trụ, Toàn chỉ dám thuê một căn phòng nhỏ, hằng ngày tự đi chợ mua từng bó rau về nấu ăn.

Toàn kể: “Cứ đến ngày đóng tiền nhà là tôi lại run, bè bạn, người thân chẳng có ai ở gần để nhờ cậy. Vài lần tôi định đánh liều gọi điện về quê xin trợ giúp, nhưng sợ cha mẹ lo rồi kêu về Nam luôn nên thôi. Nhưng cực nhất không phải là sự thiếu thốn về vật chất mà là nỗi buồn xa nhà. Thời gian đầu do chưa quen khí hậu nên tôi thường bị bệnh vặt. Mỗi lần bị bệnh, nằm co ro trong gác trọ tôi lại tự hỏi: phải chăng mình đã chọn sai đường? Nhưng càng theo nghề thì càng thấy mình đúng”.

Cũng như những nhà khảo cổ đi trước, Toàn đã vượt qua nhiều khó khăn để tồn tại với nghề. Trong bảy năm lên rừng xuống suối, Toàn đã cùng đoàn khảo cổ đưa được hàng ngàn cổ vật từ hàng chục di chỉ lên khỏi mặt đất.

Cầm mảnh gốm còn sót lại trong hố khai quật tại Pắc Na, ngắm nghía một hồi lâu Toàn tâm sự: “Những gì mình làm được còn quá ít ỏi so với các anh, các chú trong nghề. Với tổ tiên, nguồn cội, những hiểu biết của mình cũng chỉ là một mảnh vỡ trong vô vàn mảnh vỡ khác chưa tìm thấy. Càng đi, càng tìm hiểu mình lại càng thấy yêu những mảnh gốm, viên cuội dọc sông Đà. Bởi nó có cái gì đó rất đỗi gần gũi với miền quê sông nước nơi mình sinh ra. Có lẽ cả cuộc đời mình sẽ gắn với đá sỏi ở đất Bắc này”.

Nói rồi Toàn và những nhà khảo cổ lại mất hút sau cái hang sâu sát bờ sông, chỉ còn nghe tiếng đào bới hối hả. Họ đang chạy đua với thời gian để đưa những bí mật lịch sử ra khỏi lòng đất trước khi lũ sông Đà kéo về.

THẾ ANH

Thầy giáo Nguyễn Xuân Mạnh - giảng viên khoa khảo cổ học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, một thành viên trong đoàn khảo cổ - tâm sự: “Điều đáng buồn đối với những người trong nghề là số lượng sinh viên theo ngành khảo cổ ngày một ít đi, có năm chỉ có một vài em đăng ký theo học ngành này. Không đủ sinh viên để mở lớp, nhiều lần chúng tôi phải nói các em chuyển ngành hoặc bảo lưu điểm chờ năm sau đủ lớp mới học tiếp. Học khảo cổ rồi nhưng theo nghề cũng chẳng được bao nhiêu vì nghề này quá vất vả, thu nhập lại không cao. Đó là nỗi lo lắng của những người đi trước, những người đã bỏ cả cuộc đời để cống hiến cho nền khảo cổ nước nhà. Vì thế, thấy Toàn đam mê với nghề nghiệp, không quản gian nan để đến với nghề, anh em chúng tôi mừng và quý lắm. Ước gì ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu nguồn cội như cậu ấy”.

tuoitre.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6652

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Theo chân những nhà khảo cổ - Kỳ 5:Niềm đam mê khám phá

Theo chân những nhà khảo cổ - Kỳ 5:Niềm đam mê khám phá

  • 27/01/2018 22:41
  • 1467

Ở công trường khai quật người ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh những vị tiến sĩ khảo cổ lưng đẫm mồ hôi với chiếc quần đùi hì hục đào bới, lượm lặt từng mảnh vỡ từ lòng đất...