Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/01/2018 22:41 1464
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ở công trường khai quật người ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh những vị tiến sĩ khảo cổ lưng đẫm mồ hôi với chiếc quần đùi hì hục đào bới, lượm lặt từng mảnh vỡ từ lòng đất...

Ở công trường khai quật người ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh những vị tiến sĩ khảo cổ lưng đẫm mồ hôi với chiếc quần đùi hì hục đào bới, lượm lặt từng mảnh vỡ từ lòng đất...

Những năm tháng khó khăn, người Hà Nội thỉnh thoảng lại thấy họ ngồi bên vệ đường vá xe mưu sinh sau giờ nghiên cứu ở viện. Nhưng với niềm đam mê nghề nghiệp mãnh liệt, họ đã vượt qua tất cả để đưa ra ánh sáng những báu vật mà tổ tiên để lại cho hậu thế.

Nhà khảo cổ suốt ngày ở dưới hồ sâu đào đào bới bới -Ảnh tư liệu

>> Kỳ 1: Hành trình ngược thời gian
>> Kỳ 2:  Mỗi phiến đá như có linh hồn
>> Kỳ 3: Thổi hồn vào cổ vật
>> Kỳ 4: Chuyên gia đào mộ cổ

Trần mình với đá

Những ngày đoàn các nhà khảo cổ của Viện Khảo cổ VN tiến hành khai quật ở bản Huổi Lá (xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) đã tìm thấy được nhiều hiện vật thời kỳ đồ đá có giá trị. Điểm khai quật nằm ngay bên mé sông, với lớp nền đầy rẫy những tảng đá lớn do biến động địa chất. Đất Nậm Hăn nắng như rang, chẳng có lấy chút gió, xung quanh lại chẳng có một bóng cây, có người không chịu được nóng lâu lâu lại trầm mình giữa dòng sông Đà đục ngầu để hạ nhiệt.

Ở hố khai quật, những nhà khảo cổ độc mỗi cái quần đùi còng lưng đào bới, tìm kiếm. Áo ướt đẫm mồ hôi, chai nước mang theo chẳng mấy chốc sạch khô. Chịu không được khát, có người phải đánh liều múc nước sông lên uống, dù cách đó không xa là những chiếc tàu đãi vàng nhả ra một màu đỏ quạch. Vất vả là thế, nhưng mỗi khi tìm kiếm được một viên cuội đẹp, có giá trị là ai nấy đều vui, quên cả nắng và khát.

"Nghề khảo cổ giống như nghiệp vậy, đã vướng vào rồi thì khó dứt ra lắm"

Với mỗi ngày đào bới và tìm kiếm được gần cả tấn hiện vật bằng đá, điểm tập kết lại xa nên việc vận chuyển là một cực hình đối với những người làm khảo cổ. Xong một ngày khai quật mệt đừ, họ lại nai lưng ra gánh những bao đá nặng trĩu trên con đường dốc đầy cát bỏng rát. Rồi phải chuyển qua đò, lên xe mấy chặng mới đến. Có hôm đưa được đá về thì toàn thân rã rời, cơm dọn ra mà chẳng ai ngó ngàng.

Nhưng đó chỉ là khúc dạo đầu của công việc. Mỗi viên cuội, mảnh gốm sau khi đưa về sẽ được rửa cẩn thận, phơi khô, ghi tên lập hồ sơ cẩn thận. Nhiều khi thấy họ đánh trần giữa trưa nắng gắt với chiếc bao tay đã sờn rách để sàng lọc từng viên cuội mà tôi liên tưởng đến hình ảnh những công nhân làm đường sắt nặng nhọc. Đó là bức chân dung của những nhà làm khoa học khảo cổ mà không phải ai cũng hình dung ra.

Ông Lê Hải Đăng, một thành viên trong đoàn, nói: “Cái nghề này bất kể là tiến sĩ hay giáo sư, khi ra hiện trường là phải lăn xả, đào bới, khiêng vác đều phải đụng tới. Bởi thế chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng tiến sĩ khảo cổ học là tiến sĩ... quần đùi, là anh thợ đụng!”.

Trần mình với đá, với những cổ vật ở hiện trường chưa đủ, nhiều khi những nhà khảo cổ còn phải hứng chịu những tai nạn không thể ngờ tới của nghiệp khảo cổ. Tiến sĩ Hà Văn Phùng, nguyên viện trưởng Viện Khảo cổ VN, nhớ lại: “Có lần đi khai quật ở vùng núi, do mải tìm theo vết hiện vật mà tôi bị rơi vào tổ ong vò vẽ, toàn thân sưng vù. Bị nhiễm độc nặng nên tôi gần như chẳng còn biết gì, anh em ai cũng hốt hoảng. Điểm khai quật lại nằm xa trạm xá nên không thể đưa đi cấp cứu, may mà có bài thuốc của đồng bào vùng cao chứ không thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Còn PGS.TS Nguyễn Khắc Sử không thể nào quên được lần thoát chết trong gang tấc khi đi khai quật ở Tây nguyên: “Suốt ngày trần mình ở công trường, khuân vác cùng anh em cả tháng trời nên bệnh tim của tôi tái phát. Trưa hôm ấy đang đào bới bỗng dưng tôi ngất lịm. Công trường cách bệnh viện mấy chục cây số, đến nơi lại gặp lúc mất điện, anh em trong đoàn chẳng ai nghĩ tôi sẽ qua được. Cũng may sau đó các bác sĩ đã tận tình cứu giúp chứ không thì tôi đã nằm lại Tây nguyên rồi. Nghề này khắc nghiệt lắm, tai nạn xe cộ, tai nạn ở công trường, bệnh tật giữa rừng hoang chẳng thể nào lường hết được. Có khi phải đổi cả tính mạng cho những viên cuội, mảnh gốm như chơi!”.

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối ngắm nghía, đo đạc, cân đo và sàng lọc từng viên cuội-Ảnh tư liệu

Vật lộn với nghề

Thời thanh niên, tiến sĩ Nguyễn Gia Đối thường theo bè bạn đến nghe các buổi giảng về khảo cổ học rồi bị mê hoặc lúc nào không hay. Ông kể: “Tôi như bị hút hồn bởi những bài giảng của thầy, về những bí ẩn trong lòng đất. Tôi may mắn được các thầy truyền cho cảm hứng, niềm đam mê. Sau những chuyến thực tập, tôi ý thức mình không thể xa rời niềm đam mê được khám phá, tiếp cận kho báu tri thức từ cha ông. Dù bạn bè, gia đình đều nói theo nghề khảo cổ là dại, là chọn cái nghèo để sống nhưng tôi không hề nản chí”.

Quyết định gắn cuộc đời mình với nghiệp khảo cổ, tiến sĩ Đối vẫn chưa thể nào hình dung những vất vả, khó khăn mà nghề này mang đến. Ông nhớ lại: “Cái thời tiến sĩ phải xếp hàng sau cán chổi, lương ba cọc ba đồng, lại đi biền biệt như bộ đội ra trận nên phải cố gắng lắm mới bám trụ được với nghề. Để có cái bỏ bụng mà nghiên cứu, tôi và nhiều đồng nghiệp phải chạy đôn chạy đáo. Người đêm về rang đậu lạc phụ vợ bán chè xanh, người thì ra ngồi ở góc đường vá xe...

Riêng tôi, ngoài giờ lên viện là đạp xe đi mấy chục cây số làm công nhân ép nhựa, rồi chuyển qua làm bảo vệ đêm ở công trường. Đang trong cơn túng quẫn thì dân buôn đồ cổ tìm tới gạ gẫm, lại phải gồng mình đấu tranh với lương tâm. Nói thật có những lúc tôi cũng đã đưa lên bàn cân giữa một bên là vợ con và một bên là lương tâm nghề nghiệp. Nhiều lúc cũng có ý nghĩ muốn làm liều, nhưng khi nghĩ đến giá trị văn hóa to lớn mà mỗi cổ vật chứa đựng trong đó lại thấy nghẹn lòng, không thể vì đói mà làm càn được”.

Nói về những vui buồn trong cuộc đời khảo cổ của mình, ông tâm sự: “Vui nhất là những chuyến đi khai quật ở vùng cao, được ăn ở với bà con, được đắm chìm trong nền văn hóa bản địa. Càng đi, càng nghiên cứu sâu về lịch sử tôi lại thấy yêu quê hương, yêu cái nghề này nhiều hơn. Tôi nhớ nhất là lần đi khai quật ở một xã vùng sâu ở Tây nguyên. Trời rét, lương thực cũng đã cạn kiệt, vậy mà còn bị trộm mất hết quần áo. Anh em trong đoàn chỉ còn mỗi cái quần đùi trên người, rét tím thịt da nhưng cũng cố khai quật cho xong. Hay như lần bố tôi mất, nhận được tin nhưng cũng không về kịp. Rồi những lúc con ốm đau, tất cả đều một tay vợ lo. Nhiều khi cũng nghĩ đến chuyện chuyển nghề nhưng không thể nào bỏ được. Nghề này giống như nghiệp vậy, đã vướng vào rồi thì khó dứt ra lắm”.

Nói rồi tiến sĩ Đối say sưa với những viên đá, lật đi lật lại, đăm chiêu suy tư. Nhìn ông tôi hiểu nếu không có đam mê thì ông cũng như các nhà khảo cổ đồng nghiệp khó có thể bám trụ đến ngày hôm nay, khó mà vượt qua gian khó, cám dỗ để mang những kho báu từ lòng đất về lưu giữ cho thế hệ mai sau.

THẾ ANH

_____________________

Nghề khảo cổ gian nan, số người theo nghề thật ít. Vậy mà có một bạn trẻ từ miền Nam đã “Bắc hành” làm nhà khảo cổ. Sau bảy năm lên rừng xuống suối, anh đã cùng đoàn khảo cổ đưa được hàng ngàn cổ vật từ hàng chục di chỉ lên khỏi mặt đất.

Kỳ cuối: Nhà khảo cổ trẻ

tuoitre.com.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6646

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Theo chân những nhà khảo cổ - Kỳ 3:Thổi hồn vào cổ vật

Theo chân những nhà khảo cổ - Kỳ 3:Thổi hồn vào cổ vật

  • 27/01/2018 22:41
  • 1431

Giữa trưa hè nắng gắt ở bản Nậm Kha (xã Nậm Hăn, Sìn Hồ, Lai Châu), ông Nguyễn Đình Hiển, họa sĩ khảo cổ thuộc phòng vẽ và phục chế của Viện Khảo cổ Việt Nam, đứng ở góc hố khai quật, đăm chiêu nhìn ngắm rồi đưa những nét bút chì đều đặn phác họa lại từng lớp di chỉ.