Nhằm kịp tiến độ cho hồ thủy điện Sơn La chứa nước, đoàn khảo cổ phải chia thành nhiều nhóm để khai quật. Tôi theo chân tiến sĩ Bùi Văn Liêm xuôi dòng sông Đà để khai quật bãi đá cổ Pá Màng (xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, Sơn La). Sau những câu chuyện về các ký tự cổ còn sót lại trên phiến đá đã xanh màu rêu phong là những bí mật về nghề, về đời của những người khảo cổ mà ít ai biết được.
Nhằm kịp tiến độ cho hồ thủy điện Sơn La chứa nước, đoàn khảo cổ phải chia thành nhiều nhóm để khai quật. Tôi theo chân tiến sĩ Bùi Văn Liêm xuôi dòng sông Đà để khai quật bãi đá cổ Pá Màng (xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, Sơn La). Sau những câu chuyện về các ký tự cổ còn sót lại trên phiến đá đã xanh màu rêu phong là những bí mật về nghề, về đời của những người khảo cổ mà ít ai biết được.
|
Tiến sĩ Bùi Văn Liêm trước những vết thẹo trên phiến đá cổ ở Liệp Tè - Ảnh: Thế Anh |
>> Kỳ 1: Hành trình ngược thời gian
Lời của đá
Nằm sát mé sông, bãi đá cổ Pá Màng chỉ nổi lên khi sông Đà vào mùa khô. Pá Màng nằm sâu trong vách núi, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Theo tiến sĩ Liêm, khi đi khảo sát di chỉ này vào những năm cuối thập niên 1980, họ phải đi bộ mất mấy ngày trời mới đến. Người dân ở đây gọi đó là bãi đá thiêng, vì theo truyền thuyết của người Thái đó là nơi trú ngụ của những hồn ma, quỷ dữ. Vì thế ít ai dám lui tới, trừ những thầy cúng và đoàn khảo cổ.
Hàng ngàn năm nay bãi đá rêu phong vẫn nằm đó, mang trên mình những bí ẩn mà người xưa truyền lại. Rồi đây cả một vùng rộng lớn này sẽ bị nhấn chìm trong nước mà hậu thế vẫn chưa đọc được lời cổ nhân, vì vậy nó được di dời để tiếp tục được giải mã như một lời tạ tội với cha ông.
Ít ai biết được để có thể đưa những cổ vật từ lòng đất đặt đúng giá trị của nó, những nhà khảo cổ phải vượt qua nhiều thử thách rất đỗi đời thường. Tiến sĩ Bùi Văn Liêm tâm sự: “Buồn nhất là những chuyến đi dài ngày, nhớ con lắm. Như hồi sinh đứa đầu lòng, con vừa được sáu ngày thì tôi phải lên đường đi khai quật. Thời đó khó khăn lắm, người ta đi về có tiền đưa vợ, còn tụi tôi nhiều chuyến đi về chỉ có măng rừng làm quà. Thấy con đói sữa khóc la mà xót cả ruột. Rồi khi con lớn, mình vẫn đi biền biệt nên bọn nhỏ cũng chẳng mến cha, về cũng thế, không về cũng thế. Buồn nhất là có lần tôi đi họp phụ huynh cho cháu, sau buổi họp cô chủ nhiệm kéo tôi ra hỏi riêng: Anh có phải là phụ huynh của cháu không? Không kìm nén được tôi phát cáu. Nhưng khi bình tâm nghĩ lại thấy mình có lỗi quá, đã hơn mười năm nay đó là lần đầu tiên tôi đi họp phụ huynh”. |
Với những nhà khảo cổ, còn rất nhiều việc phải làm với bãi đá này. Tiến sĩ Bùi Văn Liêm cho biết: “Hiện chúng tôi chưa thể khẳng định được gì nhiều, bởi khảo cổ là một quá trình lâu dài, từ tìm kiếm hiện vật đến khi đọc được nó, có khi phải mất cả một đời người. Tôi chỉ có thể nói rằng bãi đá cổ này là rất quý hiếm, có từ hàng ngàn năm trước. Chủ nhân của nó là một nền văn minh lớn, điều đó thể hiện qua chữ viết. Tôi rất lấy làm tự hào vì chính điều này nói lên rằng người Việt cổ đã sinh sống và định cư ở đây rất lâu chứ không phải di dân từ nơi khác đến. Đó là một minh chứng giúp thổi lên ngọn lửa dân tộc cho những đời sau”.
Sau vài ngày khai quật, phiến đá dần được hiện hình sau những lớp phù sa bồi đắp hàng ngàn năm. Những vết hằn sâu trên đá, những họa tiết sắc nét nói lên rằng những người tạo ra chúng đã nắm giữ một công nghệ chế tác đáng được kính nể. Người dân quanh bản thỉnh thoảng ra xem, ai cũng tròn mắt ngạc nhiên nhưng ít biết rằng đó là bút tích còn sót lại của chính tổ tiên mình.
Tiến sĩ Liêm nói mà như tự nhủ với lòng mình: “Phải sớm đọc cho được những dòng chữ bí ẩn kia để hậu thế hiểu rằng đó là những gì còn sót lại của cha ông. Mảnh đất này cha ông đã kiên cường chống chọi với thiên nhiên từ hàng ngàn năm trước để khai khẩn, nay con cháu phải biết giữ gìn và yêu mến”. Phải chăng đó cũng là lời từ những phiến đá rêu phong kia muốn nhắn gửi hậu thế?
Tâm sự của người
Ngày ở Liệp Tè rất nóng nhưng đêm lại rét thấu xương. Đó là chưa kể đến những trận lốc cát, mưa đá bất chợt giữa núi rừng.
Nhìn phiến đá trần mình giữa nắng gió, tiến sĩ Bùi Văn Liêm thở dài: “Có theo nghề này mới hiểu mỗi phiến đá, mảnh vỡ như có linh hồn, có đời sống riêng. Nếu hiểu được điều này sẽ cảm nhận được nỗi buồn vui, đau đớn của những phiến đá kia”. Nói rồi ông đưa tay chỉ một vết sẹo trên tảng đá lớn với nhiều cổ tự đẹp: “Đây là vết sẹo do một máy cạp của dân đào vàng để lại. Hàng ngàn năm nay phiến đá đã phải chịu nhiều đớn đau từ thiên nhiên, chiến tranh để tồn tại như một phép mầu.
|
Nhà khảo cổ phải sàng lọc từng hạt cát tìm kiếm những hiện vật do cha ông để lại - Ảnh: Thế Anh |
Vậy mà bây giờ người ta lại đang tâm làm nó hư hao, may mà chúng tôi còn lưu giữ được hình ảnh trong mấy lần khảo sát trước chứ không thì biết lấy gì để phục chế. Mỗi lần chứng kiến di chỉ bị tàn phá là những người trong nghề chúng tôi cảm thấy đau lòng và bị xúc phạm vô cùng!”.
Ông kể đã có lần bật khóc khi xảy ra mâu thuẫn nhỏ giữa nhân công các làng do họ phóng uế lên cả những hiện vật đang khai quật. Sau những lần như thế, ông và những thành viên trong đoàn cứ mặc cảm tội lỗi với tổ tiên. Ông nói đó là nỗi đau lớn nhất mà những người làm nghề khảo cổ phải đối diện.
Đêm về khuya, nước sông Đà rì rào. Trằn trọc mãi vẫn không ngủ được, tiến sĩ Liêm bật dậy, ngồi nhìn ra sông như tìm kiếm mông lung. Ông nói ông đã đi nhiều, khai quật nhiều nhưng Liệp Tè đối với ông có một điều gì đó cuốn hút kỳ lạ.
Ông kể: “Nó gắn bó với tôi từ những ngày đầu về viện khảo cổ, đi gần cả một đời người rồi mà những bí ẩn từ phiến đá kia vẫn chưa được sáng tỏ. Cái nghiệp này nặng lắm, khi gắn mình với một di chỉ nào rồi thì như nợ với tiền nhân một lời hứa. Nhiều lần những người buôn bán đồ cổ liên hệ với chúng tôi nhưng đều bị từ chối, bởi chúng tôi không đánh giá giá trị của cổ vật theo sức nặng đồng tiền. Sức nặng của cổ vật nằm ở giá trị văn hóa, mà nói về văn hóa thì vô giá, không thể đo đếm được. Những ai xem nghề này là nghiệp luôn tâm niệm rằng cái gì thuộc về lòng đất thì trả về cho lòng đất, không được tơ hào dù là một viên cuội nhỏ. Có chuyến tôi được điều gấp đi khai quật những ngôi mộ cổ để chống lại vấn nạn đào trộm. Vừa đến nơi, chẳng biết do hiểu nhầm làm sao mà chính quyền lại giam lỏng mấy ngày, phải đợi cơ quan đến bảo lãnh mới được ra. Đó là lần tôi suýt bị gán cho cái tội đào trộm mộ cổ”.
Tiến sĩ Liêm nói sau gần một đời người gắn bó với nghề, đến nay như bao nhà khảo cổ khác ông chỉ ước một điều: đó là những di chỉ, di tích của cha ông để lại được tôn trọng một cách xứng đáng hơn, bởi đó là báu vật vô giá mà thế hệ hôm nay phải biết gìn giữ và tôn tạo cho con cháu mai sau.
THẾ ANH
______________________
Không chỉ tìm đến di chỉ rồi đào đào, bới bới mà những nhà khảo cổ còn phải ghi chép lại bằng hình ảnh của di chỉ từng lớp một trong suốt quá trình khai quật, tiếp theo họ phải thổi hồn cho từng viên cuội, mảnh gốm để nó có thể thốt lên lời trên những trang tư liệu lịch sử.
Kỳ tới: Thổi hồn vào cổ vật