Thứ Hai, 20/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/01/2019 10:13 3877
Điểm: 4.5/5 (2 đánh giá)
Người Nhật có một tôn giáo riêng là Thần đạo (Shinto), thờ Thái Dương thần nữ và chư vị thần linh theo tín ngưỡng đa thần cổ truyền. Đền Thần đạo hiện diện khắp “xứ sở mặt trời mọc”. Khoảng giữa thế kỷ 6, Phật giáo từ Trung Hoa du nhập vào Nhật Bản, nhanh chóng dành vị thế độc tôn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính giới Nhật Bản, đặc biệt là trong thời Nara (710-794) và thời Kamakura (1185-1333). Được nhà nước bảo trợ, chùa chiền được xây cất ở khắp xứ Phù Tang, cùng với những ngôi đền Thần đạo, trở thành những địa chỉ khai sinh và nuôi dưỡng đời sống tâm linh của người Nhật suốt cả ngàn năm qua. Đó là những nơi mà người Nhật thường đến cầu nguyện những điều tốt lành và mong ước may mắn, bình yên cho bản thân và gia đình, nhất là trong dịp xuân về, Tết đến.

Người Nhật có một tôn giáo riêng là Thần đạo (Shinto), thờ Thái Dương thần nữ và chư vị thần linh theo tín ngưỡng đa thần cổ truyền. Đền Thần đạo hiện diện khắp “xứ sở mặt trời mọc”. Khoảng giữa thế kỷ 6, Phật giáo từ Trung Hoa du nhập vào Nhật Bản, nhanh chóng dành vị thế độc tôn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính giới Nhật Bản, đặc biệt là trong thời Nara (710-794) và thời Kamakura (1185-1333). Được nhà nước bảo trợ, chùa chiền được xây cất ở khắp xứ Phù Tang, cùng với những ngôi đền Thần đạo, trở thành những địa chỉ khai sinh và nuôi dưỡng đời sống tâm linh của người Nhật suốt cả ngàn năm qua. Đó là những nơi mà người Nhật thường đến cầu nguyện những điều tốt lành và mong ước may mắn, bình yên cho bản thân và gia đình, nhất là trong dịp xuân về, Tết đến. 

Chùa Asakusa-tera ở Tokyo, nơi du khách thường đến xin xăm và cầu may

Đền Asakusa-taisa ở Tokyo, là nơi người Nhật thường đến cầu may vào đầu năm mới

Ngày đầu năm mới, người Nhật có tục đi viếng đền chùa, tiếng Nhật là hatsumoude. Họ đến đây cầu nguyện, cúng dường công đức, xin xăm, viết sớ cầu an hay chỉ để mua những vật may mắn (omamori) về treo ở nhà, hay mang theo bên mình để mong được may mắn, bình an trong cả năm.

Lá xăm, tiếng Nhật là omikuji, có “bán” trong tất cả các đền chùa ở Nhật. Khách viếng đền chùa, trả 100 yên cho thủ từ hay nhà sư là được rút một thẻ tre có ghi số từ một chiếc hộp kim loại. Tùy vào số ghi trên thẻ, khách sẽ nhận được một omikuji tương ứng. Đó là tờ giấy nhỏ có ghi chữ cát (kichi: tốt) hay hung (kyou: xấu) bằng chữ Hán, với các cấp độ tốt xấu khác nhau, kèm những chú giải bằng tiếng Nhật. Người nhận được lá xăm tốt thường cất vào ví, luôn mang theo bên người để luôn được may mắn, tốt lành. Người gặp lá xăm xấu thì gấp lại, treo lên những cây thông nơi đền chùa. Cây thông, tiếng Nhật là matsu, đồng âm với động từ matsu có nghĩa là “đợi chờ”. Việc treo lá xăm xấu ở cây thông hàm ý thân chủ cứ kiên tâm chờ đợi, điều xấu sẽ qua đi và vận may lại đến. Vì tục lệ này mà những cây thông trong khuôn viên đền chùa ở Nhật Bản luôn luôn “trĩu nặng” omikuji, nhất là ở những đền chùa danh tiếng như Asakusa-taisa (ở Tokyo), Ise-taisa (ở Mie), Kyomizu-tera (ở Kyoto), Izumo-taisa (ở Shimane)…

 

Nơi bán xăm và bùa cầu may ở chùa Asakusa-tera

Mỗi lần rút xăm du khách tự giác trả 100 yen ở nơi này

Ngôi đền Izumo-taisa nổi tiếng ở tỉnh Shimane quanh năm đón khách hành hương đến viếng và xin xăm

Ngoài omikuji bằng giấy, người Nhật còn viết điều ước của mình lên ema. Đó là những phiến gỗ thông, kích thước cỡ 20 x 14 cm, có dây treo màu đỏ. Khách viếng đền chùa bỏ 500 yên để mua một ema, ghi điều ước nguyện của mình lên đó, rồi mang treo vào những chiếc giá dựng sẵn trong sân. Những lời ước nguyện ấy sẽ được lưu giữ trong suốt một năm trong khuôn viên đền chùa, trước khi bị thay thế bởi những lời ước của năm mới. Đền Meiji-jingu thờ Minh Trị Thiên Hoàng (tại vị: 1868-1913) ở Tokyo là nơi đón nhiều du khách đến ghi ước nguyện lên ema bậc nhất Nhật Bản, nhất là trong những ngày đầu xuân. Đến cầu may ở đền này, du khách còn có cơ hội bói thơ, giống như người Việt Nam bói Kiều. Người ta tuyển chọn 100 bài thơ của Minh Trị Thiên Hoàng, mỗi bài hai câu, in vào hai mặt của một mẫu giấy nhỏ, gấp làm đôi. Các bài thơ được đánh số từ 1 đến 100. Khách viếng đền trả 200 yên để được rút một chiếc thẻ có ghi số và được nhận một tờ giấy có in bài thơ tương ứng với số ghi trên thẻ. Nội dung bài thơ được xem như lời sấm truyền về vận hạn trong năm, hay đơn giản chỉ là lời khuyên đầy ẩn dụ và giàu triết lý đối với người bói thơ. Hiện nay, do có nhiều người nước ngoài đến viếng đền Meiji-jingu, nên ngoài các bài thơ in bằng tiếng Nhật, nhà đền còn in thơ của Minh Trị Thiên Hoàng bằng tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Trung để du khách quốc tế dễ dàng bói thơ.

Những vu nữ (miko) trợ tế ở đền Izumo-taisa

Những lá xăm xấu được “gửi” lại nơi cây thông này

Cây thông hàng trăm năm tuổi trong khuôn viên đền Izumo-taisa là nơi giữ những lá xăm xấu của khách hành hương

Chùa Kyomizu-tera là nơi đón du khách đến xin xăm và cầu may nhiều nhất ở Kyoto

Ema của du khách treo ở chùa Kyomizu-tera

Đền Meiji-jingu, nơi thờ Minh Trị Thiên Hoàng là nơi du khách thường xuyên đến viếng

và bói thơ của Minh Trị Thiên Hoàng

Đối với người Nhật, tục đi viếng đền chùa đầu năm không chỉ để cầu may, cầu an hay cầu phúc mà còn là dịp để hạnh thí công đức. Sau khi vào đền rung chuông hành lễ, người Nhật thường đến nơi tiếp nhận công đức để cúng dường. Mỗi đền chùa đều in sẵn các tờ sớ mẫu, để trống các mục ghi tên, địa chỉ và số tiền công quả để người cúng dường tự tay điền vào. Sau khi tiếp nhận công đức, thủ từ hoặc sư trú trì đích thân trao tờ sớ chứng nhận cùng với các kỷ vật của đền chùa cho thí chủ. Những kỷ vật này được gọi chung là omamori, thường là các mẫu giấy, mẫu vải được tạo hình khéo léo, xinh xắn, trên đó có in tên của đền chùa cũng những lời chúc may mắn, hạnh phúc. Những omamori này được bọc trong những túi plastic nho nhỏ, hay tạo thành những món quà kỷ niệm xinh xắn, có dây đeo, để thí chủ mang về treo ở nhà, ở trong ô tô, hoặc đeo nơi túi xách, điện thoại… Đặc biệt, ở tỉnh Shimane thuộc vùng Trung bộ Nhật Bản có ngôi đền Izumo-taisa, được coi là đền tổ của Thần đạo Nhật Bản. Ngôi đền này có mái lợp làm bằng các lá gỗ xếp lớp dày chừng 20 cm. Cứ 60 năm, mái của ngôi đền này sẽ được tu bổ và thay mới một lần. Những lớp gỗ từ lá mái cũ sẽ không bị đốt bỏ mà được cắt thành từng mảnh nhỏ, gói vào giấy chỉ (washi), làm thành các omamori để thủ từ trao tặng cho những thí chủ cúng dường công đức trong suốt 60 năm sau đó, cho đến kỳ tu bổ kế tiếp.

  Thơ của Minh Trị Thiên Hoàng được dịch sang tiếng Anh để phục vụ như cầu bói thơ của du khách quốc tế ở đền Meiji-jingu

Ngôi đền Yasaka-taisa ở Kyoto quanh năm đón khách đến viếng, xin xăm, xin bùa

cầu may

Cầu may 20: Những điều ước của du khách viết trên giấy treo trước đền Yasaka-taisa

Du khách cầu nguyện trước miếu thờ Thái Dương Thần Nữ trong khuôn viên đền Yasaka-taisa

Ngoài các omamori để cầu an và cầu may, các đền chùa Nhật Bản còn bán những lá bùa trừ tà, gọi là hamaya. Đó là những vật hình mũi tên, có gắn các mảnh giấy hoặc các phiến ema kích thước nhỏ, trên đó ghi các câu bùa chú để tiểu trừ ma quỷ. Người Nhật tin rằng nếu có hamaya trong nhà hay giữ bên mình thì sẽ tránh được mọi điều xúi quẩy và không bị yêu ma làm hại.

Lá xăm hình chiếc quạt có chữ Đại cát ở chùa Chion-ji.

Tôi đã may mắn hưởng một cái Tết Nhật khi du học nơi này, về sau, lại có nhiều dịp sang Nhật công tác đầu năm, nên đã nhiều lần du xuân cầu may trong các đền chùa ở Tokyo, Kyoto, Nara, Shimane... Ấy là những khoảnh khắc tuyệt vời đối với tôi, bởi đó là lúc tôi có thể trút bỏ mọi lo toan thường nhật để giao hòa với cõi tâm linh nơi xứ người. Những omikuji, ema, omamori, hamaya… mà tôi thụ đắc trong những dịp hatsumoude ấy, không phải là thứ “để vui là chính” như nhiều người từng nghĩ, mà chính là những “vật dẫn tâm linh”, hướng tôi tới những điều tốt lành, những thiện đức, vốn đang xa vắng dần trong cõi người này. Bởi vậy nên dù đã nhiều lần cầu may trong các đền chùa Nhật Bản, tôi vẫn luôn ao ước được trở lại đất nước Phù Tang xinh đẹp để tìm hạnh ngộ trong mỗi dịp xuân về.

TS.Trần Đức Anh Sơn

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6800

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Thăm sưu tập pháp lam Huế của Loan de Fontbrune ở Paris

Thăm sưu tập pháp lam Huế của Loan de Fontbrune ở Paris

  • 28/12/2018 23:12
  • 7423

Loan de Fontbrune là người Pháp gốc Việt, một nhà sưu tập tranh có tiếng ở Paris. Theo gia đình sang định cư ở Pháp từ năm 1979, người phụ nữ từng đoạt danh hiệu “Hoa khôi người Việt tại Tây Âu” này đã theo học ngành lịch sử nghệ thuật và khảo cổ tại Trường Nghệ thuật Louvre. Chị cũng theo học ở Viện Nghệ thuật và Khảo cổ Michelet và theo học tiếng Hoa và tiếng Nhật tại Học viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông ở Paris. Sau khi tốt nghiệp, nhờ thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức, Loan de Fontbrune được tuyển dụng vào làm việc tại Phòng Trung Hoa và Đông Nam Á của Bảo tàng Guimet. Năm 1996, sau khi “sếp” của chị là ông Albert Le Bonheur, chuyên gia đặc trách về văn hóa và mỹ thuật Champa và Khmer qua đời thì Loan de Fontbrune rời Bảo tàng Guimet để trở thành một nhà sưu tầm và nghiên cứu độc lập.