Dê chữ Hán viết là 羊 (dương), nhưng chữ 羊 cũng có nghĩa là cừu. Dê và cừu là hai loài khác nhau nhưng không hiểu vì sao đều được gọi là 羊, trong khi kho Hán tự của Trung Quốc có tới mấy vạn chữ. Cũng vì thế mà các đề tài trang trí liên quan đến chữ 羊 trong mỹ thuật cổ Trung Hoa, chẳng hạn như trong đề tài Tô Vũ mục dương (蘇武牧羊), thường được dịch sang tiếng Việt là Tô Vũ chăn dê, nhưng trong nhiều trường hợp thì cừu lại xuất hiện thay cho dê.
Dê chữ Hán viết là 羊 (dương), nhưng chữ 羊 cũng có nghĩa là cừu. Dê và cừu là hai loài khác nhau nhưng không hiểu vì sao đều được gọi là 羊, trong khi kho Hán tự của Trung Quốc có tới mấy vạn chữ. Cũng vì thế mà các đề tài trang trí liên quan đến chữ 羊 trong mỹ thuật cổ Trung Hoa, chẳng hạn như trong đề tài Tô Vũ mục dương (蘇武牧羊), thường được dịch sang tiếng Việt là Tô Vũ chăn dê, nhưng trong nhiều trường hợp thì cừu lại xuất hiện thay cho dê.
Tôi xin bàn đôi điều về hình tượng dương - dê - cừu qua hai điển tích Tô Vũ mục dương (蘇武牧羊) và Tam dương khai thái (三羊開泰) trên gốm sứ cổ.
* Điển tích Tô Vũ mục dương
Theo sử sách Trung Quốc thì Tô Vũ (蘇武), tự là Tử Khanh, người đất Đỗ Lăng, làm quan dưới triều Hán Vũ Đế (156 - 87 trước CN), giữ chức Trung Lang tướng. Bấy giờ nhà Hán làm chủ ở trung nguyên nhưng luôn bị các tộc người thiểu số xung quanh quấy nhiễu, đặc biệt là tộc Hung Nô ở phương Bắc. Hán Vũ đế bèn cử Tô Vũ đi sứ Hung Nô để điều đình. Chúa Hung Nô là Thiền Vu [cũng có tài liệu viết là Đan Vu, có lẽ do chữ Thiền (嬋) và chỉ Đan (單) có tự dạng hơi giống nhau: chữ Thiền có bộ女 (nữ) ở phía trước, chữ Đan không có] ra uy với Tô Vũ nhưng ông không phục. Thiền Vu liền sai hai hàng tướng người Hán là Lý Lăng và Vệ Luật đến chiêu hàng Tô Vũ nhưng bị ông cự tuyệt và mắng hai người này là những kẻ phản bội. Chúa Hung Nô tức giận, bắt Tô Vũ giam vào hang đá không cho ăn uống. Tô Vũ phải hớp những giọt sương móc và gặm chiếc áo lông cừu để sống sót. Thiền Vu thấy Tô Vũ bị đày đọa, bỏ đói mà không chết, tưởng ông là thần nhân nên lấy làm kinh sợ, không dám hại nữa mà đày ông đến đất Bắc chăn dê, giao hạn cho tới khi nào dê đực đẻ ra dê con thì mới cho ông quay về nước Hán. Ở nơi đất Bắc băng giá, hoang vu, Tô Vũ ngày đi chăn dê, tối ngủ hang đá, đói thì đào hang bắt chuột mà ăn, khát thì vốc tuyết mà ngậm. Ông làm bạn với cỏ cây, cầm thú và kết bạn tình với một “nàng” vượn cái, sinh hạ được một đứa con. Suốt 19 năm bị đày ải cùng cực nhưng Tô Vũ vẫn giữ tấm lòng trung trinh với Hán triều, kiên cường cầm cây cờ tiết của sứ giả nhà Hán ngày ngày đi chăn dê chờ ngày quy quốc.
Đến đời Hán Chiêu đế (95 - 74 trước CN), Hán và Hung Nô giảng hòa. Vua nhà Hán đòi chúa Hung Nô trao trả Tô Vũ. Chúa Hung Nô nói dối là Tô Vũ đã chết. Mưu sĩ của Hán Chiêu đế là Thường Huệ là bày kế: sai sứ sang Hung Nô báo tin là Hán Chiêu đế đi săn trong Thượng Lâm viên, bắn được một con chim nhạn từ phương Bắc bay về, nơi chân có buộc bức thư của Tô Vũ cho biết ông vẫn còn sống và đang chăn dê cho Hung Nô ở phương Bắc. Thiền Vu tưởng thật bèn cho thả Tô Vũ về nước Hán. Khi Tô Vũ vào cung bái kiến Hán Chiêu đế, thì râu tóc đã bạc phơ, trên tay vẫn cầm cây cờ tiết của sứ giả nhưng đã rụng hết tua giải.
Hán Chiêu đế rất cảm kích, còn quan dân trong nước thảy đều ngưỡng mộ và kính trọng tiết tháo của Tô Vũ. Sau khi qua đời, Tô Vũ được Hán đế cho vẽ chân dung thờ ở gác Kỳ Lân làm kỷ niệm. Kể từ đó, điển tích Tô Vũ mục dương được đời sau truyền tụng, coi đó là biểu tượng của lòng trung thành và được phản ánh rất nhiều trong văn học và mỹ thuật của Trung Hoa và Việt Nam.
* Điển tích Tam dương khai thái
Trong nhiều văn bản hay trên các tác phẩm mỹ thuật cổ của Trung Quốc, điển tích Tam dương khai thái thường được thể hiện bởi ba con dê đang gặm cỏ hoặc thong thả đùa vui trên thảm cỏ xuân, đôi khi có dòng chữ Hán 三羊開泰 minh họa cho hình vẽ.
Song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hình tượng ba con dê biểu trưng cho điển tích này chỉ là một kiểu chơi chữ đồng âm mà thôi. Còn chữ dương trong Tam dương khai thái, thực ra không phải là chữ 羊, nghĩa là dê hay cừu như nhiều người vẫn nghĩ.
Theo nhà văn Bùi Bình Thi, tam dương là rằm tháng Giêng âm lịch, kỳ trăng tròn thứ ba trong chu kỳ: nhất dương (rằm tháng Một) - nhị dương (rằm tháng Chạp) - tam dương (rằm tháng Giêng) của năm âm lịch. Nhất dương ứng với quẻ Lâm trong Kinh Dịch, nghĩa là “chiếu từ trên xuống”. Nhị dương ứng với quẻ Phục trong Kinh Dịch, nghĩa là “báo đáp”. Tam dương ứng với quẻ Thái trong Kinh Dịch, nghĩa là “bình yên, to lớn, rộng rãi”. Đây là lúc thời vận tột bậc. Rằm tháng Giêng được coi là khởi đầu của một năm mới tốt lành, hanh vận, nên gọi là Tam dương khai thái.
Cũng theo nhà văn Bùi Bình Thi thì do ý nghĩa tốt lành của quẻ Thái nên trong kỳ trăng tròn của tam dương (ngày và đêm 14 và 15 tháng Giêng âm lịch), người xưa thường đi chơi trăng để cho thân thể, não bộ của mình được hưởng trọn vẹn nguyên khí, vốn cực thịnh vào dịp này. Nguyên khí (khí bản nhiên) trong đêm rằm tam dương là tốt nhất so với 11 đêm rằm khác trong năm. Nguyên khí này được các loài thảo mộc hấp thụ tuyệt vời, đặc biệt là cây vải (lệ chi). Vì thế mà trong vườn của các vị quan lại hay các bậc trí giả đời xưa thường trồng những cây vải, lâu ngày thành đại thụ. Vào các đêm 14, 15 và 16 tháng Giêng âm lịch, các vị ấy thường mắc võng dưới tán cây vải, đắp chăn bông có vỏ chăn làm bằng đũi dệt từ tơ tằm, để ngủ. Đó là giấc ngủ thật ngon vì nguyên khí của tam dương đã được cây vải hấp thụ trọn vẹn, sẽ thẩm thấu vào người ngủ dưới tán của nó. Tức là nguyên khí từ trời đất đã truyền sang thảo mộc và thấm đẫm vào nhân sinh vậy.
Huyền thoại nước Nam cũng kể rằng Nguyễn Trãi có Lệ Chi viên là vì vậy. Dịp tam dương nào Nguyễn Trãi cũng mắc võng dưới tán vải để ngủ, ngoại trừ một năm vì bận rộn với việc nước nên Nguyễn Trãi đã không tận hưởng nguyên khí của tam dương khai thái như lệ thường. Kết cục là năm ấy (năm 1442) đã xảy ra “vụ án Lệ Chi viên” oan khốc, khiến cho ba họ nhà Nguyễn Trãi bị Lê triều đoạt mạng.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2005, khi đến thăm Bảo tàng Gốm sứ ở Cảnh Đức Trấn, “thủ đô gốm sứ” của Trung Quốc, tôi bắt gặp một cái lọ hình củ tỏi, thân dẹt cổ vút, cao chừng 30 cm. Thân lọ phủ men màu đen điểm xuyết màu chàm, bao quanh ba hình tròn lớn phủ men màu huyết dụ; phần trên cổ và miệng lọ phủ men trắng (ảnh 1).
Điều thú vị là chú thích chiếc bình này được ghi bằng Trung văn như sau: 三阳开泰长颈扁肚瓶 (Tam dương khai thái trường cảnh biển đỗ bình), nghĩa là “bình thân dẹt, cổ cao (trang trí) tam dương khai thái”. Không có con dê hay con cừu nào được vẽ trên chiếc bình này, thay vào đó là ba hình tròn màu đỏ, tựa ba vầng mặt trời được bố trí cân đối quanh thân bình. Tôi hỏi ông Sào Hải Thanh, thợ làm gốm lừng danh Cảnh Đức Trấn, là người hướng dẫn tôi đi tham quan hôm đó: “Sao chữ ‘dương’ ở đây không viết là 羊 mà viết là 阳 và sao tôi không thấy con dê nào trên chiếc bình này?”. Ông Sào trả lời: “Tam dương khai thái ở đây nghĩa là ‘ba vầng mặt trời báo hiệu thời vận hanh thông’. Còn hình tượng ba con dê thường thấy trên gốm sứ chỉ là cách ‘mượn hình diễn ý’ mà thôi. Tam dương khai thái viết như thế này mới đúng”.
Chữ 阳 là chữ 陽 viết giản thể, có nhiều nét nghĩa, trong đó có một nét nghĩa là “mặt trời”. Vậy là điển tích Tam dương khai thái đã được người Trung Quốc diễn dịch khác với những gì mà người Việt từng nghĩ.
* Dương - dê - cừu trên gốm sứ cổ
Hình tượng dê và cừu hàm ý chữ 羊 (dương) xuất hiện trên nhiều đồ sứ cổ Trung Hoa và Việt Nam, nhất là qua hai điển tích Tô Vũ mục dương và Tam dương khai thái. Nhiều món đồ sứ vẽ lam thời Minh - Thanh hay vẽ cảnh Tô Vũ râu tóc bạc phơ, tay cầm cờ tiết lùa đàn dê hoặc đàn cừu lên núi gặm cỏ, hoặc là hình ảnh Tô Vũ tay cầm cờ tiết, ngồi tựa gốc cổ tùng dõi nhìn đàn dê đang gặm cỏ xung quanh. Nhiều món đồ sứ màu cuối thời Thanh vẽ hình ba vị tiên “phó hội đào viên”, xung quanh có ba con cừu tung tăng chạy nhảy rất ngộ nghĩnh, thể hiện điển tích Tam dương khai thái.
Ở Việt Nam, đồ gốm Bát Tràng, đồ gốm Lái Thiêu và đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn có rất nhiều món đồ trang trí hai điển tích Tô Vũ mục dương và Tam dương khai thái.
Dòng gốm Bát Tràng có pho tượng tráng men ngũ sắc, niên đại khoảng thế kỷ XIX, tạo hình Tô Vũ đứng cầm gậy, dưới chân có con dê đang phủ phục (ảnh 2); hay chiếc bình men rạn thế kỷ XIX, thân đắp nổi đồ án trang trí Tô Vũ mục dương phủ men nhiều màu (ảnh 3); hoặc chiếc bình phủ men hồng niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX, ngoài thân đắp nổi hình ba con dê trắng đang gặm cỏ dưới bóng cây so đũa trong điển tích Tam dương khai thái (ảnh 4).
Dòng gốm Lái Thiêu có chiếc lọ hoa phủ men vàng và lục, niên đại khoảng thế kỷ XIX, tạo hình cách điệu thành một pho tượng Tô Vũ ngồi dưới bóng cây mai, bên cạnh có lá cờ tiết và một con dê đang quỳ dưới chân ông (ảnh 5).
Dòng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn cũng có rất nhiều món đồ sứ men trắng vẽ lam trang trí hai đề tài Tô Vũ mục dương và Tam dương khai thái.
Trong sưu tập đồ sứ ký kiểu của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh có chiếc điếu hút thuốc lào đời Tự Đức (1848 - 1883) vẽ tích Tô Vũ mục dương, theo lối “nhất thi, nhất họa”: nửa thân điếu vẽ hình Tô Vũ đầu đội mũ, tay cầm cờ tiết, ngồi dưới cội lão mai, trông đàn dê đang ăn cỏ; nửa thân bên kia viết bài từ bằng chữ Hán: “Thử khả quật. Tuyết khả niết. Bất khả vong Hán tiết. Luật bội xoa. Lăng tham sinh. Tô quân độc hữu tâm đầu huyết nhiệt. Kiêu động cốt đoàn thành thiết. Mục đê, đê nhủ không nhiêu thiệt”, nghĩa là: Chuột có thể đào lên. Tuyết có thể gặm mòn. Không thể làm mất tiết tháo sứ Hán. Vệ Luật hàng giặc. Lý Lăng tham sống. Ông Tô một mình giữ bầu máu nóng. Bộ xương gầy cử động luyện cứng thành sắt thép. Chăn dê đực, dê đực không có sữa để thấm lưỡi. (Trần Đình Sơn phiên âm và dịch nghĩa).
Ông Trần Đình Sơn còn có một chiếc dĩa trà, loại dĩa bàn bo sáp, tích Tam dương khai thái, vẽ một con dê đen, một con dê trắng và một con dê đốm đang gặm cỏ nơi một mỏm núi có vách đá dựng đứng và bóng đại thụ che phủ.
Nhà sưu tập Đoàn Phước Thuận ở Tuy Hòa (Phú Yên) đang sở hữu chiếc đĩa trà hiệu 玩玉 (Ngoạn ngọc) vẽ tích Tam dương khai thái, loại dĩa bàn bo gãy, niên đại khoảng giữa thế kỷ XIX. Lòng đĩa vẽ ba con dê: đen - trắng - đốm đang nhởn nhơ trên thảm cỏ xanh, xa xa là bóng cổ thụ và vầng thái dương ở trên nền trời (ảnh 6).
Trên một website giới thiệu cổ vật của một sưu tập cá nhân có giới thiệu hình chiếc ấm trà sứ ký kiểu thế kỷ XIX. Thân ấm vẽ hình một mục đồng ngồi dưới bóng cây liễu, tay cầm roi, mắt dõi theo bầy dê đang gặm cỏ gần đó. Trên nắp ấm có vẽ chú dê non hai sừng đang chạy nhảy trên thảm cỏ (ảnh 7).
Ngoài ra còn có một chiếc điếu hút thuốc lào vẽ tích Tô Vũ mục dương, cũng là đồ sứ ký kiểu đầu thời Nguyễn. Điếu hình khối cầu, hiệu đề chữ Thọ viết theo lối triện tròn. Thân điếu trang trí theo lối “nhất thi, nhất họa”, vẽ hình Tô Vũ ngồi bên vách núi lớn, tay cầm cờ tiết, đang trông cừu ăn cỏ. Trên đỉnh núi có cây tùng và cây trúc, sau lưng núi có căn nhà, có lẽ là nơi trú ngụ của Tô Vũ. Minh họa cho hình vẽ là hai câu thơ chữ Hán: “每念尽忠扶漢主. 莫言持節牧胡羊: Mỗi niệm tận trung phò Hán chủ. Mạc ngôn trì tiết mục Hồ dương”, nghĩa là: Mỗi tâm niệm đều tận trung phò vua nhà Hán. Im lặng, kiên trì giữ tiết tháo, chăn cừu cho người Hồ (Hung Nô).
Chủ đề dương - dê - cừu còn được thể hiện trong các đồ án: dê ăn lá so đũa, dê cừu cùng gặm cỏ, dê kéo xe… trên nhiều món đồ gốm sứ cổ Trung Hoa và Việt Nam, đang được các nhà sưu tầm trong nước thủ đắc và đang được trưng bày trong nhiều bảo tàng công lập và bảo tàng tư nhân ở nhiều nơi.
TS.Trần Đức Anh Sơn