Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/08/2018 11:38 6472
Điểm: 3.67/5 (3 đánh giá)
Đoan quận công Nguyễn Hoàng cùng với cha là Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim và anh trai Tả Tướng Lãng Quận Công Nguyễn Uông đều là những trung thần vua Lê. Tuy nhiên sau cái chết của cha và sau đó là anh trai, quyền hành rơi vào tay anh rể Trịnh Kiểm. Nguyễn Hoàng vì lo cho số phận của mình, đã nhờ chị gái Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin cho vào trấn thủ Thuận Hóa, Trịnh Kiểm cũng muốn trừ bỏ mối lo bên cạnh mình nên đồng ý. Với tầm nhìn xa trộng rộng cùng tài năng và đức độ, Nguyễn Hoàng đã trụ vững trên vùng đất dữ Thuận Hóa và còn kiêm luôn cả xứ Quảng, ngầm tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ, từng bước thoát khỏi tầm kiểm soát của Trịnh Kiểm, nuôi chí dựng nghiệp lớn.

Đoan quận công Nguyễn Hoàng cùng với cha là Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim và anh trai Tả Tướng Lãng Quận Công Nguyễn Uông đều là những trung thần vua Lê. Tuy nhiên sau cái chết của cha và sau đó là anh trai, quyền hành rơi vào tay anh rể Trịnh Kiểm. Nguyễn Hoàng vì lo cho số phận của mình, đã nhờ chị gái Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin cho vào trấn thủ Thuận Hóa, Trịnh Kiểm cũng muốn trừ bỏ mối lo bên cạnh mình nên đồng ý. Với tầm nhìn xa trộng rộng cùng tài năng và đức độ, Nguyễn Hoàng đã trụ vững trên vùng đất dữ Thuận Hóa và còn kiêm luôn cả xứ Quảng, ngầm tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ, từng bước thoát khỏi tầm kiểm soát của Trịnh Kiểm, nuôi chí dựng nghiệp lớn.

Xét về mặt chính danh, thì quốc công là tước cao nhất của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trong khi đó, ở miền Bắc với cương vị người phò tá vua Lê, cháu ruột gọi Nguyễn Hoàng bằng cậu là Trịnh Tùng, vào năm 1599 đã được phong làm Đô nguyên súy Tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương. Và tước vương được truyền từ đời này đến đời khác. Điều đó cho thấy, theo quan điểm chính thống của triều đình nhà Lê và dưới con mắt của nhà Thanh chỉ có một chúa Trịnh ở Đàng Ngoài với tước vương, còn dòng họ Nguyễn ở Đàng Trong chỉ được coi như những quan trấn thủ và được phong tước công mà thôi 1.

Văn bia tôn vinh công lao chúa Nguyễn Hoàng tại di tích lăng Trường Cơ tại xã Hương Thọ - Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế (nguồn: internet).

Trong khoảng 40 năm đầu, bên ngoài Nguyễn Hoàng vẫn giữ mối quan hệ bình thường, hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà Lê ngoài Bắc. Bởi vậy, tháng 5 năm Quý Tỵ (1593) khi biết tin Lê – Trịnh đã đánh tan quân Mạc, ông đem quân ra yết kiến vua Lê, được nhà vua khen ngợi công lao trấn thủ phía Nam, tấn phong làm Trung quân đô đốc phủ Tả đô đốc chưởng phụ sự Thái úy Đoan Quốc công. Nguyễn Hoàng đã lưu lại miền Bắc với nhà Lê tới 7 năm, tham gia nhiều trận tiễu trừ dư đảng họ Mạc, nắm vững tình hình mọi mặt ở Bắc Hà, gặp gỡ nhiều anh hùng hào kiệt v.v... Năm 1600, nhân đem quân đi dẹp nội loạn, Nguyễn Hoàng cùng quan bản bộ dong thuyền thẳng vào Thuận Hóa. Từ đó, ông không ra Đông Đô nữa. Có thể nói, từ năm 1600 Nguyễn Hoàng thật sự bắt đầu xây dựng giang sơn riêng cho họ Nguyễn trên đất Thuận – Quảng.

Trước phút lâm chung vào tháng 6 năm 1613, ông để lời ủy thác cho người con trai kế vị là Nguyễn Phúc Nguyên: ... Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta...2

Thực hiện lời dặn của cha, Nguyễn Phúc Nguyên ngay sau khi lên ngôi đã tiến hành xây dựng một chính quyền riêng, không phụ thuộc vào vua Lê – chúa Trịnh, với rất nhiều chính sách cứng rắn, cụ thể: ông đã bãi bỏ toàn bộ hệ thống quan chức theo thể chế của nhà Lê. Tại dinh chúa đã đặt ra ba ty Xá sai, Tương thân, Lệnh sử và cải tổ cơ cấu bộ máy chính quyền Trung ương, theo hướng xây dựng một chính quyền dân sự. Năm 1615, việc cải cách hành chính được tiến hành đến cấp phủ và huyện. Để cai quản phủ và huyện chặt chẽ, tại các dinh chúa Sãi đặt thêm các quan tri phủ và tri huyện. Ngoài ra còn có quan Huấn đạo coi việc học, quan Lễ sinh coi việc tế tự và các quan coi việc thuế, cấp phát lương thực cho quan lại, binh lính ở địa phương, lo việc quản lý phân chia ruộng đất ở thôn xã. Bên cạnh đó, chúa Sãi đã loại bỏ việc thu nhận các quan lại ở Đàng Ngoài do vua Lê – Chúa Trịnh bổ nhiệm, và tự quyết định bổ nhiệm hay giáng cách quan lại từ dinh chúa đến địa phương3.

Với việc xây dựng chính quyền nói trên, chúa Sãi đã và đang tách khỏi sự lệ thuộc vào vua Lê – chúa Trịnh. Hành động đầu tiên thể hiện ý thức độc lập tự chủ ở Đàng Trong là chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã xưng là “Nam Quốc vương Đô Thống”, trong các quốc thư gửi ra nước ngoài (không xưng là Thái Bảo Quận công như vua Lê đã phong) và đã thành tiền lệ cho các chúa đời sau. Khoảng từ 1624, Chúa sãi quyết định đình chỉ việc nộp thuế cho vua Lê. Lấy cớ đòi nộp thuế, năm 1627, chúa Trịnh Tráng đem quan gây chiến với nhưng thất bại phải rút quân.

GS.TSKH Vũ Minh Giang nhận định: Việc Nguyễn Phúc Nguyên tìm mọi cách tách Thuận Quảng ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền Lê – Trịnh không phải chỉ là hành động cát cứ phong kiến đơn thuần vì lợi ích của dòng họ Nguyễn. Nó còn phản ánh một ước nguyện muốn thực thi những chính sách cai trị khác với đường lối chính trị của Đàng Ngoài lúc đó đang theo xu hướng hoài cổ rập khuôn thời Lê sơ, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Về mặt khách quan việc làm của Nguyễn Phúc Nguyên cho thấy xu thế phát triển của lịch sử dân tộc4.

Gần 60 năm sau, đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725), con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được tôn lên kế vị chúa Nguyễn Phúc Thái vào năm 1691, trở thành vị chúa thứ sáu trị vì Đàng Trong. Năm 1693, Nguyễn Phúc Chu được quần thần tấn tôn làm Thái phó quốc công và dâng tôn hiệu là Quốc Chúa. Từ đó về sau, trong các sắc dụ về nội trị và ngoại giao ông đều xưng là Quốc Chúa.

Năm 1702 chúa Nguyễn Phúc Chu, đã cử sứ bộ do Hoàng Thần, Hưng Triệt mang quốc thư và cống phẩm sang Trung Quốc yêu cầu nhà Thanh phong ông làm vua một quốc gia riêng biệt. Tuy nhiên yêu cầu đó không được đáp lại, vì nhà Thanh lo sợ sự lớn mạnh của Đàng Trong sẽ là hậu họa cho Đại Thanh ở phương Nam: “Nước Quảng Nam hùng thị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn. Duy nước An Nam có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được. Việc phong bèn thôi...5. Biết không trông cậy vào nhà Thanh, nên chúa Nguyễn Phúc Chu quyết định hành động một mình. Năm Kỷ Sửu (1709) chúa cho đúc ấn triện khắc hàng chữ Đại Việt Quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo, ấn được gọi là quốc bảo và truyền từ đời này sang đời khác, đến thời vua Minh Mạng vẫn còn giữ. Ấn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Năm 2016 Chính phủ đã công nhận ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo là Bảo vật Quốc gia). Tháng 4 năm Canh dần (1710) chúa cho đúc chuông chùa Thiên Mụ, đích thân làm bài minh khắc vào chuông, tự xưng là Đại Việt quốc vương, bất kể sự không công nhận của chính quyền nhà Thanh và vua Lê ở Đàng ngoài.

Ấn Đại Việt Quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

(nguồn: internet).

Tuy nhiên dứt khoát và hoàn thiện hơn cả là Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Ông được đánh giá là người có vị trí quan trọng trong phả hệ của Nguyễn Tộc cũng như lịch sử phát triển của vùng đất phía Nam. Năm 1744, chúa cho đúc “Quốc vương chi ấn” lên ngôi ở phủ chính Phú Xuân, ban chiếu đại xá trong nước và truy tôn tước vương cho các đời trước từ Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng trở xuống. Sự kiện chính thức xưng vương của Nguyễn Phúc Khoát còn lớn lao hơn vì có ảnh hưởng nhiều lên con cháu, nhất là Nguyễn Ánh, tuy thời trị vì của ông đã bắt đầu cho sự suy vong của sự nghiệp các chúa Nguyễn.

Dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát tình hình kinh tế xã hội đã ổn định. Nếu năm 1689, chủ quyền đất nước chỉ mới đến vùng Gia Định, Đồng Nai thì đến cuối thập niên 50 của thế kỷ XVIII, ranh giới phía nam Đàng Trong đã trải dài tới vùng Cà Mau, Rạch Giá ngày nay. Công lao khai phá của Võ vương đối với đất nước không phải là nhỏ. Có một cơ ngơi ổn định, năm 1744 ông xưng vương hiệu và cải cách nhiều mặt trong đời sống cộng đồng. Trong lúc từ đời Đoan quốc công Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) đến đời chúa Nguyễn Phúc Trú (1725 – 1738), các chúa Nguyễn giữ tước Công, phong Bách thần thì xưng là “Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh đáp phó” bổ quan lại thì dùng các chữ “Thị Phó”, “thị hạ” và ký là “Thái phó quốc công”, dùng ấn “Tổng trấn tướng quân”, thần dân có việc khai trình thì dùng chữ “thân”, chỗ chúa ở gọi là “phủ” thì đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, phủ đổi thành “điện”, thân đổi thành “tấu”, thay ấn Thái phó quốc công bằng ấn “Quốc vương”, đổi chính dinh làm đô thành6.

Công cuộc “Nam Tiến” của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong không chỉ là sự sống còn của hoàng tộc mà còn là nhu cầu phục quốc mở mang lãnh thổ vào phương Nam. Chính từ nhu cầu thiết yếu đó mà nhà nước phong kiến Nguyễn ở Đàng Trong đã có những bước đi và chính sách hết sức tích cực, trước hết là tập hợp dân lưu tán từ khắp mọi nơi cấp phát tiền bạc đưa vào khai phá đất đai, phát triển sản xuất – hình thành xóm làng theo tập tục của người Việt. Việc làm này không chỉ giải quyết được gánh nặng của xã hội – dân lưu tán mà còn sử dụng họ như là một lực lượng tiên phong để khai khẩn vùng đất mới. Thành quả lao động của họ lại được củng cố bảo vệ thông qua các biện pháp quân sự của nhà nước, đóng quân đồn trú làm chỗ dựa cho dân chúng; “phiến loạn thì dẹp, xâm lấn thì trị”; kết hợp ngoại giao với ràng buộc để tạo thế yên ổn và cuối cùng toàn bộ thành quả đất đai khai phá được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt.

Hoài An (tổng hợp)

Nguồn:

1, 5, 6 Lê Nguyễn “Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài”, nxb Hồng Đức, 2017.

3 Phạm Thị Ưng, Lê Trí Duẩn; “Vai trò của một số vị chúa tiêu biểu dưới thời chúa Nguyễn”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, tại Thanh hóa ngày 18-19/10/2008.

2, 4 Nguyễn Quang Ngọc; “Nguyễn Phúc Nguyên: Vị chú của những kỳ công mở cõi đầu thế kỷ XVII”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, tại Thanh hóa ngày 18-19/10/2008.

Nhiều tác giả; “Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta”, nxb Hồng Đức, 2016.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6646

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Matsue cổ kính và quyến rũ

Matsue cổ kính và quyến rũ

  • 27/08/2018 10:51
  • 1824

Tôi trở về Matsue sau hơn 16 năm xa cách. Đó là nơi tôi đã gắn bó trong gần một năm khi lần đầu tiên sang Nhật Bản du học. Từ trong ký ức của tôi, một Matsue cổ kính và quyến rũ chợt đột ngột hiện ra trước mắt, khi chiếc xe bus đêm, khởi hành từ Tokyo về đến ga Matsue vào sáng hôm sau. Tôi và anh bạn Nakamura Masami, quê ở Matsue nhưng đang sống ở Yokohama, có 48 giờ để tìm lại những dấu xưa nơi thành phố thân thương này.