Di tích Chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, cách tỉnh lị Quảng Ngãi 10 km về phía Đông. Ngôi chùa này đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 7 tháng 1 năm 1993 theo Quyết định số 43 VH/QĐ. Đây là một trong số các ngôi chùa cổ còn được bảo tồn khá nguyên vẹn tại Quảng Ngãi. Nơi đây còn nhiều tư liệu thể hiện mối giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa vào thế kỷ 19. Tên gọi dân gian ở địa phương là Chùa Ông Thu Xà, tên chữ là Quan Thánh Tự hay Đại Tự Quan Thánh. Theo tài liệu hiện biết chùa được khởi dựng vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821) do Tứ bang Minh Hương ở các tỉnh Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông cùng nhau tạo lập. Trải qua thời gian, ngôi chùa đã được trùng tu 4 lần vào các năm cuối thế kỷ 19 đầu 20, với sự đóng góp của nhiều vị quan lại triều Nguyễn, thương gia và dân chúng trong tỉnh Quảng Ngãi. Cho đến nay ngôi chùa vẫn giữ nhiều nét của kiến trúc thế kỷ 19. Đáng chú ý là, trong chùa còn lưu giữ 6 tấm bia đá được lập vào năm Thành Thái thứ 7 (1895) và năm Khải Định Canh Thân, (1920) cùng với một quả chuông đúc năm Thành Thái thứ 11 (1899). Đây là quả chuông đồng có nhiều nét đáng chú ý. Bài viết này xin giới thiệu về quả chuông cổ của chùa với những nét riêng biệt hiếm thấy còn lưu giữ ở tỉnh Quảng Ngãi.
Di tích Chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, cách tỉnh lị Quảng Ngãi 10 km về phía Đông. Ngôi chùa này đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 7 tháng 1 năm 1993 theo Quyết định số 43 VH/QĐ. Đây là một trong số các ngôi chùa cổ còn được bảo tồn khá nguyên vẹn tại Quảng Ngãi. Nơi đây còn nhiều tư liệu thể hiện mối giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa vào thế kỷ 19. Tên gọi dân gian ở địa phương là Chùa Ông Thu Xà, tên chữ là Quan Thánh Tự hay Đại Tự Quan Thánh. Theo tài liệu hiện biết chùa được khởi dựng vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821) do Tứ bang Minh Hương ở các tỉnh Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông cùng nhau tạo lập. Trải qua thời gian, ngôi chùa đã được trùng tu 4 lần vào các năm cuối thế kỷ 19 đầu 20, với sự đóng góp của nhiều vị quan lại triều Nguyễn, thương gia và dân chúng trong tỉnh Quảng Ngãi. Cho đến nay ngôi chùa vẫn giữ nhiều nét của kiến trúc thế kỷ 19. Đáng chú ý là, trong chùa còn lưu giữ 6 tấm bia đá được lập vào năm Thành Thái thứ 7 (1895) và năm Khải Định Canh Thân, (1920) cùng với một quả chuông đúc năm Thành Thái thứ 11 (1899). Đây là quả chuông đồng có nhiều nét đáng chú ý. Bài viết này xin giới thiệu về quả chuông cổ của chùa với những nét riêng biệt hiếm thấy còn lưu giữ ở tỉnh Quảng Ngãi.
Quả chuông đồng đang được lữu giữ tại Chùa Ông
Quả chuông đồng Chùa Ông là một trong những quả chuông quý hiếm của làng đúc đồng Chú Tượng còn lưu giữ được tới ngày nay.
Chuông có màu đồng xám, cao 110cm, đường kính miệng 65cm. Quai chuông là 2 tượng rồng đấu lưng vào nhau, tạo hình cánh cung. Rồng có 2 chân đứng, miệng ngậm ngọc, bờm uốn cong; hàng vây lưng hình ngọn lửa, thân rồng mập đúc nổi vẩy cá chép. Trên đỉnh quai là đuôi rồng cuộn xoáy kiểu đặc trưng rồng thời Nguyễn. Thân chuông có hình trụ, phía trên hình chỏm cầu, miệng loe .
Giữa chỏm và thân chuông đúc nổi băng cánh sen. Xung quanh thân chuông đúc nổi các đường gờ chia thân chuông thành 4 ô trên hình chữ nhật đứng và 4 ô dưới hình chữ nhật ngang. Mỗi ô chữ nhật thân trên đúc nổi hoa văn gập thước thợ ở 4 góc. Chính giữa 4 ô trên này đúc nổi 4 chữ Hán theo lối Triện thư: Quan - Thánh - Đế - Quân. Kèm theo 4 ô chữ Triện trên có các dòng lạc khoản chữ Hán đính kèm. Đặc biệt, thể hiện các dòng lạc khoản này, người ta đúc nổi các hàng chữ Hán trên một miếng đồng hình chữ nhật rồi đính ghép vào chuông.
Chi tiết minh văn trên chuông
Theo trình tự 4 ô chữ Triện trên thân chuông, các dòng lạc khoản chữ Hán được đúc theo lối Chân thư như sau:
- Dưới ô chữ 關(Quan) có 2 dòng:
Chữ Hán: 成泰拾一年歲次己亥孟秋下浣吉日
Phiên âm: Thành Thái thập nhất niên tuế thứ Kỷ Hợi, mạnh thu, Hạ cán[1], cát nhật.
Dịch nghĩa: Ngày lành cuối tháng 7, niên hiệu Thành Thái thứ 11, năm Kỷ Hợi (1899).
- Dưới ô chữ 聖 (Thánh) có 1 dòng:
Chữ Hán: 新属清鄉社铸造
Phiên âm: Tân thuộc Thanh Hương xã chú tạo.
Dịch nghĩa: Xã Thanh Hương tân thuộc đúc tạo
- Dưới ô chữ 帝(Đế) có 2 dòng:
Chữ Hán: 正九品百户主祀莊永昌奉铸
Phiên âm: Chánh cửu phẩm, bách hộ[2] chủ tự Trang Vĩnh Xương, phụng chú.
Dịch nghĩa: Chủ tự là Bách hộ, tên Trang Vĩnh Xương, hàm Chánh cửu phẩm, phụng đúc.
-Dưới ô chữ 君(Quân) có 2 dòng:
Chữ Hán: 董理守簿莊泉順奏
Phiên âm: Đổng lý[3], thủ bạ[4] Tuyền Thuận tấu
Dịch nghĩa: Đổng lý, Thủ bạ tên là Tuyền Thuận
Bên phải của ô này có một dòng chữ Hán được khắc bằng tay cho biết nơi đúc: 鑄匠司书頎領製 (Chú Tượng ty[5] thư kỳ lĩnh chế).
Dịch nghĩa: Ty Chú Tượng lãnh việc đúc.
Khoảng giữa 4 ô trên và dưới đúc nổi 4 núm gõ hình hoa 4 cánh bên trong khắc 4 chữ Hán: 春 (Xuân), 夏 (Hạ), 秋 (Thu), 冬 (Đông) thể hiện 4 mùa trong năm.4 ô thân dưới đúc nổi đề tài tứ linh: Long- Ly- Qui- Phượng. Giáp vành miệng chuông đúc nổi 4 núm gõ hình tròn viền băng nhũ đinh, kết nối 4 núm gõ là băng hồi văn chữ Đinh (丁).
Cùng với quả chuông cổ này, ở chùa Ông còn lưu giữ được hệ thống tượng thờ cổ vô cùng qúy báu gồm: tượng Quan Thánh, Châu Thương, Quan Bình, 12 bà mụ...
Như vậy, quả chuông đồng Chùa Ông là một trong số các hiện vật hiếm quý. Trên chuông thể hiện rõ phong cách tạo hình và kỹ thuật đúc đồng truyền thống của làng Chú Tượng, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức. Tuy nhiên so với những quả chuông đồng thời Nguyễn thường đúc tên chùa trên chuông nhưng trên quả chuông này đúc rõ tên vị thần được thờ trong chùa. Trang trí trên chuông, từ hình rồng quai chuông đến bộ tứ linh và băng hồi văn chữ Đinh (丁) hoàn toàn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Minh văn trên chuông được thể hiện độc đáo bằng các thể chữ Hán như Triện thư, Chân thư với kỹ thuật đúc và đính ghép độc đáo rất hiếm gặp trên các chuông đồng Việt Nam. Minh văn chẳng những cho biết rõ thời gian đúc chuông mà còn cho biết thông tin về người chủ sự là Trang Vĩnh Xương với hàm Chánh cửu phẩm.
Đây là quả chuông thuần túy phong cách người Việt nhưng được đúc và sử dụng trong di tích tôn giáo của người Hoa. Qủa chuông là hiện tượng thể hiện rõ sự hòa hợp, giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Hoa vào thế kỷ 19 ở Quảng Ngãi.
Di tích Chùa Ông hiện còn các bộ vì kèo kiến trúc đặc trưng, 6 tấm bia đá cùng quả chuông đồng này và những đạo sắc phong của Vương triều Nguyễn còn lại đến nay cần được bảo tồn và phát huy.
Nguyễn Ái Dung
Tài liệu tham khảo:
1.Nguyễn Ái Dung (2016), Nghiên cứu văn bia tỉnh Quảng Ngãi, Luận văn Thạc sĩ.
2.Đỗ Văn Ninh (2006), Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
3.Trần Đại Vinh (2006), Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.
[1] Hạ cán: Một tháng có 3 kì gọi là Thượng hoán上浣 , trung hoán 中浣 và hạ hoán 下浣,
[2] Bách hộ: Về cuối thời Nguyễn dùng làm phẩm hàm cấp cho người giàu có, địa chủ, bá hộ có tiền có thể mua được. Hệ thống phẩm tước triều Nguyễn vẫn dùng từ nhất phẩm đến cửu phẩm.
[3] Đổng lý: Thời Nguyễn đặt. Chức quan làm trưởng đoàn kiểm tra kho tàng. Thường lấy các quan từ Tứ phẩm trong số các quan khoa đạo của Đô sát viện cho làm.
[4]Thủ bạ: Danh chức thuộc lại. Chức Thủ bạ ở nông thôn giữ việc hộ tịch.
[5] Chú Tượng tên làng xưa, chữ Hán viết là 鑄匠 , có nghĩa là làng làm nghề đúc. Đời vua Đồng Khánh, cũng là tên một thôn làm nghề thủ công (ty), thuộc tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức (Đồng Khánh địa dư chí). Thời chính quyền Sài Gòn, là tên ấp thuộc xã Đức Thọ, quận Mộ Đức. Chú Tượng là làng có truyền thống đúc đồng thịnh đạt nhất trong tỉnh Quảng Ngãi….”.