Thứ Bảy, 25/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/07/2018 00:00 4597
Điểm: 4.29/5 (7 đánh giá)
Thời Lý, tỉnh Thanh Hóa có sự hiện diện của nhiều cổ tự danh tiếng như: Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Linh Xứng, chùa Báo Ân, chùa Hương Nghiêm, chùa Thánh Ân… Bài viết này xin phác thảo đôi nét về kiến trúc các ngôi chùa cổ, dựa trên những thông tin ít ỏi từ hệ thống văn bia thời Lý ở xứ Thanh.

Thời Lý, tỉnh Thanh Hóa có sự hiện diện của nhiều cổ tự danh tiếng như: Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Linh Xứng, chùa Báo Ân, chùa Hương Nghiêm, chùa Thánh Ân… Bài viết này xin phác thảo đôi nét về kiến trúc các ngôi chùa cổ, dựa trên những thông tin ít ỏi từ hệ thống văn bia thời Lý ở xứ Thanh.

Hệ thống chùa cổ ở châu thổ sông Mã thời Lý

Từ nội dung văn bia, có thể khẳng định: thời Lý, Thanh Hóa đã hiện diện ít nhất 5 ngôi chùa, phân bố cụ thể như sau:

- Chùa Linh Xứng nằm trên sườn núi phía đông Ngưỡng Sơn (nay thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) được Tổng trấn Thanh Hóa Lý Thường Kiệt và Sùng Tín trưởng lão chọn đất xây dựng trong 4 năm, từ năm 1085 đến năm 1089.

Ngưỡng Sơn (huyện Hà Trung) - nơi có chùa Linh Xứng và chùa Thánh Ân

- Chùa Báo Ân ở núi An Hoạch (núi Nhồi), nay thuộc huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Chùa do Lý Thường Kiệt chỉ đạo xây dựng từ mùa hạ năm 1099 đến mùa hạ năm 1100, niên hiệu Hội Phong đời vua Lý Nhân Tông.

- Cổ tự Sùng Nghiêm Diên Thánh xây dựng năm 1116 niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 7, đời vua Lý Nhân Tông, trên nền một ngôi chùa cũ ở phía nam thành Cửu Chân, nay thuộc địa phận thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tại xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc

- Chùa cổ Hương Nghiêm được tạo dựng trên vùng đất thuộc làng Phủ Lý, phủ Đông Sơn (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Trấn quốc bộc xạ Lê Lương - một hào trưởng giàu có, từng được Đinh Tiên Hoàng phong tước Kim tử Quang lộc đại phu - xây dựng chùa từ thời nhà Đinh. Trải qua thời gia, Đến năm Đinh Mão (1087), chùa Hương Nghiêm lại bị hư hỏng, Lưu công đã trình đề xuất tu bổ chùa lên Thái úy Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt đã cho sắm sửa gỗ lạt, tu bổ, sửa chữa Chùa.

- Chùa Thánh Ân do Tín nữ Diệu Tính, cháu gọi Thái úy Lý Thường Kiệt bằng cậu, khi lập trang viên ở Ngưỡng Sơn đã “nhằm phía Đông núi, dựng riêng một ngôi chùa” (chính là chùa Thánh Ân). Chùa Thánh Ân được xây dựng trong bốn năm mới hoàn tất. cũng như chùa Linh Xứng, chùa Thánh Ân nay thuộc địa phận xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung (Thanh Hóa).

Do những biến thiên của lịch sử, tác động từ khí hậu nhiệt đới và hệ quả của các cuộc chiến tranh, nên các ngôi chùa xưa bị ảnh hưởng rất lớn. Kết quả thu được từ công tác khai quật khảo cổ học (năm 2009, Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật chùa Linh Xứng trên diện tích khai quật 265,65m2), điều tra, điền dã chỉ mang về những thông tin sơ lược về nền móng, vật liệu xây dựng, di vật thể hiện đời sống sinh hoạt của người dân cũng như tăng ni, phật tử thời Lý còn không gian kiến trúc, cách thức bài trí trong chùa đã bị xóa sạch dấu vết.

Một số hiện vật thu được từ kết quả khai quật khảo cổ học chùa Linh Xứng

(nguồn: Viện Khảo cổ học)

Kiến trúc chùa cổ Thanh Hóa thời Lý

Căn cứ vào nội dung văn bia, có thể hình dung kiến trúc các ngôi chùa cổ trên đất Thanh Hóa như sau:

Chùa Linh Xứng: dẫn vào chùa là một con đường, hai bên đường là sông đào dẫn nước, “sát bên sông dựng đoản đình”. Khách thập phương di chuyển bằng thuyền, bè sẽ dừng chân tại đoản đỉnh trước khi lên chùa lễ Phật. Phật điện “thênh thang ở giữa”, hai bên là nhà trai. Sau chùa có tháp Chiêu Ân “chín tầng chót vót, giăng mắc rèm the”. Tháp Chiêu Ân có bốn cửa, được bao bọc bởi lan can xung quanh, góc mái treo chuông bạc.

Bao quanh thềm chùa là một dãy lan can hàng hiên, sân chùa trồng nhiều loại hoa cỏ. Tượng Ngũ trí Như lai “mạ vàng rực rỡ, ngồi trên tòa sen trồi lên mặt nước” ngự ở chính giữa. Trên tường trang trí 16 vị Bồ tát (thập lục Bồ tát) và rất nhiều họa tiết, hình khối khác “không thể kể xiết” (lược ghi từ Ngưỡng sơn Linh Xứng tự bi minh).

Theo mô tả của văn bia, Linh Xứng là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở trấn Thanh Hóa lúc bấy giờ, là một “vương xá lớn”, thu hút Phật tử muôn nơi đến thỉnh Phật.

Chùa Báo Ân nhìn về phía Nam nơi có “đồng ruộng từng ô xanh tốt”. Trước chùa có một dòng sông chảy ngang. Chùa nằm cạnh núi Bạch Long, phía sau là gò Tường Bằng. An Hoạch sơn báo ân tự bi ký cho biết thêm: Giữa (chùa Báo Ân - TG) đặt tượng phật Thích Ca Mầu Ni, phía sau bày tượng Bồ Tát “mặt đẹp rực rỡ sắc vàng, mình đều sơn vẽ”.

Bia chùa Báo Ân tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chùa Sùng Nghiêm Diên thánh nằm sát đường lớn, mái cong lợp ngói uyên ương, góc mái “vươn lên như cánh bay”, chạm trổ rồng bay phượng múa, chấn song uống lượn. Chùa có tường bao, bốn phía có hành lang, vườn hoa ở bên phải, ao sen bên trái chùa. Trong khuôn viên chùa có nhà khách, nhà bếp. Hệ thống rường cong “như cầu vồng nhô ra”. Ngoài hiên chùa có giá chuông treo “một quả chuông lớn”, dây treo bằng đồng, khi gõ chuông, người ta dùng vồ bằng gỗ để đánh.

Đài sen tại chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh

Tượng phật Thích Ca Mâu Ni đặt ở vị trí trung tâm chính điện, hai bên là tượng Ca Diêp và Từ Thị (phật Di Lặc). Tượng phật bằng đồng, ngự trên đài sen bằng đá. Trước của chùa có đặt Hộ pháp là hòa thượng Tân Đầu ngồi trên núi Ma Lị, trên tường trang trí các chủ đề “duyên nhân quả”. Ngoài tượng đồng thì trong Chùa có cả tượng bằng đất nung (lược ghi từ Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh).

Bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tại xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc

Chùa Hương Nghiêm có cổng rộng lớn, bên trái là gác chuông nguy nga, “trong treo chuông lớn”, bên phải chùa dựng bia đá ghi công đức. Chùa có tường xây bao quanh. Trên tường trổ các ô “làm lan can thoáng mát”. Mái chùa “cong như cánh (chim) trĩ”, ngói xếp lớp lớp như vẩy cá.

Tượng phật trong chùa được đặt trên bệ đá. Bệ tượng trảm khắc hình núi non, sóng nước. Trong chùa “có hoa tươi tốt, ngào ngạt khói hương” (lược ghi từ Càn Ni Hương Nghiêm tự bi minh).

Chùa Thánh Ân đặt tượng Phật ở giữa, hai bên có “các vị Bồ Tát phò tá” (thông tin từ Ngưỡng sơn Linh Xứng tự bi minh).

Bia chùa Linh Xứng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Dựa trên những thông tin ít ỏi từ nội dung văn bia như đã đề cập, bước đầu có thể suy dựng một vài đặc điểm của các ngôi cổ tự ở Thanh Hóa thời Lý như sau:

- Các ngôi chùa thời kỳ này đều có quy mô rất bề thế. Khi xây dựng, người ta luôn ý thức tạo không gian riêng bằng hệ thống tường bao.

- Các đơn nguyên kiến trúc thường được bố trí theo bố cục cân đối, lấy Phật điện làm trung tâm. Tượng Phật được làm từ nhiều loại chất liệu nhưng tượng thờ ở chính điện thường được tạo tác bằng đồng hoặc bằng đá, tô vẽ rực rỡ.

- Mái chùa cong, trên tường trang trí nhiều tranh vẽ, nội dung liên quan đến đạo Phật.

Và quan trọng hơn, với sự hiện diện của không ít cổ tự trong cùng một thời kỳ, có thể khẳng định đồng bằng châu thổ sông Mã là một trong những trung tâm Phật giáo thời Lý.

Phạm Hoàng Mạnh Hà

Tài liệu tham khảo

1.Huyện Ủy, UBND huyện Hà Trung - tỉnh Thanh Hóa (2005), Địa chí Hà Trung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2.Huyện Ủy - HĐND - UBND huyện Hậu Lộc - tỉnh Thanh Hóa (1990), Địa chí huyện Hậu Lộc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3.Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Đông Sơn - tỉnh Thanh Hóa (2006), Địa chí huyện Đông Sơn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4.Phạm Văn Đấu (2011), “Khuông Việt đại sư và Phật giáo ở châu thổ sông Mã”. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập, Hà Nội.

5.Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa (2009), Chùa cổ xứ Thanh, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.

6.Lê Tạo - Nguyễn Văn Hải (2008), Những bia ký điển hình ở Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.

7.Ủy ban Khoa học xã hội, Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý - Trần, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

8.Viện Nghệ thuật - Bộ Văn hóa (1975), Mỹ thuật thời Lý, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

9.Viện Khảo cổ học (2009), Báo cáo kết quả khai quật di tích chùa Linh Xứng, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6814

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Bảo tàng lịch sử tự nhiên Peabody ở đại học Yale Một tượng đài trong “làng Bảo tàng đại học”

Bảo tàng lịch sử tự nhiên Peabody ở đại học Yale Một tượng đài trong “làng Bảo tàng đại học”

  • 16/07/2018 09:48
  • 2050

* Bảo tàng đại học ở xứ người Tôi có nhiều dịp viếng thăm một số trường đại học nước ngoài và thấy rằng phần lớn các trường đại học đều có bảo tàng riêng của mình, cho dù trường đó không mở ngành đào tạo trong lĩnh vực bảo tàng. Bảo tàng trong trường đại học không phải là phòng truyền thống của nhà trường, mà là nơi trưng bày các sưu tập hiện vật về lịch sử, tự nhiên, văn hóa, mỹ thuật của quốc gia và nhân loại. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên thanh danh của nhà trường. Nhiều trường đại học ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Anh, Mỹ… mà tôi từng ghé thăm, sở hữu những bảo tàng danh giá với những bộ sưu tập hiện vật cực kỳ giá trị, cả giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị khoa học lẫn giá trị kinh tế. Chẳng hạn, Bảo tàng Đại học Eewha (Hàn Quốc) là nơi lưu giữ nhiều cổ vật gốm sứ được công nhận là quốc bảo của Hàn Quốc; Bảo tàng Đại học Dongguk (Hàn Quốc) là nơi sở hữu nhiều tác phẩm mỹ thuật cổ, đặc biệt là tượng và tranh Phật giáo, trong đó có nhiều hiện vật được công nhận là quốc bảo; Bảo tàng Đại học Freie (Đức) có nhiều tác phẩm mỹ thuật của các danh họa châu Âu thời Phục hưng và là một trong những điểm tham quan hấp dẫn ở Berlin…