Thứ Bảy, 25/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

21/06/2018 08:46 2700
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nghiên cứu khởi nghĩa Lam Sơn và các công thần tham gia cuộc khởi nghĩa “mười năm nếm mật nằm gai”, GS. Đinh Xuân Lâm từng có phát hiện rất thú vị: “Một nét độc đáo của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống xâm lược Minh, được phát động từ núi rừng miền tây Thanh Hóa năm 1418 dưới sự lãnh đạo tối cao của Lê Lợi, là ngoài việc thu hút đông đảo anh hùng nghĩa sĩ các địa phương trong nước nô nức tìm đường về tựu nghĩa, còn được sự ủng hộ trực tiếp và mạnh mẽ của nhân dân tại chỗ, từ người Kinh đến các tộc thiểu số ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho tới thành công năm 1428. Một trường hợp tiêu biểu là gia đình phụ đạo thôn Dựng Tú (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa) - tức Lê Lai - đã có đến năm người tham gia cuộc khởi nghĩa (Lê Lai - Lê Lư, Lê Lộ, Lê Lâm - Lê Niệm).

Nghiên cứu khởi nghĩa Lam Sơn và các công thần tham gia cuộc khởi nghĩa “mười năm nếm mật nằm gai”, GS. Đinh Xuân Lâm từng có phát hiện rất thú vị: “Một nét độc đáo của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống xâm lược Minh, được phát động từ núi rừng miền tây Thanh Hóa năm 1418 dưới sự lãnh đạo tối cao của Lê Lợi, là ngoài việc thu hút đông đảo anh hùng nghĩa sĩ các địa phương trong nước nô nức tìm đường về tựu nghĩa, còn được sự ủng hộ trực tiếp và mạnh mẽ của nhân dân tại chỗ, từ người Kinh đến các tộc thiểu số ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho tới thành công năm 1428. Một trường hợp tiêu biểu là gia đình phụ đạo thôn Dựng Tú (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa) - tức Lê Lai - đã có đến năm người tham gia cuộc khởi nghĩa (Lê Lai - Lê Lư, Lê Lộ, Lê Lâm - Lê Niệm).

Cùng với gia đình Lê Lai, Khởi nghĩa Lam Sơn còn có sự hiện diện của một gia đình khác, đó là cha con Lê Hiểm - Lê Hiêu. Đáng nói hơn, khi cuộc Khởi nghĩa thành công, nhà Hậu Lê được tạo dựng, gia tộc Lê Hiểm vẫn tiếp tục tham gia bộ máy chính trị đương thời với tư cách là những trọng thần trọng yếu.

Tài liệu để lại cho biết: Lê Hiểm sinh năm 1392, người Mường, quê ở thôn Ngọc Châu, hương Lam Sơn, phủ Thiệu Thiên, nay là vùng đất thuộc huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Lê Hiểm tham gia khởi nghĩa Lam Sơn (phụ trách hậu cần) từ rất sớm - ông là một trong những nghĩa sĩ có mặt tại Hội thề Lũng Nhai năm 1416, thề cùng nhau quét sạch giặc Minh để giành lại giang sơn. Không chỉ có vậy, con Lê Hiểm là Lê Hiêu (có tài liệu chép là Lê Hưu) cũng tham gia cuộc khởi nghĩa này khi mới 13 tuổi. Lê Hiêu sớm được Lam Sơn động chủ tin tưởng, giao phó những nhiệm vụ quan trọng: 17 được sung vào đội quân thủy, tháng tư năm 1428 được phong tước Cung Quốc công, Thượng chủ quốc tham dự triều chính trọng sự.

Theo sách Địa chí huyện Ngọc Lặc, trong danh sách 35 vị công thần trong bản “Ngự danh” do Lê Lợi tự tay ghi công trạng, Lê Hiểm được ghi ở hàng thứ 10: Lê Hiểm làm Hùng Sơn hầu, lộ Khả Lam do có công giúp nước (nguyên văn chữ Hán: Lê Hiểm vi Hùng Sơn hầu, Khả Lam lộ, do phù quốc sự).

Dưới ngọn cờ “bình Ngô công đức tày trời”, hai cha con Lê Hiểm - Lê Hiêu đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng khiến quân Minh kinh hồn bạt vía, tiêu biểu là cuộc phục kích ở Chi Lăng và trận truy kích giặc Minh ở phố Cát. Cụ thể như sau:

- Trận phục kích tại ải Chi Lăng diễn ra ngày 20 tháng chín năm 1427: trước đó, quân xâm lược nhà Minh dưới sự chỉ huy của Liễu Thăng ồ ạt tiến vào địa giới Đại Việt. Nghĩa quân Lam Sơn bỏ ải Pha Lũy, lui về giữ Chi Lăng. Cuộc đụng độ giữa hai bên diễn ra ngày 20 tháng chín. Liễu Thăng dẫn quân tiên phong và rơi vào trận địa phục kích của quân Lam Sơn. Mặc dù còn nhiều giả thuyết về cái chết của đại tướng nhà Minh song các nhà sử học đều thừa nhận: Liễu Thăng đã bỏ mạng tại trận đánh này.

Di tích lịch sử Ải Chi Lăng (Ảnh: Vns360)

- Tại cuộc truy kích giặc Minh ở Phố Cát diễn ra sau cái chết của tướng Lương Minh. Thôi Tụ giữ chức Đô đốc quân Minh thúc quân tiến lên. Ngày 18 tháng 10 năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã phục binh ở Phố Cát, diệt và bắt sống 1 vạn quân địch (có tài liệu chép là 5 vạn) , buộc Thượng thư Lý Khánh “kế cùng” phải thắt cổ tự tử.

Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, hai cha con Lê Hiểm - Lê Hiêu đếu được phong là Đệ nhất khai quốc công thần, được tham dự triều chính; khi mất (không rõ năm nào) được phong là Thượng đẳng phúc thần Đại vương, gia tộc nhà Lê Hiểm được hưởng bổng lộc 100 mẫu ruộng tại xã Phục Đội (nay là xã Tân Phúc, huyện Nông Cống). Cả Lê Hiểm và Lê Hiêu đều được táng tại Lam Kinh.

Đóng góp của Lê Hiểm - Lê Hiêu với khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung đã được các triều đại quân chủ về sau ghi nhận xứng đáng. Lê Hiểm nhận được 7 sắc phong của triều Lê, 3 sắc phong của triều Nguyễn. Lê Hiêu được ban tặng 8 sắc phong (5 của triều Lê, 3 của triều Nguyễn). Hiện các sắc phong này vẫn được lưu giữ tại đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa).

Một bản sắc phong hiện được lưu giữ tại đền (ảnh: Internet)

Đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu được tạo dựng từ năm 1554 trên vùng đất thực phong, nay là thôn 3, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu tại Tân Phúc - Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa (ảnh: dantri.com.vn)

Thông tin từ Biên bản đề nghị xếp hạng di tích ngày 7/12/1992 của Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Thanh Hóa và Lý lịch di tích cho biết: cụm di tích Lê Hiểm - Lê Hiêu gồm các thửa đất số 234 (nhà thờ họ) chiều dài 29m, chiều rộng 11m và thửa 212, chiều dài 49m, chiều rộng 24m.

Để tưởng nhớ công lao của người anh hùng tham gia đánh giặc ngoại xâm cứu nước, hàng năm, vào ngày 16 tháng ba (âm lịch) người dân quanh vùng và con cháu họ Lê lại về đây dâng hương tưởng niệm. Đền Lê Hiểm - Lê Hiêu không chỉ có giá trị văn hóa, lịch sử mà còn có giá trị tinh thần rất lớn đối với người dân nơi đây. Năm 1994, Đền được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu (ảnh: dantri.com.vn)

Một mảng điêu khắc trong đền (ảnh: dantri.com.vn)

Về gia tộc Lê Hiểm, tác giả cuốn Võ tướng Việt Nam trong lịch sử dân tộc cung cấp thêm thông tin: con trai Lê Hiểm là Lê Hội được phong chức Đại Tư đồ, Thái phó Cung quốc công. Cháu nội Lê Hiểm là Lê Phụ được phong Thái sư Lương quốc công. Chắt nội là Lê Kính giữ chức Tán Lý tả thừa chính sứ Văn Nghi hầu. Đến đời thứ 5, Lê Toàn được phong chức Trung hưng Kiệt tiết công thần Tả đô đốc Tĩnh quận công. Cháu đời thứ 7 là Lê Luân giữ chức Thự vệ sự, tước Kiên Dũng hầu.

Cũng như gia tộc Lê Lai, gia tộc Lê Hiểm đời đời phò tá nhà Hậu Lê, có nhiều đóng góp trong việc trị quốc an dân.

PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ

Tài liệu tham khảo

Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Lặc, Địa chí huyện Ngọc Lặc, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2016.

Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (1272 - 1697), Đại Việt Sử ký toàn thư, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Biên bản đề nghị xếp hạng di tích cụm di tích Lê Hiểm - Lê Hiêu tại Tân Phúc - Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, 1992.

Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn, Nhà xuất bản: Giáo dục, Hà Nội, 1996

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6814

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Những ngôi mộ Achaemenid ở nghĩa địa Naqsh-e Rustam tỉnh Fars, Iran

Những ngôi mộ Achaemenid ở nghĩa địa Naqsh-e Rustam tỉnh Fars, Iran

  • 18/06/2018 10:30
  • 2059

Naqsh-E rustam là một nghĩa địa cổ ở tỉnh Fars, Iran. Trong đó có bốn ngôi mộ đặc biệt thuộc về các vị vua Achaemenid được chạm khắc trên mặt đá nhô khá cao trên mặt đất. Các ngôi mộ còn được gọi là thánh giá Ba Tư, dựa vào hình dạng của mặt tiền của các ngôi mộ. Lối vào mỗi ngôi mộ nằm ở trung tâm của mỗi cây thánh giá, mở ra một căn phòng nhỏ, nơi có thi hài nhà vua nằm trong một chiếc quan tài. Chùm ngang của mỗi mặt tiền của ngôi mộ được cho là bản sao của lối vào Persepolitan.