Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/03/2018 04:01 1710
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Kyoto là kinh đô của Nhật Bản trong thời kỳ Heian (794 - 1185). Đây là thời kỳ hoàng kim của tôn giáo, văn hóa, mỹ thuật và kiến trúc Nhật Bản. Trong gần 4 thế kỷ là kinh đô của nước Nhật, nhiều công trình kiến trúc như cung điện, lầu tạ, thần xã, tự viện, công trình văn hóa, mỹ thuật… đã được xây dựng ở Kyoto, khiến cho thành phố cổ kính này trở thành là nơi lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc, nghệ thuật nhiều hơn bất kỳ thành phố nào ở Nhật Bản hiện nay. Trong đó có Hoàng cung Kyoto, một kiệt tác kiến trúc và là biểu tượng của nghệ thuật ngự viên Nhật Bản.

Kyoto là kinh đô của Nhật Bản trong thời kỳ Heian (794 - 1185). Đây là thời kỳ hoàng kim của tôn giáo, văn hóa, mỹ thuật và kiến trúc Nhật Bản. Trong gần 4 thế kỷ là kinh đô của nước Nhật, nhiều công trình kiến trúc như cung điện, lầu tạ, thần xã, tự viện, công trình văn hóa, mỹ thuật… đã được xây dựng ở Kyoto, khiến cho thành phố cổ kính này trở thành là nơi lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc, nghệ thuật nhiều hơn bất kỳ thành phố nào ở Nhật Bản hiện nay. Trong đó có Hoàng cung Kyoto, một kiệt tác kiến trúc và là biểu tượng của nghệ thuật ngự viên Nhật Bản.

Hoàng cung Kyoto.

Nữ sinh Kyoto đi ngang qua Hoàng cung trên đường tới trường.

Năm 784, nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với nền chính trị đương thời, Thiên hoàng Kammu quyết định dời đô từ Heijo-kyo (Nara ngày nay), kinh đô thống nhất đầu tiên của Nhật Bản, đến Nagaoka-kyo (ở gần Kyoto ngày nay). Đến năm 794, Thiên hoàng Kammu lại dời đô từ Nagaoka-kyo đến Heian-kyo (nay là trung tâm cố đô Kyoto), chính thức mở ra thời kỳ Heian dài gần 400 năm trong lịch sử Nhật Bản. Đây là thời kỳ các Thiên hoàng Nhật Bản nắm giữ quyền lực tối cao, cũng là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật, kiến trúc và thi ca Nhật Bản. Hoàng cung Kyoto chính là một tuyệt tác mẫu mực của kiến trúc thời kỳ này. Sau khi Thiên hoàng Kogon lên nắm ngôi vào năm 1331, ông đã cho mở rộng Heian-kyo, tên gọi nguyên thủy của Hoàng cung Kyoto, thành một quần thể cung điện nguy nga tráng lệ để phục vụ cho hoàng gia và tầng lớp quý tộc đương thời. Heian-kyo là trung tâm chính trị và văn hóa của Nhật Bản trong hơn 1.000 năm, cho đến khi Thiên hoàng Meiji dời đô về Tokyo vào năm 1869.

Điện Shodaibunoma trong Hoàng cung Kyoto.

Hoa mai và hoa đào ở phía trước điện Omima.

Mặc dù bị binh lửa tàn phá nhiều phen, nhưng Hoàng cung Kyoto đã được trùng tu và bảo tồn như nguyên trạng vào năm 1855. Năm 1994, UNESCO chính thức công nhận Hoàng cung Kyoto là di sản văn hóa thế giới và trở thành điểm tham quan ao ước nhất của du khách khi họ viếng thăm cố đô cổ kính của Nhật Bản. Tuy nhiên, du khách không dễ tiếp cận nơi này, bởi lẽ chính quyền thành phố Kyoto không chủ trương khuyến khích du khách đến thăm hoàng cung nhằm bảo vệ sự yên tĩnh và trang nghiêm ở nơi này. Để được vào thăm hoàng cung Kyoto, du khách phải đăng ký trước hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Sau đó, phải xuất trình passport, làm thủ tục đăng ký tại Ban quản lý hoàng cung thì mới được cấp phép vào thăm chốn thâm nghiêm cổ kính này. Mỗi ngày hoàng cung Kyoto mở cửa đón khách hai lần, mỗi lần chỉ khoảng 100 du khách được đi thăm hoàng cung trong một tiếng đồng hồ, dưới sự hướng dẫn và giám sát của cả hướng dẫn viên du lịch lẫn cảnh sát văn hóa. Vậy nên, trong khi chỉ một số du khách có cơ may đi thăm những cung vàng điện ngọc bên trong hoàng cung, thì số đông còn lại chỉ có cơ hội dạo bước ở Gyoen (Ngự uyển) bao quanh Hoàng cung, hay chiêm ngưỡng những cội lão tùng đang tỏa bóng xuống tòa thành.

Hoàng cung là một quần thể kiến trúc được giới hạn tòa thành hình chữ nhật, cao 2,5 m, dài 1.300 m, rộng 700 m, trải dọc theo hướng bắc - nam. Bên trong tòa thành ấy là hàng chục cung điện và lầu tạ nguy nga, được kết nối với nhau nhờ hệ thống trường lang và các ngự viên lớn nhỏ. Trong khuôn viên của Hoàng cung Kyoto còn có nhiều ao hồ, tiểu đảo, và những chiếc cầu cong xinh xắn, dáng mềm như lụa. Mỗi công trình hay cảnh quan trong Hoàng cung, dù lớn hay nhỏ, chính hay phụ đều là những mảnh ghép hoàn hảo để tạo thành một tổng thể kiến trúc vừa uy nghi, thâm nghiêm phù hợp với tính chất của hoàng gia Nhật Bản; vừa khoáng đạt, hài hòa với thiên nhiên như tâm tính của người dân xứ Phù Tang.

Hoàng cung Kyoto mở cửa quanh năm, nhưng du khách nên viếng thăm nơi này vào hai mùa đẹp nhất trong năm: xuân và thu.

Cây hoa anh đào Demizunoito-zakura hơn trăm năm tuổi ở lối vào Kanin no mya.

Hoa anh đào và hoa đào ở cổng Seishomon.

Hoa đào ở Kyoto Gyoen.

Vào mùa xuân, Hoàng cung Kyoto dường như không còn giữ vẻ rêu phong cố cựu mà bừng sáng với muôn vàn sắc hoa vàng, trắng, đỏ, hồng… của các loài mai (ume), đào (momo), anh đào (sakura)… đang khoe sắc trong Ngự uyển bao quanh Hoàng cung. Hoa mai Nhật Bản có các sắc đỏ, hồng và trắng, nở vào giữa tháng 3, trong khi hoa đào sắc đỏ tím lại nở vào cuối tháng 3. Và khi những cánh mai, đào rơi rụng dần theo nhịp thời gian thì những đóa anh đào lại bừng nở vào đầu tháng 4, để người dân Nhật Bản khai hội ngắm hoa (ohanami). Hiếm có nơi nào ở Nhật Bản cả ba loài hoa xuân: mai, đào và anh đào mãn khai trong cùng thời điểm, ngoại trừ Ngự uyển ở Hoàng cung Kyoto. Vì thế đến tham quan Hoàng cung vào mùa xuân, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ tinh khiết của hoa mai, sự rực rỡ của hoa đào và nét thanh tao của hoa anh đào chỉ trong một tầm mắt. Và, trong vườn xuân lộng lẫy ấy, có những đôi tình nhân tay trong tay đi dạo dưới hoa hay những lão nghệ sĩ đang vung cọ ghi lại nét xuân.

Du khách đi dạo trong vườn mai.

Lão họa sĩ người Nhật đang vẽ tranh trong vườn mai.

Mùa thu, Hoàng cung được bao phủ bởi hai sắc màu vàng và đỏ thắm của thảm thực vật miền ôn đới. Lúc ấy, sắc xanh thẫm của những tán lá tùng như trở thành những nét cọ xanh điểm xuyết cho bờ mái rêu phong của Hoàng cung Kyoto cổ kính. Một Hoàng cung trầm mặc tàng ẩn trong bức tranh sóng sánh nắng vàng, giữa bầu trời thu xanh ngắt, khiến du khách không ai nở rời bước khỏi Kyoto.

TS.Trần Đức Anh Sơn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6407

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Chùa Báo Ân thời TrầnMột trung tâm Phật giáo vùng ngoại vi Thăng Long – Hà Nội(Phần 2 và hết)

Chùa Báo Ân thời TrầnMột trung tâm Phật giáo vùng ngoại vi Thăng Long – Hà Nội(Phần 2 và hết)

  • 22/03/2018 13:29
  • 1865

Chùa Báo Ân qua kết quả khai quật khảo cổ học