Trong những năm qua, tôi có dịp tham quan, khảo sát một số di tích, địa điểm khảo cổ ở vùng Nam Trung Bộ và có cơ hội tiếp cận, thưởng lãm khá nhiều sưu tập gốm sứ trong các bảo tàng và các sưu tập tư nhân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ đó, tôi thấy rằng đây là vùng đất kết nối nhiều “dòng chảy gốm sứ” trong hành trình gốm sứ Việt cổ, kết nối cả thời gian và không gian, với những dòng chuyển lưu trong nội địa và giao lưu với bên ngoài, rất đáng để tâm nghiên cứu.
Trong những năm qua, tôi có dịp tham quan, khảo sát một số di tích, địa điểm khảo cổ ở vùng Nam Trung Bộ và có cơ hội tiếp cận, thưởng lãm khá nhiều sưu tập gốm sứ trong các bảo tàng và các sưu tập tư nhân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ đó, tôi thấy rằng đây là vùng đất kết nối nhiều “dòng chảy gốm sứ” trong hành trình gốm sứ Việt cổ, kết nối cả thời gian và không gian, với những dòng chuyển lưu trong nội địa và giao lưu với bên ngoài, rất đáng để tâm nghiên cứu.
* Những dòng chuyển lưu trong nội địa
Sự phong phú của các hiện vật gốm Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), gốm Champa và gốm Gò Sành (Bình Định) và gốm Quảng Đức (Phú Yên) đặt trong bối cảnh phát triển của các dòng gốm đất nung ở Nam Trung Bộ, gợi mở cho chúng ta những “dòng chảy” sau:
- Về thời gian: Đó là “dòng chảy Sa Huỳnh - Champa” và “dòng chảy Gò Sành - Quảng Đức.
+ “Dòng chảy Sa Huỳnh - Champa”: Nhiều nhà nghiên cứu gốm sứ Việt Nam đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa gốm Sa Huỳnh (có niên đại sớm, chủ yếu phát hiện trong các di chỉ ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định) và gốm Champa (có niên đại muộn hơn gốm Sa Huỳnh, được phát hiện trên hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Trung và Nam Trung bộ), trên các phương diện: chất liệu, màu sắc, kiểu dáng và kỹ thuật tạo hình.[1] Phú Yên là một trong những địa bàn mà “dòng chảy Sa Huỳnh - Champa” đã chảy qua.
Gốm Gò Sành và gốm Champa trưng bày tại Bảo tàng gốm tư nhân của nhà sưu tập Nguyễn Vĩnh Hảo (Quy Nhơn, Bình Định)
+ “Dòng chảy Gò Sành - Quảng Đức”: Có một mối liên hệ mật thiết giữa gốm Gò Sành ở Bình Định (mà nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản cho là gốm do người Chăm tạo tác trong các thế kỷ XIII - XIV)[2] với gốm Quảng Đức (tồn tại từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX) ở Phú Yên. Nhà sưu tầm Trần Thanh Hưng và nhà nghiên cứu Nguyễn Danh Hạnh (đều ở Phú Yên) đã dày công tìm hiểu lai lịch, gốc tích của dòng gốm Quảng Đức và đã chứng minh rằng gốm Quảng Đức ở Phú Yên là hậu thân của dòng gốm Gò Sành của Bình Định và những chứng nhân của dòng gốm này là các cụ Nguyễn Dần và Nguyễn Thịnh hiện vẫn còn sống ở làng Quảng Đức (An Thạch, Tuy An, Phú Yên), vốn là hậu duệ của những người thợ gốm đến từ Bình Định.[3] Ở đây còn có một chi tiết thú vị cần được tiếp tục nghiên cứu là chủ nhân của dòng gốm Gò Sành là người Chăm như khẳng quyết của một số nhà nghiên cứu[4], trong khi chủ nhân của dòng gốm Quảng Đức lại là người Việt. Vậy thì, vì sao người Việt học kỹ nghệ chế tác gốm Gò Sành để tạo ra gốm Quảng Đức? Và vì sao các thế hệ người Chăm sau này không duy trì kỹ nghệ chế tác gốm Gò Sành của tổ tiên họ, vốn dùng kỹ thuật bàn xoay, kết hợp kỹ thuật đổ khuôn để tạo thai gốm, mà lại chuyển sang dùng kỹ thuật “bắt con chạch” trong dòng gốm Chăm Bàu Trúc?
- Về không gian: Đó là sự chuyển lưu của gốm Gò Sành từ Bình Định ra Quảng Ngãi và vào Phú Yên; là sự lan tỏa của gốm Quảng Đức trong nội vùng Phú Yên, từ miền xuôi lên miền ngược, vào tận Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
+ “Dòng chảy gốm Gò Sành”: Gốm Gò Sành được phát hiện chủ yếu ở các di tích thuộc tỉnh Bình Định, nhưng phạm vi lan tỏa của gốm Gò Sành trong lịch sử không chỉ giới hạn trong phạm vi tỉnh Bình Định, vốn là kinh đô của vương triều Vijaya (được nhiều người cho là chủ nhân của dòng gốm này). Gốm Gò Sành còn được phát hiện ở Quảng Ngãi[5], ở trên bán đảo Calatagan và trên con tàu đắm gần đảo Panadan (Philippines)[6] chứng tỏ gốm Gò Sành là một dòng gốm thương mại, có phạm vi trao đổi, sử dụng không chỉ ở Nam Trung Bộ mà lan sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
+ “Dòng chảy gốm Quảng Đức”: Theo lời cụ Nguyễn Thịnh, một chứng nhân ở làng gốm Quảng Đức xưa, thì “ngày trước, cả tỉnh Phú Yên đều dùng gốm Quảng Đức, từ cái trã kho cá, cái lu, bọng giếng... đến những sản phẩm cao cấp đòi hỏi kỹ thuật cao, thể hiện tinh túy của nghề gốm như bình, lọ, nậm rượu... Không chỉ trong tỉnh, gốm Quảng Đức còn có mặt ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả Nam Bộ”.[7] Điều này được xác nhận khi phần lớn các sản phẩm gốm Quảng Đức, với đủ loại hình được phát hiện ở hầu khắp các miền quê của Phú Yên, từ đô thị cho đến nông thôn, từ nơi đình chùa, miếu mạo tôn nghiêm cho đến những chạn bếp, góc nhà của những người dân quê.
Gốm men ngọc trưng bày tại Bảo tàng Bình Định.
Nhưng gốm Quảng Đức không chỉ xuất hiện ở các miền quê Phú Yên. Theo lời nhà sưu tầm Trần Thanh Hưng, trong các chuyến điền dã và sưu tầm cổ vật ở Tây Nguyên, anh đã phát hiện nhiều hiện vật gốm Quảng Đức trong các buôn làng của đồng bào thiểu số ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đaklak… Tại nhà truyền thống của Tòa Giám mục Kon Tum có rất nhiều nậm rượu, chóe, chum… bằng gốm Quảng Đức. Hay tại nhà bà NgLar ở thành phố Pleiku (Gia Lai) có chiếc chóe gốm Quảng Đức có vết tên bắn xuyên thủng đã được bít lại, do ông ngoại của bà mua từ một người ở Sở Trà, giá một con bò, bốn bộ chiêng, một con heo to, một cái gak và hai váy dệt. Hoặc tại Plơi Kon Dững (Sa Thầy, Kon Tum) cũng có những chiếc chóe gốm Quảng Đức mà đồng bào đã từng đổi của người Kinh với giá mười con trâu từ hàng chục năm trước.[8] Nhà sưu tầm Trần Đình Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết một số bình vôi gốm Quảng Đức có khắc thơ chữ Nôm đã được phát hiện khi người ta nạo vét con sông Lạch Tra chảy từ Củ Chi đến Hóc Môn qua Sài Gòn. Còn nhà sưu tầm Nguyễn Anh Kiệt (Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang lưu giữ một chiếc bình vôi gốm Quảng Đức được phát hiện từ một con sông ở miền Tây Nam Bộ.[9] Điều này chứng tỏ dòng chuyển lưu của gốm Quảng Đức không chỉ giới hạn trong khu vực Nam Trung Bộ mà vươn lên tận Tây Nguyên và vào tận đồng bằng Nam Bộ.
Nhà sưu tập Trần Thanh Hưng (Tuy Hòa, Phú Yên) giới thiệu sưu tập gốm Quảng Đức của anh.
* Những dòng giao lưu với bên ngoài
Những sưu tập gốm sứ hiện có ở vùng Nam Trung Bộ ngoài việc phản ánh sự chuyển lưu của các dòng gốm Gò Sành và Quảng Đức trong nội vùng, còn phản ánh sự giao lưu với bên ngoài theo 2 hướng: từ trong xuất ra và từ ngoài nhập vào.
- Dòng từ trong ra: Điển hình là dòng gốm Gò Sành “chảy” từ Bình Định đến Philippines qua các di vật gốm Gò Sành được phát hiện tại bán đảo Calatagan, phía bắc đảo Luzon và trên con tàu đắm gần đảo Panadan[10]; hay dòng gốm Quảng Đức qua việc phát hiện các tiêu bản gốm Quảng Đức (và cả gốm Gò Sành) trong con tàu đắm ở ngoài khơi tỉnh Bình Thuận vào năm 2001, vốn là một con tàu cổ chở các sản phẩm gốm của các lò Chương Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc) có niên đại vào nửa đầu thế kỷ XVII.[11] Việc phát hiện gốm Gò Sành và gốm Quảng Đức nói trên chứng tỏ các dòng gốm địa phương ở Nam Trung Bộ đã sản xuất ra những sản phẩm gốm thương mại, không chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
- Dòng từ ngoài vào: Đó chính là dòng đồ sứ ký kiểu từ Trung Hoa. Đồ sứ ký kiểu không khởi nguồn từ Phú Yên mà từ Bắc Hà (thời Lê - Trịnh), từ Thuận Hóa (thời chúa Nguyễn) và từ Huế (thời Nguyễn). Bình Định, Phú Yên là những nơi mà giới sưu tầm cổ vật phát hiện được rất nhiều hiện vật sứ ký kiểu. Anh Đoàn Phước Thuận, chủ nhân bộ sưu tập gốm sứ ký kiểu lớn nhất Phú Yên hiện nay cho biết phần lớn đồ sứ ký kiểu trong sưu tập của anh được sưu tầm ngay trong vùng, kể cả chiếc dĩa trà mai hạc đề hai câu thơ Nôm, viết theo thể “bát - lục” đã được đề cập trên đây. Điều thú vị là phần lớn những món đồ sứ ký kiểu mà anh Đoàn Phước Thuận sưu tập được là những món đồ “gia bảo” của các gia đình sở tại, có gốc tích rõ ràng và được lưu truyền từ đời này sang đời khác, chứ không phải là đồ do các lái buôn đồ xưa nhập từ Huế, Hà Nội hay từ Thành phố Hồ Chí Minh đổ về vùng này như xu thế hiện nay.
Đĩa trà sứ ký kiểu thời Nguyễn đề hai câu thơ Nôm “Nghêu ngao vui thú…” nhưng viết nhầm trật tự trong sưu tập của ông Đoàn Phước Thuận (Tuy Hòa, Phú Yên).
Phù điêu gốm Chăm trong sưu tập của ông Đoàn Phước Thuận (Tuy Hòa, Phú Yên).
Chậu gốm Quảng Đức của nhà sưu tập Trần Đắc Lực (Tuy Hòa, Phú Yên)
Tiếp cận với những món đồ sứ ký kiểu của các nhà sưu tập tư nhân ở đây, tôi nhận thấy đa phần những đồ sứ ký kiểu này thuộc về dòng đồ quan dụng và dân dụng, có niên đại từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, khác với dòng đồ sứ ký kiểu ở Huế, vốn là đồ sứ do vua chúa chính thức ký kiểu từ Trung Hoa nên đa phần là đồ ngự dụng, có chất lượng xương đất hoàn hảo, nét vẽ tinh xảo, đề tài trang trí mang các yếu tố cung đình đậm nét hơn và có niên đại sớm hơn, chủ yếu là đầu thế kỷ XIX. Phải chăng từ dòng đồ sứ ký kiểu chính thống của vương triều Nguyễn ở Huế, những người chế tác đồ sứ ở Trung Hoa đã lấy mẫu để làm nên các sản phẩm ký kiểu thứ cấp, nhập vào vùng đất Nam Trung Bộ để phục vụ cho nhu cầu của các tầng lớp quan lại, hào phú ở vùng này? Phải chăng vì là đồ sứ ký kiểu hạng quan dụng và dân dụng nên chất lượng các món đồ sứ ký kiểu phát hiện ở các tỉnh Nam Trung Bộ không cao, nét vẽ không tinh xảo và đề tài trang trí trên những món đồ sứ này có ít thuộc tính cung đình hơn những món đồ sứ ký kiểu chính thống của vương triều Nguyễn? Đây chính là những gợi mở thú vị cần được đào sâu nghiên cứu để có lời giải đáp thỏa đáng.
Tóm lại, từ việc khảo cứu thực địa và tham quan một số sưu tập gốm sứ tiêu biểu ở Nam Trung Bộ đã gợi mở cho tôi ý tưởng về những “dòng chảy gốm sứ” ở ngay vùng đất này. Xin được chia sẻ ý tưởng này với những người quan tâm và mong nhận được những ý kiến trao đổi của các nhà nghiên cứu và các nhà sưu tầm gốm sứ để vấn đề thêm phần sáng tỏ.
TS. Trần Đức Anh Sơn
[1] Xem thêm: PGS.TS. Trịnh Sinh, Người Sa Huỳnh và tầm nhìn hướng biển, Lao động Cuối tuần, Số 30, ngày 26.7.2009.
[2] Lê Viết Thọ, Minh định về một dòng gốm, /detailNews.aspx?id=2551&lang=vi&Cate=117.
[3] Xem thêm: Trần Kim Tường, Gốm Quảng Đức - Một dòng gốm cổ bị thất truyền, http://www.gomquangduc.com-/?show=news&catid=13&contentid=53; Nguyễn Danh Hạnh, Làng Quảng Đức, http://www.gomquangduc.com-/?show=news&catid=13&contentid=33
[4] Ý kiến của PGS.TS. Trịnh Cao Tưởng (Viện Khảo cổ học Việt Nam), của Nguyễn Vĩnh Hảo (Bảo tàng gốm cổ Gò Sành), của Lê Viết Thọ (Bảo tàng Bình Định)…
[5] Huỳnh Văn Mỹ, Bất ngờ gốm cổ Gò Sành Quảng Ngãi, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Số ra ngày 08/10/2010.
[6] Lê Viết Thọ, Minh định về một dòng gốm, /detailNews.aspx?id=2551&lang=vi&Cate=117.
[7] Phan Xuân Luật, Độc đáo gốm cổ Quảng Đức, http://covattinhhoa.com/diendan/showthread.php?t=379.
[8] Lâm Vy, Gốm Quảng Đức ở Tây Nguyên, http://www.gomquangduc.com/?show=news&catid=13&contentid=7.
[9] Đình Nguyên, Duyên ngầm gốm cổ Quảng Đức, Thông tin Di sản, Số 2.2009, tr. 42-44.
[10] Lê Viết Thọ, Minh định về một dòng gốm, /detailNews.aspx?id=2551&lang=vi&Cate=117.
[11] Thanh Hưng, Gốm Quảng Đức - Những thông điệp từ quá khứ, http://www.baophuyen.com.vn/tabid/93/GId/93/-itemIndex/-1/NId/1295/Default.aspx