Bà Nguyễn Thị Tam (tên thật là Nguyễn Thị Hoàn) đã về với Tổ tiên, nhưng hình ảnh bà giương cao cờ đỏ sao vàng, đi đầu đoàn quân khởi nghĩa ở huyện Thanh Trì mùa Thu cách mạng năm 1945 vẫn còn mãi trong lòng người dân. Bà là một tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam cũng như phụ nữ Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Tam (tên thật là Nguyễn Thị Hoàn) đã về với Tổ tiên, nhưng hình ảnh bà giương cao cờ đỏ sao vàng, đi đầu đoàn quân khởi nghĩa ở huyện Thanh Trì mùa Thu cách mạng năm 1945 vẫn còn mãi trong lòng người dân. Bà là một tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam cũng như phụ nữ Hà Nội.
Tôi nhớ lại câu chuyện bà kể trong ngôi nhà nhỏ ở quê hương Đông Mỹ. Bà đã có vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ mà những sự kiện và chi tiết sinh động vẫn còn lưu trong cuốn sổ nhỏ tôi đã ghi chép.
Bà Nguyễn Thị Tam (tức Nguyễn Thị Hoàn) vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ.
Sau ngày khởi nghĩa, theo sự phân công của Đảng, tạm biệt quê hương và gia đình thân yêu, từ huyện ủy Phú Xuyên, bà lên Tỉnh uỷ Phúc Yên rồi lên Tỉnh uỷ Bắc Cạn, về huyện ủy Chợ Đồn.
Tháng 10/1947, các cơ quan trung ương chuyển từ Võ Nhai lên xã Thắng Lợi thuộc huyện Chợ Đồn. Ông Nguyễn Khang, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng gọi bà lên gặp Bác. Lần đầu tiên được gặp Bác, bà rất xúc động. Bà báo các với Bác về việc vận động sơ tán nhân dân và các cơ quan của huyện về Tủm Tó; sơ tán nhà in giấy bạc của chính phủ đóng ở Bản Thi do bà Lê Chúc (vợ ông Phạm Văn Đồng phụ trách) an toàn. Nhưng nội bộ nhân dân chưa đoàn kết, dân tộc Mán đỏ và dân tộc Tày còn mâu thuẫn với nhau trong việc làm nương rẫy; cơ sở Đảng và quần chúng còn yếu. Bác khuyên bà: Cô đưa ông châu Thiện, ông Quản Trìu lên tham gia Uỷ ban huyện để đoàn kết các dân tộc, không để họ chạy theo địch. Ông nào có uy tín trong dân thì để làm Phó chủ tịch. Đối với đồng bào Mán và Tày, cô phải giải thích cho họ hiểu rằng trước đây, Tây chia rẽ các dân tộc để dễ bề cai trị; nay nước nhà đã độc lập, đồng bào hãy bỏ hết mọi hiềm khích, mâu thuẫn cũ, cùng nhau đoàn kết chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc. Cán bộ lên công tác vùng cao phải chú ý đưa muối, dầu hoả lên cung cấp cho đồng bào Mán, đưa người Tày biết chữ lên dạy học cho người Mán thì mới làm cho họ tin, họ ủng hộ kháng chiến.
Thực hiện lời Bác dạy, bà đến gặp gỡ ông châu Thiện và ông châu Tuấn, ông Tuân đi gặp ông Quản Trìu, nói cho các ông rõ đường lối đoàn kết toàn dân của Bác, vận động các ông nên tham gia gánh vác việc nước thì mới làm gương cho đồng bào Mán và Tày được. Sau đó, ông châu Thiện làm phó chủ tịch huyện; ông Quản Trìu làm ủy viên Ủy ban huyện; ông châu Tuấn làm chủ nhiệm Việt Minh xã; con gái ông tham gia Ban chấp hành phụ nữ huyện.
Đối với đồng bào Mán và Tày, Mặt trận huyện đã mở các cuộc họp, tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào đoàn kết đánh Pháp. Đồng bào nghe theo lời cán bộ, đã tích cực đi dân công và tiếp tế gạo cho bộ đội đánh đồn Yên Thịnh, đồn Bạch Thông; không theo thổ phỉ ở Chợ Rã đánh lại đồng bào.
Thời gian sau, bà lại được lên báo cáo kết quả công tác với Bác; Người bảo: Đó mới là kết quả bước đầu, cô phải thường xuyên chăm lo đời sống của đồng bào vùng cao, nhất là đồng bào Mán đỏ, Mán tiền; phải luôn luôn giữ vững khối đại đoàn kết của các dân tộc mới đánh Pháp thắng lợi. Bây giờ cô phải học tiếng dân tộc, nói chuyện với đồng bào bằng tiếng dân tộc để vận động họ thì kết quả tốt hơn; cô nên học tiếng Tày trước.
Bà học tiếng Tày trước như lời Bác khuyên bảo, nhưng do công tác quá bận rộn nên cũng chỉ học được một số khẩu ngữ hàng ngày thôi. Bác kiểm tra việc học của bà bằng cách bắt bà báo cáo công việc trong huyện bằng tiếng Tày. Thấy bà nói chưa thạo, Bác động viên: Cô phải học thêm cho thạo và biết tục ngữ ca dao của dân tộc. Bà phấn khởi khoe luôn: Dạ, thưa Bác, cháu có thuộc vài câu tục ngữ rồi ạ. Đồng bào Tày nói: “Mì ngần mì chèn, kha cáy kha. Mí mì ngần mì chèn, kha cáy phà”. Bác cười và bảo: Cô phải học thêm tiếng Mán nữa để vận động cả đồng bào Mán”. Dạ, cháu sẽ học ạ. Bác sửa luôn: Cô nói: Sẽ tức là học cũng được, không học cũng được. Cô phải nói là cố gắng học thì mới quyết tâm được.
Những lời chỉ bảo ân cần, tác phong sâu sát cụ thể của Bác đã giúp bà trưởng thành rất nhiều trên bước đường kháng chiến. Ba năm (1949-1952), bà về tỉnh uỷ Phúc Yên, sau đó phụ trách ba huyện ở vùng địch chiếm: Đa Phúc, Kim Anh, Đông Anh. Ở đâu, làm gì, bà cũng nhớ lời Bác dạy, xây dựng và củng cố các tổ chức quần chúng vững mạnh để nuôi giấu cán bộ, chống càn, đánh địch, đẩy mạnh kháng chiến.
Tháng 9/1953, tỉnh uỷ Vĩnh Phúc cử bà đi dự lớp chỉnh đảng khoá 3 của Trung ương ở Tuyên Quang. Bác đến dự khai giảng lớp học, bắt nhịp bài hát “Kết đoàn”, rất vui. Giữa khoá học, ông Trần Đăng Ninh phụ trách Tổng cục Hậu cần đến xin 50 học viên là tỉnh uỷ viên đi phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Bác chỉ định: Cô đã công tác với đồng bào dân tộc nên có nhiều kinh nghiệm, cô đi phục vụ chiến dịch. Tổng cục tổ chức huấn luyện 4 ngày, mời Bác đến giảng về chính sách dân tộc. Hôm nào bà cũng được Bác gọi lên ngồi gần Bác. Bác bảo: Cô phải thi đua với 49 đồng chí nam giới, mang thành tích về làm quà cho Bác. Bà thưa: Cháu sẽ vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bác lại sửa: Cô sẽ tức là làm hoặc không làm; cô phải hứa cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Vào chiến dịch, ông Trần Đăng Ninh chỉ định bà ở trong Ban chỉ huy tuyến vận tải từ bến Mậu A (thị xã Yên Bái) vào Nghĩa Lộ. Khi bộ đội đang giải phóng Nghĩa Lộ, truy kích địch chạy đường Tu Lệ đi Sơn La thì mưa to, nước suối dâng cao không thể tiếp gạo lên được. Bà liền đi gặp cha cố Bản Héo để ông vận động dân bản cho vay gạo cho bộ đội ăn no đánh giặc. Tổng kết chiến dịch, bà được ông Trần Đăng Ninh tuyên dương tặng bằng khen và thưởng chiến lợi phẩm một chiếc chăn len, áo len. Bà tự nhủ mình đã làm tốt lời hứa với Bác.
Chưa kịp nghỉ ngơi thì đêm 30 Tết năm 1953, ông Trần Đăng Ninh lệnh cho bà ngay đêm đó lên đường đi kiểm tra tuyến vận tải từ Phú Thọ lên đường 41 đi Thượng Lào, rồi lại đi kiểm tra đoàn thuyền của Thanh Hoá chở gạo theo sông Mã sang Thượng Lào, sau đó quay về đường 41 làm chính trị viên trung đoàn xe vận tải chở súng đạn, đích đến vẫn là mặt trận Thượng Lào. Bao vất vả, hiểm nguy trên các chặng dường của chiến dịch, bà đều cố gắng vượt qua và được Tổng cục Hậu cần khen thưởng.
Sau ngày đất nước hoà bình, bà được Đảng cử về công tác ở tỉnh ủy Vĩnh Phúc, phụ trách khối kinh tế. Cuối năm 1957, Vĩnh Phúc vinh dự đón Bác về thăm. Tại thị ủy thị xã Vĩnh Yên, bà được gặp Bác lần thứ ba. Bác bắt tay và hỏi: Cô khoẻ đấy chứ? Cô đi hai chiến dịch mà không mang quà về cho Bác. Bà thưa: Cháu đi hai chiến dịch khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ Bác giao, nhưng kết quả nhỏ bé nên cháu không dám báo công dâng lên Bác. Bác cười hài lòng và nói với các đồng chí tỉnh uỷ: Cô Hoàn có nhiều kinh nghiệm vận động đồng bào dân tộc. Vĩnh Phúc có đồng bào Cao Lan ở quanh chân núi Tam Đảo, các chú nên phân công cô ấy phụ trách vùng đồng bào dân tộc. Bà không ngờ Bác vẫn nhớ việc cụ thể của từng người đến thế. Bà và các đồng chí trong tỉnh uỷ xúm xít quanh Bác chụp ảnh, lòng tràn đầy vui sướng.
Từ một thiếu nữ ở làng Đông Mỹ, sớm đi theo Đảng làm cách mạng từ những năm 30 của thế kỷ XX, lại có hạnh phúc lớn lao là được gặp Bác ba lần,và được Bác ân cần chỉ bảo, hướng dẫn; suốt đời, bà đã tận tuỵ cống hiến đời mình cho Dân, cho Đảng. Bà nói với chúng tôi: Bà trưởng thành được là nhờ Bác dìu dắt từ ngày đầu đi kháng chiến nên suốt đời tôi ơn Bác. Hiện nay, một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng trầm trọng là một số cán bộ, đảng viên không chú tâm rèn luyện và học tập theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác.
Ở gia đình, bà vẫn dạy con cháu phải theo gương ông bà đã giữ vững chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính như lời Bác dạy, không màng danh lợi mà làm điều gì tổn hại cho dân.
Ngôi nhà bà, nơi đã từng là cơ sở giao thông của Xứ uỷ Bắc Kỳ những năm 1939-1942, là nơi nuôi giấu các đồng chí trong Xứ uỷ, Tỉnh uỷ Hà Đông như Trần Đăng Ninh, Phan Trọng Tuệ, Trần Thạch Can, Bạch Thành Phong.
Bà là tấm gương sáng của phụ nữ Việt Nam, xứng danh con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.
Ths. Phạm Kim Thanh