Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/02/2018 23:28 1802
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong cuộc kháng chiến thần kỳ của quân dân Hà Nội 60 ngày đêm bám trụ từng đường phố, có một đội quân thiếu niên gần 100 em, làm nhiệm vụ trinh sát, giao thông liên lạc, quân báo… rất thông minh, dũng cảm, nên đến khi lên Việt Bắc, được các anh Trung đoàn Thủ đô gọi trìu mến là Vệ Út.

Trong cuộc kháng chiến thần kỳ của quân dân Hà Nội 60 ngày đêm bám trụ từng đường phố, có một đội quân thiếu niên gần 100 em, làm nhiệm vụ trinh sát, giao thông liên lạc, quân báo… rất thông minh, dũng cảm, nên đến khi lên Việt Bắc, được các anh Trung đoàn Thủ đô gọi trìu mến là Vệ Út.

Ông Phùng Đệ, nguyên cán bộ của Xưởng phim Quân đội, là một trong những Vệ Út đó. Tiết cuối Thu se se lạnh, trong ngôi nhà ngõ 45 Phan Đình Phùng,“Người lính già đầu bạc”sống lại hồi ức “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, rồi trở thành người nghệ sĩ của quân đội trong hai cuộc kháng chiến.

*Vệ Út chiến đấu trong Liên khu I - Hà Nội

Ông Phùng Đệ chào đời ở Trích Sài (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội) năm 1933, nhưng cha mất sớm khi còn quá nhỏ, nên tuổi thơ ông sớm gắn với vùng đất bãi Phúc Tân, nơi bà cô ruột nuôi ông và cho học việc trong phố. Tháng 5 năm 1945, thêm một cái tang lớn ập xuống đời ông - Mẹ mất. Không còn cha mẹ, 12 tuổi, ông đã thấm thía thế nào là cuộc sống tủi phận, mồ côi, phải tự lập để sống. Chính trong những ngày đau thương ấy, người anh họ thường dạy ông đóng giày, đã giảng giải cho ông hiểu, vì sao mà người dân Việt Nam bị khổ nhục.

20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến. 22 giờ, máy bay Pháp thả pháo cháy xuống Phúc Tân, Long Biên. Cả bờ sông rừng rực lửa cháy. Nhiều gia đình chạy vào phố cổ và đình Phất Lộc lánh nạn. Giữa quang cảnh ấy, ông Phùng Đệ đã tìm cách trốn ở lại để “đánh giặc cho sướng”. Quang cảnh thật sinh động sáng 20/12 của mặt trận Hà Nội hiện lên qua lời ông kể: tôi trốn bà cô, vào ngõ Gia Ngư-chợ Hàng Bè. Tự vệ vẫn đang đắp ụ ở phía đầu Cầu Gỗ (trông ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục bây giờ). Tôi nhảy luôn vào đào với các anh. Anh Khoái, trung đội trưởng, hỏi tôi:

- Em ở đâu thế?

- Em ở bãi Phúc Tân, bị lạc gia đình rồi. Anh cho em vào chiến đấu với các anh, làm gì em cũng làm.

Sau buổi đào hào, đắp ụ, các anh báo cáo trường hợp của tôi lên cấp trên và được đồng ý. Tôi bắt đầu đời chiến sĩ liên lạc khi mới 13 tuổi như vậy đấy. Hôm sau, ông Vũ Lăng xuống trung đội, ân cần hỏi Phùng Đệ:

-Em có biết nhà Thủy Lâm không?

- Em có biết ạ.

-Em đi quan sát tình hình địch, xem chúng bố trí trận địa, đặt súng ở đâu, rồi về báo cáo cho các anh biết.

Hơn 70 năm đã qua, ông Đệ vẫn nhớ như in cảm giác khi đi trinh sát: Đêm tối, đường phố không còn điện, tối om. Tôi men qua Hàng Bè, Hàng Dầu, bò dần về phía nhà Thủy Lâm (nay là trụ sở Sở Văn hóa-Thông tin thành phố Hà Nội). Cổng nhà Thủy Lâm khóa chặt, tôi nhìn thấy bọn địch lố nhố trong sân, trên gác, ghi nhớ vị trí đặt súng của chúng, rồi bò về báo cáo lại. Xong nhiệm vụ, tôi thở phào. Sau đó, ông được các anh lớn tuổi tin cẩn, cùng với ông Phúc, là trinh sát của đại đội 15, có nhiệm vụ điều tra, nắm tình hình địch. Hàng ngày, cứ khoảng 6 giờ chiều, ông phải đến từng trung đội và các điểm chốt, giao khẩu lệnh bí mật của đại đội để tránh việt gian trà trộn. Ngày nào có khẩu lệnh riêng của ngày đó. Xung quanh Bờ Hồ, địch chiếm giữ hết các điểm: đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, nhà Thủy Lâm, Bưu Điện, nhà Gô- đa, khách sạn Phú Gia, trụ sở Hội Khai trí tiến đức (nay là Trung tâm biểu diễn nghệ thuật, ngã ba Hàng Trống-phố Lê Thái Tổ), nhà Bác ở (số 8 Vua Lê, nay là phố Lê Thái Tổ), nhà Thủy Tạ… Vậy mà đêm đêm, các chiến vẫn đột kích địch. Ngay ở quán Tân nghệ sĩ (nay là hiệu sách Bờ Hồ) có một hỏa điểm, ta giữ vị trí lợi hại này và chốt chặn cả dãy phố (nay là phố Đinh Tiên Hoàng từ hiệu sách Bờ Hồ đến nhà Hàm Cá mập).

Ông Phùng Đệ - một Vệ Út của Trung đoàn Thủ đô năm xưa.

Ngày 25/12/1946, bộ khung của ba Tiểu đoàn 101, 102, 103 đã được tổ chức, và ông Đệ thuộc quân trinh sát, liên lạc của đại đội 15 thuộc Tiểu đoàn 103, làm luôn cả việc giao lệnh của Tiểu đoàn xuống cho ba đại đội 14, 15, 16. “Bây giờ kể lại, nghe nhẹ như không, nhưng hồi đó, tôi lọt qua các chốt cao điểm của nó, có khi cũng rợn tóc gáy chứ. Nó chiếm chốt cao nhất ở số 4 Hàng Dầu, kiểm soát đến tận Mã Mây. Ta và nó cách nhau, có khi là vài chúc mét, nhưng có khi chỉ một-hai con phố. Tôi tìm cách đi men theo các đường giao thông hào và ụ đất đắp cao, cũng phải tinh nhanh thì không bị dính đạn ngay”- ông nói. Ngoài nhiệm vụ chính như trên, ông còn làm các việc khác như đi tìm xem giếng nào còn nước? Rồi phục vụ luôn cả chị nuôi khi cần đưa cơm ra trận địa. Dân để lại cá khô, đường phèn hàng bao tải, mực khô, tôm khô… còn rất nhiều trong kho; nhưng thiếu nước, thiếu rau mới thật là khốn khổ. Tìm mãi mới thấy có một giếng ở Hàng Đào. Anh em phải dè sẻn từng gầu nước dùng cho sinh hoạt tối thiểu, tắm thì nhịn luôn. May là mùa đông nên cũng đỡ đôi chút. Dần dần, gạo cũng thiếu, ông lại đi tìm xem nhà dân nào còn gạo trong hũ, trong chum không, để nuôi nhau.

Cuộc chiến đấu anh hùng, bảo vệ từng góc phố của quân dân Liên khu I hiện lên qua hồi ức Vệ Út Phùng Đệ năm xưa, nay là cựu chiến binh hơn 80 tuổi, thật sinh động, giúp chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự khốc liệt của mặt trận Hà Nội ngay giữa trung tâm. Các Gavơ rốt của Hà Nội thông minh và dũng cảm vô cùng!

Ngày 6-1- 1947, Trung đoàn Liên khu I được thành lập. Sau lễ Quyết tử, ngày 15-1- 1947, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, các chiến sĩ dù đã rút bớt ra hậu phương, từ 5.600 người xuống còn 1.200 người, trong đó,thiếu nhi có 75 em. Vệ Út Phùng Đệ thuộc tiểu đoàn 103, vẫn làm chiến sĩ trinh sát, liên lạc của đại đội 15. Ngày 6-2- 1947, cuộc chiến diễn ra ác liệt ở nhà Xô- va, một vị trí rất quan trọng, án ngữ phía đông Liên khu I. Địch đánh ta bất ngờ và tràn vào chiếm được nhà Xô va. Tiểu đoàn phó Vũ Lăng hạ lệnh, lấy lại bằng được vị trí yết hầu này. Lập tức, đại đội 15 cử ông dẫn một tiểu đội, băng qua khói lửa gấp rút tăng viện. Ông Phùng Đệ kể rành rọt: Tôi dẫn một tiểu đội của anh Cao Đa (thuộc Đại đội 15) từ Hàng Bè sang chi viện cho Đại đội trưởng Đại đội 14 Hoàng Viết Điểm. Ta bí mật tiếp cận rồi bất ngờ tấn công địch, giành lại được vị trí một cách nhanh gọn. Chúng tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen, thêm phấn khởi bám trụ.

17 giờ ngày 17-2, lệnh rút khỏi Liên khu I đưa xuống đại đội. Ông Đệ làm nhiệm vụ truyền tin, nhưng cũng rất bàng hoàng, xót xa. Ông kể: Mỗi người được phát phù hiệu riêng, mỗi đại đội phải có dây vải để mọi người nắm giữ liên lạc với nhau cho khỏi lạc đội hình. Làm liên lạc nên tôi nhớ như in những việc tưởng như nhỏ nhặt này. Đại đội 15, tiểu đoàn 103 đi sau cùng. Một trung đội chặn chốt ở quán Tân nghệ sĩ làm nghi binh, ra sau rốt. Nhưng ra đến Bãi Giữa, chúng tôi bị lạc nhau, dây vải cũng chẳng còn. Hành quân suốt đêm, trong lúc chờ thuyền, mệt quá tôi lăn quay ra ngủ trên bãi ngô, cho đến khi chị Định y tá lay gọi lên đò, tôi mới dụi mắt, tỉnh dậy, lên thuyền, sang sông.

Sau khi sang Xuân Canh, tôi được biết trung đội đi sau rốt đã không sang được đò. Các anh ở lại chiến đấu cùng đội Nguyễn Ngọc Nại và hy sinh trên bãi dâu Tàm Xá. Đây là điều tôi giữ mãi trong lòng, đến nay, kỷ niệm 70 năm Hà Nội mở đầu kháng chiến toàn quốc, tôi thấy cần phải nói rõ những điều mà bấy lâu, chúng tôi đã không nói được hết. Ông và tôi đều ngậm ngùi, ắng lặng tràn ngập căn phòng nhỏ! Trong lịch sử cách mạng của phường Tứ Liên và xã Xuân Canh, nhân dân đã ghi nhớ các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô hy sinh trong cuộc tấn công của giặc trên sông Hồng và ngàn dâu Tàm Xá. Xương cốt các Anh đã hòa vào lòng đất Mẹ chở che.

*Chiến đấu trên mặt trận văn hóa

Sau khi rời Hà Nội, lên Việt Bắc, các Vệ Út được tổ chức lại: những người đủ 15 tuổi được bổ sung vào các đơn vị chiến đấu; Những người 14 tuổi được tổ chức thành một trung đội võ trang do ông Đỗ Đình Sửu, vốn là chiến sĩ quyết tử của trung đội Hàng Bồ-Lãn Ông, phụ trách. Những người dưới 14 tuổi, được vào đội tuyên truyền, sau đó gọi là đội Tuyên - Văn, biểu diễn văn nghệ cho bộ đội và nhân dân nơi đóng quân. Ông Phùng Đệ ở trong đội này cùng các bạn: Lê Ngọc Canh, Nguyễn Phúc, Trần Việt Minh, Nguyễn Ngọc Sơn, Trang Công Lũy, Nguyễn Hoán, Nguyễn Văn Lộc, Phạm Đình Luận... phục vụ bộ đội ngay cả khi đi các chiến dịch Sông Lô, sông Thao, phố Lu… Năm 1949, sau khi thành lập Sư đoàn 308, thì cũng tổ chức luôn Đoàn Văn công của sư đoàn. Nét mặt tươi hẳn lên, khi ông kể sự tích ông bị gọi là cô Đệ: Lúc đó, anh Lương Ngọc Trác là đoàn trưởng, anh Đào Hồng Cẩm là chính trị viên. Tôi học thêm môn ghi ta do anh Phạm Ngọc Chương dạy; nhưng mỗi khi dàn dựng vở kịch, tôi và Nguyễn Ngọc Sơn hay phải đóng vai nữ nên anh em gọi vui là cô Đệ, cô Sơn. Sau năm 1950, mở thông biên giới, chúng tôi được sang Trung Quốc phục vụ đoàn đại biểu Chính phủ đi bang giao; nhân cơ hội đó, học thêm bộ môn múa. Có thể nói, chính chúng tôi, những anh em đầu tiên được học múa, cũng là những người nòng cốt lập ra bộ môn múa của Văn công Tổng cục chính trị. Khiêm tốn mà nói, tôi cũng có đóng góp đôi phần.

Lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng sớm ngày 8-5-1954, Đoàn văn công của Sư đoàn 308 được hát quốc ca hùng tráng giữa núi rừng Điện Biên còn vương mùi khói súng. Sau đó, các đoàn văn công chuẩn bị đi tiếp quản các tỉnh thành. Đoàn Tổng cục Chính trị (gọi là Đoàn Tổng cục 1) do ông Đỗ Nhuận là trưởng đoàn. Đoàn Tổng cục 2, gộp văn công của các sư đoàn 308, 312, 316, 351 có nhiệm vụ đi tiếp quản Bùi Chu, Phát Diệm, Nam Định, rồi về Hà Nội. Ông nhớ ngày Hà Nội hồng tươi cờ đỏ sao vàng trong nắng thu tháng Mười. Chúng tôi đi xe môtôlôva từ Hà Đông vào nội thành. Đơn vị tôi đóng ở nhà cạnh bãi đá bóng Măng – gianh (nay là sân gần cổng 19c Hoàng Diệu). Sau 8 năm xa Hà Nội đi kháng chiến, từ một cậu bé mồ côi, trở về là anh văn công quân đội, thật hãnh diện vô cùng. Tôi ở Đoàn Múa của Tổng cục Chính trị đến năm 1959 thì chuyển sang điện ảnh quân đội.

Nghiệp của người nghệ sĩ vận vào ông, với tâm huyết và ý tưởng sáng tạo. Ông làm đạo diễn, phó đạo diễn kiêm quay phim trong những năm ở xưởng phim quân đội, giành được những giải thưởng xuất sắc như Lên đường hành quân- giải Bông sen Bạc; Võ tay không- giải Bông sen Vàng, tại Liên hoan phim Việt Nam lần 1 (1970); Phim Những cô gái Đại đội 3 quân giải phóng và phim Chiến thắng đường Chín- Nam Lào đều giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Lép- zich (1972).

Trong mỗi căn nhà của Hà Nội hôm nay, những câu chuyện cổ tích của thanh thiếu niên và tự vệ Hà Nội mùa đông năm 1946, như chuyện của ông Phùng Đệ, vẫn là ánh sáng khai tâm cho thế hệ sau biết sống, lao động, xây dựng Thủ đô hòa bình, phát triển và hội nhập.

Ths. Phạm Kim Thanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6403

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Nhân năm Mậu Tuất, nghĩ về những năm Tuất trong lịch sử cận đại Việt Nam

Nhân năm Mậu Tuất, nghĩ về những năm Tuất trong lịch sử cận đại Việt Nam

  • 22/02/2018 23:21
  • 2573

Sau hai trăm ba mươi tư năm, nếu tính từ khi Giám mục Alếcxan đờ Rốt đặt chân lên đất nước ta (năm 1624) điều tra, do thám, đợi thời cơ, thực dân Pháp nổ súng vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) chính thức xâm lược Việt Nam.