Sau hai trăm ba mươi tư năm, nếu tính từ khi Giám mục Alếcxan đờ Rốt đặt chân lên đất nước ta (năm 1624) điều tra, do thám, đợi thời cơ, thực dân Pháp nổ súng vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) chính thức xâm lược Việt Nam.
Sau hai trăm ba mươi tư năm, nếu tính từ khi Giám mục Alếcxan đờ Rốt đặt chân lên đất nước ta (năm 1624) điều tra, do thám, đợi thời cơ, thực dân Pháp nổ súng vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) chính thức xâm lược Việt Nam. Cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Cả nước hướng về Đà Nẵng. Đốc học Nam Định Phạm Văn Nghị lập đội nghĩa sĩ trên 300 người đêm ngày hành quân vào Nam đánh giặc. Triều đình Huế điều tướng Nguyễn Tri Phương về tăng cường cho mặt trận Đà Nẵng. Tướng Nguyễn Tri Phương cho dựng chiến tuyến Liên Trì cự giặc. Giặc không vào được đất liền, không kết nối được với đội quân Thiên Chúa giáo đang nóng lòng chờ đợi. Họ thất bại tại chiến trường Đà Nẵng. Họ tìm một đột phá khẩu mới. Đó là Gia Định, mảnh đất không như Đà Nẵng, xa triều đình Huế. Tháng 2/1859, quân Pháp chuyển hướng tấn công vào Gia Định. Ta thua bởi sự bất ngờ, bởi sao nhãng việc quân… Ấy là chuyện bình thường. Cái chính muốn nói ở đây là thực dân Pháp chiếm được Gia Định, đặt được chân lên xứ sở giàu có, biến nó thành bàn đạp mở rộng vùng chiếm đóng ra xung quanh. Còn phía ta, viện binh từ Huế đã tới, nhưng không tấn công lấy lại mảnh đất đã mất. Trong tư tưởng của tướng sĩ đã xuất hiện sợ “tàu đồng súng thép” của giặc. Một lần nữa, triều đình Huế điều tướng Nguyễn Tri Phương tăng cường cho mặt trận Gia Định. Khi tướng Nguyễn Tri Phương tới, quân đồn trú ở Gia Định mỏng hơn bao giờ hết vì đại quân được tướng Sácne điều sang Trung Quốc phối hợp với quân Anh đánh nhà Thanh. Cơ hội giải phóng thành Gia Định trôi đi. Trong lúc đó ông tập trung sức người, sức của cả nước để xây đựng đại đồn Chí Hòa (Kỳ Hoà), một học thuyết quân sự “công thủ” thời trung cổ đã trở nên lạc hậu.
Quân đội Pháp đánh chiếm thành Gia Định, tháng 2-1859.
Năm 1861, giải quyết xong cuộc chiến bên Trung Quốc, Tướng Sácne điều quân về Gia Định tấn công đại đồn Chí Hòa của Nguyễn Tri Phương. Thành cao, hào sâu không thể ngăn được những phát đại bác của quân xâm lược. Đại đồn thất thủ. Thừa thắng, chúng đánh chiếm Biên Hòa, Định Tường và lấy nốt Vĩnh Long. Lục tỉnh Nam Kỳ, triều đình Huế chỉ còn hai tỉnh. Cả nước sùng sục, triều đình phân ly. Khuynh hướng ly tâm xuất hiện. Phái chủ hòa thắng thế. Vua Tự Đức lập đoàn gồm Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp… vào Gia Định thương thuyết với Pháp. Chưa từng trải nghiệm về thương thuyết và thương thuyết trên thế thua nên ngày 5/6/1862, phía triều đình đã ký với Pháp Hiệp ước 1862 gồm 12 điều khoản, trong đó có mấy khoản nặng nề như sau: Nhượng đứt 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) cùng quần đảo Côn Lôn cho thực dân Pháp; mở các cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên cho Pháp tự do buôn bán và truyền đạo; nộp số tiền bồi thường chiến phí 20 triệu Frăng (ước tính 280 lạng bạc).
Quân đội Pháp đánh chiếm đại đồn Chí Hòa (Kỳ Hòa), ngày 24-2-1861.
Như vậy, năm Nhâm Tuất (1862) Việt Nam mất cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cùng quần đảo Côn Lôn, mở các cửa biển trên cả nước cho Pháp vào tự do buôn bán và truyền đạo. Với Hiệp ước Nhâm Tuất, sự toàn vẹn lãnh thổ, tài sản vô giá mà Tổ tiên để lại cho triều Nguyễn, không còn. Nước ta đã mất một phần máu thịt của chúng ta cho Pháp. Còn nước Pháp, sau trên hai trăm năm nỗ lực không mệt mỏi, đã có chỗ đứng chân để từ đây bành trướng dần trên cả nước theo sách lược “vết dầu loang”.
Cả nước phản đối Hiệp ước Nhâm Tuất bằng những hành động mạnh mẽ làm rung động nông thôn, đô thị đến triều đình, đặc biệt là vùng đất Lục tỉnh. Chỗ này, dưới sự lãnh đạo của các nho sĩ, nhân dân lập căn cứ chống Pháp mà điển hình là các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Hữu Huân. Chỗ kia, đánh Pháp bằng bút, bằng văn thơ. Ấy là những bậc hàn sĩ đã già, sức đã yếu không thể cầm gươm giáo xông ra trận tiền được, mà đã dùng bút làm vũ khí tiến công quân thù. Đó là phái nho sĩ, tiêu biểu là nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó sản sinh ra một nền văn học kháng chiến đầu tiên trong lịch sử cận đại Việt Nam, đặc sắc là cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị, đại diện cho những nhà thơ yêu nước, thương dân và bên kia là Tôn Thọ Tường, đại diện cho những người vì “túi cơm giá áo” mà đầu hàng và làm tay sai cho giặc, đi ngược lại truyền thống yêu nước của ông cha. Cuối cùng trên mảnh đất “đi trước về sau này” đã sản sinh ra một phong trào yêu nước mới, chưa từng có trước đó. Đó là phong trào Tỵ địa mà các nhà nho yêu nước phát động được tất cả những nho sĩ trong những tỉnh bị Pháp chiếm đóng hưởng ứng. Họ quyết từ bỏ mảnh đất chôn rau cắt rốn, gồng gánh đưa nhau về vùng trời tự do sinh sống, đợi thời. Hồi đó, Bến Tre (thuộc tỉnh Vĩnh Long) được lựa chọn cho phong trào Tỵ địa trong Nam. Họ về đây mang theo cả mồ mả tổ tiên, của Thầy học (mộ Thầy Võ Trường Toản) và truyền thống gia đình. Một cuộc ra đi, một cuộc tẩy chay để đến với vùng đất tự do, không có bọn Phú Lang Sa.
Triều đình Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5/6/1862.
Năm 1867, Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ (Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên). Đến đây Pháp đã có cả lục tỉnh Nam kỳ giàu có. Năm năm sau, tức năm 1872, sau khi Pháp củng cố vững chắc bộ máy thống trị của chúng tại Sài Gòn, thực dân Pháp tiến công ra Bắc mà trong lịch sử Việt Nam gọi là cuộc viễn chinh Bắc kỳ lần thứ nhất. Với chiến dịch này, Pháp muốn bắn một mũi tên nhằm 2 đích: 1) Thăm dò sự phản ứng của nhà Thanh vì từ lâu Việt Nam là nước lệ thuộc, triều cống; 2) Buộc triều đình Huế ký một hiệp ước mới, công nhận sự đô hộ của Pháp trên toàn lãnh thổ Nam kỳ.
Với đội quân thiện chiến được trang bị vũ khí hiện đại, quân Pháp thắng như chẻ tre. Đầu tiên chúng đánh vào Hà Nội. Một lần nữa ta gặp tướng Nguyễn Tri Phương cùng con trai lên thành cự giặc. Tướng Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và bị bắt. Ông tự kết liễu đời mình trong tay giặc. Và con trai ông là Nguyễn Lâm cũng tử trận.
Tiếp đó, chúng đánh chiếm Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Cả miền đồng bằng trù phú ở Bắc kỳ rơi vào tay quân Pháp. Nhưng người Việt chưa chịu. Những đơn vị quân đội còn lại cùng với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc hợp sức tiến công vào Hà Nội từ phía Sơn Tây. Chỉ huy quân Pháp ở Hà Nội là đại úy Hăng ri Gác nie bị tử trận, tinh thần quân Pháp đang xuống. Vậy mà, triều đình Huế không hay biết những chuyển biến mau lẹ đó, đã cử Trần Đình Túc thay mặt triều đình ký với Pháp Hiệp ước Giáp Tuất, trong đó, phía triều đình Huế, thừa nhận sự chiếm đóng của Pháp trên toàn Lục tỉnh. Phía Pháp, trả tất cả những tỉnh thành đã chiếm cho triều đình Huế.
Vậy là năm Giáp Tuất một lần nữa chúng ta lại mất nước. Và người Pháp đã đạt được cả hai đích một cách trọn vẹn. Ở đích thứ nhất, thực dân Pháp đã buộc triều đình Huế ký Hiệp ước Giáp Tuất 1874, theo đó, thực dân Pháp, ngoài việc triều đình Huế công nhận sự thống trị của người Pháp trên toàn bộ vùng đất Lục tỉnh Nam kỳ (Điều 5), còn tại Điều 2 và Điều 3, Pháp đã gạt bỏ sự lệ thuộc của triều đình Huế vào nhà Thanh bằng việc thừa nhận “chủ quyền của vua An Nam và nền độc lập đầy đủ của nhà vua đối với tất cả mọi cường quốc bên ngoài, bất kể là nước nào…và đổi lại nhà vua An Nam cam kết thi hành chính sách ngoại giao của mình theo đúng chính sách của nước Pháp và không thay đổi gì trong quan hệ ngoại giao hiện nay của mình”(1) Tại 3 điều khoản quan trọng đó trong Hiệp ước Giáp Tuất, Pháp đã tách Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Hoa. Ở đích thứ hai, thực dân Pháp đã một phần yên lòng và vững tâm hơn bởi sự phản ứng yếu ớt của nhà Thanh trước hành động của họ ở vùng đất phiên thuộc Bắc kỳ. Người Pháp sợ nhất là nhà Thanh đưa quân vào Bắc kỳ, đánh nhau trực tiếp với họ. Điều đó đã không xảy ra, nếu có chỉ là những đội quân thổ phỉ cờ Vàng, cờ Đen từ bên kia biên giới tràn sang kết hợp với quân triều đình đánh Pháp (Trường hợp liên kết giữa quân triều đình Hoàng Kế Viêm và quân cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đã tạo nên chiến thắng Cầu Giấy).
Lại một lần nữa cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, mạnh nhất vẫn là những cuộc nổi dậy của nhân dân Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của văn thân sĩ phu. Thời này, trong Nam người ta thường nhắc tới khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương và phong trào Tỵ Địa 2 của Nguyễn Thông khởi xướng, lấy Phan Thiết (Bình Thuận) làm tổ ấm, làm nơi gặp gỡ của những nhà yêu nước Bắc-Trung- Nam. Và mảnh đất này đã ấp ủ ngọn lửa yêu nước để rồi bùng lên mạnh mẽ trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX.
Ở thời kỳ này, điều muốn nói và nhấn mạnh là Trung kỳ chưa có giặc nhưng đã xuất hiện cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai ở Nghệ An, một cuộc khởi nghĩa cắm một mốc lớn cho sự chuyển biến tư tưởng về đối tượng kháng chiến. Nếu như cuộc khởi nghĩa của Trương Định lấy thực dân Pháp, bè lũ bán nước cùng “triều đình bỏ dân” làm đối tượng chiến đấu, thì đến khởi nghĩa năm Giáp Tuất của Trần Tấn và Đặng Như Mai có một bước tiến lớn được thể hiện rõ bằng lời thề chém đá: Dập dìu súng bắn cờ xiêu/ Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây. Thực dân Pháp và Triều đình Huế trở thành đối tượng kháng chiến của hai ông. Hưởng ứng lời kêu gọi “Bình Tây, sát tả”, nhân dân Nghệ Tĩnh tham gia khởi nghĩa. Nghĩa quân chiếm được thị xã Hà Tĩnh và làm chủ hầu hết các vùng Nghệ Tĩnh, trừ thành Nghệ An. Trước sức mạnh của nghĩa quân Triều đình vô cùng choáng váng. Cùng với việc giáng chức các quan chức bất tài ở đây, vua Tự Đức cử Đô thống Hồ Oai dẫn 600 quân từ Thanh Hóa vào phối hợp với 500 quân tại chỗ đàn áp cuộc khởi nghĩa.
Khởi nghĩa Giáp Tuất 1874 là cuộc khởi nghĩa mở đầu, có quy mô lớn nhất, biểu hiện sự phản ứng mạnh mẽ của người dân yêu nước Việt Nam nói chung và các văn thân, sĩ phu Nghệ Tĩnh nói riêng trước thái độ đầu hàng và bán nước từng phần cho thực dân Pháp.
Hai năm con chó là hai năm Việt Nam ta mất nước nhưng những lần mất nước đó đã tạo ra hai chiều tâm lý và hành động ngược chiều nhau: Một chiều ngược là từng bước đầu hàng, rồi bán nước và làm tay sai cho giặc. Một chiều thuận theo truyền thống dân, đứng lên đánh Pháp bằng tất cả vũ khí có trong tay (súng, gươm giáo), bằng bút, và bằng phong trào Tỵ địa và chiều thuận đó chảy mãi, chảy mãi, càng chảy càng rộng và càng mạnh để cuối cùng trở thành dòng thác cuốn trôi bè lũ cướp nước và bán nước.
PGS.TS Phạm Xanh
Chú thích.
1.Dẫn theo Đinh Xuân Lâm (chủ biên). Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. NXB Hà Nội, 2010, tr. 229.