Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/02/2018 00:00 2785
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Thái úy Lý Thường Kiệt là một trong những vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử trung đại nước ta. Đã có nhiều công trình nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến sự nghiệp và những đóng góp của ông với triều Lý, đặc biệt là vai trò quan trọng của ông trong chiến công phá Tống - bình Chiêm. Tuy nhiên, khoảng thời gian 19 năm Lý Thường Kiệt trấn trị Thanh Hóa (từ năm 1082 đến năm 1101) cùng với những đóng góp của ông thì gần như không được đề cập.

Thái úy Lí Thường Kiệt là một trong những vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử trung đại nước ta. Đã có nhiều công trình nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến sự nghiệp và những đóng góp của ông với triều Lý, đặc biệt là vai trò quan trọng của ông trong chiến công phá Tống - bình Chiêm. Tuy nhiên, khoảng thời gian 19 năm Lý Thường Kiệt trấn trị Thanh Hóa (từ năm 1082 đến năm 1101) cùng với những đóng góp của ông thì gần như không được đề cập.

Hệ thống văn bia hiện được lưu giữ và bảo tồn đã cung cấp thêm nhiều cứ liệu quan trọng, góp phần làm sáng tỏ hành trạng và những đóng góp của Lý Thường Kiệt trong 19 năm “hành đạo” ở vùng đất Cửu Chân xưa.

Sông Lèn chảy qua trước đền thờ Lý Thường Kiệt (huyện Hà Trung - Thanh Hóa)

Giải quyết tranh chấp về ruộng đất:

Châu thổ sông Mã thời kỳ Đại Việt là vựa lúa thứ hai, sau châu thổ sông Hồng. Đồng bằng do phù sa sông Mã bồi đắp sớm được kiến tạo và khai phá. Ghi chép về Lý Thường Kiệt với nông nghiệp vùng đất Thanh Hóa khá tản mát, vụn vặt song có thể nhận thấy, dưới thời Tổng trấn Lý Thường Kiệt, nông nghiệp và các hoạt động liên quan đến nông nghiệp của người dân luôn nhận được sự quan tâm sát sao. “Thái úy biết dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc cho nên không để lỡ thời vụ” (Văn bia chùa Linh Xứng). Lịch sử Việt Nam dường như mới chỉ đề cao hành động “cày tịch điền” của các hoàng đế (mang tính hình thức, động viên) chứ chưa có những nhìn nhận xứng đáng trong hành động quan tâm tới thời vụ của một vị Tổng trấn. Phải chăng, chính vì biết rõ “dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc” nên dưới sự cai quản của Tổng trấn họ Lý, Thanh Hóa “không bị mất mùa lớn”?

Bia chùa Linh Xứng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (ảnh: BTLSQG)

Ngoài ra, việc ông thân chinh đến giáp Bối Lý xử lý vụ tranh chấp ruộng đất được ghi chép khá đầy đủ trên văn bia chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni:

Năm Tân Mùi (năm 1091), có hai chàng Phó kỳ lang họ Thiều và họ Tô tâu xin lại khoảnh ruộng của tổ tiên họ là quan Bộc xạ. Vua xét lời tâu bèn trả lại, cho thuộc về họ hàng Lê công. Do đó, mùa thu năm ấy, Thái úy Lý công đến tận nơi, cho chuộc ruộng đất, lập bia đá và chia ruộng cho hai giáp. Rồi ông lại tới đầm A Lôi chia một nửa đầm cho giáp Bối Lý, một nửa đầm cho giáp Viên Đàm. Thái úy còn truyền bảo lần nữa cho hai giáp biết, không được lấy một lá lau, một ngọn cỏ ở hai bên bờ đầm. Ngay tại lúc đó lại giao về cho dòng dõi nhà Lê”.

Từ thông tin ở văn bia chùa Hương Nghiêm có thể thấy cách giải quyết tranh chấp (còn dựng bia đá để ghi lại sự việc tránh tranh chấp về sau) của Thái úy rất minh bạch, cụ thể. Sự việc này được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại và gần như là sự kiện duy nhất được chính sử phản ánh về đóng góp của Lý Thường Kiệt trong 19 năm trấn trị ở Thanh Hóa.

Mở mang, phát triển nghề đục đá

Trong gần hai thập kỷ “biệt phái” ở Thanh Hóa, cùng với việc mở mang, phát triển nông nghiệp, Tổng trấn Lý Thường Kiệt còn chú ý đến phát triển nghề thủ công. Vị Thái úy họ Lý không phải “ông tổ” của làng nghề, cũng không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm song ông có vai trò rất lớn đối với quá trình phát triển nghề đục đá của vùng qua việc tìm ra nguồn nguyên liệu ở khu vực núi Nhồi huyện Đông Sơn.

Văn bia chùa Báo Ân, dưới chân núi Nhồi (tên chữ là núi An Hoạch) được tạo dựng trong thời gian Lý Thường Kiệt trấn trị ở trấn Thanh Hóa cho biết: “Ở phía Tây - Nam huyện (Đông Sơn), có một quả núi lớn và cao gọi là núi An Hoạch, sản xuất nhiều đá đẹp, đó là sản vật quý giá của mọi người. Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm; dùng làm bia, văn chương để lại thì còn mãi nghìn đời. Thế là Thái úy Lý công sai một Thị giả là Giáp thủ Vũ Thừa Thao suất lĩnh người hương Cửu-chân, dò núi tìm đá trong mười chín năm”.

Bia chùa Báo Ân tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (ảnh: BTLSQG)

Nghề khai thác, chế tác đá làng Nhồi từ khi ra đời đã được duy trì và phát triển cho đến tận ngày nay. Sản phẩm của những nghệ nhân làng Nhồi đã góp phần tạo nên những di sản văn hóa có giá trị, đóng góp vào lịch sử mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Nhìn lại gần 1.000 năm phát triển nghề đá làng Nhồi mới thấy hết được đóng góp của Lý Thường Kiệt - vị Thái úy với 19 năm trấn trị ở Thanh Hóa chính là người có công mở làng nghề.

Trùng tu cổ tự, trung hưng Phật giáo

Tài liệu về Phật giáo ở Thanh Hóa cho biết: đến những Thế kỷ đầu Thiên niên kỷ thứ nhất, trên đất Thanh Hóa đã hình thành một số ngôi chùa cổ, danh sư Pháp Hiển đã đến thuyết Pháp, một số nhà sư quê xứ Thanh đã đến đất Phật để thỉnh kinh và giảng đạo ở nhiều nơi. Khoảng thế kỷ thứ VII, châu Ái có hai nhà sư nổi tiếng là Trí Hành và Đại Thặng Đăng. Đến thế kỷ X, trước thời điểm Lý Thường Kiệt vâng mệnh vua Lý vào trấn trị Thanh Hóa, vùng đất Ái châu đã có những vị tăng thống nổi tiếng, có những ngôi chùa lớn, đồng thời có người bỏ kinh phí xây dựng các ngôi đại tự.

Mặc dù không phải là bậc “khai giáo” ở vùng đất Ái châu, nhưng Lý Thường Kiệt là người có công lớn trong việc sửa chữa, trùng tu và trực tiếp xây dựng một số ngôi chùa, tháp. Hương Nghiêm và Linh Xứng là hai ngôi chùa cổ đã lưu danh Lý Thường Kiệt trên văn bia

- Chùa Hương Nghiêm được xây dựng từ thời nhà Đinh (không rõ năm nào), văn bia chùa (dựng ngày mùng 4, tháng 12, năm Giáp Thìn, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ năm - năm 1125) cho biết: Quan Bộc xạ Lê Lương là người giàu thịnh “dốc lòng làm việc thiện, tôn sùng tượng giáo, mở mang phong cảnh” đã có công xây dựng chùa Hương Nghiêm.

Đến thời Tiền Lê, “vua Lê Đại Hành đi tuần du đến Giang Ngũ huyện, thấy chùa chiền đã đổ nát, liền cho xây đắp tu bổ lại. Rồi tiếp đến vua Thái Tông nhà Lý đi tuần phương nam, tới Ái châu, ghé thăm cảnh chùa, thấy cột kèo đã gãy hỏng, cũng bỏ sức trùng tu… Đến năm Đinh Mão (1087), chùa Hương Nghiêm lại bị hư hỏng, Lưu công trình đề xuất tu bổ chùa lên Thái úy Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt đã cho sắm sửa gỗ lạt, khởi công sửa chữa.

Chùa Hương Nghiêm đến nay chỉ còn lại dấu tích song tấm bia ghi lại các lần trùng tu, sửa chữa chùa đã được dịch và công bố trong nhiều công trình và có thể xem đấy là bằng chứng khẳng định công lao của Lý Thường Kiệt đối với Phật giáo vùng đất này.

- Cùng với chùa cổ Hương Nghiêm, vai trò của Lý Thường Kiệt với Phật giáo ở châu thổ sông Mã còn được ghi nhận trong việc tìm kiếm địa điểm và tiến hành xây dựng chùa Linh Xứng trên Ngưỡng Sơn. Trên khối bia dựng trước chùa Linh Xứng có ghi: “Chùa Linh Xứng ở núi Ngưỡng Sơn tức là ngôi chùa do Thái úy (Lý Thường Kiệt) xây dựng”. Văn bia chùa Linh Xứng cho biết thêm:

Ngưỡng Sơn (huyện Hà Trung - Thanh Hóa)

Thái úy cùng Trưởng lão ngược dòng lên cửa Phấn Đại, dừng thuyền ở chân núi Long Tỵ. Xem đá trắng mà ngọc châu lấp lánh; dòm thác nguồn mà xiêm áo lung linh. Do đó Thái úy khuyên dựng đoản đình ở ngay chân núi, xây tường lớn ở chân núi cao…

…Rồi đó Thái úy lại dẫn những người tùy tùng, dời thuyền đi về phía Tây, qua dòng sông trong Nam Thạc, đến ấp nổi danh Đại lý. Dạo bước bến đò, đưa mắt xem xét, thấp thoáng thấy ở trong quận, cách quận lỵ độ chừng năm dặm có hòn núi trơ (chơ) vơ gọi là Ngưỡng-sơn... Thái úy lại dẫn bộ thuộc theo lối tắt trèo lên, chỉ thấy cây cổ rợp trời, ráng mây vương vất... Thái úy bèn bảo rằng: Cái mà kẻ trí người nhân ưa thích là núi, là sông; cái mà thế đại lưu truyền là danh, là đạo. Nếu mở núi mà làm cho “đạo” và “danh” rạng rỡ thì không đáng quý hay sao?”

Sau khi tìm được vị trí đắc địa, Lý Thường Kiệt đã tiến hành tạo dựng: “Thế là phát cỏ rậm, bạt đá to, thày bói nhằm phương, thợ hay dâng kiểu; quan thuộc góp tiền, sĩ dân đổ tới, kém sức thì bào, thì gọt; sành nghề thì dựng, thì xây”.

Theo mô tả của văn bia thì chùa Linh Xứng là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở trấn Thanh Hóa lúc bấy giờ, là một “vương xá lớn”: “Chùa Phật thênh thang ở giữa; phòng chay rộng rãi hai bên. Trang nghiêm chính giữa thì Ngũ trí Như lai sắc vàng rực rỡ, ngồi trên tòa sen trồi lên mặt nước… Phía sau xây ngôi tháp báu gọi là tháp Chiêu-ân, chín tầng chót vót, giăng mắc rèm the, cửa mở bốn bên, bao quang con tiện. Gió rung chuông bạc, hòa nhịp chim rừng. Tháp báu nắng soi, long lanh vàng diệp. Ngày khánh thành, Phật tử muôn phương kéo đến đông như trẩy hội: “Cửa ngoài mở hội Thái hòa triệt bỏ những đồ vật quí, Sửa soạn tiệc chay, tuyên đọc lời kinh Vô thường thức tỉnh chúng sinh”.

Một ngôi chùa khác cũng gắn với tên tuổi và công lao “trùng hưng Phật giáo” của Lý Thường Kiệt là chùa Thánh Ân, trong đặt Phật vàng và các vị bồ tát hai bên. Theo văn bia chùa Linh Xứng thì: “Tín nữ Diệu Tinh, cháu gọi Thái úy bằng cậu, là người dung mạo xinh tươi, tư chất hiền thục... Đầu niên hiệu Thần Vũ, vâng chiếu nhà vua, rút họ tên ra khỏi công điền, rồi mở trang viên ở đấy mà trụ trì. Thế là bà nhằm phía Đông núi, dựng riêng một ngôi chùa, gọi là chùa Thánh Ân, trong đặt phật vàng và các vị bồ tát ở hai bên, trải qua bốn năm, công việc mới hoàn thành”.

Do biến thiên của lịch sử, khí hậu nhiệt đới của vùng và hệ quả của chiến tranh, từ gần một thế kỷ nay, không gian kiến trúc của chùa Linh Xứng không còn. Di vật duy nhất được bảo tồn là tấm bia dựng cạnh chùa mà căn cứ vào nội dung truyền tải của người đương thời, có thể khẳng định: đây là ngôi chùa có quy mô lớn, có thể xếp vào loại hàng đầu trong hệ thống các ngôi đại tự ở châu thổ sông Mã.

Đền thờ Lý Thường Kiệt (huyện Hà Trung - Thanh Hóa)

Như vậy có thể thấy, trong 19 năm giữ cương vị Tổng trấn Thanh Hóa, Thái úy Lý Thường Kiệt đã có những đóng góp nhất định trên nhiều lĩnh vực. Không chỉ quan niệm: “dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc”, “dĩ nông vi bản”, Lý Thường Kiệt còn đốc suất thuộc hạ tìm ra nguồn đá quý ở núi Nhồi, tạo điều kiện phát triển nghề đá thủ công ở Thanh Hóa. Trong bối cảnh Phật giáo là quốc giáo, Lý Thường Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo tu sửa và xây dựng một số chùa, tháp ở Ái châu. Trong quãng thời gian trấn trị của Lý Thường Kiệt, phật giáo Thanh Hóa rất phát triển, góp phần vào sự hưng thịnh của Phật giáo dân tộc./.

PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ

Tài liệu tham khảo, trích dẫn:

1.Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa (1994), Lịch sử Thanh Hóa, tập 1 - 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2.Nguyễn Thị Phương Chi (2010), “Tình hình ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lý”, trong Vương Triều Lý (1009 - 1226), Nxb Hà Nội

3.Phạm Văn Đấu (1999), “Nguồn đá quý và nghề đục đá truyền thống ở xứ Thanh”, tạp chí Công Nghiệp, số 4, tháng 2, Thanh Hóa.

4.Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa (2009), Chùa cổ xứ Thanh, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.

5.Phạm Hoàng Mạnh Hà - viết chung (2010), “Điêu khắc đá thời Lý qua nghệ thuật chạm khắc đá ở Thanh Hóa”, Hội thảo Mỹ thuật Lý & Mối quan hệ nghiên cứu đa - liên ngành, Ban Mỹ thuật Cổ - Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

6.Hoàng Xuân Hãn (2003), Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và Tông giáo triều Lý, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

7.Vũ Tuấn Sán (2010), “Góp thêm tài liệu về định đô Thăng Long và gốc tích Lý Thường Kiệt”, trong cuốn Vương Triều Lý (1009 - 1226), Nxb Hà Nội.

8.Lê Tạo - Nguyễn Văn Hải (2008), Những bia Ký điển hình ở Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.

9.Đinh Khắc Thuân (2011), “Văn bia Thanh Hóa với địa danh Thanh Hóa”, Kỷ yếu Hội Thảo khoa học Thanh Hóa đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương khởi đầu và tiếp diễn”, Thanh Hóa.

10.Ủy ban Khoa học xã hội, Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý - Trần, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người “đi xa” (Phần 2 và hết)

  • 12/07/2019 08:46
  • 6407

Nền độc lập dân tộc tồn tại không được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng nổ súng đánh chiếm Nam Bộ sau đó mở rộng ra cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Bài viết khác

Chùa Hoè Nhai và địa danh Đông Bộ Đầu - nơi ghi dấu một chiến công lẫy lừng của quân dân nhà Trần

Chùa Hoè Nhai và địa danh Đông Bộ Đầu - nơi ghi dấu một chiến công lẫy lừng của quân dân nhà Trần

  • 06/02/2018 04:10
  • 2119

Chùa Hòe Nhai ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Từ thời Lý, chùa có tên là Hồng Phúc Tự. Thời ấy, chùa nằm ven bờ sông Hồng, quang cảnh tấp nập đông vui với ngã ba sông Hồng - sông Tô Lịch ở Giang Khẩu, sát chợ Gạo; rồi đến bến Đông Bộ Đầu trên sông Hồng. Thế kỷ XVIII, năm Chính Hoà thứ 4 (1703), chùa Hồng Phúc được trùng tu lại với quy mô lớn và Tiến sĩ Hà Tông Mục ở phủ Phụng Thiên đã soạn văn bia, trong đó có ghi địa danh Đông Bộ Đầu, liên quan đến chiến công lẫy lừng của quân dân Đại Việt thời Trần năm 1258.